Đà Nẵng cuối tuần

Leonardo da Vinci và đam mê giải phẫu học

18:08, 15/07/2023 (GMT+7)

Nơi ở trong ba năm cuối đời tại xã Amboise, tỉnh Indre-et-Loire (Pháp) của danh họa người Ý Leonardo da Vinci đã cho thấy niềm đam mê đặc biệt của ông với cơ chế vận hành bên trong cơ thể con người - “cỗ máy” hoàn hảo của tạo hóa.

Những ngày này, tại lâu đài Clos Lucé ở xã Amboise (vùng Loire Valley, miền trung nước Pháp) đang trưng bày triển lãm đặc biệt có tên “Leonardo da Vinci và giải phẫu cơ thể người, cơ học của sự sống” (Leonardo da Vinci and anatomy, the mechanics of life). Tại đây, ngoài những bức ký họa còn trưng bày các mô hình giải phẫu, dụng cụ giải phẫu… phác lại hành trình 30 năm nghiên cứu giải phẫu cơ thể người của thiên tài hội họa người Ý.

Trang tư liệu danh họa Leonardo da Vinci vẽ mô tả lá phổi con người. Ảnh: Château Du Clos Lucé
Trang tư liệu danh họa Leonardo da Vinci vẽ mô tả lá phổi con người. Ảnh: Château Du Clos Lucé

Không thích “chuyên môn hóa”

Khai mạc hôm 9-6, triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 17-9 này sẽ đưa người xem hiểu sâu hơn về những hình vẽ mang tính tiên phong của Da Vinci về “cỗ máy trong con người”. Sau khoảng ba năm sống và làm việc tại lâu đài Clos-Lucé, Leonardo da Vinci qua đời tại đây vào năm 1519.

Trong suốt 30 năm, Leonardo da Vinci đã vẽ xương, cơ, cơ thể, các bộ phận sinh sản ở nữ giới bằng cách sử dụng những phương pháp mới mẻ nhất để “mổ xẻ” cơ thể con người. Chẳng hạn, việc phân tách từng lớp cơ thể người đã giúp ông vẽ được những chuyển động giải phẫu, tức những bước chuyển của các nhóm cơ, xương trong cơ thể con người. Điều thú vị là khi đem so sánh những hình vẽ đó với hình ảnh y khoa hiện đại (chụp bằng công nghệ MRI và máy scan) ngay tại triển lãm, sự chính xác khiến người ta giật mình kinh ngạc.

Gần 230 bức ký họa (hầu hết là tranh chép sự vật) cho thấy kiến thức đáng nể của Da Vinci về giải phẫu học. Các bộ phận được vẽ ở trạng thái được “bơm đầy” các dịch cơ thể và các xương được mô tả như tách ra được để có thể giải thích rõ ràng hơn về chức năng hoạt động của chúng.

“Nếu còn sống tới hôm nay, Leonardo chắc sẽ bực mình lắm với cổng thông tin Parcoursup”, ông Dominique Le Nen, một giảng viên kiêm bác sĩ tại một bệnh viện đại học ở Brest vừa nghỉ hưu gần đây và là giám tuyển cho triển lãm, nói đùa. Ý ông Le Nen muốn nhắc tới trang Parcoursup thuộc quản lý của Bộ Giáo dục Pháp, là nơi các thí sinh đăng ký dự tuyển vào năm đầu tiên của bậc giáo dục đại học tại Pháp. Trang web này khuyến khích việc chuyên môn hóa ngành học từ sớm. Và điều này thì hoàn toàn mâu thuẫn với những gì Da Vinci đã làm trong tư cách “mấy trong một” của ông: họa sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu học. Đáng nói hơn, tất cả những kiến thức đa ngành đó đã liên tục bổ trợ cho nhau xuyên suốt trong sự nghiệp của ông.

Học hỏi từ tiền bối

Chính sự nghiên cứu giải phẫu học vô cùng tỉ mỉ đã giúp Leonardo Da Vinci vẽ được các chi và chuyển động cơ thể các nhân vật của ông với sự chính xác tuyệt vời như trong các bức vẽ tiêu biểu nhất là The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng) và Vitruvian Man (Người Vitruvius). Các bước chuyển về giải phẫu đã được thể hiện tài tình nhờ kỹ thuật điêu luyện của một chuyên gia vẽ các bản mô tả chi tiết máy móc, nhà cửa mà ở đó ông đã áp dụng luật xa gần để thể hiện các chi theo ba chiều.

Dù vậy theo ông Dominique Le Nen, chớ nên suy diễn việc này theo hướng đơn giản hóa quá mức. Bởi theo nhà giám tuyển, Leonardo đã không chỉ “bóc tách” các bộ phận cơ thể ra để vẽ tốt hơn, mà còn để cố gắng hiểu thấu bí ẩn của sự sống, giống như một “nhà nghiên cứu thực nghiệm” đích thực. Việc phục dựng phòng mổ tử thi diễn ra trong mùa đông để thuận tiện hơn trong việc bảo quản xác người và có thể sẽ có các học sinh tham gia cùng họa sĩ trong những buổi thực nghiệm như vậy. 

Nhưng không chỉ tự thân tìm hiểu, Da Vinci cũng học hỏi thêm kiến thức từ di sản khoa học của những người đi trước. Từ Hippocrates và Galen cho tới Avicenna và Johannes de Ketham, “ông ấy đã học hỏi được rất nhiều kiến thức về giải phẫu từ các nhà khoa học của thời trung cổ và thời cổ đại”, phó giám tuyển của triển lãm, ông Pascal Brioist - giáo sư ngành lịch sử hiện đại tại Đại học Tours (Pháp), giải thích. Những cuốn sách của các tiền nhân đó cũng đã được trưng bày ở lối vào của triển lãm.
Cũng theo ông Pascal Brioist, tất cả những nghiên cứu tỉ mỉ về giải phẫu học của Da Vinci thoạt tiên là để thỏa mãn những mong muốn hiểu biết cá nhân, “nhưng vào cuối đời, ông ấy đã muốn xuất bản một cuốn sách”, chuyên gia này nói thêm.

TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Le Monde)

.