Đà Nẵng cuối tuần

Cảm thụ cuộc sống qua tác phẩm điêu khắc

19:43, 28/01/2023 (GMT+7)

Ngôn từ và nhịp điệu của ngôn từ là tâm can của nhà thơ. Khối và nhịp điệu của khối là tâm can của nhà điêu khắc. Cả hai cùng có tiếng nói cô đọng, hàm súc, tỏ bày những điều ẩn náu của nội tâm. Nó khó. Phải trăn trở nhiều. Tạ Quang Bạo là một trong những nhà điêu khắc hàng đầu của Việt Nam đẫm mình trong cảm xúc của khối chất, như là thi sĩ đẫm mình trong ngôn từ vậy.

Tượng đài Quế Sơn đặt tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.L.T
Tượng đài Quế Sơn đặt tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.L.T

Có thể cảm được niềm vui của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo khi ông dừng những khối hình của mình lại... Chúng dừng lại ở khoảnh khắc nồng nàn, hòa quyện nhau, xô đẩy nhau, giống như sự nồng nàn ở trong lồng ngực ông. Không dễ để hiển hiện được cái riêng thật của mình, nếu cứ loay hoay tìm kiếm. Chắc là, phải thả ra, và lao động và thương yêu, thì cá thể mình mới lộ ra trong cái khối của mình, cái khối vừa mới được khai sinh như là bất chợt. Với nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thì lý luận không thay thế được việc vọc tay vào đất, hay cầm máy lên quần thảo với đá và gỗ. Tôi có một thời gian làm việc cùng ông ở Xưởng Mỹ thuật quân đội. Tôi trọng ông là người nghệ sĩ lao động quên mình, đầy ắp say sưa và khao khát.

Sự nghiệp của ông có hai mảng sáng tác lớn, thoạt nhìn như tách rời, thực ra nó là một dòng chảy không khác biệt. Giống như người lúc hát tình ca, lúc hát nhạc đỏ. Nhạc điệu khác nhau nhưng là do một người hát, với sự say sưa như nhau, với tình cảm và chất giọng riêng của mình.

Những bản tình ca

Mảng sáng tác tạm gọi là tượng salon của ông là những bản tình ca, là tự sự. Nó bộc lộ con người ông và mong muốn truyền lực tình yêu cho đời. Những khối nhỏ nhẹ và những khối thô mạnh được chuyển hóa tinh tế để dẫn đến kết cục tự nhiên, mới lạ. Sự cân nhắc từng cú đắp vào, lấy ra của ông là cử động đạt đến vô thức, từ một nền tảng tri thức nhuần nhuyễn, cùng nguồn cảm hứng mạnh. Nguồn cảm hứng mạnh là báu vật trời cho. Đúng là cảm hứng nhè nhẹ khó mà tạo nên mẫn cảm và xung động. Tượng của Tạ Quang Bạo hàm chứa mẫn cảm và xung động. Vậy nên chúng tình cảm, có thể dẫn dắt người thưởng ngoạn đi theo nhịp tình cảm của mình, để rưng rưng, hồ hởi với cuộc sống, với tình yêu, ấy là thành công, là đóng góp của một đời người nghệ sĩ. 

Ông nghiên cứu kỹ và rất thuộc tiếng nói của các chất liệu, đặc biệt là kim loại. Với ông, chúng trở nên căng đầy mà lại dịu dàng, mạnh mà tinh tế. Chúng phô diễn vẻ lực lưỡng của sự sống và cái ấm áp phồn thực của tình yêu. Tượng của ông say sưa và nhiều cung bậc. Cái riêng tư như thở trong từng nhịp khối, thực là tiếng nói của riêng ông.

Điêu khắc có thể ghi được dấu ấn gì, có thể đóng góp gì nếu nhà điêu khắc không gõ được vào nội tâm của người đời. Tạ Quang Bạo có thể giúp cho người đời có được giây phút đọc nội tâm mình, đọc sự cảm thụ cuộc sống của mình.

Không vọng tưởng một tuyên ngôn mới lạ, mà tự tin mình chính là tôn giáo của mình. Ấy là tôi nghĩ vậy, khi đứng trước các tác phẩm của ông. Như là, người sáng tạo lập tức đứng trên tất cả, mỗi khi nhập vào với cái linh thiêng duy nhất của đời mình.

Dấu ấn riêng trong tượng đài

Đóng góp của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo ở khu vực tượng đài của đất nước là không nhỏ. Tượng đài có một yếu tố cơ bản, cốt lõi, không thể thiếu, chính là sự xung động chiếm lĩnh không gian của bố cục và của khối. Phải chiếm lĩnh không gian một cách mạnh mẽ mới chiếm lĩnh được sự ngưỡng vọng của người xem. Mới thuyết phục được người xem chú ý cảm thụ ý tứ của tác phẩm. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã thực thi điều này một cách độc đáo.

Tôi thích cách xử lý không gian ở tượng đài Quế Sơn (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) của ông. “Bát úp. Bát ngửa” là tứ của bố cục. Một khối bê-tông lớn hình cái bát úp xuống, một khối bê tông nhỏ hơn đặt ngửa ở trên cái bát úp và nhóm tượng bung ra trên cái khối bát ngửa ấy. Cách chiếm lĩnh không gian thật thông minh, vừa hài hòa với vùng đồi núi Quế Sơn, vừa bất ngờ nở bung ra như một bó hoa. Sự ngợi ca vừa hào hứng lại vừa trầm mặc.

Tượng đài Việt Lào đặt ở nghĩa trang đường 9 tỉnh Quảng Trị có bố cục tổng thể đẹp. Bố cục tạo nên cái toàn cảnh hào hùng. Tạo nên cảm giác bị thuyết phục bởi lòng tin và lòng biết ơn, cảm giác về sự thiêng liêng vang vang giữa bầu trời lồng lộng.

Tượng đài Sông Lô lại là một cách chiếm lĩnh không gian khác. Các nhân vật gần như dàn hàng ngang. Ấy là cái vững vàng của dòng Lô, cái mạnh mẽ của dòng Lô, cái kỷ niệm gần gũi vấn vương của một thời con sông và người chiến đấu bên nhau. Rất cảm động. Người của thời chống Pháp giản dị, chân chất còn đây, mãi mãi là nhân chứng của bản hùng ca dân tộc.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thực hiện nhiều tượng đài. Tôi chỉ nêu lên vài ví dụ. Ở những tượng đài của ông, bố cục, cách chiếm lĩnh không gian và cách thức hòa hợp với không gian rất khác nhau cho thấy ông lao động thực sự nghiêm túc và tâm huyết.

Xử lý tổng thể công trình là khả năng sáng tạo và kinh nghiệm của tác giả, nhưng chi tiết của khối chất mới chính là chữ ký của tác giả. Khối chất tượng đài của Tạ Quang Bạo mỗi công trình đều có sự luyến láy khác nhau, tùy thuộc vào nội dung và không gian của công trình. Tuy nhiên chúng đều tự thốt lên: Tôi chính là Tạ Quang Bạo. Không thể trộn lẫn. Thực sự ông rất điệu nghệ trong cách phô diễn cảm xúc, phô diễn tay nghề vững vàng của mình. Người có nghề nhìn vào sẽ thấy thích thú và cảm phục. Người không ở trong nghề thì thấy thoải mái trước vẻ đẹp đã được cách điệu mà không kỳ lạ và khó hiểu. Ông đặc biệt có khả năng điều phối tỷ lệ của khối vừa ngẫu hứng lại vừa chuẩn xác. Tôi chợt nhớ tới tỷ lệ trong tượng Chàm, nếu đo đạc thì chúng rất vô lý, mà nhìn thì thật là thuận mắt và sống động.

Xem tượng của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, cho đến lúc này, thấy một con người và một sự nghiệp. Những thăng trầm của cuộc đời không che khuất khát khao của người nghệ sĩ. Khát khao thể hiện mình của người nghệ sĩ thực chất là khát khao đóng góp cho đời vậy.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sinh năm 1941 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1971. Sau đó tham gia quân đội, chiến đấu ở chiến trường khu 5. Năm 1976, ông công tác tại xưởng Mỹ thuật Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.

Những giải thưởng:

- Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

- Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012.

- Huân chương chiến công hạng 3 với tác phẩm “Dũng sĩ núi thành” do Quân khu 5 tặng năm 1973.

- Giải Nhì tượng “Mẹ Trường Sơn” của Bộ Văn hóa năm 1976.

- Giải Nhất tượng “Hành quân qua đường phố” tại Triển lãm mỹ thuật quân đội năm 1979.

- Giải Nhất tượng “Đảo tiền tiêu” tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980.

- Giải Nhất cho 3 tác phẩm “Hòa bình”, “Dòng sông Mê Kông” và “Mẹ lá chắn” tại Triển lãm điêu khắc toàn quốc năm 1983.

-  Giải nhất với 2 tác phẩm “Kháng chiến chống Pháp” và “Kháng chiến chống Mỹ” tại Triển lãm Mỹ thuật quân đội toàn quốc năm 1984.

- Giải đặc biệt dành cho thành viên hội đồng nghệ thuật quốc gia với tác phẩm “Vọng phu” tại Triển lãm 10 năm điêu khắc năm 1993.

TRẦN LUÂN TÍN

.