Đà Nẵng cuối tuần

CHUYỂN ĐỘNG XUẤT BẢN

Nuôi dưỡng văn hóa đọc: Nhìn từ các phương thức phát hành sách, báo hiện nay

13:51, 09/10/2022 (GMT+7)

Trước đây văn hóa đọc chỉ gắn liền với những cuốn sách in hoặc những tờ báo giấy, cả văn hóa nghe - đọc kiểu “đọc truyện đêm khuya” trên sóng phát thanh cũng vậy - có điều trong văn hóa đọc thì ai đọc nấy cầm sách báo trên tay, còn trong văn hóa nghe - đọc thì phát thanh viên với giọng đọc hấp dẫn và truyền cảm giữa cái yên ắng của ban đêm là người duy nhất cầm cuốn sách in hoặc tờ báo giấy để đọc cho đông đảo thính giả cùng nghe.

Có được ngày càng nhiều sách báo mang lại cho người đọc các giá trị về chân - thiện - mỹ mới là mục tiêu cốt lõi của việc nuôi dưỡng văn hóa đọc, bất kể sách báo ấy được phát hành theo phương thức nào. (Ảnh chụp tại Nhà sách Fahasa, tháng 9-2022) Ảnh: T.Y
Có được ngày càng nhiều sách báo mang lại cho người đọc các giá trị về chân - thiện - mỹ mới là mục tiêu cốt lõi của việc nuôi dưỡng văn hóa đọc, bất kể sách báo ấy được phát hành theo phương thức nào. (Ảnh chụp tại Nhà sách Fahasa, tháng 9-2022) Ảnh: T.Y

Ngày nay phương thức phát hành sách in hoặc báo in vẫn tiếp tục đồng hành lâu dài với con người đương đại, bất chấp nhiều cảnh báo cho rằng sách in sẽ… “tuyệt chủng”, báo giấy sẽ không còn… ai nhớ, hệt như con người vẫn cứ đi bộ trên đôi chân của mình khi đã cưỡi ngựa, cưỡi voi, cưỡi lạc đà và cả khi đã chế tạo ra đủ loại tàu xe có khả năng lao về trước mỗi giờ hằng trăm cây số, nhưng chắc văn hóa đọc gắn liền với phương thức phát hành sách truyền thống này nhìn chung khó có thể độc quyền “một mình một cõi” trong vương quốc của văn hóa đọc như trước.

Phương thức phát hành sách in hoặc báo giấy nhìn chung khó có thể độc quyền “một mình một cõi” như trước bởi giờ đây con người đã có một phương thức phát hành sách báo hiện đại hơn, gắn với thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là phương thức phát hành sách điện tử hoặc báo điện tử với rất nhiều ưu thế mà những cuốn sách in hoặc những tờ báo giấy không có - ưu thế đến mức có thể giúp độc giả đọc sách, đọc báo ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào, chỉ cần cầm trên tay một máy đọc sách như Kindle, Kobo Aura, Barnes & Noble hay một máy tính bảng, hay thậm chí một chiếc điện thoại thông minh...

Sở dĩ nói “nhìn chung” bởi sách điện tử hoặc báo điện tử dẫu ưu việt đến mấy thì vẫn phải phụ thuộc vào nguồn điện - máy đọc sách, máy tính bảng, điện thoại thông minh… hết pin mà không có nguồn điện để sạc thì sách điện tử hoặc báo điện tử cũng đành… thọ tử, và lúc đó không chừng những cuốn sách in hoặc những tờ báo giấy lại có cơ hội độc chiếm… ngai vàng trong “vương quốc” của văn hóa đọc!

Thực ra tình huống “một mình một cõi” như vừa nêu của sách in hoặc báo giấy cũng rất hãn hữu, nói ra cho tận cùng kỳ lý vậy thôi, chứ hai năm rõ mười là phương thức phát hành sách điện tử hoặc báo điện tử đang chiếm thế thượng phong trong văn hóa đọc hiện nay và giờ đây văn hóa đọc của con người đương đại cùng lúc phải gắn liền với cả hai phương thức phát hành sách báo. Tuy nhiên phát hành sách báo không chỉ quan trọng ở phương thức đưa sách báo đến độc giả mà còn và quan trọng hơn là ở nội dung của mỗi cuốn sách hay tờ báo, ở các giá trị về học thuật và thẩm mỹ mà sách báo có thể mang lại cho từng người đọc và đây mới chính sứ mệnh đích thực của văn hóa đọc và cả văn hóa nghe - đọc.

Chọn phương thức phát hành nào là do tư duy kinh doanh của mỗi nhà xuất bản hay mỗi tòa soạn báo, chọn sách báo in hay sách báo điện tử là do nhu cầu về tiện ích và điều kiện tiếp cận của từng độc giả, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là những cuốn sách, những bài báo mang lại cho người đọc các giá trị về chân - thiện - mỹ.

Có thể nói có được ngày càng nhiều sách báo mang lại cho người đọc các giá trị về chân - thiện - mỹ mới là mục tiêu cốt lõi của việc nuôi dưỡng văn hóa đọc, bất kể sách báo ấy được phát hành theo phương thức nào và đó chính là lý do khiến những cuốn sách in hoặc những tờ báo giấy vẫn… sống. Đúng là báo giấy gặp khó khăn khi phải đương đầu với báo điện tử, đặc biệt là ở khía cạnh nóng hổi - người đọc được thông tin kịp thời qua những bài báo mới cũng như được tra cứu kịp thời từ những bài báo cũ; thế nhưng nếu biết cách khai thác một số khác biệt mà báo giấy có lợi thế hơn hẳn báo điện tử, báo giấy vẫn có thể khiến báo điện tử phải ngả mũ chào thua, chẳng hạn một số tờ báo giấy như tạp chí Mỹ The New Yorker (Người New York) hay tạp chí Anh Economist (Kinh tế)… hiện vẫn phát triển tốt vì đã kịp thời đổi mới cách nghĩ cách làm để tập trung đầu tư cho các bài báo dài hơi, với dung lượng lớn tới hàng nghìn từ, đào sâu xuống dưới bề mặt của dòng tin thời sự đương chảy - vốn không còn là điểm mạnh của báo giấy...

Nhìn từ các phương thức phát hành sách báo hiện nay, việc nuôi dưỡng văn hóa đọc còn phải hướng tới việc kích hoạt lòng đam mê đọc sách. Nhu cầu về tiện ích và điều kiện tiếp cận của từng độc giả có thể được đáp ứng tốt hơn ở phương thức phát hành sách báo điện tử, nhưng điều đó cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu người thụ hưởng các tiện ích và điều kiện tiếp cận sách báo thiếu đi lòng đam mê đọc sách. Ngược lại nếu có lòng đam mê đọc sách và nhất là khi được kích hoạt bằng sách báo hàm chứa các giá trị về chân - thiện - mỹ, người đọc sẽ tận dụng cả hai phương thức phát hành sách báo để thăng hoa trong “vương quốc” của văn hóa đọc.

Muốn kích hoạt hiệu quả lòng đam mê đọc sách, cần phải bắt đầu sớm từ các tủ sách gia đình - đi liền với đó là từ những bậc phụ huynh đam mê đọc sách, từ các thư viện trường học, các hoạt động văn hóa đọc trong nhà trường như thuyết trình văn học, bình giảng văn chương và nhất là từ các cô giáo, thầy giáo xem đọc sách như phương tiện sư phạm để tác nghiệp hành nghề...

Nhìn từ các phương thức phát hành sách báo hiện nay, việc nuôi dưỡng văn hóa đọc cũng như việc kích hoạt lòng đam mê đọc sách cần chú ý cả hai loại sách học và sách đọc. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhu cầu được tiếp cận tri thức mới qua sách báo ngày càng lớn, do vậy cũng có thể nói ở phương thức phát hành nào thì sách học cũng đều chiếm ưu thế.

Thế nhưng văn hóa đọc mà chỉ dừng trong phạm vi sách học chỉ có thể giúp độc giả nâng cao chỉ số thông minh/intelligence quotient (gọi tắt là IQ), chứ chưa thể giúp độc giả nâng cao chỉ số cảm xúc/ emotional quotient (gọi tắt là EQ) vốn được xem là thế mạnh của sách đọc - nhất là của sáng tác văn chương nghệ thuật. Người sáng tác văn chương nghệ thuật rất cần chỉ số cảm xúc vượt trội để thông qua ngôn ngữ của từng loại hình nghệ thuật mà kích hoạt, khơi gợi chỉ số cảm xúc của độc giả hay khán giả... Và không hiếm trường hợp có sự đồng điệu về cảm xúc nghệ thuật giữa người sáng tác văn chương nghệ thuật với độc giả hay khán giả và người ta gọi đó là tri âm, là đồng sáng tạo!

BÙI VĂN TIẾNG

.