Đà Nẵng cuối tuần

TÀI NGUYÊN RÁC

Biến rác thành tài nguyên

09:02, 18/12/2022 (GMT+7)

Nhiều năm trở lại đây, các hoạt động biến rác thành tài nguyên hay tái chế từ rác là một trong những cách làm đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy của cả cộng đồng, xã hội về rác.

Người dân tham gia thu gom, đem tặng rác thải rắn sinh hoạt tại quận Hải Châu. Ảnh: KHÁNH HÒA
Người dân tham gia thu gom, đem tặng rác thải rắn sinh hoạt tại quận Hải Châu. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nguồn lợi từ rác

Là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh, phân phối máy móc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, ông Phan Duy Phương Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất U&I Phương Quân khẳng định, rác là nguồn tài nguyên có giá trị lớn. Ngành công nghiệp tái chế rác thải trở thành sản phẩm phục vụ đời sống con người phát triển mạnh ở trong và ngoài nước; thị trường mua - bán rác thải đang diễn ra khá sôi động. Theo nhìn nhận, nguồn lợi từ rác để biến thành tài nguyên trên địa bàn thành phố khá dồi dào.

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại sản xuất U&I Phương Quân liên kết một số doanh nghiệp trong cả nước sản xuất viên nén năng lượng từ rác. Trao đổi về quy trình sản xuất viên nén năng lượng (một dạng chất đốt thay cho than đá) từ rác thải là thân cây xanh, ông Phan Duy Phương cho biết: "Thân cây xanh được thu mua từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là vào các đợt cây được đốn, hạ để phòng tránh mưa, bão, sau khi được xử lý từ hệ thống máy xắt lát, máy nghiền sẽ được làm nguội, ép thành từng viên nén, đóng bao bì và đem ra thị trường.

Giá thị trường hiện nay đối với viên nén năng lượng 200-220 USD/tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu qua Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Âu. Viên nén năng lượng rất được ưa chuộng bởi khắc phục được hạn chế của than đá khi ít phát thải khí CO2 ra môi trường. Trong năm 2022, theo kết quả nghiên cứu thị trường của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành môi trường, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về cung cấp viên nén năng lượng.

Trong khi đó, mô hình “Phân loại rác thải tạo gian hàng 0 đồng” của Chi hội Phụ nữ Lộc Phước 2, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà là một trong những ví dụ điển hình cho việc nhìn nhận rác thải là một loại tài nguyên, từ rác tạo ra tiền. Bà Phạm Thị Sáu, Chi hội trưởng chi hội cho biết, với nguồn thu từ bán các loại rác thải rắn (được người dân thu gom) như bao bì, vỏ lon bia, nhựa các loại… Chi hội tổ chức gian hàng 0 đồng vào Chủ nhật hằng tuần và trao tặng hàng trăm suất quà cho người có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua mô hình này, vòng đời tài nguyên rác tiếp tục tái sinh, đem lại nguồn quỹ để thực hiện hoạt động an sinh xã hội.

Xác định phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và tái chế rác thành nguồn tài nguyên, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, xây dựng thành phố môi trường, từ năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1577/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo "mồi lửa" để hình thành thói quen phân loại rác, động lực để hướng đến tiến hành các giải pháp xử lý rác thải, trong đó có tái chế.

Thông tin từ Phòng TN&MT quận Hải Châu, trung bình một ngày, khối lượng rác thu gom trên địa bàn quận từ 240-250 tấn. Từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng chất thải rắn xây dựng và rác cồng kềnh, kích thước lớn được thu gom là 2.939m3. Toàn bộ khối lượng rác tái chế thu gom tại các khu dân cư, tổ dân phố được các đơn vị chủ chốt tại khu vực triển khai theo dõi, thống kê khối lượng và tiến hành bán cho các đơn vị thu mua phế liệu trên địa bàn. Số tiền thu được gần 644 triệu đồng dùng để gây quỹ phúc lợi, an sinh xã hội tại khu vực triển khai.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Chi cục phó Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết, đến nay, 100% quận, huyện đã ban hành kế hoạch người dân Đà Nẵng tích cực thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn cho giai đoạn 2019-2025 và từng năm; 83% tổ dân phố, 100% trường học trên địa bàn thành phố tham gia phân loại rác tại nguồn.

Trong hai năm 2019-2020, thu gom hơn 1.700 tấn rác tái chế; năm 2021 hơn 1.453 tấn rác tài nguyên được thu gom, tái chế, tổng số tiền thu được từ rác thải tài nguyên khoảng 3,14 tỷ đồng. Khối lượng rác nguy hại được thu gom sau phân loại khoảng 2.808 kg, chủ yếu là pin, bóng đèn.

Nhiều mô hình được triển khai mạnh mẽ như “Thùng thu gom rác thải nhựa”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Phân loại rác thải - Thùng rác môi trường”, “Dùng cặp lồng đi mua thức ăn thay túi nilon”, “Ngày hội tái chế rác thải”, “Ngày hội thu đổi rác tài nguyên nhận quà tặng”…

Riêng trong năm 2022, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được thu gom, tái chế hơn 1.626 tấn rác tài nguyên; tổng số tiền thu được gần 3,7 tỷ đồng; khối lượng rác nguy hại được thu gom sau phân loại khoảng 33.010kg, chủ yếu là pin, bóng đèn. Chưa tính số liệu của quận Sơn Trà và huyện Hòa Vang, trong năm 2022, khoảng 89,07% số hộ gia đình, 91,1% số tổ dân phố, 226/226 trường học, 59,99% doanh nghiệp và 100% cơ sở y tế đã thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Điều đáng mừng là hoạt động này đã nhận được sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của một số doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2021-2024, thành phố huy động hơn 10 tổ chức với 13 chương trình, dự án, hoạt động viện trợ quốc tế; trong đó, đã xúc tiến 9 dự án hợp tác quốc tế với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng để hỗ trợ Đà Nẵng thực hiện quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, quản lý rác thải nhựa… và triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.

Các dự án hợp tác quốc tế đã hỗ trợ nguồn lực rất lớn cho thành phố cả về kinh phí lẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, những dự án mới mà UBND thành phố phê duyệt cơ bản khép kín chu trình, hoàn thiện công đoạn mà thành phố đang thiếu, trong đó có việc huy động các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, tái chế các loại rác tái chế để thúc đẩy phong trào phân loại rác tại nguồn phát triển sâu rộng

Hướng tới xây dựng công nghiệp chế biến rác thải

Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và đẩy mạnh tổ chức phân loại rác tại nguồn; xây dựng và nhân rộng các mô hình về phân loại rác, quản lý rác thải nhựa. Đặc biệt, ngành tiếp tục tăng cường kêu gọi các dự án quốc tế hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường; đồng thời sớm đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào thực tiễn cuộc sống.

Mới đây nhất, tháng 6-2022, tổ chức phi chính phủ quốc tế iDE tại Việt Nam triển khai dự án “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” do Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ kinh phí 37,86 tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng tham gia dự án với mục tiêu tăng 25% lợi nhuận cho các thành phần kinh tế tham gia hệ sinh thái rác thải nhựa; thu gom, xử lý và tiêu thụ 5.000 tấn rác thải nhựa; nâng tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa lên 35%, đầu tư vào nền kinh tế rác thải nhựa tại thành phố khoảng 11,3 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Hà, từ tháng 12-2022 đến tháng 3-2024, sẽ triển khai phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải giai đoạn 2 tại phường: Thạch Thang, Thuận Phước (quận Hải Châu) và phường: Thanh Khê Tây, Hòa Khê (quận Thanh Khê). Thực hiện mô hình phân loại, thu gom rác thải thực phẩm, dầu ăn đã qua sử dụng trên tuyến phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng (quận Hải Châu); một số trường học có bếp ăn tập thể trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây.

Hiện tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng có khoảng 40 cơ sở kinh doanh hàng ăn uống với ước tính số lượng rác thải thu gom một ngày 1,1-1,4 tấn. Tại quận Thanh Khê, sẽ thí điểm tại tuyến phố cơm niêu Nguyễn Tri Phương và khu vực dân cư lân cận thuộc phường Chính Gián. Đối với việc xây dựng mô hình nhà pin để thu gom pin thải tại các tổ dân phố, dự kiến tại quận Hải Châu sẽ lắp đặt 20 nhà chứa pin trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây; tại quận Thanh Khê lắp đặt 20 nhà chứa pin trên địa bàn phường An Khê. Sau khi khảo sát, thống nhất vị trí thì các nhà chứa pin được lắp đặt và chuyển giao quyền sử dụng, quản lý cho địa phương.

Ở quy mô cả nước, hiện thành phố tham gia mạnh mẽ vào dự án “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” với mục tiêu tăng cơ hội sinh kế trong việc quản lý rác thải nhựa; thu gom, xử lý và bán rác thải nhựa “có khả năng ra đại dương” thông qua các hình thức kinh doanh có trách nhiệm; giảm lượng rác thải nhựa hiện có trong môi trường tự nhiên, nâng tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa ở địa bàn dự án lên 35% từ mức dưới 15% hiện nay; các doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm với giá cạnh tranh ra thị trường...

“Với sự phát triển không ngừng của thành phố, dự báo lượng rác thải vẫn tiếp tục tăng lên. Cùng với phân loại, phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tái chế rác thải, xây dựng công nghiệp chế biến rác thải. Ðó mới là giải pháp căn cơ, có tính bền vững”, bà Nguyễn Thị Kim Hà nhấn mạnh.

KHÁNH HÒA

.