Đà Nẵng cuối tuần

Rồi sẽ bình yên

20:50, 12/11/2022 (GMT+7)

Dì Hai tôi nói, khi thằng Ốc được vớt lên trông như đang ngủ. Bữa đó hai bên bờ sông Thu Bồn bắp đang trổ cờ, những nà đậu phộng đang nở những bông hoa nhỏ xíu màu vàng. Người ta tìm thấy thằng bé dạt vào một nà đậu phộng, gương mặt thanh thản, như thể chỉ cần gọi: “Ốc ơi dậy đi” là nó sẽ thức dậy khanh khách cười.

Dì nói với tôi, phải chi bữa đó dì đừng nấu cơm, mớ cơm nguội còn sót lại bữa trưa hâm lại ăn cho rồi. Phải chi lúc dượng Hai kêu lên bờ uống rượu dì can. Phải chi lúc dì nghe đùng một cái ngay mũi ghe thì dì nhảy xuống sông liền chứ đừng hốt hoảng nhìn trước ngó sau. Cái buổi chiều nhập nhoạng hôm đó, mặt trời cũng đã khuất sau đỉnh Cà Tang y chang vậy nè. Thằng bé lên một tuổi ê a ngồi chơi, dì xoay lưng lại nhóm lửa nấu cơm. Chỉ vài giây dì quay lưng lại vậy mà thằng bé rơi xuống sông, mất hút. Dì chới với, lặn ngụp liên hồi mà không quờ thấy con. Dượng Hai lúc đó đang ngồi khề khà bên hũ rượu chuối hột với mấy ông trong xóm mà đâu ngờ rằng, khi dượng bước lên ghe thì cuộc đời bình yên đã vĩnh viễn ở lại phía sau lưng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bữa đám tang thằng bé, ai cũng khóc. Họ nói cái thằng trắng trẻo, bụ bẫm, gặp ai bồng cũng cười. Người ta nói dì dượng ráng vượt qua, đời người có mấy khúc quanh khổ đau như vậy đó. Dượng tôi mắt đỏ hoe, đứng chắp tay cúi đầu đáp lễ với bà con hàng xóm. Còn dì Hai tôi ngồi tựa cửa không khóc. Dì như hóa thành tượng đá. Người ta nói nỗi đau nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai nhưng hình như người ta không nhắc tới nỗi đau của một người mẹ bị mất con.

Dì tôi quá lứa, ngày ngày chòng chành gánh rau sang bến đò để bán. Những cuộc tình đi ngang đời dì nhưng chẳng có ai ở lại. Ai cũng nghĩ dì sẽ ở vậy đến già. Nào ngờ một bữa gánh rau bước lên đò, rau nặng khiến dì nghiêng vai, chới với rồi ngã xuống sông. Dượng giăng lưới gần đó, nhanh chân nhảy xuống kéo dì lên bờ rồi vớt luôn mớ rau lang xanh mướt bị trôi tứ tung. Một thời gian sau dì dượng về ở với nhau. Dì xuống ghe, bắt đầu nghề chài lưới trên sông Thu Bồn. Mớ cá ngạnh, cá bống, tôm sông còn nhảy tanh tách, dì bưng lên chợ mỗi sáng cũng đủ đắp đổi qua ngày. Mấy tháng sau, dì lên bờ khoe với tôi là dì thèm chua. Mắt dì sáng rỡ, xoa cái bụng cười cười.

Dì lên bờ, ở nhà ngoại sinh con. Hai người đặt tên con là Ốc bởi hồi có bầu dì ăn một hơi hết nồi ốc luộc mà vẫn thèm. Dượng tôi thả lưới trên sông ngày chạy lên dòm thằng Ốc không biết bao nhiêu lần. Ở tuổi hơn 40 mới có mụn con đầu lòng khiến dượng luống cuống tay chân. Mỗi lần bế thằng bé dượng căng thẳng chẳng dám áp vào ngực mình, dượng cười sợ làm thằng nhỏ đau.

Bắt được con cá ngạnh, con tôm nào to, dượng cũng để phần dì tẩm bổ. Cu Ốc được sáu tháng thì dì bồng con xuống lại dưới ghe để cơm nước cho chồng. Bữa nào mưa gió hay cu Ốc sụt sịt thì dì bế con lên nhà ngoại ở. Người ta đi qua đi lại bến sông thấy khoang ghe nhà dì rộn rã tiếng cười. Đứa bé bị chòm râu của ba cạ vào da non cứ cười lên sằng sặc. Còn dì ngồi lặt rau, rửa chén cũng cười không ngớt khi nhìn hai cha con. Vậy mà, một bữa dượng lên bờ uống rượu, dì quay lưng nấu cơm thì dòng sông đã vĩnh viễn cướp đi niềm hạnh phúc vô bờ của họ.

Đến khi làm tuần cho thằng bé dì mới ngỡ ngàng mình thật sự mất con. Dì khóc. Người ta nói giữa khuya, nghe tiếng dì khóc ngoài sông như tiếng ma. Một tháng, dì sụt gần mười kí. Những buổi chiều hoàng hôn nhập nhoạng, dì lao đầu xuống sông, bảo với dượng cũng nhảy xuống mà vớt cu Ốc. Dượng nói nửa đêm dì mê sảng, cứ khóc rồi cười, có lúc ơ hờ ru con nữa.

Dượng tôi bán ghe, lên bờ cất căn nhà nhỏ ở miếng đất ngoại cho. Thì thôi, đoạn tuyệt với sông. Hàng xóm ngày ngày qua lại hủ hỉ với dì. Bà Năm cạnh nhà cắt mớ dây rau lang, bảo dì cuốc đất giâm cành, chẳng mấy chốc mà có rau ăn. Có người cho cặp gà, cặp vịt, bảo nuôi cho vui cửa, vui nhà.

Vậy mà dì có đoạn tuyệt được sông đâu khi nhà cách sông chỉ một quãng ngắn. Chiều chiều, dượng hốt hoảng đi tìm thì thấy dì ra bờ sông ngồi như tượng đá. Dượng cũng ra ngồi, nước mắt rịn ra trên gương mặt nhăn nheo của dượng. Dượng cũng đau lắm mà gắng gượng làm chỗ dựa cho dì. Dượng nói cả đời dượng dễ gì uống một bữa rượu, vậy mà cái bữa “dễ gì” đó đã làm dượng mất con. Nỗi đau tưởng sẽ vơi theo ngày tháng nào ngờ mỗi ngày vết thương cứ mưng mủ, rồi nứt toác ra…

Lên bờ dựng nhà ở mấy năm thì dì dượng tôi đóng cửa, bỏ vài bộ quần áo vào chiếc ba lô cũ mèm ra ngã ba đường bắt xe đi Sài Gòn. Bữa chiều hôm trước dì dượng qua chào bà con chòm xóm, nói đợt này lên thành phố kiếm đường mưu sinh xem có khá hơn ở quê không. Ai cũng biết vì sao dì dượng dứt áo ra đi nhưng không ai cản. Biết đâu ở thành phố đông người tấp nập, họ sẽ nguôi ngoai. Hàng xóm vỗ vai, bảo dì dượng ráng làm ăn mạnh giỏi…

Dì dượng đi một hơi mấy năm không thấy về. Thỉnh thoảng họ gọi về cho ngoại, cho ba má tôi báo tin mình vẫn khỏe. Khi thì nói dượng chạy xe ôm, dì Hai đi rửa chén. Một thời gian sau thì bảo dượng đi làm bảo vệ còn dì đi giúp việc cho một nhà nào đó. Tôi biết, cuộc sống tha hương chẳng dễ dàng gì huống gì ở cái tuổi xế chiều như dì dượng.

Căn nhà cũ ở quê hàng xóm mỗi ngày vẫn qua quét giùm cái sân. Tối tối má tôi qua mở cửa thắp lên bàn thờ mấy nén nhang cho ấm cúng. Mỗi bận hàng xóm ngồi lại vẫn cứ hay nhắc chừng dì dượng, mong lúc nào đó họ quay về, nhỡ đau ốm còn có bà con chòm xóm coi chừng. Chứ trên phố một thân một mình, lỡ bệnh biết kêu ai...

Một bữa tôi đi khám bệnh trên thành phố, theo địa chỉ nhàu nhĩ má ghi vội lên tờ giấy ghé thăm dì dượng. Họ ở trong một con hẻm ngoằn nghèo sâu, hai bờ tường rêu mọc xanh vì những cơn mưa kéo dài ở thành phố. Nhà trọ cũ càng, quần áo giăng đầy từ ngoài cổng trọ đến tận sân. Không gian ẩm ướt và chật chội. Dì Hai tôi đang ngồi lột bắp, còn dượng đang chụm đầu thổi lửa. Tàn tro bay lên rồi vương trên mái tóc đã bạc quá nửa. Chỉ mới qua ngưỡng 50 mà dì dượng tôi trông già đi nhiều quá.

Ở giữa sân nhà trọ, họ kê mấy cục gạch, bắc cái nồi nấu bắp. Dì bảo dạo này chẳng còn sức để làm gì nặng nên hằng ngày ra chợ đầu mối mua mấy chục bắp về nấu rồi đem ra hẻm ngồi bán. Cũng may chủ nhà trọ thương tình nên họ cho kê bếp giữa sân nhà trọ. Dì nói, ngày bán mấy chục bắp cũng đủ tiền nhà trọ, ăn uống qua ngày.

Tôi cầm tay dì, bảo hay dì dượng về quê đi. Ở quê ai cũng nhắc, cũng nhớ. Dù gì về quê có bà con, có họ hàng chứ nơi đất khách này cũng chỉ là tạm bợ. Dì cứ xoa xoa tay tôi rồi nói lảng sang chuyện khác. Rồi dì vờ đứng dậy, kiếm cớ đi chợ để nấu cơm cho tôi ăn. Đang ngồi lặt rau, thằng bé trong xóm trọ chạy cười giỡn. Dì buột miệng, phải chi thằng Ốc còn sống giờ cũng được 10 tuổi rồi. Tôi sững sờ nhận ra rằng, dù có đi đến đâu thì nỗi đau mất con cũng sẽ đuổi theo dì đến cùng trời cuối đất.

Tôi ngủ với dì dượng một đêm. Đêm đó tôi nghe tiếng dì mê sảng, ú ớ, thấy mồ hôi rịn ra ướt đầm đìa gối. Sáng hôm sau tôi ngồi xe đò về quê. Sau tấm cửa kính mờ nhòe tôi cứ thấy dì kéo vạt áo lau nước mắt. Mắt tôi cũng đỏ, sao cứ khổ hoài vậy, dì ơi!

Một buổi chiều, hàng xóm rối rít vui mừng khi thấy chiếc xe đò cũ đỗ xịch xuống ngã ba đầu làng rồi dì dượng tôi tay xách nách mang bước xuống. Mọi người khum khum bàn tay nơi trán, sợ nhìn nhầm. Là dì dượng tôi về thiệt. Mọi người bỏ dở công chuyện chạy ra đón. Tôi hay tin, cũng tất tả chạy ra ngã ba đầu làng. Tôi sững người khi nhận thấy trên tay dì bế một đứa con nít.

Dì tôi rơm rớm nước mắt khi nhà không người ở mấy năm mà vẫn sạch sẽ, ấm cúng. Dì thả đứa bé đang bế trên tay xuống. Thằng bé tầm một tuổi, bụ bẫm, dễ thương. Nó lẫm chẫm đi được vài bước, ngơ ngác nhìn khung cảnh lạ lẫm rồi khóc váng lên. Dì lập tức ẵm lên, vỗ về, rồi lục tìm trong giỏ xách lấy lốc sữa, xé một hộp. Thằng bé nhận lấy, hút ngon lành.

Tôi ngập ngừng hỏi thằng bé là con ai? Dì kể, bữa đó dì dượng bày cái thúng bắp được ủ bằng bọc ni lông ra phía trước con hẻm bán như mọi ngày. Trời khuya lơ, định bụng dọn hàng thì dì nghe tiếng mèo kêu yếu ớt đâu đây. Dì nghiêng tai nghe kỹ, hình như không phải tiếng mèo mà là tiếng khóc của trẻ con. Dì nói với dượng, hai người hốt hoảng tìm kiếm. Ngó nghiêng trong mấy cái vách tường tối om. Và rồi, một đứa con nít đỏ hỏn, khóc nghèn nghẹt không thành tiếng bị bỏ sau một bức tường loang lổ. Dì dượng nhìn nhau sững sờ, rồi dì ôm vội đứa bé lên vỗ về.

Đứa bé bị bỏ trong một cái làn nhựa, có nhét mấy bộ đồ cũ kĩ kèm với một bức thư. Mắt mũi kém, lại ít chữ nên dì dịch mãi mới biết rằng mẹ đứa bé còn quá trẻ, không nuôi được con, ai nhặt được thì nuôi nấng giùm. Đại ơn đó suốt đời không quên! Nhìn đứa bé còn đỏ hỏn được quấn trong cái khăn cũ dì rớt nước mắt. Có những người cả đời đau đáu, sống dở chết dở vì mất một đứa con, lại ngờ đâu người ta đem con mà vứt dễ dàng như thế.

Dì ôm đứa bé về nhà trọ, cả xóm trọ kéo đến xem, bàn tán xôn xao. Đứa bé khóc ngằn ngặt. Một người đàn bà trong xóm trọ đang nuôi con nhỏ vạch bầu ngực cho thằng bé bú. Nó chóp chép miệng rồi bú ngon lành. Dì nhìn mà thương đứt ruột. Đêm đó, dì thức suốt đêm nhìn thằng bé ngủ. Cái chóp chép miệng, cái vặn mình sao mà giống thằng Ốc ngày xưa! Rồi sau đó dì làm thủ tục nhận nuôi đứa bé khi biết người mẹ kia đã từ chối vĩnh viễn núm ruột của mình.

Mấy bà trong xóm trọ về lục tủ đem qua cho mấy bộ đồ con nít. Người cho lon sữa, cái khăn… Năm mươi tuổi, dì lại được làm mẹ. Những người trong xóm trọ thấy dì tất tả, thức khuya dậy sớm, đêm đêm bế thằng bé đi lại trong căn phòng trọ chật chội bảo rằng già mà nuôi con nít cực quá. Dì cười, có cực khổ gì đâu. Dượng nói từ hồi nuôi thằng bé, dì không còn nằm chiêm bao nữa. Nụ cười đi vắng mười năm nay đã trở lại trên gương mặt dì.

Trầy trật rồi thằng bé cũng tròn tuổi. Dì dượng nhận ra không thể ở mãi căn phòng trọ chật chội này. Thằng bé cần một mái nhà, cần một cái sân đủ rộng để chạy chơi vui đùa, cần có làng xóm họ hàng, cần một bến đỗ bình yên để neo đậu những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ… Vậy nên họ quyết định quay về.
Dì kể xong xuống bếp nhen lửa bảo nấu cháo cho con. Bếp lửa nguội lạnh mấy năm trời cuối cùng cũng lách tách chịu cháy. Khói bốc lên, lờn vờn trái mái nhà cũ kỹ. Dì lom khom đẩy củi. Mùi cháo chẳng mấy chốc thơm lừng gian bếp.

Từ bữa đó, hàng xóm đi ngang thấy thằng nhóc lẫm chẫm trong sân chơi đùa. Dì Hai tôi ngồi lặt rau vừa tính, mai mốt cuốc đất trồng thêm mớ rau ngót, rau mồng tơi nấu canh để thằng bé ăn cho mát. Còn nuôi thêm đàn vịt, nuôi mấy con gà vừa ăn thịt vừa ăn trứng. Trứng gà mình nuôi ăn bổ hơn trứng gà mua ngoài chợ… Dượng tôi ngồi ung dung uống trà vừa ngó con vừa cười rung rinh, dì Hai nói gì dượng cũng gật đầu.

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN

.