Đà Nẵng cuối tuần
Người Chăm còn có các tên gọi nào khác?
* Xin cho hỏi, vì sao người Chăm còn có các cách gọi khác như: Chiêm, Chàm, Hời? Những cách gọi này xuất phát từ đâu? (Đặng Ngọc Thành, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Tháp Bằng An, một di tích của người Chăm ở địa phận xã Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.Ảnh: V.T.L |
- Theo phần giới thiệu cộng đồng 54 dân tộc đăng trên Cổng Thông tin Điện tử Ủy ban Dân tộc (cema.gov.vn), người Chăm có các tên gọi khác: Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm-pa, Hời... Dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Ðộ. Ngay từ thế kỷ thứ XVII, người Chăm đã từng xây dựng nên vương quốc Chăm-pa.
Các tên gọi về người Chăm được Tiến sĩ Dân tộc học Nguyễn Văn Huy, Giáo sư phụ trách khoa Các Dân tộc Ðông Nam Á tại Ðại học Paris, giải thích trong công trình nghiên cứu “Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam” đăng trên trang Nghiên cứu Lịch sử (nghiencuulichsu.com). Theo đó, Chiêm là tên gọi những cư dân sinh sống trên lãnh thổ Chiêm Thành. Danh xưng Chiêm thỉnh thoảng vẫn được nhắc trong sử sách và tài liệu nghiên cứu, ngoài dân gian ít ai nói tới.
Chàm là cách đọc trại đi từ chữ Champa. Danh xưng Chàm hiện còn rất thông dụng trong dân gian, một vài địa danh còn giữ chữ Chàm kèm theo như Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Tháp Chàm tại thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), quận Phan Lý Chàm, xã Ma Lâm Chàm (tỉnh Bình Thuận)... Trong nước, những nhà dân tộc học đã thay chữ Chàm bằng danh xưng Chăm từ lâu; điều này đã làm hài lòng cộng đồng người Chăm tại cả Thuận Hải lẫn Châu Đốc, vì là cách gọi đúng nhất theo lối phát âm từ chữ Chăm-pa.
Danh xưng Hời rất ít được nhắc đến, người ta chỉ thấy chữ này xuất hiện một vài lần trong tập thơ Điêu Tàn, năm 1937, của Chế Lan Viên. Hời là cách đọc trại đi từ chữ Hroi (H’roi hay Hờ Roi), tên của một bộ lạc sơn cước sinh sống trên vùng rừng núi phía Tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Người Hroi thật ra cũng là người Chăm-pa, vì trước kia là thần dân của vương quốc Chiêm Thành cũ di tản lên Tây Nguyên tránh loạn rồi định cư luôn tại đây, họ vẫn còn giữ ngôn ngữ và một số phong tục tập quán của người Chăm đồng bằng trong những sinh hoạt thường nhật.
Ngoài ra còn phải kể thêm những nhóm khác cũng là thần dân của vương quốc Chiêm Thành cũ di tản lên cao nguyên trong những giai đoạn loạn lạc rồi ở luôn tại đây, hòa nhập và pha trộn với các nhóm người bản địa tạo thành những sắc dân hỗn hợp. Vì không có truyền thống đặt tên cho từng nhóm người, dân chúng gốc Kinh gọi chung tất cả những cư dân sinh sống trên miền núi phía Tây là người Hroi, sau đó biến âm thành người Hời.
Theo tác giả, chữ Hời mang một nội dung xấu, đó là những nhóm man di chuyên đi cướp bóc, vì trong quá khứ người Hroi đã nhiều lần tiến công vào các làng xã người Kinh cướp bóc lương thực, trong những giai đoạn khó khăn, dưới thời các chúa Nguyễn. Từ đó người miền Trung gọi chung tất cả những người có nước da đen đủi ở trần là Hời. Sau này người Chăm tại Thuận Hải gọi những cư dân gốc Chăm sinh sống tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định là Chăm Hoi hay Chăm Hroi (người Việt gọi là Hời).
ĐNCT