Đà Nẵng cuối tuần
Trăm năm Xuân Oanh
Nhạc sĩ, Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha kể rằng ông chảy nước mắt khi viết những dòng nhớ về Xuân Oanh. Ông nhớ những buổi ngồi đàm đạo với người nhạc sĩ đàn anh, chia sẻ những suy tư về đất nước, con người, về nền nghệ thuật, âm nhạc nước nhà. Căn nhà hầm giản dị ở phố Quán Sứ trở nên thân thiết với ông cho dù chủ nhân của nó từ lâu đã rời xa. Đó cũng mãi là nơi thân thuộc ông thường xuyên ghé thăm để nhớ về người bạn vong niên, như tìm được ở đó niềm lạc quan, vui sống.
Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010). Ảnh tư liệu |
Trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, có lẽ không có nhạc sĩ nào gây ra một tiếng nổ giai điệu bất ngờ và mạnh mẽ đến thế trong thời khắc của một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8-1945, mà lại có một đời thường lặng lẽ đến ngạc nhiên như nhạc sĩ Xuân Oanh. Sự lặng lẽ của thuốc nổ mà không phải ai cũng có. Lặng lẽ giống như tên Quảng Yên quê hương ông nhưng sẵn sàng dựng lên dông bão, sóng lớn tiêu diệt xâm lăng nơi cửa sông Bạch Đằng tạo ra chiến công hiển hách, lẫy lừng trong lịch sử quật cường, chói lọi vàng son của dân tộc ta.
Ông sinh năm 1923 trong một gia đình thợ may nghèo ở thị trấn Quảng Yên. Ngay từ thời tiểu học, Xuân Oanh vừa học giỏi, vừa thành thạo tiếng Pháp, vừa chơi đàn hay. Nhưng để mưu sinh, ông đã không từ chối việc gì, từ làm gia sư bất đắc dĩ rồi thợ đúc, thợ mỏ, không từ chối cả việc ly hương sang Hải Phòng. Ở đô thị thợ thuyền thành phố Cảng, Xuân Oanh đã có cuộc giao thoa thanh xuân trong trường đời, trong ca hát, trong làm lụng và trong hoạt động cách mạng mà khởi đầu là hoạt động yêu nước trong phong trào “Hướng đạo” cùng Văn Cao, Nguyễn Đình Thi.
Nếu Nguyễn Đình Thi có bài hát đầu tay về học sinh trường Bonnai (nay là trường Ngô Quyền, Hải Phòng), Văn Cao với “Buồn tàn Thu” thì Xuân Oanh lại bắt đầu bằng giai điệu tưởng nhớ Hai Bà Trưng bên dòng Hát Giang. Cả ba chàng “Ngự lâm âm nhạc” này đều không ở Hải Phòng được bao lâu do nhiều hoàn cảnh mà phải “bật lên” Hà Nội tiếp tục mưu sinh. Ở kinh thành ngàn năm văn hiến, họ đã được đồng chí Vũ Quý đưa vào tổ chức của Việt Minh.
Khi Văn Cao viết “Tiến quân ca” cho Đoàn quân Việt Minh, Nguyễn Đình Thi viết “Diệt phát xít” thì Xuân Oanh là cán bộ Việt Minh ở phía Nam Hà Nội. Khi “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít” dội bom phá tan dinh lũy thực dân, dứt tung xiềng xích nô lệ của dân tộc, thì Xuân Oanh bằng cảm hứng, xuất thần ngay trong ngày lịch sử ấy - ngày 19-8-1945 khởi nghĩa ở Hà Nội mở ra cao trào Tổng khởi nghĩa toàn quốc - đã là tiếng nổ hân hoan của toàn dân tộc đón chào cuộc đời tự do. Đấy là hạnh phúc mang tựa đề độc đáo “Mười chín tháng Tám”.
“Mười chín tháng Tám” được viết bởi một cán bộ Việt Minh tên là Xuân Oanh khi đi đầu đoàn biểu tình ở phía nam Hà Nội từ khu vực ga Giáp Bát. Đi trong đoàn biểu tình như hòa lẫn nỗi cơ cực của đời mình vào những nỗi cơ cực của bao người khác, Xuân Oanh có cảm giác như đang đồng hành cùng lịch sử gia đình mình. Rồi cảm giác đồng hành với tuổi thơ cơ cực, tuổi thanh xuân vất vả lam lũ chạy rần rật trong cơ thể như luồng điện mạnh, khiến ông xuất thần ngay từ khi bước chân đầu tiên dẫn đầu đoàn biểu tình rời ga Giáp Bát, thì cũng là lúc những giai điệu đầu tiên cùng lời ca bản hành khúc đã bật ra từ đôi môi bỏng cháy khát vọng tự do.
Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai
Mười chín tháng Tám khi khối dân căm hờn kêu thét
Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung
Được câu nào, Xuân Oanh lại truyền khẩu cho đoàn biểu tình hát theo. Chính vì thế nên cứ câu này gọi câu khác từ hiện thực khối người đang dịch chuyển bằng chí khí của lòng căm hờn. Cứ thế, giai điệu xô dạt trong tâm hồn Xuân Oanh theo làn sóng đoàn biểu tình rầm rập với cờ đỏ sao vàng. Đoàn người càng hát theo, càng khiến tâm hồn Xuân Oanh phấn khích hơn. Đến Chợ Mơ thì bản hành khúc đã đi tới câu cuối.
Cứ thế, Xuân Oanh bắt nhịp cho đoàn người hát lại từ đầu. Vừa tuần hành vừa hát rất khí thế. Những người dọc đường nhập đoàn biểu tình cũng nhanh chóng thuộc và hát theo. Hát hết bài thì quay lại từ đầu. Khi tới Nhà hát lớn thì mọi người đã thuộc lòng, hát say sưa. Một bản hành khúc ngắn với lời ca chỉ gồm 102 chữ nhưng nó là một bản tốc ký bằng âm nhạc, là một bài hát được viết nhanh nhất và đặc biệt nhất trong lịch sử tân nhạc Việt Nam. Chiều 19-8-1945, trong niềm hân hoan sau khi giành chính quyền ở Hà Nội, Xuân Oanh mới có dịp ký âm bản hành khúc trên vỏ bao thuốc lá, mang đến xưởng in của người bạn ở Chợ Hôm tên là Vân Anh. Ngay lập tức, bản hành khúc đã được khắc gỗ và được in ra như truyền đơn rải khắp phố phường Hà Nội. Cả Hà Nội đã hát “Mười chín tháng Tám” xuyên đêm.
Mang trong tâm hồn sự thăng hoa từ một kẻ nô lệ bay lên chân trời tự do, Xuân Oanh cũng như toàn dân tộc đã có những năm tháng phi thường vượt ngưỡng bình thường. Nhờ vốn tiếng Anh tự học từ ngày bán giầy ở Tràng Tiền, ông được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam mời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bằng tiếng Anh và các bản tin tiếng Anh, làm công tác thông tin tuyên truyền ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Toàn quốc kháng chiến, ông trong Ban Dân quân Khu XI (Hà Nội-Hà Đông-Sơn Tây), rồi Văn phòng Tổng bộ Việt Minh.
Đến năm 1948, ông lên chiến khu làm báo “Cứu Quốc” cùng Nam Cao, Tô Hoài. Nhờ tài kẻ vẽ, ngoài việc làm biên tập, ông còn tham gia trình bày báo cùng họa sĩ Trần Đình Thọ và tất nhiên, vẫn viết những bài hát mới như “Đời văn hóa”, “Cây súng bạn đường”, v.v... và đặc biệt là “Quê hương anh bộ đội”. Đây là bài hát hiếm hoi nói về người chiến binh nhưng dịu dàng, không có tiếng ùng oàng của đạn bom, một giai điệu trữ tình về quê hương của những người nông dân áo lính. Khát vọng hòa bình đã choán ngợp hiện thực bi thương, chỉ nghe thấy tiếng thơ rất nhẹ của niềm xa vắng.
Chính những ngày thanh xuân ấy, Xuân Oanh đã gặp lại người yêu Xuân Uyên trên chiến khu. Cùng nhau hoạt động những ngày khởi nghĩa, nhưng khi kháng chiến toàn quốc, người lên chiến khu, người ở lại hoạt động trong lòng địch. Bà Xuân Uyên đã bị địch bắt giam tại Tràng Tiền, rồi Hỏa Lò mãi tới tận năm 1950 mới được cứu thoát lên chiến khu. Và cặp song Xuân với mối tình như tiểu thuyết đã tạo nên một giai đình đầm ấm giữa chiến tranh khốc liệt.
Cũng vào thời điểm ấy, Xuân Oanh do yêu cầu của cách mạng đã rẽ hẳn vào cuộc đời của một người làm công tác ngoại giao nhân dân mà khởi sự của nó là Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam do bác sĩ Lê Đình Thám phụ trách. Từ đây, Xuân Oanh liên tục tham gia các đoàn đại biểu của Việt Nam kháng chiến ra với bạn bè quốc tế, từ các nước xã hội chủ nghĩa đến những nước yêu chuộng hòa bình để thuyết phục mọi người ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam. Với nhiệm vụ này, Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Xuân Oanh được cử biệt phái sang quân đội, tham gia phái đoàn bốn bên. Chính những ngày làm công tác giám sát thi hành hiệp định ở Đà Nẵng, nghe tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam đường tàu lửa Hà Nội-Mục Nam Quan đã nối thông thành đường tàu liên vận quốc tế qua Trung Quốc, sang Liên Xô (cũ). Quá cảm xúc với thành công của công trình chiến lược này, Xuân Oanh đã bật ra trong hứng khởi một bản hành khúc rộn ràng mang tên “Hà Nội-Bắc Kinh-Mạc Tư Khoa”. Có lẽ đây là bài hát duy nhất về một sự kiện lớn lao đầu hòa bình ở miền Bắc. Có đường tàu liên vận này, đất nước sẽ nhận được biết bao giúp đỡ của anh em các nước xã hội chủ nghĩa và yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ biệt phái sang quân đội, Xuân Oanh lại trở về cơ quan Mặt trận Tổ quốc và tiếp tục công việc của người ngoại giao nhân dân, đấu tranh cho hòa bình thế giới. Sau những ngày tháng “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” ngay góc hành lang cơ quan, Xuân Oanh và gia đình được phân một căn buồng vốn là hầm rượu của một bác sĩ người Pháp ở toàn biệt thự góc ngã tư Tràng Thi-Quán Sứ (nay là cơ quan Ban Tôn giáo Chính phủ). Và Xuân Oanh đã định cư rất khiêm tốn tại hầm rượu này từ năm 1958 cho đến khi rời cõi tạm mùa Xuân 2010. Chính tại đây, như một láng giềng duyên nợ với Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày thành lập, phòng thu thanh âm nhạc tại trụ sở 58 Quán Sứ đã thu thanh bài hát “Ca ngợi chế độ ta tươi đẹp” với giọng hát Minh Đỗ.
Ở căn buồng-hầm rượu chật chội thế, Xuân Oanh vẫn thu xếp được một góc riêng để vung cây cọ vào thế giới của màu sắc và đường nét. Cách vung cọ với lượng màu dầu hằn khối biểu hiện sự kiên định như bản tính của ông. Tranh của Xuân Oanh luôn tươi tắn một màu sống lạc quan khi đã tận hiểu mọi đắng cay trong cuộc đời. Bức họa “Người điên khổng lồ” Lodwig van Beethoven của ông đã lột tả tận cùng tính cách của thiên tài âm nhạc thuộc trường phái cổ điển Vienna.
Ngay cả bức ký họa chì than bằng trí nhớ chân dung người chị ruột tài hoa đoản mệnh để làm tranh thờ cũng vấn toát lên sự quyến rũ rạo rực của thanh xuân. Khả năng ký họa đã từng giúp cho Xuân Oanh có một kết quả đáng ngạc nhiên trong thời gian làm công tác bên lề Hội nghị Paris. Một lần, nhân dịp sinh nhật của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp khi đó là Waldeck Rochet, Bộ trưởng Xuân Thủy băn khoăn không biết nên tặng món quà gì cho ý nghĩa. Xuân Oanh đề nghị vẽ tặng đồng chí Tổng Bí thư một bức chân dung khổ lớn. Bức tranh bằng chì than được vẽ hết sức sinh động khiến ông Rochet rất hài lòng.
Về thơ, “Đi tìm mùa Xuân ở khoảng giữa” của ông với những nhịp điệu của chiêm nghiệm từ đáy sâu những trớ trêu, những thất lỡ của kiếp người như “Văn chiêu hồn” của Nguyễn Du. Trường ca như những trang nhật ký cô đặc từ sau trang nhật ký âm thành “Mười chín tháng Tám”. Xuân Oanh với những năng khiếu ngoại ngữ bẩm sinh đã đạt đến mức có thể dịch ngược từ tiếng Việt ra tiếng Anh, Pháp như không.
Ông còn sử dụng được tiếng Nga, Trung Quốc, Đức và Tây Ban Nha. Ông đã từng đọc diễn văn bằng tiếng Nhật trong một hội nghị diễn ra tại Nhật Bản vào năm 1976. Với bút danh Anh Thư, ông đã dịch hàng chục cuốn tiểu thuyết của các nhà văn nổi tiếng như Mac Twain, Jefferey Archer qua cuốn “Hai số phận”... và ám ảnh là “Trần trụi giữa bầy sói” của Ana Deger.
Nhưng âm nhạc vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi trong tâm hồn Xuân Oanh. Ông đã trả nghĩa cho Hà Nội - nơi ông cư trú từ thanh xuân bằng những bài hát như “Hà Nội - Hà Nội”, “Nghìn xưa… Nghìn sau… Hà Nội” (phỏng thơ Đào Anh Kha) sau những “Mười chín tháng Tám” và “Hà Nội-Bắc Kinh-Mạc Tư Khoa”…
Từ ngày nghỉ hưu, Xuân Oanh vẽ, làm thơ, dịch truyện và viết nhạc không ngơi nghỉ. Ông phổ thơ Nguyễn Thị Hồng (Gọi Thu, Em ra đi), thơ Đoàn Ngọc Thu (Em có yêu anh như ngày xưa)... và đặc biệt là Hương Nhài (thơ Lê Kim Giao) như dành tặng riêng cho bà Xuân Uyên - người vợ Hà Nội yêu hoa nhài và có cuộc sống thơm hương như hoa nhài.
Những năm tháng tôi làm việc ở 59 Tràng Thi nên được gần gũi ông, được sống cùng ông trong không gian hầm rượu Quán Sứ thuộc khu tập thể cạnh Đài Tiếng nói Việt Nam. Được ông coi là bạn vong niên nên khi nào rảnh rang tôi lại chạy sang uống rượu với Xuân Oanh. Có gì hay, tôi cũng mang sang tặng ông. Ông cũng thế. Khi thì cho tôi một DVD của một nghệ sĩ piano hiện đại. Khi thì một cái bát đựng hoa bằng pha lê. Tôi và ông cứ thế nâng ly, cứ thế trải lòng mọi chuyện cho dù là thầm kín nhất. Càng chia sẻ với ông, tôi mới thất hết sự lớn lao của một tài năng ẩn chứa trong vẻ bề ngoài giản dị. Ông vẫn có một sinh nhật cuối cùng đẹp đẽ ngày 4-1-2010, vẫn đón Tết Canh Dần - Tết bước vào “Ngàn năm Thăng Long”.
Những dòng này tôi viết dịp Xuân Oanh tròn trăm năm tuổi. Ông đã sống, đã sáng tạo, tận hiến và để lại một gia sản dựng lên những cột mốc sừng sững bất tử trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
NGUYỄN THỤY KHA