Đà Nẵng cuối tuần

Người thầy cần mẫn 20 năm xây dựng hơn 40 điểm trường

08:30, 09/10/2022 (GMT+7)

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, thầy Nguyễn Trần Vỹ (43 tuổi, tỉnh Quảng Nam) không quản ngại khó khăn, xây dựng hơn 40 điểm trường ở khắp huyện Nam Trà My. Thầy Vỹ không chỉ mang con chữ, mà trở thành cầu nối để các em có nơi học tập khang trang và xây đắp niềm tin, chắp cánh ước mơ bay cao, bay xa.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ (thứ hai, từ phải qua) cùng nhà hảo tâm khánh thành nhà và khu vui chơi cho điểm trường Măng Ây, thôn 1, xã Trà Don, huyện Nam Trà My.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Nguyễn Trần Vỹ (thứ hai, từ phải qua) cùng nhà hảo tâm khánh thành nhà và khu vui chơi cho điểm trường Măng Ây, thôn 1, xã Trà Don, huyện Nam Trà My. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trăn trở với cái khó

Thầy Nguyễn Trần Vỹ, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) cho biết, bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo ở thị trấn Bắc Trà My, nhưng bén duyên và làm việc ở huyện Nam Trà My hơn 17 năm. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Tiểu học, anh nhận công tác tại điểm trường Tắc Lũ (thôn 3, huyện Bắc Trà My). Đây là điểm trường xa và nguy hiểm nhất ở Bắc Trà My.

Đường di chuyển rất xa và dốc, phải cuốc bộ 5 tiếng mới đến điểm trường và mang theo vỏn vẹn ký cá khô và ít đồ dùng cho bản thân. Đến điểm trường, thầy Vỹ rất thương khi thấy thầy cô giảng dạy phải ở phòng công vụ tạm bợ, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt chưa bảo đảm. Các em đến lớp trong những manh áo chưa bao giờ đủ ấm, cơm không đủ ăn; thầy trò cùng ê a trong lớp học được lợp tranh, vách bằng cây rừng, nền đất, mùa mưa thì ướt sủng, gió lùa rét buốt, mùa nắng nóng bức thấy mặt trời lơ lững trên đầu.

“Nhưng may mắn, tôi được bà con thương yêu. Họ cho gạo để nấu, rau để ăn, dù họ chưa từng đủ ăn qua mùa giáp hạt (thời kỳ lúa cũ ăn hết, lúa mới chưa chín - PV) và phải ăn cơm độn khoai, độn sắn. Tôi nhớ mãi câu nói bà con ăn sắn quen rồi, thầy cô ăn không quen đâu khiến bản thân cảm động và mang theo ân tình đó mãi đến bây giờ. Tôi biết bà con và các em mong muốn có một ngôi trường tươm tất, chỉ cần mùa đông ấm hơn và mùa hè được che nắng. Bản thân xuất phát từ hoàn cảnh nghèo khó, có lẽ vì thế nên trăn trở trong tôi rất lớn. Lúc nào cũng đau đáu và nung nấu mình phải làm gì đó để giúp đỡ các em, thầy cô và bà con ở đây”, thầy Vỹ tâm sự.

Sau 5 năm dạy học ở huyện Bắc Trà My, thầy Vỹ được điều động về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My. Từng dạy học tại điểm trường vùng cao trong nhiều năm, thấu hiểu hết khó khăn của thầy cô và học trò, anh mong muốn thành lập CLB thiện nguyện gồm những người cùng chung ý tưởng.

Xây dựng hơn 40 điểm trường

Nói là làm. Năm 2013, thầy Vỹ cùng 23 thành viên là giáo viên và cán bộ đang công tác tại huyện sáng lập CLB Kết nối yêu thương, nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình nghèo. Quan trọng hơn, người thầy vùng cao này mong muốn sửa chữa, cải tạo những điểm trường xuống cấp, xây dựng mới các ngôi trường có nguy cơ sập. Đến nay, CLB Kết nối yêu thương đã xin nguồn hỗ trợ xây dựng mới hơn 40 điểm trường khắp huyện Nam Trà My với 100 phòng học, phòng ở cho giáo viên cũng như nhà vệ sinh, bếp ăn. Ngoài ra, CLB xây 5 nhà nội trú có sức chứa hơn 1.000 học sinh và kêu gọi bữa cơm có thịt, tặng trang thiết bị dạy học, đồ dùng nấu ăn, sách, vở, áo ấm, điện năng lượng mặt trời...

Kể về thời gian đầu khó khăn của CLB, thầy Vỹ chia sẻ: “Lúc mới thành lập, chúng tôi chưa kêu gọi được kinh phí nên mỗi thành viên tự bỏ tiền túi cho những chuyến đi khảo sát, đánh giá và chuẩn bị. Nội dung kế hoạch mỗi năm của CLB là làm mới nền xi-măng một phòng học, vì thời điểm ấy còn rất nhiều phòng học nền đất. Vì đường đi ghồ ghề, CLB phải nhờ đến người dân bản địa vận chuyển vật liệu để xây dựng phòng học. Đến cuối năm 2014, điểm trường Măng Lưng (xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) được láng nền xi-măng toàn bộ phòng học. Đó là công trình đầu tiên khiến chúng tôi rất vui và nhiệt huyết bừng lên để tiếp tục cho những dự án kế tiếp. Sau công trình này, CLB may mắn được mọi người biết đến và nhận tài trợ của nhiều nhà hảo tâm trải khắp huyện Nam Trà My”.

Ở vùng cao nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng, đa số học sinh đều thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, hành trình tìm con chữ cực kỳ gian nan bởi đường đến trường phải vượt đèo lội suối hơn 6 tiếng. Ngoài xây dựng điểm trường, CLB mong muốn các em có những chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế, ngắm nhìn thế giới bên ngoài để hình thành nhiều ước mơ, hoài bão.

“Thời gian đến, CLB sẽ kết nối nguồn hỗ trợ để xây dựng những con đường rút ngắn khoảng cách đến trường cho các em và thầy cô, bà con cũng tiện di chuyển để phát triển kinh tế”, thầy Vỹ mong mỏi.

HUỲNH TƯỜNG VY

.