Đà Nẵng cuối tuần
Trở lại Phong Lệ
“Tôi từng nghe có ý kiến nói Đà Nẵng mình không có chiều sâu văn hóa - lịch sử, nhưng sự thật là có chứ sao không? Đà Nẵng đã từng “bay lên trời” để tìm bản sắc với lễ hội Pháo hoa quốc tế (DIFF) thì cũng có thể “đào xuống đất” để thấy bản sắc văn hóa hiện diện. Phong Lệ là điển hình, một di chỉ khảo cổ đã chứng minh giá trị qua các đợt khai quật chính là cơ hội để thành phố mình lan tỏa chiều sâu văn hóa đến muôn nơi”.
Sau 3 đợt khai quật vào các năm 2011, 2012 và 2018, di tích Chăm Phong Lệ vẫn chưa được triển khai thành một dự án văn hóa xứng tầm. Ảnh: TRƯƠNG KỲ |
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng chia sẻ như thế khi nhớ lại những ngày đầu tham gia công tác khai quật ở di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) - lúc ông còn đảm nhận vị trí Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đã 11 năm từ ngày đó, di chỉ khảo cổ này cũng đã đi qua 3 đợt khai quật với lần cuối cùng hoàn thành năm 2018.
Đánh thức một “phế tích”
Các đợt khai quật xuất lộ nhiều dấu vết, hiện vật giá trị của văn hóa Chăm. Dựa trên tổ hợp loại hình vật liệu xây dựng và các trang trí kiến trúc bằng đá cát Champa, gốm men thời Tống, các chuyên gia đề xuất niên đại khởi dựng của Phong Lệ vào khoảng đầu thế kỷ 10 và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ 12, đồng thời định hình được toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một tòa tháp Chăm lớn, với “hố thiêng” có bố cục khác lạ với những di tích từng được công bố trước đó.
Giữa Phong Lệ năm đó, PSG.TS Đặng Hồng Sơn (hiện là Phó trưởng khoa Khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) - chủ trì đoàn khai quật nhận định: “Khu di tích đền tháp Phong Lệ là tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy thuộc sông Cẩm Lệ”. Gò đất đó chừ thuộc địa bàn phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, cách đường Thăng Long ven sông chưa đầy 1 cây số, được định danh trên nền tảng bản đồ Google Maps với cái tên “Phế tích Chăm Phong Lệ”.
Nghe đến phế tích để hình dung một di chỉ khảo cổ đã trải qua hơn một thế kỷ “ngủ yên” dưới nền móng nhà dân qua dòng chảy lịch sử. Thời điểm rộn ràng nhất ở nơi này trong mấy năm gần đây có lẽ là được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng di tích cấp thành phố cuối năm 2020.
Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) cho hay, để bảo tồn và phát huy giá trị Phong Lệ, ngành VH&TT đưa ra nhiều phương án, hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị di tích này, như: Thành lập ban Quản lý di tích; tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ, trên cơ sở đó thực hiện trùng tu, tôn tạo, phục dựng phù hợp và tối ưu nhất, nhằm làm sáng tỏ các tầng ý nghĩa của Phong Lệ và phát huy giá trị của di tích trong bối cảnh hiện đại; giới thiệu, quảng bá di tích… và đặc biệt đề xuất UBND thành phố phê duyệt Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện bày tỏ: “Phong Lệ cùng với Hải Vân quan, Thành Điện Hải... là những giá trị quý báu mà thành phố đang nỗ lực lưu giữ. Với Phong Lệ, nơi này đã “ngủ quên” quá lâu sau nhiều giai đoạn lịch sử và không thể cứ nằm yên đó mãi. Đến lúc phải “đánh thức” và chắc chắn phải “đánh thức” Phong Lệ trở thành không gian giàu bản sắc của thành phố”.
Hồn cốt văn hóa Chăm trên đất Amarāvatī
Đầu tháng 10, chúng tôi theo chân một cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của phường Hòa Thọ Đông ghé thăm Phong Lệ. Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở đây vẫn đang chờ ngày được triển khai sau nhiều lý do trở ngại. Nhìn hiện trạng di tích vẫn im ắng sau 2 năm từ ngày được xếp hạng di tích cấp thành phố, mới thấy ngậm ngùi hơn cho 5 chữ định danh “Phế tích Chăm Phong Lệ” trên Google Maps. Điều mà địa phương và người dân làm với Phong Lệ lúc này chỉ có thể là dọn cỏ, dọn dẹp, che nắng che mưa… và chờ.
Đề cập Dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2, ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở VH-TT thành phố chia sẻ: “Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư, kiêm quản lý dự án và Sở VH&TT Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Trước mắt là tiến hành điều chỉnh nội dung Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ, trình UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt”. Sau khi có quyết định phê duyệt, các đơn vị liên quan sẽ hoàn thành hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nguồn vốn và cân đối vốn phù hợp với điều chỉnh, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND thành phố xem xét, quyết định. Dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn, từ 2022-2025 và 2026-2030.
Là người ở sát rạt di tích, định kỳ một thời gian, ông Lê Kim Chúng lại đặt chân sang khu vực quanh “Hố thiêng” và trung tâm di tích để phát quang, dọn cỏ. Chỉ về phía “Hố thiêng”, ông trầm ngâm: “Trải qua nhiều năm tháng để biết văn hóa Chăm đã hiện diện ở đây. Công việc của chúng tôi, là người dân, trước mắt là coi ngó, dọn dẹp cho chỗ ni (Phong Lệ - PV) rồi nhắc nhở nhau và các thế hệ sau về giá trị của nó. Rồi mai mốt, nếu chỗ ni được phát triển lên thì bà con mừng…”.
“Hố thiêng” được coi là trung tâm của tháp Chăm, nơi đặt bệ thờ, mang ý nghĩa là nơi thần linh trú ngụ, cũng được coi là nơi quy tụ những giá trị thiêng liêng về tín ngưỡng của người Chăm. Nhìn xuống lòng “Hố thiêng”, chợt nhớ câu nói “Đào xuống đất để thấy bản sắc văn hóa hiện diện” của nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng. Bản sắc vẫn nằm đó, chỉ đợi ngày được nâng tầm thành không gian văn hóa - du lịch độc đáo của Đà Nẵng. Ông nói, độc đáo sẽ là sự hình thành tuyến du lịch đường thủy kết nối được Phong Lệ với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn của Quảng Nam, sẽ là một không gian nhà trưng bày giới thiệu các giá trị văn hóa và làng nghề truyền thống hay tổ chức các sự kiện văn học – nghệ thuật, sẽ có hát bài chòi…
“Di chỉ khảo cổ Phong Lệ là sự tiêu biểu cho văn hóa Chăm ở Đà Nẵng, có nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc. Bản thân người dân đã đồng thuận với chủ trương thực hiện Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2. Vị trí địa lý thuận lợi để xây dựng. Có thể nói Phong Lệ đã có đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để thực sự “thức giấc” trên bản đồ văn hóa, du lịch và hy vọng dự án sẽ được thành phố triển khai đến cùng”, ông Thắng chia sẻ.
Tất cả ý kiến là kỳ vọng và chờ đợi, cũng có đôi chút khắc khoải. Tháng trước, những đồng nghiệp chúng tôi nhắc lại thông tin về “hoàn cảnh” chờ đợi tương tự của Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau 3 năm được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Phong Lệ, Đồng Dương cùng những công trình văn hóa Chăm khác như: Mỹ Sơn (Quảng Nam), Chánh Lộ (Quảng Ngãi)… nằm trong hành trình khảo cổ của Viện Viễn Đông Bác Cổ, được Henri Parmentier đề cập trong tài liệu Catalogue du Musée Cam de Tourane đầu thế kỷ XX.
Trong phân cảnh cuối kiệt tác điện ảnh “In the mood for love”, đạo diễn Vương Gia Vệ gửi gắm suy nghĩ của nhân vật Châu Mộ Văn khi anh lang thang qua bức tường cũ nơi Angkor Watt: “Quá khứ là thứ người ta có thể nhìn, nhưng không thể chạm vào”. Còn chúng tôi, khi đứng giữa “Hố thiêng” ở Phong Lệ hay “Tháp Sáng” ở Đồng Dương như vẫn thấy hồn cốt văn hóa Chăm trên đất Amarāvatī xưa (Quảng Nam, Đà Nẵng bây giờ) hiển hiện. Tất cả đương trong giấc ngủ chập chờn giữa thời hiện đại, đợi một ngày bừng sáng lên.
TRƯỜNG KỲ