Đà Nẵng cuối tuần
Một thời làm... mọt sách
Thời đó mỗi khi trong túi rủng rẻng xu là tôi đạp xe dạo một vòng quanh các nhà sách ở Đà Nẵng. Mãi về sau mới biết đến câu thơ nâng sách lên trên giá trị kim tiền của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784): Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho.
Nhiều người trẻ tuổi một thời xem sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ảnh: V.T.L |
Bắt đầu năm Đệ Thất (lớp 6 ngày nay), tôi vừa đi học vừa nhận dạy kèm cho lũ trẻ trong xóm từ lớp Vỡ lòng đến lớp Nhất (lớp 5 ngày nay). Tiền ăn học đã có ba mẹ lo, nhận được bao nhiêu tiền từ các phụ huynh nghèo, tôi chỉ biết “tiêu pha” vào việc mua sách.
Người xưa, sách cũ
Thực ra, mê sách là tôi thừa hưởng từ ba, chứ cậu bé 12-13 tuổi mải chơi như tôi thì khó mà lấy sách làm bạn. Ba tôi nghiêng về sách Á Đông, có lần ông mang về bộ Chu Dịch, như bao quyển sách khác, tôi chúi đầu đọc suốt một ngày nhưng chẳng hiểu mô tê gì, chỉ thấy những hào, quẻ, Lưỡng nghi, Tứ tượng,... quay như chong chóng trong đầu. Lúc đầu tôi chọn mua các tác phẩm thuộc tủ sách Tuổi Hoa của nhà xuất bản cùng tên, hợp với lứa tuổi của mình. Lớn lên chút, đâm ghiền tủ sách Tự Lực Văn Đoàn của những nhà văn tên tuổi (mà mãi về sau tôi mới biết họ được gọi là “văn thi sĩ tiền chiến”). Sau đó mon men đến loại sách triết “khó nuốt” của các tác giả Phạm Công Thiện, Jean Paul Sartre,…
Ngày đó các nhà sách tiếng tăm ở Đà Nẵng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu dạo một vòng bằng xe đạp thì cao tay lắm cũng chỉ già một buổi. Gần chợ Cồn có bến xe cùng tên, nơi có 4 địa chỉ được nhiều người nhắc đến: Bánh mì ông Tý, tiệm cà phê Xướng, phở bò viên Thái Ngư và nhà sách Văn hóa. Cái hấp lực khiến tôi “mê mẩn” nơi này không phải các món ẩm thực mà là... một nhà sách. Đó là nhà sách Văn hóa nằm đối diện cổng vào chợ Cồn qua đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm).
Có lần tôi đang say sưa đọc tập Ca khúc da vàng trong nhà sách nhất nhì Đà Nẵng lúc bấy giờ thì bất ngờ mấy viên cảnh sát chế độ Sài Gòn ập vào làm biên bản tịch thu các tập nhạc được xem là đỉnh cao phản chiến trong sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi ngớ người, mấy ông lớn tuổi đang lướt qua các đầu sách để “đốt thời gian” trong lúc chờ vợ đi chợ cũng vội lảng ra xa.
Quanh khu vực chợ Hàn có đến 4 nhà sách, Sông Đà và Lam Sơn trên tuyến đường Độc Lập (nay là Trần Phú), Ngày Mai và Lê Thanh Tuân trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (nay là Nguyễn Thái Học). 4 nhà sách xúm xít bên nhau nên nhà nào cũng muốn chiếm lấy tình cảm của người mê sách.
Còn nhớ, lần đó tôi lùng mua trọn bộ 2 cuốn 20.000 dặm dưới đáy biển của nhà văn Pháp Jules Verne do Nhà xuất bản Sống Mới ấn hành qua bản dịch của Nguyễn Quân. Ngày Mai chỉ còn đúng cuốn 1, hỏi quanh không nơi nào có cuốn 2. Riêng Sông Đà, cô hàng sách nói có cuốn 2 mà một ông đã đặt mua rồi, hẹn đúng một tuần nữa sẽ ghé nhận. Sáng sớm ngày thứ tám tôi quay lại, cô nhận ra ngay tắp lự, nhoẻn miệng cười nói anh gặp may đó, ông kia không ghé. Tôi cầm cuốn sách mong đợi trên tay, rối rít cảm ơn, hỏi khéo tên gì thì cô quyết... không khai! Sách giờ đã thành đồ cũ, còn cô hàng sách xưa thì loáng thoáng ánh mắt biết cười trong ký ức người mua sách...
Thăng trầm sách in
Tôi có một người bạn vong niên, khi tôi vào Đệ Thất thì ông đã là sinh viên năm thứ nhất Đại học Văn khoa Sài Gòn. Với tôi, ông vừa là bạn vừa là thầy, bởi ngoài ba ra, ông là người khai tâm cho tôi bài học nhập môn yêu sách. Ngay trang đầu quyển sách cuối cùng ông tặng khi tôi còn học trung học là Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, ông ghi: “Chắp cánh cho trí tuệ và tâm hồn, sách đã giúp tôi đứng lên khỏi vũng bùn hôi thối. Không có sách thì có lẽ tôi đã bị chìm đắm trong vũng bùn ấy và bị sặc bởi thô bỉ và thấp hèn”. Ông thêm bên dưới hai chữ M.G., mãi sau này tôi mới biết đó là M.Gorky. Lần đó, tôi xúc động vô cùng, một phần vì câu trích của nhà văn Nga vĩ đại, một phần vì đó là cuốn sách photocopy từ bản in lần đầu tiên do Nguyễn Đức Phiên xuất bản năm 1942.
Sau ngày thống nhất đất nước, sách thời bao cấp giá rẻ, nhưng mua được cuốn sách ưng ý không phải dễ. Mỗi đầu sách chỉ về được mấy bản, muốn mua phải lân la làm quen với các cô bán sách. Để sở hữu được bộ Từ điển Văn học (2 tập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983), hay Tập 30A và 30B của bộ Tổng tập Văn học Việt Nam, tôi đã phải “mai phục” không dưới 4 lần ở nhà sách Yên Bái của Công ty Phát hành sách trên đường cùng tên. Cũng may, các cô hàng sách ngày đó rất... dễ thương, thấy tôi thường lân la lui tới hỏi thăm với giọng nói và ánh mắt đầy mộng mị về sách là không bao giờ các cô để cho “con mọt sách” phải tiu nghỉu ra về.
Bước qua thời kỳ đổi mới, tha hồ mà chọn sách. Giấy trắng, trình bày mỹ thuật, muôn tía nghìn hồng, thượng vàng hạ cám, nhưng có mỗi tội là giá cao ngất ngưởng. Lương ba đồng ba cọc, mỗi lần cầm quyển mới sách trên tay phải cân nhắc lắm nỗi.
Gần 20 năm trước, trên địa bàn Đà Nẵng có 2 trung tâm phát hành sách và 12 nhà sách. Trong đó có đến 5 nhà sách thuộc hệ thống Nhà sách Cảo Thơm do anh chàng mê sách Nguyễn Quý Dũng phụ trách. Một tháng sau khi khai trương nhà sách Cảo Thơm trên đường Phan Đình Phùng, anh đã thực hiện một bước “đột phá” khi thử đăng ký một gian hàng tại Hội chợ Xuân Ất Dậu 2005 thành phố Đà Nẵng. Lần đầu tiên người dân Đà Nẵng đi sắm Tết và mua luôn cả... sách!
Đáp ứng nhu cầu đọc sách, Cảo Thơm đã chọn lọc nguồn sách hay từ 3 miền do các nhà xuất bản uy tín ấn hành như Nhà xuất bản Trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Ngôn ngữ văn hóa Đông Tây tại Hà Nội... Một loại sách có tên là “Những cuốn sách tuyệt vời có thể sẽ làm thay đổi cuộc sống của bạn” đã được giới thiệu bằng hình thức tờ rơi, trong đó trích những đoạn văn hay để giúp khách nắm bắt nội dung trước khi chọn sách.
Rất tiếc, vì nhiều lý do, trong đó có sự “bùng nổ” của sách trên mạng, số nhà sách ở Đà Nẵng giờ không còn như xưa. Mỗi lần cầm đến cuốn sách tâm đắc của một “con mọt sách” nào đó có lời nhắn gởi ngay trang đầu “Chơi hoa đừng để hoa tàn/ Chơi sách đừng để sách tan nát bìa”, lại chạnh nghĩ đến một thời hoàng kim của sách in...
VĂN THÀNH LÊ