Đà Nẵng cuối tuần
Phòng, chống xâm hại trẻ trên môi trường mạng
Để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại từ môi trường mạng, một số trường học, ngành chức năng trên địa bàn thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn học sinh các kỹ năng phòng tránh.
Thạc sĩ Trương Tiến Đạt, giảng viên Học viện UNESCO hướng dẫn học sinh Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu) kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ trên môi trường mạng vào tháng 9-2022. Ảnh: H.L |
Tạo “vùng an toàn” cho trẻ
Từ năm học 2022-2023, để tiện liên lạc, đưa đón ở trường, chị Nguyễn Thị Phương (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) mua cho con chiếc điện thoại thông minh. Từ đó, chị để ý thấy con thường xuyên sử dụng điện thoại, các tài khoản Zalo, Facebook luôn trong tình trạng “đang hoạt động” hoặc “vừa truy cập”. Khi chị gạ hỏi, con trả lời mình vào mạng để trao đổi thông tin bài vở với các bạn. Tuy nhiên, một lần kiểm tra máy con, lịch sử truy cập còn lưu lại những kênh YouTube có nội dung nhạy cảm, độc hại khiến chị phát hoảng. “Tôi biết con học cấp 2 đã đủ lớn để tìm hiểu các vấn đề tâm sinh lý con người. Tuy nhiên, mạng xã hội hiện nay có quá nhiều clip mang nội dung nhạy cảm, độc hại khiến tôi cảm thấy lo lắng”, chị Phương bày tỏ.
Được bạn bè tư vấn, chị Phương lên mạng tìm giải pháp bảo vệ con bằng trí tuệ nhân tạo. Trong đó, chị đặc biệt quan tâm đến ứng dụng CyberPurify (ứng dụng AI giúp bảo vệ trẻ em trên internet - PV) bởi có nhiều tính năng ưu việt. Ứng dụng có khả năng nhận dạng và ngăn chặn hiển thị 15 nội dung độc hại đối với trẻ em, bao gồm hình ảnh khiêu dâm, ma túy, bạo lực đẫm máu, tai nạn, ngược đãi động vật… Ứng dụng được cung cấp dưới dạng extension/add-on, có thể sử dụng trên trình duyệt Microsoft Edge, Google Chrome, Firefox và Safari. Để sử dụng, phụ huynh chỉ cần cài đặt phần mềm trên máy của con mình, CyberPurify sẽ tự động phân tích nội dung trẻ tìm kiếm, che mờ nếu phát hiện chúng độc hại, không phù hợp với lứa tuổi. Chị Phương chia sẻ: “Tôi cài đặt CyberPurify khoảng 1 tháng nay và thấy khá hiệu quả. Ví dụ, khi con tìm hiểu các thông tin ma túy, khiêu dâm, game hoặc tìm cách gỡ bỏ ứng dụng, ngay lập tức CyberPurify gửi cảnh báo về cho phụ huynh, thông qua số điện thoại hoặc địa chỉ email đã cung cấp trước đó”.
Thường xuyên chia sẻ trước học sinh kiến thức liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ, Thạc sĩ Trương Tiến Đạt - giảng viên Học viện UNESCO - cho rằng bố mẹ và thầy, cô giáo phải hiểu rõ nguy cơ trẻ bị xâm hại, bắt nạt hoặc bị lôi kéo trên môi trường mạng mới có thể chủ động ứng phó, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phù hợp. Thạc sĩ Đạt tư vấn, bên cạnh việc hướng dẫn con không cung cấp quá nhiều thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội, cha mẹ giám sát thời gian sử dụng internet, lịch sử truy cập của con một cách lịch sự, tâm lý tránh tạo ức chế, chống đối ở trẻ.
Tăng cường biện pháp bảo vệ
Để chủ động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, từ năm 2018, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam triển khai dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” tại 12 trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Học sinh tham gia dự án được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng; trong khi đó, người thường xuyên tiếp xúc với trẻ như cha mẹ, thầy cô, cán bộ công tác xã hội được hướng dẫn cách đặt câu hỏi, xử lý tình huống im lặng cũng như nhận diện những vấn đề học sinh gặp phải. Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định dự án đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ. Thông qua giờ học ngoại khóa, học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại, đặc biệt trên môi trường internet.
Cùng với đó, nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ trong thời đại 4.0, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tiếp tục khởi động dự án “Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu” (gọi tắt là dự án ACE). Theo đó, dự án ACE sẽ được triển khai tại các quận: Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà, từ năm 2022 và kéo dài đến hết tháng 9-2024. Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê, Đà Nẵng có khoảng 10.600 trẻ em có nguy cơ tham gia lao động (gồm trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa…). Do vậy, dự án ACE triển khai sẽ giúp ngành chức năng kịp thời phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ có nguy cơ bị bóc lột sức lao động, nhất là dưới hình thức bóc lột tình dục trẻ trên môi trường mạng; đồng thời, tăng cường các mối quan hệ đối tác giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
HUỲNH LÊ