Đà Nẵng cuối tuần
Lãng phí thực phẩm: Đừng dửng dưng
1. Vừa qua, chương trình tri ân khách hàng của một hệ thống rạp chiếu phim đã gây nhiều tranh cãi, xuất phát từ hành động hưởng ứng quá đà của các “thượng đế”. Theo đó, khán giả khi đến mua vé tại rạp sẽ được “đổ đầy bắp rang miễn phí mà không cần biết vật chứa là thứ gì, có thể là ly, hộp, xô, bình nước... (ngoại trừ túi nilon, túi giấy)”. Chương trình này ngay lập tức trở nên “hot” trên các nền tảng xã hội. Hình ảnh nhiều khách hàng hào hứng mang theo vật đựng quá khổ, như nồi cơm điện, thùng đựng đá dung tích lớn, thùng xốp… nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt. Cũng từ đây, xu hướng “kẻ hủy diệt bắp rang” xuất hiện khiến vật đựng ngày càng “siêu to khổng lồ” và “kỳ lạ”, từ thúng gánh, valy đến xe rùa…
Rõ ràng, lượng bắp mà mỗi người nhận đã vượt quá khả năng tiêu thụ của bản thân rất nhiều lần mặc dù nhà rạp đã có lưu ý với khán giả: “Để không lãng phí đồ ăn, quý khách vui lòng cầm theo đồ đựng có dung tích đủ dùng phù hợp với nhu cầu cá nhân”. Tuy nhiên, khuyến cáo này chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích và dựa trên sự ý thức của từng cá nhân. Hệ quả là lượng lớn bắp rơi vãi trên nền nhà hoặc nằm trong các thùng rác trước các phòng chiếu. Vượt khỏi mục đích kích cầu ban đầu, có thể thấy, việc chạy theo trào lưu một cách vô tư của không ít người đã gây lãng phí thực phẩm đáng kể.
2. Đáng tiếc, hành vi xấu xí này diễn ra ngay sau Ngày quốc tế nhận thức về thất thoát và lãng phí thực phẩm (29-9) không lâu. Sự lo ngại về tình trạng tổn thất và lãng phí thực phẩm đã được các quốc gia trên toàn cầu quan tâm và có nhiều biện pháp phòng, chống từ sớm. Tuy nhiên, dường như xu hướng này vẫn đang tiếp diễn tồi tệ trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), trong năm 2015, khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực, thực phẩm đã bị vứt bỏ. Đáng chú ý, tỷ lệ lãng phí thực phẩm của Việt Nam cao gấp hai lần các nền kinh tế tiên tiến và giàu có trên thế giới. Khảo sát năm 2018 của CEL Consulting - hãng tư vấn về chuỗi cung ứng và vận hành nông nghiệp - cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nạn lãng phí thực phẩm với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hay vất bỏ mỗi năm khi vẫn còn ăn được hoặc tận dụng được, gây tổn hại khoảng 3,9 tỷUSD mỗi năm. Trong khi đó, năm 2020, theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổn thất lương thực của Việt Nam vào khoảng 10-15%.
Lãng phí thực phẩm là câu chuyện không mới nhưng đến nay vẫn là bài toán hóc búa chưa tìm được lời giải, dù rằng đây chính là một trong những mối đe dọa đầy hiểm nguy đến môi trường sống. Tưởng đâu, đại dịch Covid-19 và các thiên tai tự nhiên liên tục xảy ra sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh về sự cấp thiết phải chiến đấu với vấn nạn lãng phí thực phẩm, vậy mà vẫn có nhiều cá nhân còn dửng dưng, thờ ơ, đơn cử là câu chuyện “bắp rang miễn phí” ở trên.
3. Cuộc chiến chống nạn lãng phí thực phẩm phải là cuộc chiến của từng cá thể, chứ không phải là cuộc chiến “vĩ mô” của các doanh nghiệp, Nhà nước hay tổ chức thế giới. Nhận thức của người tiêu dùng là điều quan trọng nhất để tạo nên sự thành công. Giảm thiểu lượng thức ăn bị lãng phí có thể bắt đầu từ việc biết “đủ” khi gọi món rồi mới đến những điều to tát hơn, như: kế hoạch bữa ăn để tránh thừa mứa, xử lý rác thải thực phẩm đúng cách, ủ rác thực phẩm trong vườn…
Việc phạt tiền khi thực khách không dùng hết bữa ăn của mình đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), khách hàng sẽ phải trả thêm tiền nếu gọi món nhưng không ăn hết. Ở một số quán ở Mỹ, khách hàng sẽ phải trả thêm 30% giá trị bữa ăn nếu số thức ăn bỏ phí đủ mức chịu phạt. Chiến dịch “Clean Plate” cũng đã khởi động nhiều năm ở Trung Quốc với mục đích giảm chi tiêu xa hoa của các buổi tiệc… Riêng Việt Nam, việc xử phạt này vẫn chỉ mới len lỏi ở các nhà hàng buffer nhưng dường như vẫn còn “nhẹ tay”.
Tuy nhiên, hơn cả việc chế tài, tinh thần tự ý thức, tự giác tránh lãng phí thực phẩm vẫn nên được nhân rộng và nâng cao ở mọi nơi, mọi tình huống, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề. Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, nên mong rằng mỗi người, mỗi nhà đều sẽ là “chiến binh” trong cuộc chiến cấp bách này.
VÂN LAM