Cổ thành gặp lại

.

Sau khi quở trách gay gắt những người phụ tá, Hợp trở về phòng bác sĩ trưởng ca trực. Hợp biết nếu ở lại lâu hơn, cơn giận có thể sẽ làm anh mất khôn bằng những lời lẽ không nên có của một bác sĩ trưởng ca.

Ngót chục năm về công tác ở bệnh viện này, chưa lần nào Hợp lại giận dữ đến như thế! Y sĩ Toàn và hai y tá Lan, Nga cũng lấy làm lạ. Họ nín re và vội vàng chuyên chú vào phần việc mình. Đó là cách tự nhận lỗi của họ vì Hợp trách mắng rất đúng. Có điều sao anh lại trách mắng thậm tệ, sao anh lại “quan trọng hóa” cái lỗi lầm không đáng trong một ca có thể nói là xoàng! Đầu đuôi gì thì cũng do Nga phát thuốc lợi tiểu chậm cho một bệnh nhân tim mạch. Và đúng là chỉ vậy thôi!

Trong bệnh viện này, từ chuyên môn đến cách cư xử, Hợp là người nổi tiếng “không chê vào đâu được”. Về mặt chuyên môn, anh thuộc loại khá, nhất là bệnh tim mạch. Còn về mặt cư xử, giao tiếp… từ bệnh nhân cho đến cấp trên của Hợp, chẳng ai không mến phục anh dù chỉ qua một lần chuyện trò, gặp gỡ. Mới hơn chín năm về làm việc ở bệnh viện tỉnh, Hợp - từ một bác sĩ mới ra trường - giờ đã là bác sĩ trưởng khoa nội của bệnh viện.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đêm cuối năm bình thản trượt dài qua những cơn mê sảng, những cựa mình nhức nhối của biết bao bệnh nhân. Từ góc hành lang phía trước mặt Hợp, dáng ai đó trắng như một bóng ma đang âm thầm giơ cao bình thuốc chuyền, đi như chạy về hướng có phòng mổ. Bóng ma ấy vô tình chặn đứng những ý nghĩ miên man trong đầu Hợp, kéo anh quay về với trách nhiệm là bác sĩ trực của mình: Đứng đầu toàn bệnh viện đêm nay để đánh nhau với thần chết. Và thoáng chốc, việc chểnh mảng của cô y tá vừa rồi lại trở về trong trí anh. Hợp chợt bắt gặp cái tâm trạng sáu tháng trước đây của mình. Đầy muộn phiền, day dứt. Như nhịp tim của chính Hợp, sự ăn năn hối hận cứ bám riết lấy anh. Dai dẳng. Nó bao trùm lấy anh lúc ở phòng mạch tư của mình, cũng như ở những giấc ngủ thường xuyên bị ngắt quãng trong các đêm trực nơi bệnh viện. Người y tá một mình trong khuya, tay cầm bình thuốc, lặng lẽ đi như chạy mà Hợp vừa thấy kia, đã mở màn kéo anh trở lại nỗi đau của nửa năm về trước.

***

Chủ nhân của căn phố Hợp đang mở phòng mạch là ông Bảy. Vợ chồng Hợp quen ông bà Bảy thoạt đầu cũng chỉ ở phạm vi bác sĩ với bệnh nhân. “Mấy ai đội đá trên đầu hoài”, nhất là những người có quả tim bất thường như ông Bảy. Do đó qua mấy lần bà Bảy chủ động đi lại, quà cáp, hai bên trở nên thân thiết hơn. Chịu hết xiết với mớ lương “ba cọc ba đồng”, Hợp đang tìm cách mở phòng mạch tư nhưng kiếm không ra mặt bằng, thì đùng cái biết ông bà Bảy có tới hai cơ ngơi. Một căn phố trong nội thành và ngôi nhà trên quê. Anh bèn khuyên - cũng là hợp sách - bệnh ông Bảy muốn sống lâu nên về an dưỡng nơi yên tĩnh, không khí trong lành. Là lời khuyên của một bác sĩ điều trị thân thiết, ông bà Bảy tán đồng ngay dù kỳ thật bà vốn người chẳng mấy thích ở vùng quê. Còn biết làm sao được khi mà theo bác sĩ Hợp, bệnh tình của ông là phải an dưỡng dài dài. Bà lại phải luôn ở gần bên ông săn sóc, an ủi, tránh cho chồng những xúc động, buồn vui thái quá… Vấn đề là căn nhà ở trung tâm thành phố bỏ trống không. Thu, vợ Hợp đã khéo léo gợi ý, thỏa thuận thuê với hợp đồng là hai năm, rồi ký tiếp nếu muốn. Tiền thuê căn phố chồng trước từng năm.

Hơn một năm qua, căn nhà ấy ngày một khác đi. Khác đến nỗi bà Bảy cứ lầm hoài mỗi lần đi chợ thành phố ghé thăm lại nhà cũ của mình. Cùng với lợi tức phòng mạch nơi căn nhà, kinh tế gia đình Hợp ngày một sung túc.

Đùng cái trong bữa cơm trưa nay, vợ Hợp báo tin bệnh tim của ông Bảy tái phát! Bệnh tim ở vào độ tuổi cổ lai hy như ông Bảy quả là đáng sợ. Gần suốt một đời, trái tim luôn bị thúc ép trong quá trình ăn chơi trác táng như ông Bảy, vào tuổi này còn đập được cũng là phép lạ, chứ đừng nói chỉ suy ở độ ba. Nếu ông Bảy có mệnh hệ gì, bà Bảy sẽ không ở quê nữa! Hợp bóp méo lon bia còn lại và thấy no ngang. Anh đứng dậy làm Thu ngạc nhiên:

- Sao anh không ăn cơm đi?

- Không! - Hợp thở hắt ra: Một rưỡi nhớ gọi anh.

- Chiều nay anh nghỉ bù cơ mà?

Hợp nói vọng lại từ phía phòng ngủ:

- Phải lên xem bệnh tình ông Bảy ra sao.

***

Hợp áp mặt ống nghe vào các gờ xương sườn lộ rõ dưới làn da tái mét. Từ trong lồng ngực gầy gò của bệnh nhân, tiếng tim thổi vào tai Hợp cái nhịp đập y chang ông Bảy. Lại một bệnh nhân hở van tim ở cấp độ nặng nhất. Hợp ra hiệu cho chị người nhà đi theo lật sấp bệnh nhân để anh khám phổi. Hợp áp tay vào lưng bệnh nhân và ngó sang người đàn bà:

- Có… ho ra máu không?

- Dạ thưa bác sĩ, nhà em có ho nhưng không ra máu.

Hợp lần tay xuống hông người bệnh:

- Sẹo này là sẹo gì?

Người đàn bà trả lời, âm giọng nghe nặng vùng Quảng Trị:

- Dạ, bị mảnh bom ở Quảng Trị hồi chiến tranh chống Mỹ.

Hợp sững người. Thốt nhiên gương mặt tái nhợt của bệnh nhân nháng lên trong trí nhớ anh một dáng vẻ thân quen nào? Chẳng lẽ đây lại là… Hợp chăm chú nhìn.

Sau dăm ba câu thăm hỏi nữa về thân thể, trường hợp bị thương của bệnh nhân… Hợp tê tái, bàng hoàng! Bệnh nhân tên Chứ này đích thị là bạn cũ và cũng chính người đã từng cứu mạng anh…

***

Ngày ấy, Hợp còn là một anh quân y sĩ. Vừa mới ra trường công tác chưa bao lâu, Hợp đã lọt thỏm vào những trận đánh ngút ngàn, những cơn mưa bom xối xả nơi Cổ thành Quảng Trị.

Trong một đợt địch phản công vào Cổ thành, Hợp bị thương ở chân và anh lạc đơn vị mình giữa bốn bên điệp trùng vòng vây của địch. Trong mênh mông đêm tối của thị xã đổ nát, mày mò thế nào Hợp lại lọt xuống được căn hầm một ngôi nhà vừa sập. Đấy là loại hầm dân ở vùng giáp ranh thường làm giữa nhà để tránh bom đạn. Ngay sau đó, một đợt bom như từ dưới “âm phủ” dội lên khiến Hợp bất tỉnh. Lúc trở dậy anh ngơ ngác khi thấy có một chiến sĩ ngồi bó gối bên cạnh đang âu lo nhìn mình. Qua bụi mù ngột ngạt của vuông hầm, người đồng chí cười rạng rỡ khi thấy anh tỉnh lại. Cái cười làm động đậy những lông măng dễ thương trên đôi má anh lính trẻ…

Những ngày tiếp sau đó, người chiến sĩ trẻ - tên Chứ, thuộc đơn vị đặc công - đã làm công việc là điều trị vết thương chân cho anh. Vào chạng vạng tối cái ngày mà chân Hợp đã đỡ, Chứ lại lết về với một vết thương bên mạn sườn. Anh bị mảnh của đợt bom địch thả vét vào Cổ thành trong khi đi tìm thực phẩm nuôi hai người, chủ yếu là nuôi sống Hợp. Mảnh bom xẹt qua bẹ sườn, gần tim. Đến lượt Hợp lại khâu băng cho người đồng chí dù mới quen nhưng rất thân thiết. Vết thương tuy nhất thời không nguy đến tính mạng, nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cơ đập và thần kinh tim. Vết thương đáng ra không thể có với Chứ nếu anh chẳng gặp Hợp. Chứ đã thoát ra dễ dàng để theo đơn vị mình dù xung quanh lúc ấy đơn vị địch đang bủa vây.

Hơn mười ngày sau, trong một đêm tối trời, Chứ vừa cõng Hợp vừa trinh sát thoát ra khỏi vòng vây. Rồi dìu anh bơi qua sông Thạch Hãn. Hai người suýt bị nước cuốn trôi vì Chứ đã không tính toán đến sức nặng của Hợp sau vai mình.

Lần bị thương, thoát chết ấy mà Hợp còn tìm về được đơn vị đã là tiền đề thuận lợi cho việc tiến cử anh theo học khóa đại học y sau này.

Giờ đây, như là sự sắp đặt cố tình của định mệnh, Chứ vừa mới đưa vào khu cấp cứu trung tâm lại ngay vào ca trực của Hợp. Cuộc đời khéo xoay vần như thể cho anh có dịp để ân đền nghĩa cũ! Vết sẹo còn in dấu những mũi may vội vàng ấy với lai lịch biết thêm từ người đàn bà - chắc là vợ bệnh nhân - khiến Hợp không nhầm lẫn vào đâu đuợc. Việc lao lực lao tâm của một người xung phong đi kinh tế mới sau khi xuất ngũ đã làm suy yếu nhanh chóng trái tim anh lính đặc công quả cảm, nghĩa tình này.

Sau khi nghiên cứu kỹ bệnh án của Chứ, bằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề, Hợp nhanh chóng hình thành phương cách điều trị cho anh. Cơn xúc động âm thầm đã lắng đi, giờ chỉ còn lại ở Hợp sự quyết tâm cứu người bạn cũ.

- Mình còn bao nhiêu lọ Pi, cô Nga? Hợp vừa hí hoáy viết trên bệnh án Chứ vừa hỏi cô y tá.

- Thưa bác sĩ, đã hết rồi ạ.

Hợp buông viết, sửng sốt:

- Ủa, tôi nhớ là còn mà!

- Thưa… còn năm mươi lọ cuối cùng, bác sĩ đã cấp cho bệnh nhân Hoàng Văn Bảy rồi ạ.

- Bảy nào? Cô đem bệnh án đó lại đây tôi xem.

Nga mang bệnh án đến. Vừa nhác thấy tập giấy, Hợp đã ngớ người. Đấy là bệnh án của ông Bảy, người cho anh thuê nhà mở phòng mạch, Hợp vừa khám hồi đầu giờ. Anh vội bảo cô y tá:

- Cô chạy qua phòng Dược, hỏi họ xem có còn Pi Đức không, tạm ứng đỡ năm mươi lọ. Nhớ nói cho bác sĩ Hợp mượn, nghe không?

Cô y tá đi rồi, Hợp dạng hai tay chống vào cạnh bàn, đoạn đẩy người dựa lưng vào ghế. Chiếc ghế inox xoay nửa vòng, hướng ánh nhìn anh ra khoảng sân bệnh viện. Nắng trưa gay gắt đang nhảy múa trên đám người ngồi đầy trước cổng bệnh viện vào giờ cấm thân nhân thăm nuôi. Khu khám đa khoa quá bên kia đường, người ra vào đông như cái chợ. Hợp nhìn ra nắng lóa buổi trưa, trán anh nhăn lại, đăm chiêu…

Bệnh tim của Chứ - bạn anh - với bệnh ông Bảy giống nhau vừa ở cơ chế, vừa ở tình trạng nguy kịch. Cả hai đều phải được điều trị cấp tốc thêm bằng thuốc Péni loại tốt, tiêm liều cao. Phổi của hai người do sự đóng mở sai thì của van tim lại nằm ngửa quá lâu nên đã có vấn đề. Đó là chưa kể việc tuần hoàn bất thường của máu đã tác hại dây chuyền làm gan to, thận suy… Suy tim do hẹp hở van nói chung không sớm thì muộn, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp cũng sẽ ảnh hưởng đến lục phủ, ngũ tạng… Nhất là những người tuổi cao. Nghĩ đến bệnh tình ông Bảy, Hợp lại thở ra. Cái phòng mạch sáng sủa và lắm bệnh nhân của anh lại hiện lên trong trí. Giá Hợp có tiền và giá ông Bảy chịu bán đứt căn nhà thì sự việc đã chẳng đến nỗi phải mệt óc anh như vậy. Lại còn chuyện giá đất tự dưng bay lên như diều phải gió gần đây nữa! Nghề nghiệp của anh phải đeo lấy căn bệnh ông Bảy đã đành, song kinh tế gia đình anh cũng tùy thuộc vào đấy, mới khổ! Đã thế ông còn kèm theo bà vợ chẳng thích ở thôn quê lại càng khó. Lúc đầu giờ khám ông Bảy, Hợp đã kê thuốc men cho ông thuộc vào diện cấp cứu ưu tiên một. Năm mươi lọ Péni cuối cùng của Khoa, anh dốc hết cho ông… Hợp quay lại khi thoáng bóng chiếc blouse.

- Thưa bác sĩ, phòng Dược cũng hết Pi.

Hợp lặng người.

- Họ bảo mốt về đợt thuốc mới, sẽ có - Vẫn tiếng cô y tá.

Hợp xoay hẳn ghế bành đối diện với Nga:

- Số Péni tôi ghi cho bệnh nhân Bảy, cô đã cấp tiêm chưa?

- Thưa chưa.

Gõ gõ cán bút xuống mặt bàn inox, Hợp bảo:

- Để… đấy tôi xem, cô khoan cấp cho ông Bảy đã nhé.

Phòng mạch anh, Pi cũng chẳng còn. Là bác sĩ, anh chỉ khám bệnh chứ không chích thuê như y tá nên chẳng trữ những thứ đó. Chẳng lẽ chỗ ân nghĩa như ông Bảy lại để họ đi mua thuốc ngoài. Lại càng không thể để vợ Chứ phải đi mua. Tối về mình vù lên chỗ bác sĩ Tâm xem sao, may ra còn. Hợp nghĩ vậy. Năm mươi lọ Pi để đấy rồi hẵng hay, anh cũng chẳng gạch nó đi trong bệnh án của ông Bảy. Khi về, Hợp tránh đi qua mấy dãy giường cấp cứu, nơi có trái tim Chứ đang yếu ớt, chậm rãi đập. Cũng may mà do bệnh nặng, nửa mê nửa tỉnh nên Chứ không nhận ra anh.

Buổi tối khi Hợp đến khu Cấp cứu trung tâm thì đụng một người đàn bà tất tả chạy ra, va vào anh suýt làm văng túi thuốc đựng năm mươi lọ Pi Đức. Chiếc nón cời lắc lư bên hông, tấm quần đen nhăn co bẩn thỉu lòi hai ống chân đang hớt hải chạy ra hướng cổng bệnh viện:

- Anh ơi là anh ơi…! Răng mà bỏ em, răng mà “đi”… giữa xứ lạ quê người ?! Âm giọng Quảng Trị bỏ lại sau lưng người đàn bà nghe nghẽn tắt, tủi hờn…

Hốt nhiên Hợp nhận ra! Anh chết sững nơi cửa phòng cấp cứu. Tất cả đều đã quá trễ! Sự ra đi của một mạng người thường làm cho mọi việc đều trở nên muộn màng. Trên chiếc giường xô lệch kê ở cuối phòng, Chứ đang nằm...

***

Kể từ buổi họp giao ban bình thường sau đó, trong điều trị bệnh nhân, Hợp trở nên nghiêm túc đến độ khắt khe. Tất nhiên không ai biết đến nguyên nhân sự thay đổi tính tình này của bác sĩ Hợp, ngoại trừ chính anh.

LÊ NGUYÊN NGỮ

;
;
.
.
.
.
.