Đà Nẵng cuối tuần
Về hiện tượng Lăm và Nhăm
* Con số 2.325.000 đồng có người viết (bằng chữ) hoặc đọc là “Hai triệu, ba trăm hai lăm nghìn đồng”, nhưng cũng có người viết/đọc thành “Hai triệu, ba trăm hai nhăm nghìn đồng”. Xin hỏi, hai trường hợp này đúng sai ra sao? (Nguyễn Anh Thuần, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
-GS. Nguyễn Tài Cẩn trong cuốn “Một số chúng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa” (In lần thứ 2, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001) khi bàn về hiện tượng Lăm và Nhăm (tr. 293) đã đưa ra các nhận định khá lý thú.
Theo đó, trong tên gọi các số đếm 25, 35, 45, 55, 65, 75, 85, 95 ở phương ngữ miền Bắc đều dùng NHĂM thay cho LĂM của phương ngữ miền Trung, miền Nam. Đây là một hiện tượng nằm trong quy luật tương ứng chung. So sánh: Bắc Bộ NH: nhanh, nhầm, nhạt, nhẽ...; Trung Nam Bộ L: lanh, lầm, lạt, lẽ...
Thế nhưng, ở trường hợp 15 thì miền Bắc vẫn nói MƯỜI LĂM, chứ không chuyển sang MƯỜI NHĂM như ở tám trường hợp trên. Rõ ràng là xét về mặt nào đó, tính hệ thống của ngôn ngữ đã bị phá vỡ.
Tác giả phân tích (tr. 295): “Ở 15, MƯỜI phát âm rõ với dấu huyền. Ở 25, 35,… 95, mười phát âm nhẹ chuyển thành MƯƠI, hoặc -m (như trong hăm, băm) và cũng có thể rụng hoàn toàn (như trong hai nhăm, chín nhăm). Ta có thể tin chắc rằng sự ăn khớp giữa hai đường ranh giới nói trên không phải là một sự ăn khớp ngẫu nhiên. Rất có thể, chính sự đối lập MƯỜI/MƯƠI đã tạo ra tình thế đưa đến sự phân đôi L ở LĂM vừa thành L vừa thành NH: sau mười, LĂM diễn biến bình thường theo quy luật L > L như ở là, lá, làm, lạnh, lâu, lấy v.v…; còn sau hai mươi, hăm, ba mươi, băm... với các yếu tố đọc lướt nhẹ mươi, -m, thì LĂM lại chuyển sang diễn biến theo quy luật ML > NH.
Bàn về vấn đề này, trong bài viết đăng trên tờ Thanh Niên, tác giả Vương Trung Hiếu cho rằng đó là hiện tượng “biến đổi ngữ âm” (phonetic variation) - một hiện tượng xảy ra trong nhiều ngôn ngữ. Thí dụ như từ “lăm” và “nhăm”: Mười lăm năm ấy, biết bao nhiêu tình (câu 3070 trong Truyện Kiều).
Nhìn chung, chữ lăm (𠄻) xuất hiện khá nhiều trong những văn bản chữ Nôm. Lăm chính là từ biến âm của số 5, thường được sử dụng ở miền Nam, còn ở miền Bắc thì lại biến âm thành nhăm và cũng được ghi nhận trong chữ Nôm. “Ông chẳng hay ông tuổi đã già. Năm nhăm ông cũng lão đây mà” (Quế Sơn thi tập của Nguyễn Khuyến).
Cũng giống như lăm, chữ nhăm (𠄶) là từ chính thức, phổ biến trong ca dao viết bằng chữ Quốc ngữ (tiếng Việt ngày nay): “Ông thánh còn có khi nhầm/ Huống chi bà lão tám nhăm tuổi đời”.
Hiện tượng biến âm của hai từ này thường được giải thích là “tránh lặp lại số 5” trong cách phát âm, thí dụ: 25 năm (hai mươi năm năm) = hai mươi lăm/nhăm, ngoài ra còn có cách lý giải khác cũng được nhiều người đồng tình, đó là việc giúp cho cách phát âm thuận tiện hơn, dễ dàng hơn. Cần lưu ý rằng lăm và nhăm tuy là từ biến âm song chúng được xác định cụ thể bằng chữ viết chứ không chỉ trong khẩu ngữ, cụ thể là trong hệ thống chữ Nôm đã ghi nhận hai âm này. Tuy nhiên, có điểm cần phân biệt: lăm (𠄻) và nhăm (𠄶) có cách viết chữ Nôm khác nhau. Nếu lăm (𠄻) còn có nghĩa là “rằm” trong ngày rằm, thì nhăm (𠄶) chỉ dùng trong số đếm.
Tóm lại, lăm và nhăm tuy là từ biến âm song chúng được ghi nhận chính thức trong tiếng Việt, tùy văn cảnh mà ta sử dụng. Hai từ này có vẻ thích hợp trong khẩu ngữ, văn chương hơn là trong ngôn ngữ hành chính.
ĐNCT