Đà Nẵng cuối tuần

Gian nan tái sinh rừng

06:35, 29/01/2023 (GMT+7)

Xuân về, những cánh rừng mới trồng ở khu vực Bà Nà - Núi Chúa, Nam Hải Vân ươm màu xanh non tơ. Hàng triệu cây chò đen, lát hoa, lim xanh sau vài năm trồng được đơn vị thi công bàn giao cho chủ rừng quản lý, chăm sóc, với hy vọng mỗi cây con trồng xuống sẽ giúp rừng hồi sinh, bảo vệ con người trước những diễn biến tiêu cực của thời tiết.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm thành phố phối hợp kiểm tra, khảo sát rừng trồng tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: T.Y
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm thành phố phối hợp kiểm tra, khảo sát rừng trồng tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Ảnh: T.Y

Gian nan trồng rừng

Lối mòn dẫn vào tiểu khu 12 rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, với điểm đầu là đường cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn giáp ranh Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế) được tạo nên bởi bàn chân người trồng, chăm sóc cây rừng. Hơn 65.000 cây lát hoa được trồng cách đây 4 năm tại Tiểu khu 12 đã cao 4-5m. Dẫn chúng tôi xuyên qua những tán cây, ông Nguyễn Thành Tân, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (thuộc Chi cục Kiểm lâm thành phố) cho biết, năm 2022, Công ty TNHH Nguyên Phú - đơn vị trúng thầu dự án trồng rừng thay thế đã bàn giao hơn 65.000 cây lát hoa sau thời gian trồng, chăm sóc theo hợp đồng. Xa xa, trên những cánh rừng, hàng ngàn cây lát hoa vững chải, vươn những chiếc lá non đỏ thẫm đón ánh mặt trời.

Theo ông Tân, mỗi chiếc lá, mỗi thân cây vừa được trồng trên những cánh rừng là mồ hôi, công sức của nhiều đơn vị phối hợp. Mới đây, trong một chuyến kiểm tra thực trạng rừng trồng, cán bộ ban quản lý phát hiện hàng trăm cây lát hoa bị sâu ăn lá, cuốn lá phá hoại. Để cứu cây, đoàn kiểm tra chụp lại hình ảnh, phối hợp cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch xử lý sâu hại gây bệnh. Lát hoa là giống cây rừng, thân thẳng, có sức sống mạnh mẽ, ưa sáng; đường kính khi trưởng thành có thể cao 30m, ít ngã đổ. Vân gỗ đẹp, cứng, được ban quản lý trồng với mục đích tạo rừng phòng hộ, che chắn thành phố trước những tác động tiêu cực từ thiên nhiên. “Công tác chăm sóc được chúng tôi thực hiện thường xuyên nhằm bảo đảm cây sống, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết nhiều bất lợi”, ông Tân khẳng định.

Chuyện trồng, chăm sóc cây rừng, ai từng trải qua mới dễ dàng thấu hiểu. Công ty TNHH Nguyên Phú từng cử người ăn dầm, nằm dề trên những lán trại dựng tạm bên cánh rừng để chăm sóc cây. Nước tưới cây được đưa lên bằng hệ thống ống dẫn từ con suối nằm cách đó hàng trăm mét. Ở vị trí xa hơn, công nhân phải cõng nước trên lưng, tưới nhỏ giọt để duy trì sức sống của cây trong những ngày đầu đặt bầu xuống đất.

Vài ba ngày, ông Nguyễn Văn Tất, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Phú từ phố chạy lên thăm rừng. Thời điểm nắng nóng, sợ cây mới trồng chết, ông ở lại lán trại để chỉ đạo, giám sát việc trồng, chăm sóc cây của công nhân. “Rừng Đà Nẵng có lớp thực bì dày, muốn trồng, chúng tôi phải đào hố sâu, bón phân, chất dinh dưỡng, trải lớp lá mục tạo ẩm và bảo đảm nguồn nước tưới. Giai đoạn mới trồng, hàng chục công nhân bám trụ tại rừng hơn 2 tháng để tưới nước, xử lý thực bì, cây dại, không cho dây leo, cây dại mọc bám vào thân cây giống và thay thế cây chết, còi cọc”, ông Tất chia sẻ.

Cách đó vài ngọn núi, hơn 58.000 cây lát hoa được Công ty Nguyên Phú trồng cuối năm 2020 tại tiểu khu 10 rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cũng đã bén rễ, vươn cành chắc chắn. Theo kế hoạch, khoảng cuối năm nay, Công ty Nguyên Phú sẽ bàn giao rừng cây lại cho chủ rừng trông coi, tạm khép lại hành trình hàng chục con người băng đồi, lội suối, cõng từng thân cây mang vào tiểu khu 10 mà theo ông Phú kể, có những đoạn dốc cao, không thể trực tiếp đưa cây lên núi, công nhân phải dùng máy tời kéo rê lên vách…

Đó chỉ là 2 trong hàng chục cánh rừng được Chi cục Kiểm lâm thành phố giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa hợp đồng trồng, chăm sóc tại địa bàn 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang. Theo kế hoạch trồng mới cây xanh năm 2023, đơn vị đã chuẩn bị 50.000 cây giống gồm chò đen, xoan đào, ươi, sao đen, gáo vàng…

Ông Nguyễn Thành Tân cho biết, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát công trình chăm sóc rừng trồng thay thế tại tiểu khu 2, 6, 17, 52, 53, 54; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tại tiểu khu 14, 20, 12, 54 và hoàn thành quá trình nuôi dưỡng rừng tại tiểu khu 24, 37, 39… Ngoài 6 trạm quản lý, bảo vệ rừng Tà Nô, Sông Nam, Sông Bắc, Cà Nhông, Phú Túc, An Lợi, công tác bảo vệ rừng trồng, rừng nguyên sinh được đơn vị phối hợp cùng 281 hộ dân sống ven rừng. Sau mỗi đợt kiểm tra có đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án xử lý.

Tập trung nguồn lực bảo vệ rừng

Các dự án trồng rừng thay thế triển khai thời gian qua giúp thay đổi nhận thức của người dân các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh… trong chăm sóc, bảo vệ rừng. Đến nay, đã có hàng trăm hộ dân tham gia nhóm hộ bảo vệ rừng. Ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) khẳng định người Cơ tu khi lấy đi thứ gì từ rừng, họ đều làm lễ cúng xin phép thần linh và cộng đồng làng, xã. Mọi thứ trong rừng là của chung và trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng thuộc về cộng đồng. Vì thế, nhiều người Cơ tu đến nay vẫn giữ thói quen trồng rừng ngày đầu năm với hy vọng năm mới mọi điều đều suôn sẻ, tươi tốt và lành, thẳng như cây rừng.

Bên cạnh đó, chủ trương giao khoán rừng cho người dân giúp những cánh phía tây thành phố hồi sinh. Theo ông Như, nhờ hưởng lợi từ chương trình trồng rừng, đời sống kinh tế của bà con Cơ tu ổn định hơn. Nhiều hộ dân trước đây bị đối tượng xấu dụ dỗ xâm hại rừng, nay trở thành thành viên tích cực của tổ bảo vệ rừng địa phương. Hằng tuần, tổ bảo vệ sẽ đi kiểm tra, khảo sát, phối hợp cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm.

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm thành phố, đến nay tỷ lệ che phủ rừng tại Đà Nẵng đạt 47,17%, trong đó, ngoài 43.189 ha rừng tự nhiên, thành phố đã trồng mới hơn 20.171 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và hỗ trợ trồng mới rừng sản xuất. Đây được xem là nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch phân bổ, năm 2023, thành phố sẽ trồng mới hơn 1 triệu cây rừng trên tổng diện tích 815 ha. Để thuận lợi chăm sóc, theo dõi diễn biến rừng, Chi cục Kiểm lâm thành phố đã hoàn thành việc cập nhật thông tin, số liệu rừng trên địa bàn các quận, huyện Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Hòa Vang trên máy tính, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu lên hệ thống Formis, triển khai ảnh vệ tinh Google eart...

Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết, trong năm, đơn vị tiếp tục triển khai công tác chăm sóc, trồng, phục hồi rừng sim và rừng tự nhiên tại tiểu khu 62 (bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà); khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên tại các tiểu khu 20, 24. Đặc biệt, đơn vị ưu tiên nuôi dưỡng rừng tự nhiên tại các tiểu khu 24, 37, 39 (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) và chăm sóc rừng trồng bổ sung cây bản địa trên diện tích phát quang, xử lý bìm bìm xâm hại tại rừng Nam Hải Vân…

Có những chuyến đi tuần tra kéo dài cả tuần trong rừng, gian nan, vất vả, nguy hiểm không kể xiết. “Công tác quy hoạch, trồng rừng thay thế được chúng tôi tiến hành song song với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, tăng độ che phủ rừng tự nhiên. Thời gian tới, việc hoàn thành cắm mốc ranh giới rừng,  theo kết quả quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của thành phố sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước xác định rõ lâm phận, ổn định công tác trồng, quản lý rừng, đặc biệt ở những khu vực rừng trồng mới”, ông Dũng nói.

TIỂU YẾN

.