Đà Nẵng cuối tuần
Mỗi kỷ vật như một phần máu thịt
Gần 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, nhiều gia đình vẫn giữ lại kỷ vật chiến tranh để nhắc nhớ một thời vào sinh ra tử, bảo vệ nền độc lập nước nhà. Một số khác, chọn cách hiến tặng cho bảo tàng với hy vọng, mỗi kỷ vật sẽ góp phần lan tỏa giá trị của hòa bình, tự do và của sự hy sinh, cống hiến.
Hướng dẫn viên giới thiệu về những hiện vật thời chiến tại Bảo tàng Quân khu 5. Ảnh: T.Y |
Vẹn nguyên ký ức
Mười năm trước, khi đang ngồi trước hiên nhà, bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) nhận một cuộc điện thoại từ cán bộ UBND phường Hòa Hải, mời đến trao trả hồ sơ đi B của bà và cha là ông Nguyễn Văn Bán (mất năm 1984). Quá xúc động, bà vội vàng hối người con chở đến UBND phường. Ngồi trước tập hồ sơ gồm những tờ pơluya ố vàng, nét chữ phai màu mực khai tên tuổi, quê quán và mốc thời gian hoạt động cách mạng của cha, bà Hạnh không cầm được nước mắt. Bà Hạnh kể, việc đầu tiên bà làm khi mang hai bộ hồ sơ về nhà, là đặt lên bàn thờ, thắp hương khấn lạy cha mẹ.
Hai tập hồ sơ đi B trở thành kỷ vật quý được gia đình bà Hạnh lưu giữ nhiều năm qua. Bà chia sẻ, nhìn thấy kỷ vật như nhìn thấy cha. Bởi lẽ, từ khi bà sinh ra đến ngày cha mất, bà chỉ sống cạnh ông gần 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, nên tất cả những gì thuộc về cha, bà đều trân quý, giữ gìn. Cha bà là một chiến sĩ cách mạng kiên trung của quê hương Hòa Hải. Ông tham gia cách mạng từ thời niên thiếu, lập gia đình rồi lên đường tập kết ra Bắc năm 1955. “Mẹ tôi kể, ngày cha lên đường tập kết ra Bắc, hai người hẹn nhau sau 2 năm sẽ về đoàn tụ. Nhưng mẹ không ngờ, sau lần ấy cha tôi bặt tin, không biết sống chết ra sao”, bà Hạnh xúc động nói.
Như nhiều phụ nữ thời đó, mẹ bà Hạnh ở lại quê, sinh con và chăm sóc nhà cửa, ruộng vườn. Bà Hạnh lớn lên trở thành du kích, cán bộ binh vận, công an xã Hòa Hải, nhiều lần bị địch bắt, giam ở nhà lao Hội An. Năm 1973, trong lần thả tù binh, bọn canh ngục sơ suất thả nhầm bà Hạnh. Biết sức khỏe bà yếu sau nhiều lần bị tra tấn, tổ chức phân công người đón ra Bắc chữa trị. Bà Hạnh chia sẻ, lần đầu tiên bà gặp cha là năm 1973, khi đang nằm điều trị tại một bệnh viện ở miền Bắc. Lúc ấy, có một người đàn ông đến gặp bà, tự xưng cha đẻ và nói: “Bao năm nay cha ngược xuôi chiến trường, ngày đêm lo nghĩ không biết vợ con còn sống hay đã chết. Bây giờ được gặp con, cha thật mừng khi biết mẹ con vẫn còn sống và con nối gót cha tham gia cách mạng. Mẹ con ở quê biết cha con gặp được nhau chắc mừng lắm”. Theo bà Hạnh, thời điểm đó, nhiệm vụ cách mạng của ai người đó biết, ít được chia sẻ nên bà không rõ cha đã làm gì trong từng đó năm xa nhà. Chỉ khi nhìn thấy tập hồ sơ của cha, bà mới hay ông từng có thời gian đi B năm 1964, nhưng vì bí mật cách mạng nên không thể trở về quê gặp gia đình, vợ con.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, rất nhiều người rời chiến trường trở về quê, mang theo những kỷ vật chiến tranh. Bước sang tuổi 80, đôi mắt không còn minh mẫn, đôi chân không còn nhanh nhẹn nhưng khi nhắc đến khoảng thời gian cầm súng chiến đấu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) như trẻ lại. Trong ngôi nhà nhỏ số 58 Lê Duẩn, bà Thanh bày biện từng tấm ảnh đen trắng lưu lại hình ảnh đồng đội, bạn bè từng cùng bà chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng. Chỉ vào 2 tấm ảnh có dòng chú thích “Hội nghị tổng kết thi đua Quế Tiên năm 1974” và “Ban chấp hành phụ nữ Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1951”, bà Thanh đọc vanh vách tên từng người, kể lại từng câu chuyện liên quan. Ngồi bên cạnh, ông Nguyễn Văn Anh (SN 1939), chồng bà thỉnh thoảng mỉm cười. Giống như vợ, ông Anh tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1954 và trở thành bộ đội địa phương năm 1959, nhiều lần vào sinh ra tử, đối mặt với kẻ thù...
Những bức ảnh về đồng đội được Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh giữ gìn như kỷ vật của cuộc đời. Ảnh: T.Y |
Trách nhiệm giữ gìn, lan tỏa
Cách đây 8 năm, nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vợ chồng bà Thanh gói gém khẩu súng K49, radio, đèn, võng dù, ba lô, túi đựng - là những kỷ vật ông bà giữ gìn hàng chục năm - gửi tặng Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Nói về lý do trao tặng nhiều hiện vật chiến tranh cho bảo tàng, bà Thanh cho hay, vợ chồng bà đều sinh ra ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Sau khi về hưu, dù chọn Đà Nẵng sinh sống nhưng quê hương vẫn là một phần máu thịt, là nơi hai người từng sát cánh cùng đồng đội bảo vệ từng tấc đất, tấc rừng.
Trong những kỷ vật hiến tặng, bà Thanh xúc động khi nhắc đến khẩu súng K59, được Quân khu 5 tặng trong hội nghị đấu tranh chính trị do Khu ủy 5 tổ chức tháng 3-1973. Lúc ấy, bà Thanh vừa tròn 30 tuổi, giữ chức Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam... Với khẩu súng này, bà đã chỉ huy du kích chống địch trong trận càn cuối năm 1973 ở xã Bình Phú, huyện Thăng Bình. “Tôi từng giữ lại khẩu súng này 40 năm sau ngày thống nhất đất nước, xem đây là minh chứng cho truyền thống cách mạng của gia đình. Ngày quyết định hiến tặng, tôi trằn trọc không ngủ được, chỉ mong bảo tàng lưu giữ, trưng bày và lan tỏa truyền thống “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” của bà nói riêng và của quân, dân Quảng Nam, Đà Nẵng nói chung.
Lưu giữ khoảng 16.000 kỷ vật, hiện vật chiến tranh, Bảo tàng Quân khu 5 trở thành ngôi nhà thân thương của nhiều người lính khu 5. Đứng cạnh chiếc mủng hai đáy của liệt sĩ Hồ Lễ Ân - một người con kiên trung của mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng, người cựu binh già Nguyễn Văn Phương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) xúc động nói: “Lần sinh hoạt hội cựu chiến binh huyện Điện Bàn gần đây, chúng tôi nghe kể về chiếc mủng hai đáy của liệt sĩ Hồ Lễ Ân đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 5 nên tìm đến. Đó không chỉ là chiếc mủng, mà ẩn chứa đằng sau là câu chuyện đẹp, đầy cảm xúc về một gia đình - như bao gia đình hoạt động cách mạng. Từng đi qua chiến tranh, nên khi nhìn thấy những kỷ vật quen thuộc của người lính, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào”.
Thượng úy Ngô Thị Ái Diễm, hướng dẫn viên Bảo tàng Quân khu 5 cho hay, đó là chiếc mủng tre 2 lớp, đường kính 35cm, dưới đáy có 3 thanh tre làm đế, thanh giữa to hơn 2 thanh bên (tháo ra được) dùng để che mí ráp của hai lớp nan tre. Chỗ mí này bí mật cất giấu công văn, chỉ thị, thư từ, truyền đơn. Chiếc mủng sau đó được Hồ Lễ Ân (lúc này đang hoạt động cách mạng tại huyện Điện Bàn) giao lại cho mẹ mình là bà Bùi Thị Lý đang hoạt động giao liên ở nội thành Đà Nẵng. Ngày ngày, bà Lý sử dụng chiếc mủng đi bán hàng rong. Phía trên mủng là khoai, sắn, ngô, đậu luộc, dưới đáy là tài liệu, truyền đơn. Để che mắt địch, 3 ngày 1 lần, bà từ Đà Nẵng vào Điện Ngọc bán hàng rong và bí mật trao đổi công văn, tài liệu với con trai. Tài liệu mật nhận từ Hồ Lễ Ân chuyển về Đà Nẵng, bà gửi vào hộp thư bí mật trên bờ sông Hàn (gần cầu Nguyễn Văn Trỗi ngày nay). Cứ như thế suốt 5 năm (1965-1970), bà Lý đã âm thầm, lặng lẽ vượt qua bao đồn bốt giặc, bí mật làm giao liên cho cách mạng một cách an toàn.
Năm 1970, cơ sở hoạt động cách mạng bị lộ, địch tấn công bất ngờ, Hồ Lễ Ân hy sinh khi vừa tròn 30 tuổi. Sau ngày giải phóng, tưởng nhớ người con trai độc nhất, ông bà đã đặt lên bàn thờ liệt sĩ Hồ Lễ Ân chiếc mủng hai đáy - kỷ vật quý mà người con gửi gắm. Năm 1986, vợ chồng bà Bùi Thị Lý tặng chiếc mủng này cho đoàn cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Quân khu 5.
Trước khi trở thành Giám đốc Bảo tàng Quân khu 5, Trung tá Thân Ngọc Huệ có gần 15 năm làm trợ lý sưu tầm của Quân khu 5. Với chiếc ba lô trên vai, ông rong ruổi khắp các tỉnh, thành khu 5, vận động người dân hiến tặng kỷ vật cho bảo tàng. Theo Trung tá Thân Ngọc Huệ, kỷ vật chiến tranh đa phần gắn một phần máu thịt và gắn với kỷ niệm của những người trực tiếp tham gia kháng chiến. Dù vậy, sau nhiều năm giữ gìn, nhiều gia đình đã chọn cách hiến tặng cho bảo tàng. “Một trong những kỷ vật chiến tranh quý trưng bày ở Bảo tàng Quân khu 5 có chiếc xe Honda 67 được Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Văn Minh dùng chở thuốc nổ đánh kho bom sân bay Đà Nẵng ngày 29-11-1974, được gia đình giữ gìn hơn 40 năm. Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, gia đình ông Minh quyết định trao tặng cho Bảo tàng Quân khu 5 để trưng bày, giới thiệu, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng. Ở vai trò lưu giữ, chúng tôi xem việc sưu tầm, bảo quản, giữ gìn kỷ vật chiến tranh là trách nhiệm, nhằm giúp thế hệ con cháu hiểu hơn một phần câu chuyện lịch sử của nước nhà”, Trung tá Huệ cho hay.
TIỂU YẾN