Đà Nẵng cuối tuần

Mùa tựu trường yêu dấu

14:42, 17/09/2022 (GMT+7)

Tụi nhỏ trong xóm núi đang rượt nhau dưới những tán cây tràm, chợt có tiếng ai đó từ dưới đồng nói vọng lên:

- Sắp tựu trường rồi mà không đứa nào lo ôn bài, tối ngày chạy nhảy thế à?

Cả lũ khựng lại, ngơ ngác hỏi nhau:

- Còn bao nhiêu ngày nữa thì khai giảng nhỉ?

- Một tuần.

Một tuần ư? Tụi nhỏ lẩm bẩm trong đầu khi nghĩ đến đôi giày thể dục, chiếc ba lô chưa giặt. Cái áo đồng phục bị mắc đinh rách chưa nhờ mẹ khâu. Mấy bài tập toán hôm kết thúc học thêm hè cô giáo giao quên chưa làm nốt. Thằng Gạo buột miệng kêu:

- Thôi chết! Em quên mất bảng cửu chương rồi. Bảy nhân bốn… bảy nhân bốn bằng bao nhiêu ấy nhỉ?

- Bằng “hai tám”, có thế cũng quên.

Cả lũ thi nhau dúi đầu Gạo rồi chạy vụt đi, bỏ lại thằng bé đứng lơ ngơ dưới tán cây tràm. “Bảy nhân năm… Bảy nhân năm bằng ba mươi nhăm”. Vài chú chim trên tán cây ngó nghiêng, ríu rít. “Có khi chúng cũng đang đọc bảng cửu chương”, Gạo bật cười với ý nghĩ của mình trước khi chạy đi tìm lũ bạn. Một lúc sau, tụi Gạo đã ngồi trên đỉnh đồi bạch đàn ngắm cánh đồng trước mặt. Những cánh cò trắng bay chấp chới trên bầu trời, rồi sà xuống ẩn mình trong ruộng lúa xanh non. Liên chống tay ra phía sau ngồi ngửa cổ nhìn trời, buột miệng hỏi:

- Không biết năm nay ai chủ nhiệm lớp mình Kéo nhỉ?

- Tớ vẫn thích cô Hồng chủ nhiệm.

- Vì vườn nhà cô có nhiều hoa quả đúng không?

- Vì cô rất dịu dàng. Cô chưa từng bao giờ to tiếng với bất cứ học sinh nào. Hồi mới vào lớp một, những ngày mẹ tan ca đón muộn, cô vẫn thường ngồi lại với tớ trên ghế đá sân trường. Có những hôm trời mưa tầm tã, cả sân trường vắng tanh. Chỉ còn hai cô trò và bác bảo vệ già. Hôm ấy, mẹ tớ đang đi làm thì chuyển dạ, vào viện sinh em bé. Bố cũng từ chỗ làm vào viện mãi mới nhớ gọi điện nhờ cô đón tớ về.

Trời mưa mãi không ngớt. Mùi xào nấu thức ăn từ nhà dân bay vào thơm nức, bụng tớ đói cồn cào sôi ùng ục. Cô lấy từ trong cặp thanh lương khô nhỏ đưa cho tớ. Tớ vừa ăn, vừa khóc.

- Tại sao cậu lại khóc?

- Tớ cũng không biết nữa. Có lẽ vì tủi thân. Cũng có thể vì xúc động. Chiều hôm đó, ngồi sau xe cô giáo, tớ chợt nghĩ đến những lần mình lười học và không biết nghe lời. Tự nhiên thấy thương cô. Cơm nhà cô rất ngon. Hay là tại ăn chực thì bao giờ cũng thấy ngon các cậu nhỉ?

- Thế hôm đấy mấy giờ bố cậu mới đến đón?

- Tớ cũng không nhớ nữa. Lúc ấy đã muộn rồi. Tớ nằm ngủ quên trong lòng cô cho đến lúc tỉnh dậy đã thấy bố và bà nội tới.

- Em thì muốn được thầy giáo chủ nhiệm. Thầy có nhiều trò vui hơn cô. Thỉnh thoảng có thể rủ thầy chơi đá bóng.  Mà sao chưa gì đã hết hè rồi nhỉ? Em còn chưa kịp chơi thỏa thích mà? - Sáng ngước đôi mắt tròn xoe nhìn các anh thắc mắc.

Lúc ấy, thằng Sáo đang nằm dưới cỏ, hai bàn tay đan vào nhau, gối đầu lên. Sáo nhìn những chiếc lá bạch đàn xô dạt vào nhau trong cơn gió, thở dài bảo:

- Mẹ tớ hẹn mùa hè này sẽ về. Giờ đã sang thu rồi mà mẹ vẫn chưa về?

- Mẹ cậu đi được mấy năm rồi?

- Bảy năm. Từ khi tớ vừa tròn một tuổi.

- Một tuổi thì làm gì có ký ức đúng không?

- Đứa trẻ nào cũng nhớ mẹ ngay cả khi không có ký ức gì. Nếu cậu phải xa mẹ, cậu sẽ biết.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Không khí bỗng trở nên im lặng, chẳng ai nói với ai thêm điều gì. Những đôi mắt trong trẻo, thơ ngây nằm ngó mây mùa thu trôi qua cánh rừng trung du heo may gió. Những đứa trẻ năm nay đã khác những đứa trẻ của mùa thu năm ngoái. Trên cây bạch đàn, những vết khắc đo chiều cao ngày một cao hơn. Chiếc quần mẹ may trong mùa tựu trường năm ngoái cũng đã ngắn hơn. Trong đầu óc tụi trẻ, những suy nghĩ cũng đã rong ruổi đến chân trời xa lắm. Bảng cửu chương đã không còn trong đầu óc Gạo nữa. Thằng nhỏ đang nghĩ đến ngày tựu trường được gặp bạn Thỏ xinh. Nhà bạn nằm bên sườn đồi xóm bên, nhưng suốt cả mùa hè bạn về thành phố ở cùng với bố. Bố mẹ Thỏ ly hôn, thường ngày bạn sống cùng mẹ và bà ngoại. Thỏ có đôi má phúng phính, mắt thường đượm buồn, thỉnh thoảng dúi vào tay Gạo nắm lạc rang vẫn còn nóng hổi. Thỏ còn hứa sau ngày tựu trường năm nay sẽ mời Gạo về nhà ăn món xôi xắn gạo nếp do bà ngoại làm. Gạo không biết Thỏ về thành phố có nhớ gì xóm núi này không, chứ Gạo luôn nhớ cô bạn nhỏ của mình mỗi khi nghe thấy tiếng còi tàu hỏa hú lúc sắp dừng ở sân ga. Sân ga cách nhà Gạo cả một cánh đồng xa, nhưng tiếng còi tàu thì vang vọng lắm. Có đêm nghe còi tàu kêu, Gạo tỉnh giấc, lòng tự hỏi không biết giờ này ở phố Thỏ có vui không?

Sáo thì miên man nghĩ đến nước Nhật xa xôi, nơi có hoa anh đào đẹp mê hồn, có núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trắng, có món sushi trứng cá hồi đẹp như những viên ngọc màu đỏ cam, nhìn thôi đã thấy ngon.

Có đêm Sáo mơ thấy mình nhai những viên ngọc ấy, nghe chúng nổ lách tách rồi tan ra trong miệng. Mẹ nói chừng nào về nước sẽ dẫn Sáo đi nhà hàng lớn thử tất cả những món sushi. Mẹ sẽ mang kẹo Nhật về cho Sáo chia cho tất cả bạn bè, sẽ mua cho Sáo bộ lego xếp hình 1.000 chi tiết. Ngày còn nhỏ, mỗi lần Sáo khóc, bà hay dỗ: “Ngoan! Mấy hôm nữa mẹ về”.

Sau này, Sáo lớn hơn, bà lại bảo: “Ngoan! Năm sau mẹ về”. Cũng có khi đang ngồi ăn cơm, nhìn hoàng hôn buông đỏ thẫm những chân đồi, bà tính: “Mấy năm nữa mẹ cháu về, đồi bạch đàn đã to lắm rồi. Lúc ấy bán cũng được món tiền lớn, bà sẽ xây nhà. Bà già rồi ở sao cũng được. Nhưng xây nhà mới để sau này Sáo còn lấy vợ”. Sáo còn bé mà. Sáo còn lâu mới lấy vợ. Lâu như cái hẹn cứ khất lần khất nữa của mẹ vậy. Những cuộc gọi video đâu thể giúp Sáo có được cảm giác dụi đầu vào lòng mẹ. Đâu thể ngửi được mùi hương tóc mẹ. Những lúc ốm đau cũng không có bàn tay mẹ vỗ về. Sáo từng hỏi bà:

- Sao lúc ấy con còn bé thế mà mẹ bỏ đi xa?

- Vì nghèo quá con à. Không đi lấy gì mà trang trải nợ nần, nuôi con ăn học. Quê mình đất cằn sỏi đá, mùa què mùa cụt. Vay vốn trồng rừng thì rừng chưa kịp lớn. Khu công nghiệp thì không có. Con thấy đấy, làng mình biết bao người phải bỏ xứ đi làm ăn nơi đất khách quê người. Đâu phải mình mẹ con.

Bà thở dài xoa đầu thằng cháu bé nhỏ đáng thương. Mắt bà giờ đã kém hơn xưa, chữ Sáo viết có khi bà không nhìn rõ nữa. Nhưng mỗi tối khi Sáo ngồi học bài bà đều ngồi cạnh bên tẽ ngô, bóc lạc. Có lần bà hỏi Sáo:

- Sau này con muốn làm gì?

- Con muốn trở thành ông chủ một nhà máy chuyên sản xuất đồ gỗ, giống trong một bộ phim mà con đã từng xem. Quê mình trồng rừng, con sẽ thu mua gỗ của tất cả mọi người trong vùng để làm bàn ghế, giường tủ, thậm chí cả đồ chơi bằng gỗ cho trẻ con, bà ạ.

Bà xoa đầu Sáo cười bảo:

- Nhưng tại sao con lại muốn trở thành ông chủ nhà máy gỗ chứ không phải làm công an, bác sĩ?

- Những nghề ấy các bạn con tranh nhau làm hết rồi. Con muốn làm gì đó để quê mình giàu lên. Mọi người sẽ tích cực trồng rừng. Lứa gỗ này chặt đi lại trồng bù những đợt cây non mới. Mọi người sẽ không còn phải bỏ quê đi làm ăn xa như mẹ con nữa.

Nhìn đôi mắt buồn buồn của Sáo, bà ôm đứa cháu nhỏ vào lòng. Giấc mơ của Sáo lẫn trong màu xanh của những cánh rừng, lẫn trong những gian khó, nhọc nhằn của người dân quê quanh năm lam lũ.

- Con phải cố gắng học thật giỏi vào nhé. Cứ thật nỗ lực thì mọi ước mơ đều sẽ thành hiện thực.

Sáo khẽ gật đầu, nhìn những sợi tóc trắng trên đầu bà phất phơ trước gió, thằng nhỏ càng mong mẹ sớm về. Mùa tựu trường đã đến rồi. Chiếc áo mẹ gửi từ Nhật về rộng quá, bà nói mang đi sửa nhưng Sáo bảo: “Rồi con sẽ lớn nhanh sẽ mặc vừa bà ạ”. Sáo vẫn muốn mặc nó trong ngày khai giảng. Chiếc áo như vẫn còn hơi ấm từ bàn tay của mẹ dẫu nó đã đi qua mấy ngàn cây số.

Trong một ngôi nhà khác, thằng Gạo vẫn đang nhẩm lại bảng cửu chương. “Sáu nhân ba bằng mười tám. Sáu nhân bốn bằng hai tư. Sáu nhân năm bằng… Ôi con đói quá! Mẹ nấu gì thơm thế mẹ ơi?”. Buổi sáng khai giảng, thằng nhỏ được mẹ chiêu đãi món bánh hành thơm nức mũi. Nó xin thêm mấy cái bánh nhỏ xinh mang đi chia cho tụi bạn trong xóm nhỏ. Còn một cái gói trong lá chuối còn nóng hổi nó để dành cho bạn Thỏ. Đường đến trường xa, bé Liên giục: “Nhanh chân lên các cậu. Tớ muốn gặp lại thầy cô và các bạn quá chừng”. Những bước chân háo hức đạp xe trôi trên con đường làng. Những chú chim hình như cũng bay theo hót líu lo chào đón những cô cậu học trò bước vào năm học mới. Liên thấy những con chữ trong trang sách cũng đang nhảy múa trên lưng mình. Tiếng của e ke, thước kẻ, bút chì reo vang trong chiếc ba lô mới. Đường tới trường đẹp quá. Lúa xanh non trên những cánh đồng rì rào gọi gió. Ẩn mình đâu đó trong cánh rừng xanh thẳm là những cây dẻ, hoa chín vàng tỏa hương thơm dịu nhẹ lẫn trong từng sợi tóc, trong thớ vải của chiếc áo mới tinh lũ nhỏ mặc tới trường. Và cứ thế từ nhiều cánh cổng nhà, những đứa trẻ xinh xắn tỏa ra hướng về ngôi trường nhỏ. Ở đó có thầy cô đợi sẵn. Có ngôi trường đã kịp thay một lớp sơn tươi mới để đón đợi học trò. Trong vườn trường, những cây hoa tự tay các em trồng trong năm học cũ đã kịp đơm bông, nở bừng cả một góc sân rộng rãi.

Trống trường được khoác lên lớp giấy màu đỏ chói. Chỉ chờ đến đúng giờ khai giảng, cô hiệu trưởng mặc áo dài thướt tha gióng từng hồi trống dài vừa khoan thai vừa dứt khoát. Lớp giấy đỏ bọc trống bung ra, rộn ràng niềm vui trong những lồng ngực nhỏ. Tiếng trống như lan tỏa qua dải đồi xanh ngát và cánh đồng xa thẳm để đến những ngôi nhà trong từng xóm nhỏ. Rồi tiếng trống bỗng nhiên giục giã và gấp gáp như báo hiệu cho những cô cậu học trò đang la cà, hái hoa bắt bướm hãy nhanh chân đến lớp. Tiếng trống vẫn còn ngân vang vào tận trong giấc mơ của tụi nhỏ sau một ngày dài. Trong giấc mơ ấy thằng Gạo thấy mình đã thuộc bảng cửu chương, thấy bé Thỏ ăn ngon lành chiếc bánh hành thơm nức. Bé Kéo thấy mình đang ngồi trong lớp say mê nghe cô Hồng giảng bài. Thằng Sáo vỡ òa khi thấy mẹ trở về nhà lúc trời nhập nhoạng. Tóc mẹ thơm, lòng mẹ ấm, bàn tay mẹ quá đỗi dịu dàng. Trong chiếc vali màu đỏ chói mẹ mang về, chao ôi toàn là kẹo và thuốc bổ của bà. Những viên kẹo đủ các sắc màu reo vui trong bàn tay lũ nhỏ…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

.