Đà Nẵng cuối tuần

Thông điệp trên sườn núi

17:32, 22/07/2023 (GMT+7)

Trên những bề mặt sườn núi thoai thoải ở ngôi làng Villars-sur-Ollon của Thụy Sĩ, bằng chất liệu sơn vẽ làm từ phấn và than củi, một họa sĩ trẻ đã tạo tác nên hai bức vẽ khổng lồ với hình ảnh hai em nhỏ đang phác họa thế giới qua cái nhìn và cảm nhận của đôi mắt trẻ thơ.

Bức tranh Mặt trời có hẹn với mặt trăng của họa sĩ Saype ngày 14-7 ở sườn núi tại làng làng Villars-sur-Ollon. Ảnh: Reuters
Bức tranh Mặt trời có hẹn với mặt trăng của họa sĩ Saype ngày 14-7 ở sườn núi tại làng làng Villars-sur-Ollon. Ảnh: Reuters

Những bức tranh này được vẽ trực tiếp trên cỏ và có thể tồn tại trong nhiều ngày, lâu hay mau sẽ còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Trong đó, người ta thấy một bé trai và một bé gái đang ngồi vẽ núi, cây, mặt trăng và những ngôi sao.

Trẻ em vẽ thế giới

Họa sĩ Saype (mang hai dòng máu Pháp-Thụy Sĩ) cho biết hai bức vẽ nói trên của anh nằm ở hai khu vực là Chaux-Ronde và Grand Chamossaire, bao phủ các diện tích lần lượt khoảng 2.700 và 3.700 m2, vì thế người ta có thể ngắm nhìn nó cả khi đứng trên đỉnh núi cũng như trên những đồng cỏ xung quanh. “Những đứa trẻ ở các độ cao khác nhau, vì thế chúng sẽ vẽ những thứ khác nhau”, anh SAYPE nói với Reuters. “Ngay cả khi chúng ở những độ cao khác, hai thế giới chúng đang vẽ ra cũng sẽ bổ sung cho nhau”.

Trong một chia sẻ khác với truyền thông, anh Saype cũng cho rằng với hai bức tranh được vẽ ở hai độ cao khác nhau, anh muốn truyền đi một thông điệp về “tầm quan trọng của việc có những góc nhìn đa dạng trong xã hội, sự “đồng phục” về quan điểm sẽ là điều nguy hiểm”.

“Mặt trời có hẹn với mặt trăng” là tên của một trong hai bức vẽ đó. Một cái tên đầy thi vị, và thực tế nó còn là cuộc hẹn của chính họa sĩ Saype với ngôi làng Villars-sur-Ollon của Thụy Sĩ. Năm 2022 anh đã tới đây và tin rằng sẽ còn trở lại trong những năm sau nữa. “Ý tưởng của tôi là sẽ có những cuộc hẹn hằng năm và kể một câu chuyện trong nhiều năm nữa”, anh chia sẻ với Hãng thông tấn quốc gia ATS-Keystone của Thụy Sĩ.

Để vẽ tranh, họa sĩ đã dùng một loại sơn có thể phân hủy sinh học được làm từ phấn và than củi. Tuy thời gian tồn tại của tranh sẽ còn tùy thuộc vào thời tiết và tốc độ mọc lại của cỏ, nhưng anh Saype ước tính mọi người có thể ngắm nhìn chúng trong khoảng từ 2 tuần cho đến 1 tháng.

Trả lời phỏng vấn với Keystone-ATS, anh Saype cho biết đã vẽ nhiều tranh trên mặt đất nhưng hai bức anh vừa công bố ngày 14-7 được tán thưởng nhiều hơn cả. Anh cũng chia sẻ rằng, quá trình thực hiện hai bức này cũng vất vả hơn nhiều do độ dốc của địa hình và sự thất thường của thời tiết.

An toàn với môi trường

Họa sĩ Saype (biệt danh được tạo nên từ cách viết tắt gộp lại của hai chữ “Say” và “Peace”, có nghĩa “Nói hòa bình”) tên thật là Guillaume Legros sinh ngày 17-2-1989 tại Belfort, Pháp, là một họa sĩ đương đại. Anh nổi tiếng với những bức vẽ khổng lồ trong tự nhiên bằng chất liệu sơn vẽ có thể phân hủy sinh học thân thiện với môi trường. Năm 2019, tạp chí Forbes từng vinh danh họa sĩ 8X “đời chót” này là một trong 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Vốn được đào tạo nghề để trở thành y tá, chàng trai trẻ mang hai dòng máu Pháp và Thụy Sĩ này lại có một đam mê đặc biệt với hội họa. Anh tự học vẽ và bắt đầu với các bức tranh đen trắng trên mặt đất ở các khu tàu điện ngầm. Trong suốt 7 năm vừa làm nghề y tá vừa vẽ tại Thụy Sĩ, anh vẫn nỗ lực tìm kiếm một cách thức để “đánh động” cảm xúc của mọi người thông qua nghệ thuật. Thông qua tác phẩm của mình, anh muốn “tác động lên mọi người nhưng không tác động tới môi trường”.

Từ mong muốn ấy, anh đã tự tìm ra cách pha chế loại màu vẽ có khả năng phân hủy sinh học 100% để vẽ được trên cỏ. Sau 10 năm tới Thụy Sĩ với tấm bằng y tá, bằng những mày mò, khai phá độc lập, giờ đây anh Saype được coi như người tiên phong trong phong trào vẽ tranh trên mặt đất.

Họa sĩ trẻ Saype từng được biết đến nhiều nhất với dự án tranh vẽ khởi động từ năm 2019 có tên “Beyond Walls” (tạm dịch: Vượt qua những bức tường). Trong đó anh thực hiện ý tưởng đi vòng quanh thế giới để vẽ những bức vẽ hai bàn tay khổng lồ đang vỗ vào nhau trên mặt đất ở các thành phố đi qua, trong đó có Berlin (Đức), Paris (Pháp), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Cape Town (Nam Phi), nhằm tạo nên một phong trào xã hội thực sự và khuyến khích mọi người sống hòa hợp với nhau. Đáng chú ý, tháng 9-2021 anh đã vẽ bức tranh hai đứa trẻ ngồi chơi trò gấp giấy origami có kích thước 11.000m2 ngay tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) để chào đón các nhà lãnh đạo thế giới tới dự họp.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.