Đà Nẵng cuối tuần
Câu chuyện công viên
Nhân việc thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp Công viên 29-3, tôi lại nhớ mình may mắn được đến thăm nhiều bảo tàng và các công viên nổi tiếng ở nhiều nơi, mỗi khi có dịp.
Tôi đến các công viên không chỉ để thư giãn, tập thể thao mà thường là quan sát và học hỏi được nhiều thứ…
1. Công viên ở các nước không chỉ rộng vài chục hecta như Công viên 29-3 của Đà Nẵng. Vườn quốc gia ở trung tâm Sydney (Úc) chẳng hạn, rộng đến hàng trăm hecta, được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX trên một vùng đất cằn cỗi. Nơi đây như một học viện về thực vật, trong đó có đầy đủ các loại từ châu Úc và các rừng nhiệt đới. Đây còn là một trung tâm giải trí và nghệ thuật trưng bày hàng đầu thế giới.
Đến Công viên West Potomac nơi có “tháp bút chì” tưởng niệm vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ và Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam nổi tiếng tại Washington, D.C. thì ta có thể hình dung lịch sử của cả nước Mỹ, trong đó có cả các cuộc chiến tranh. Vào đây, ai cũng hiểu được bề dày lịch sử trong quá trình mở rộng lãnh thổ và cả những vết thương mà nước này phải đánh đổi trong các cuộc chiến tranh. Trong khi đó, Công viên lịch sử Sukhothai (Thái Lan) phản ánh trọn vẹn lịch sử của đất nước này, kể cả tượng đài của vị vua đã sáng lập nên chữ viết của nước họ. Đi thăm Ocean Park và Vịnh Nước cạn ở Hong Kong (Trung Quốc) mới thấy cả lịch sử Trung Hoa được tái hiện.
Còn Công viên Common Park tại thành phố Boston lại có lịch sử lâu đời, từ khi một người Anh mua lại khoảng đất ở đây từ thế kỷ XVII; trong chiến tranh Nam-Bắc nó trở thành trại lính, rồi nơi cư ngụ của các thổ dân, người da đen trước khi trở thành công viên… Từ năm 1965 đến 1969, đây là nơi tụ họp của hơn 100.000 người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Đến năm 1987, nó được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Ngày nay, tại quần thể công viên này, ngoài nhiều tượng đài biểu dương tinh thần học tập, văn hóa, các sự kiện lịch sử, tòa nhà quốc hội tiểu bang, nó còn là nơi sinh hoạt công cộng, thể thao lớn của cả thành phố…
Tóm lại, đến thăm các công viên lớn ở các đô thị, ta học hỏi được nhiều lĩnh vực, về môi trường, thực vật học, lịch sử và văn hóa của mỗi vùng đất…
2. Nhìn lại các công viên ở Đà Nẵng. Tôi nhớ trước năm 1975, thành phố chỉ có khu chợ Vườn hoa Diên Hồng, công viên nhỏ trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm và một khu vực nhỏ dưới chân Ngũ Hành Sơn là mang dáng dấp của các công viên, vì có ít khoảng không và cây xanh. Có vẻ như lúc đó chưa nhiều người quan tâm đến khái niệm công viên!
Sau 1975, khu vực Hầm Bứa được cải tạo thành một công viên đầu tiên của thành phố - Công viên 29-3, thời điểm đó việc hình thành công viên được xem như một nét son về đô thị xanh - sạch - đẹp của thành phố trong tương lai. Đến nay, thành phố có hơn chục công viên lớn nhỏ, như Công viên Thanh Niên ở phường Khuê Trung, Công viên vườn tượng APEC, Công viên ven sông dọc đường Thăng Long, Công viên Biển Đông, các công viên dọc hai bờ sông Hàn, Bắc tượng đài 2-9, biển Mỹ Khê được Nhà nước đầu tư và quản lý. Các “công viên” còn lại do tư nhân đầu tư và bán vé khai thác như Công viên nước Nhật Bản ở Xuân Thiều, Công viên “Kỷ Jura” ở núi Thần Tài... Sự đa dạng hình thức và phương thức đầu tư công viên giải trí là thành tựu về hạ tầng và giải trí ở Đà Nẵng từ ngày đất nước đổi mới đến nay, cần được ghi nhận. Đà Nẵng “dễ thở” với công viên và cây xanh mà ai cũng có thể thấy được…
3. Tuy nhiên, như đã nói, công viên ở Đà Nẵng chưa theo kịp tầm vóc của một đô thị lớn với ý nghĩa của nó. Diện tích còn nhỏ hẹp, mật độ xây dựng cao, giao thông thiếu quy hoạch hợp lý, thiếu công viên chuyên đề và còn nặng về kinh doanh. Có công viên nặng về kinh doanh ăn uống mà thiếu hẳn nội dung giáo dục, lịch sử…
Nhân đây, theo chúng tôi, trong lúc Công viên 29-3 dày đặc cây xanh và hồ nước ô nhiễm thì lại đưa cả các loại thú vào nuôi trong một môi trường quá chật hẹp. Công viên Thanh Niên tuy rộng nhưng thiếu cây xanh và điều kiện thư giãn, lại ở vị trí gần chợ đầu mối Hòa Cường nên thường bị các loại xe tải đậu chặn cả lối vào. Trong các công viên, dường như lớp trẻ chưa thể học hỏi được điều gì về lịch sử, quá khứ của quê hương mình. Nhiều loại cây xanh, hoa lá tuy đẹp nhưng chưa có một dòng thuyết minh về tên, lai lịch, sinh trưởng khiến các em không nhận thêm được bất kỳ thông tin gì về thực vật. Tôi nghĩ, khi Đà Nẵng đầu tư hàng trăm tỷ đồng để cải tạo các công viên thì cũng cần quan tâm, bổ khuyết những vấn đề như vừa nêu.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu về quy hoạch và phát triển đô thị, song thành phố cần có những công viên ấn tượng. Làm sao để du khách đến Đà Nẵng, công dân trẻ tuổi của Đà Nẵng khi đến công viên không chỉ để dạo chơi mà còn để học hỏi. Chẳng hạn, vào Công viên APEC, hàng chục tác phẩm điêu khắc được trưng bày của các nước thành viên từ 21 nền kinh tế thế giới rất cần một chia sẻ về ý nghĩa mỗi tác phẩm. Tượng đài Mẹ Âu Cơ ở Công viên Biển Đông của nhà điêu khắc Lê Công Thành cần lắm một dòng thuyết minh… và nhiều danh nhân văn hóa, sự kiện lịch sử của Đà Nẵng rất cần được thể hiện xứng tầm tại các công viên.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG