Đà Nẵng cuối tuần

Bó mận rừng ở ga tàu...

17:43, 10/12/2022 (GMT+7)

Ga tàu nằm lặng lẽ bên rìa thị xã. Những năm gần đây do vắng khách nên đường sắt cắt giảm nhiều chuyến tàu. Thành ra quán nước của bà Bảy càng thêm hiu hắt. Thế nhưng quán nước ấy chưa bao giờ đóng cửa cả ngày lẫn đêm, ngày thường hay lễ, Tết. Đơn giản là tàu còn chạy là bà còn ngồi đó dù có những chuyến chẳng khách nào ghé vào. Thằng Đông thỉnh thoảng lại giục: “Mẹ dọn hàng vào ngủ đi. Thức cả đêm không được vài đồng bạc. Rạc người”. Nhưng bà đâu có chịu, lúc nào mỏi thì ngả lưng xuống chõng, gió hiu hiu thổi, tiếng lá khô bay lệt xệt dưới sân ga đưa người vào giấc ngủ. Đến khi tiếng còi tàu đêm vang lên là bà Bảy giật mình thức giấc dụi mắt nhìn về phía đường ray. Tàu đêm thường là tàu chở hàng, ít khi dừng ở sân ga. Chỉ có chuyến tàu khách Hà Nội - Lào Cai là đông khách. Họ đa phần là khách du lịch Sapa say xe nên chọn đi tàu. Hoặc đơn giản là họ muốn trải nghiệm đi tàu hỏa. Chiều từ Lào Cai xuống Hà Nội còn có thêm những người đi khám bệnh tuyến trên, đi tàu lên sớm còn xếp hàng giữ chỗ là vừa. Tàu dừng ga chừng 15 phút chứ mấy, khách lên, khách xuống lặng lẽ chứ không ồn ào như ban ngày. Vài người ngáp ngủ bước xuống, ngó quanh. Cả nhà ga không có hàng quán nào ngoài quán nước của bà. Khách ủ chén trà nóng trong tay, nói bâng quơ:

- Chẳng biết bao giờ mới đến nơi. Xa quá.

- Ngủ một giấc là đến thôi mà chú. Từ đây lên đó cũng còn lâu đấy.

- Nằm mãi chẳng ngủ được bà ạ. Càng có tuổi càng khó ngủ.

- Chú mới ngoài bốn mươi chứ mấy. Mà chú cùng gia đình đi du lịch đấy à?

- Vâng ạ. Vợ con đau bệnh cũng chẳng biết sống được bao lâu. Cứ ước ao đi ngắm hoa mận nở một lần bà ạ.

- Vợ chú bệnh gì?

Tiếng còi tàu lại rúc vang, khách vội đứng dậy trả tiền nước. Trước khi nhảy qua đường ray phía bên kia còn kịp buông câu hẹn:

- Mấy hôm nữa quay về con ghé lại.

Bà nhìn theo bóng đoàn tàu chạy mất hút khẽ buông một tiếng thở dài. Có khách ghé quán gọi nước nhưng không uống ngụm nào. Lúc tính tiền thấy bà xua tay, khách cười bảo:

- Thứ cháu uống không phải nước trà bà ạ. Thứ cháu uống là hơi sương mỏng mảnh bình yên ở nơi này. Nó còn quý hơn cả chén trà.

- Nhưng những thứ đó tôi đâu có bán. Nó không phải của tôi. Nó là của đất trời.

- Tại bà không biết đấy thôi. Nếu như thiếu đi quán nước của bà cảnh sắc đã không được bình yên như thế.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bà đứng đó với những đồng tiền lẻ trên tay. Tàu rời ga tự khi nào mà tâm trí bà còn quẩn quanh mấy lời của khách. Đông thò đầu ra hỏi sao mẹ đứng ngẩn ngơ ra thế? Hay mẹ đã gặp được người cần gặp? Bà xua tay giục Đông ngủ đi mai còn dậy sớm. Đông kéo chăn, nhìn ra ngoài sân ga hiu hắt chẳng hiểu vì sao mình lại yêu được nơi này. Nhà nằm sát sân ga, chưa có ngày nào ngủ ngon giấc vì những chuyến tàu xình xịch đi qua rung cả giường. Một đêm vài lần thức giấc theo từng chuyến tàu dừng đỗ ở sân ga. Đông không biết mẹ mình chờ ai? Chỉ nghe phong thanh lời thiên hạ nói: “Chắc bà ấy chờ bố thằng Đông”.  Mỗi lần tỉnh giấc xong Đông thường khó ngủ lại, những ý nghĩ về nguồn cội cứ quẩn quanh như gió trong ngõ cụt. Từ lúc có ký ức Đông đã thấy mình không bố. Tuổi thơ lê la sân ga nhìn những chuyến tàu chở đầy hạnh phúc, có đôi lần Đông biết ước ao. Nhất là khi thấy người cha nào đó công kênh con mình trên đôi vai dài rộng. Mắt thằng nhỏ Đông ngày ấy từng dính chặt vào bàn tay cha con người lạ khi họ đan vào nhau chặt đến mức tưởng như cả thế giới này chẳng có gì đáng sợ. Họ lên chuyến tàu và đi đâu đó thật xa, cùng với nhau. Họ xuống tàu và trở về nhà, cùng với nhau. Nhất là những ngày giáp Tết như thế này, cảnh cha con đón đưa nhau thường khiến Đông cảm động. Có khi thấy Đông lấy tay áo quệt nước mắt, bà ngạc nhiên hỏi bị đau mắt hay sao? Bới tìm một lúc trong hộc tủ, bà dúi cho Đông lọ thuốc nhỏ mắt cũ chẳng biết mua từ bao giờ. Đông nhìn sang góc sân ga thấy đám cúc đã nở hoa. Cái màu vàng rực rỡ ấy trong mắt Đông chẳng hiểu vì sao nhức nhối…

- Dì Sáu nhắn vườn có đám lá dong đẹp lắm, mẹ lấy bao nhiêu thì sang nhà cắt.

- Để hỏi xem mấy cô chú trong xóm năm nay gói nhiều không còn biết đường mà liệu.

- Thì năm nào cũng một nồi to. Năm nay chắc cũng vậy thôi mẹ ạ. Để mai con kiếm sẵn ít củi nấu bánh. Ngoài bãi, nước sông rút để lại đầy củi mục.

Bà ừ hử mấy câu chợt nhớ ra mai đã là 23 tháng Chạp. Bà ngoắc Đông lại bảo: "Ở nhà trông quán, mẹ đi ra đây một lát”. Đông không hỏi bởi anh thừa biết bà sẽ đi đâu. Sẽ chạy ra quán cắt tóc gội đầu vừa xếp hàng vừa cằn nhằn hỏi đi hỏi lại “sao lâu thế bao giờ mới đến lượt bà?”. Thơm tho đâu đó, bà chạy về lôi bộ quần áo in hình hoa bìm bìm tím ra giặt lại, ngâm nước xả thơm tho rồi phơi ra trước gió. Chả cứ gì Đông, nhân viên nhà ga ai cũng nhận ra dấu hiệu của một cuộc hẹn hò. Ấy là khi thấy chiếc áo hoa tím bay phất phơ ở sân ga vào trước ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Ngày mai khi mọi người dậy sớm ra chợ tìm cá chép đỏ, mua quần áo giấy, xôi, bánh về cúng Ông Táo chầu trời thì bà mặc quần áo đẹp, ủ một ấm trà nóng không phải dành cho khách. Để rồi, tối đó ngồi gỡ tóc, Đông đoán lòng mẹ mình cũng nguội ngắt như ấm trà vừa mới đổ đi.

- Mẹ đợi chi một người đã không nhớ đường về?

Đông nói thế khi vắt bộ quần áo công nhân lên vai, kèm lời dặn: “Mai con tăng ca, chắc là về muộn. Mẹ cứ ăn sáng trước, đừng chờ”. Mãi tận khi chiếc xe máy đã đi khuất phía sau sân ga, bà mới chợt bừng tỉnh hỏi: “Hôm nào thì con nghỉ Tết?”. Câu hỏi nhẹ như lá khô bị gió thổi lệt xệt dưới sân ga. Chẳng ai biết được rằng lúc này lòng bà nhẹ nhõm nhất trong năm. Ta chờ người và người không tới. Bà đã hoàn thành xong sự chờ đợi của mình suốt một năm dài. Dường như bà biết trước người sẽ không tới. Chờ đợi giống như một thứ nghi lễ mà thôi. Người đến hay không đến có khi chẳng còn quan trọng nữa. Lúc ngồi tưới ấm trà nguội ngắt xuống đám cúc vạn thọ, ký ức lại chập chờn hiện lên. Gần bốn mươi năm trước, cũng tại quán nước này, bà gặp người đàn ông của đời mình. Bà ngoài hai mươi, mở quán nước sân ga nuôi mẹ già đau ốm. Hồi ấy đường sắt cải tạo lại, một tốp công nhân về làm cả mấy tháng trời. Tiếng cào đá rào rào mỗi đêm, quán bà treo thêm chiếc đèn bão bên ngoài để thắp thêm chút ánh sáng cho những người công nhân lầm lũi. Thỉnh thoảng nghỉ tay họ vào uống chén trà, nhờ pha gói mì tôm, hay ăn tạm cái bánh gai cho ấm bụng. Trong những đêm dài của phận đời nghèo khó, bà đem lòng thương người đàn ông nhờ mình khâu giùm chiếc áo rách vai. Tình yêu lớn dần lên cho đến khi thằng Đông trở thành hình hài trong bụng cũng là lúc đoạn đường tàu sửa xong. Bà không thể bỏ lại quán nước nhỏ cùng người mẹ già quanh năm đau yếu nên đành nhìn người thương khoác ba lô lên vai, đón chuyến tàu về Lào Cai chỉ để lại lời hứa sẽ sớm quay trở lại. “Anh sẽ mang hoa mận rừng xuống cưới em làm vợ. Sẽ cùng em ở đây chăm sóc mẹ già cho đến khi người khuất núi”.

Gần bốn mươi năm trôi qua, mẹ già đã khuất núi từ lâu nhưng người hứa thì không quay trở lại. Bà chờ hoa mận rừng nên từ chối những người đàn ông khác. Đi qua bao nhiêu mùa 23 tháng Chạp, thằng Đông lớn lên cao vổng như cái cây che chắn trước nhà. Nó chưa từng một lần hỏi bố mình là ai? Lặng lẽ đi qua những tổn thương bé bỏng ấu thơ cho đến nỗi cô đơn khôn lớn. Lòng bà đã bao lần thắt lại khi thấy con mình nhìn theo bóng dáng cha con người dưng trên sân ga này. Bà ước gì người ta quay lại, dù chỉ một lần để hai cha con nhận nhau. Để thằng Đông biết rằng nó còn có bố trên đời. Bà đã tính chuyện đóng cửa quán đi tìm. Nhưng biết đâu mà tìm, khi một dòng địa chỉ cũng không có. Gặp khách nào ở Lào Cai bà cũng hỏi có biết ai tên Sáng, dáng người cao, vai rộng bằng từng này, ở hõm lưng có nốt ruồi đỏ chót? Ôi dào! Bà hỏi thế ai biết mà trả lời. Thiếu gì người tên Sáng, dáng cao, vai rộng. Còn cái nốt ruồi đỏ mọc ở hõm lưng người ta thì mấy ai thấy được. Khách còn cười trêu sao bà biết vai người ấy rộng cỡ một vòng tay? Chắc là bà từng ôm bờ vai ấy nhiều lần? Chắc đã từng thân thiết lắm mới biết được cái nốt ruồi mọc ở hõm lưng?

Chiều 26 Tết, bánh chưng đã gói xong. Đông gọi anh nhân viên nhà ga cùng ra khênh nồi, nhóm củi. Năm nào cũng thế, xóm nhà ga đều góp gạo nấu bánh chưng. Buổi tối cả xóm ngồi quây quần bên nhau, cùng nướng ngô nướng khoai. Đàn bà nhấm hạt bí buôn chuyện cười rinh rích. Đàn ông làm ấm trà với chiếc bàn cờ là ngồi quên sương xuống ướt cả đầu. Lũ trẻ con chạy ngược chạy xuôi khoe nhau mấy chiếc lì xì sớm. Bà chán dò sóng FM, bảo Đông mở mấy bài hát xuân “bật to lên cho có không khí Tết”. Đông thấy mẹ hoạt bát hơn hẳn, bàn tính chuyện ngày mai đi chợ hoa với mấy cô hàng xóm. Đông chợt nhận ra rằng sự chờ đợi của mẹ chỉ là một thói quen. Sự chờ đợi khiến cuộc đời bà thêm ý nghĩa. Anh gần như không thấy sự thất vọng nào sau mỗi ngày 23 tháng Chạp. Chỉ thấy sự nhẹ nhõm, tươi vui của một phụ nữ quanh năm ngồi ngóng những chuyến tàu. Ai đó vừa giục Đông:

- Lấy vợ đi thôi còn chờ đến bao giờ.

Bà như nhớ ra:

- Ừ đúng rồi. Con lấy vợ đi, để mẹ còn bế cháu. Vài năm nữa mẹ già rồi chân yếu, tay run, lúc ấy lại sợ làm rơi cháu.

Đêm ấy lỡ uống vài ngụm rượu, Đông trông nồi bánh mà ngủ quên đúng lúc tàu dừng ở sân ga. Lúc tỉnh dậy Đông thấy trên bàn uống nước có một bó mận rừng. Bà từ trong nhà đi ra, tay cầm chiếc bình gốm mộc, thấy Đông thì cười bảo:

- Con xem, chiếc bình này cắm cành hoa mận rừng là nhất đấy.

- Chiếc bình này con thấy mẹ cất kỹ đã nhiều năm. Đúng là rất hợp với mận rừng. Nhưng bó hoa này ở đâu ra vậy mẹ?

- Con còn nhớ anh khách đưa người vợ đau bệnh đi du lịch Lào Cai không? Chị vợ vừa tặng cho mẹ đấy. Chẳng hiểu sao chị ấy biết mẹ cũng thích hoa mận rừng. À! Trông thần sắc chị ấy tươi tắn lắm. Có khi đi chơi về lại khỏe ra con nhỉ.

Đông đỡ lấy chiếc bình, cùng mẹ cắm những cành hoa mận rừng khẳng khiu, ủ nụ. Bà bảo: “Chớ thấy khô như cành củi mà buồn. Chỉ mấy hôm nữa thôi, nụ hoa sẽ bung ra trắng muốt”. Đông bất giác mỉm cười. Ngoài sân ga tiếng gió xuân luồn đâu đó trên những búp cây non, thổi hơi nước tỏa ra từ nồi bánh sôi sùng sục bay về tứ phía…

MAI DƯƠNG

.