Đà Nẵng cuối tuần

Tên gọi 2 cây cầu bắc qua sông Hàn trước năm 1975

19:50, 28/01/2023 (GMT+7)

Trước năm 1975, Đà Nẵng có hai cây cầu bắc qua sông Hàn: 1 cây cầu có vị trí tương ứng với cầu Trần Thị Lý hiện nay và 1 cây cầu khác, cơ bản giữ nguyên hiện trạng trước năm 1975 - cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũ và mới của hai cây cầu này.

Ảnh chụp trước năm 1975 - góc chụp từ hướng đông nhìn về hướng tây.  Trong ảnh: Cầu Trịnh Minh Thế (bên trái) - hiện nay là cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Hoàng - hiện nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Ảnh chụp trước năm 1975 - góc chụp từ hướng đông nhìn về hướng tây. TRONG ẢNH: Cầu Trịnh Minh Thế (bên trái) - hiện nay là cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Hoàng - hiện nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tướng De Lattre de Tassigny của Pháp làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Riêng tại Đà Nẵng, nhằm tăng cường sự kết nối, vận chuyển vũ khí, quân dụng, trong niên khóa 1951-1952, quân đội Pháp đã xây cất một cây cầu bắc qua sông Hàn - là cây cầu đầu tiên kết nối giữa hai bờ sông Hàn: “Quân đội Pháp xây cất trong niên khóa 1951-1952. Vì muốn cầu được ngắn và rẻ tiền, nên công binh Pháp đắp từ hai bờ ruộng ra hai con đường khá dài ước trên 400m để nối liền với cầu, như vậy cầu xây thành một đập chắn nước giảm lưu diện sông xuống 40%”(1). Như vậy, có thể đưa ra thông tin, cây cầu này ban đầu do quân đội Pháp (công binh) tham gia xây dựng với tính chất khẩn cấp, trong đó khối lượng công việc chính là đắp đường dẫn hai bên đầu cầu với chiều dài 400m. Về phần thân cầu thì hãng EIFFEI của Pháp chịu trách nhiệm thi công, vì kết cấu kỹ thuật đòi hỏi cao hơn. Cây cầu hoàn thành trước mùa mưa năm 1951, có tính chất là cầu dã chiến.

Từ năm 1952, chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương đã chính thức lấy tên tướng De Lattre de Tassigny đặt tên cây cầu này là cầu De Lattre de Tassigny (quen gọi là Đờ-Lát). Cây cầu được xây dựng cấp tốc, nhưng “là một cầu chung, dài 525,5m, lòng rộng 6m, gồm có 17 vài”(2); cầu chung ở đây có nghĩa là giành cho cả đường sắt và đường bộ, phục vụ cả dân sự và quân sự, có tính chất là cây cầu vĩnh viễn, đặt dưới sự quản lý của quân đội Pháp. Từ giữa năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đổi hầu hết các tên đường người Pháp thành người Việt, trong đó tên cầu De Lattre de Tassigny đổi thành cầu Trình Minh Thế (sau đó được đọc chệch thành Trịnh Minh Thế) cho đến năm 1975.

Đối với cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay, sau trận lụt năm Giáp Thìn 1964, trong bối cảnh thương cảng Đà Nẵng vẫn giữ nguyên trạng như năm 1955, năm 1965, Tổng trưởng Bộ Công chánh và Giao thông đề xuất Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về việc “làm cầu bê-tông cốt sắt vĩnh viễn thay thế cầu Trịnh Minh Thế đã bị trận lụt vừa rồi phá hủy”(3). Ngân sách Bộ Công chánh và Giao thông đề nghị trong năm 1965 để khảo sát và lập dự án là 10 triệu đồng, nhưng kinh phí này không được chấp nhận vì tình hình tài chính khó khăn. Trong năm 1966, sau gần một năm khi quân đội Mỹ tham chiến trực tiếp tại miền Nam Việt Nam (với việc quân đội Mỹ đỗ bộ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965), đã nhanh chóng xây dựng, lắp ghép từ các ống thép, mặt cầu bằng gỗ dùng để phục vụ cho việc chuyên chở khí tài chiến tranh từ cảng sâu Tiên Sa vào thị xã Đà Nẵng, có tên gọi trên bản đồ Đà Nẵng lúc bấy giờ là cầu Nguyễn Hoàng. Do đó, khi có cây cầu thứ 2 bắc qua sông Hàn thì đề xuất xây mới cầu Trịnh Minh Thế ở vị trí về hạ lưu sông Hàn không thực hiện nữa. Cũng từ đó, hai cây cầu này song hành với nhau và có chung một đường dẫn ở hai bên đầu cầu.

Từ năm 1975 đến thời điểm hiện nay, cầu Nguyễn Hoàng được đổi tên thành cầu Nguyễn Văn Trỗi, trở thành một cây cầu đường bộ huyết mạch nối liền hai bờ đông - tây sông Hàn cho đến khi cầu Sông Hàn được đưa vào sử dụng năm 2000.

Về tên gọi của cầu Trịnh Minh Thế sau năm 1975, điểm qua các thông tin trên các bài viết đã công bố, thì chỉ nêu một ý rằng, “sau năm 1975, cầu Trịnh Minh Thế mới được đổi tên thành cầu Trần Thị Lý”(4). Thông tin này chưa đầy đủ với tên gọi qua các lịch sử của cầu này. Trên thực tế, từ năm 1975, cầu Trịnh Minh Thế cũng được đổi tên thành cầu Nguyễn Văn Trỗi, cùng với cầu Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 1975, cầu Trịnh Minh Thế giành cho đường sắt tuyến ga Đà Nẵng - cảng Tiên Sa, nên có tên gọi là cầu sắt Nguyễn Văn Trỗi, để phân biệt với cầu đường bộ Nguyễn Văn Trỗi (gọi tắt là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Đến năm 1999, HĐND thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 05/1999/NQ-HĐND về việc đổi tên cầu sắt Nguyễn Văn Trỗi thành đường và cầu Trần Thị Lý(5), có chiều dài 1.800m, điểm đầu từ đường Ngũ Hành Sơn, điểm cuối là đường Duy Tân. Từ đó mới phân biệt rõ giữa cầu Nguyễn Văn Trỗi (cầu Nguyễn Hoàng trước 1975) và cầu Trần Thị Lý (cầu De Lattre de Tassigny, cầu Trịnh Minh Thế trước năm 1975 và cầu sắt Nguyễn Văn Trỗi từ năm 1975 đến năm 1999).

Việc gọi tên chính xác của hai cây cầu bắc qua sông Hàn được xây dựng từ trước năm 1975 cần khảo sát trên cơ sở văn bản học, với tính logic lịch sử của nó để từ đó xác định tên gọi đầy đủ và đúng với từng giai đoạn lịch sử của thành phố.

VÕ HÀ

-------------------------------
(1). Công văn số 1897/CC/CM ngày 11-3-1957 của Trưởng Khu Công chánh miền Bắc Trung Phần gửi Tư lệnh Sư đoàn dã chiến số 2 kiêm Chỉ huy trưởng Khu tự trị Đà Nẵng về sửa chữa cầu De Lattre de Tassigny. Hồ sơ 9471. Phông Bộ Công chánh và Giao thông. Trung tâm lưu trữ quốc gia II.
(2). Công văn số 1897/CC/CM ngày 11-3-1957, đã dẫn.
(3). Công văn số 100/BCC/BTT/TC ngày 23-2-1965 của Tổng trưởng Bộ Công chánh và Giao thông trình Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ 22328. Phông Bộ Công chánh và Giao thông. Trung tâm lưu trữ quốc gia II.
(4). “Về tên gọi hai cây cầu trước năm 1975”, Báo Đà Nẵng ngày 31-3-2012, đã dẫn.
(5). Theo Nghị quyết số 05/1999/NQ-HĐND ngày 10-7-1999 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng. Bà Trần Thị Lý (1933-1992) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Theo quy chế đặt, đổi tên đường, các nhân vật lịch sử mất sau 5 năm thì mới được đặt tên đường, cầu; như vậy, đến thời điểm năm 1999 thì bà Trần Thị Lý đã mất được 7 năm.

.