Đà Nẵng cuối tuần

Di sản văn hóa Việt Nam

06:02, 16/07/2023 (GMT+7)

Ngôn ngữ ra đời đánh dấu sự trưởng thành của một dân tộc. Cùng với thời gian và sự phát triển của mỗi quốc gia, ngôn ngữ phản ánh toàn bộ đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Chữ Nôm - chữ viết của người Việt Nam đã ra đời như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc trong việc tiếp biến văn hóa ngoại lai, làm giàu có cho văn hóa dân tộc.

Năm 938, sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, với ý thức độc lập tự chủ, tự cường như chất men bừng cháy trong huyết quản, cha ông ta đã sáng tạo ra một ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Chính sự tồn tại và phát triển của chữ Nôm trong suốt hơn 10 thế kỷ dù có lúc thăng, lúc trầm song cho đến ngày hôm nay, nhìn suốt lịch sử dân tộc, ngôn ngữ ấy vẫn là biểu tượng của tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của cha ông ta trong lịch sử.

Theo nghĩa thông thường, Hán Nôm là khái niệm chỉ hệ thống các văn bản được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm cùng tồn tại ở Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến XX. Trong đó, chữ Hán là loại hình văn tự của người Trung Quốc du nhập vào Việt Nam và chữ Nôm là chữ viết do cha ông ta trên cơ sở cải biên chữ Hán để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình. Cách thức cấu thành chữ Nôm phổ biến cũng theo lối như chữ Hán: giả tá, hài/hình thanh và hội ý nhưng dựa theo cách phát âm của người Việt. Theo các nghiên cứu, trong tiếng Việt hiện có trên dưới 1.000 yếu tố gốc Hán ngoài chức năng cơ bản phản ánh nội dung một khái niệm cụ thể, có khả năng hoạt động tự do, khi vào tiếng Việt nó kết hợp với các từ thuần Việt hoặc các yếu tố gốc Hán khác để tạo từ mới.

Cho đến hiện nay, ngoài những nhà nghiên cứu và số ít ỏi người biết chữ Hán ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới, việc hiểu rõ khái niệm Hán Nôm và vai trò của nó trong đời sống cũng như hiểu được cách từ Hán tham gia tạo từ trong tiếng Việt (gọi là từ Hán Việt) là hoàn toàn không dễ dàng. Trước đòi hỏi của giao lưu văn hóa, khoa học, kỹ thuật rộng rãi với các nước trên thế giới thời mở cửa, hàng loạt khái niệm mới du nhập vào tiếng Việt. Để hội nhập tốt, trước hết về mặt ngôn ngữ, tiếng Việt cần có vốn từ để ghi lại cũng như đưa các khái niệm mới vào thực tế cuộc sống và công việc. Do đặc điểm là yếu tố đơn âm tiết mang nghĩa nên các yếu tố gốc Hán có khả năng tạo từ dùng để ghi lại những thuật ngữ, khái niệm mới du nhập rất hữu hiệu.

Bên cạnh đó, từ Hán Việt thường được dùng với ý nghĩa biểu trưng có tính chất trang trọng (phu nhân) còn từ thuần Việt với nghĩa tương đồng nhưng khác sắc thắc biểu cảm (vợ) phù hợp trong giao tiếp đời thường. Ngoài sắc thái biểu cảm không thể thay thế nhau như ví dụ trên, thì phần nhiều từ Hán Việt vẫn có thể được thay thế bởi từ thuần Việt, như: “không phận” thay cho vùng trời, “hải phận” thay cho vùng biển, “xạ kích” ít ai hiểu nếu không nói là bắn súng… Qua các ví dụ trên cho thấy, tiếng Việt đa dạng về sắc thái biểu cảm và phong phú về ý nghĩa, về cách dùng nhờ có số lượng lớn từ Hán Việt. Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc, trong tác phẩm “Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt, NXB Đà Nẵng, 1990, có hơn 7 vạn từ Hán Việt trong tiếng Việt.

Chữ Nôm hiện diện và chứa đựng những giá trị tinh thần trường tồn cùng lịch sử, qua bao biến thiên của dân tộc. Nó hiện hữu trong các công trình kiến trúc di tích lịch sử - văn hóa dân tộc, di tích cổ (hoành phi, đại tự, văn chuông, bảng thơ, văn bia, câu đối...), ở các thể tài văn học cổ Việt Nam. Ngoài ra, hai hình thái văn tự này còn là phương tiện biểu đạt các giá trị văn hóa vật thể Hán Nôm cổ, nó có mặt ở hầu khắp trong đời sống cộng đồng hoặc cá nhân.

Cũng có khi nó sống động trên những tấm biển hiệu, cửa hàng, hay nơi công cộng, trong học đường hoặc con phố nơi qua lại. Hán Nôm hiện hữu cả trong văn nói, văn viết của nhiều người Việt Nam khi muốn biểu đạt một ý tưởng thâm sâu, súc tích nào đó. Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu hết nội dung văn tự Hán Nôm đề cập, nắm bắt hết ý tứ, ngữ nghĩa hàm chứa trong mỗi nét chữ cổ đó, song tất cả mọi người Việt Nam có hiểu biết về lịch sử văn hóa dân tộc đều có chung một cảm nhận rằng: Hán Nôm chính là nơi lưu giữ những tinh hoa của tinh thần dân tộc, những giá trị nhân văn, lý tưởng nhân sinh cao đẹp của cha ông gửi gắm cho muôn đời.

Hán Nôm là một di sản văn hóa đóng vai trò nền tảng giúp nghiên cứu và hiểu thấu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khác vốn thông qua Hán Nôm mà biểu đạt giá trị. Qua đó, văn hóa Hán Nôm ẩn tàng trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Việt Nam, hiện hữu trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội cho đến các lĩnh vực quản trị xã hội hiện nay.

Mặc dù vậy, hiện nay việc dạy chữ Hán, chữ Nôm vẫn chưa được phổ cập rộng rãi trong các chương trình, bậc học. Nếu không có kiến thức nhất định về chữ Hán và chữ Nôm thì ngay cả người Việt Nam cũng chưa thể hoàn toàn tự tin khi sử dụng những thuật ngữ, khái niệm hiện có trong kho từ vựng tiếng Việt dùng hàng ngày vốn được kết hợp từ những yếu tố gốc Hán. Hạn chế này là một trở lực trong phổ cập di sản văn hóa của dân tộc trên mọi phương diện.

Như vậy, để có thể thấu suốt tâm hồn, cốt cách dân tộc mình, thế hệ hôm nay cần quay về tìm kiếm trong ngôn ngữ cổ của dân tộc mình - chữ Hán Nôm - những vốn liếng tinh thần mà cha ông ta gửi gắm. Phát huy di sản văn hóa nền tảng này chính là làm sống dậy một phần tâm thức dân tộc đã được chuyên chở trong ngôn ngữ Hán Nôm suốt 10 thế kỷ,  để cảm nhận hết những giá trị trường tồn của dân tộc Việt Nam được chuyên chở trong chữ và nghĩa sâu sắc của văn tự Hán Nôm.

Để làm được điều đó, xã hội hóa Hán Nôm phải trở thành yêu cầu và xu hướng tất yếu trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, phát huy di sản văn hóa Hán Nôm còn giúp thúc đẩy một giá trị ý nghĩa cho thời đại hôm nay: Đó là tinh thần độc lập, ý thức tự cường, lòng tự tôn dân tộc của cha ông ta qua sự ra đời, tồn tại và phát triển của chữ Hán - Nôm.

PHAN THỊ MỸ DUNG

.