Đà Nẵng cuối tuần

Tôi biết ơn nghĩa là tôi tồn tại

17:44, 22/07/2023 (GMT+7)

Tôi phải chép lại ngay đoạn viết này của một người khác vào bài viết của mình. Chép để im lặng và suy nghĩ: 

“Ý kiến cá nhân thật sự là loại hình thức thấp nhất của tri thức con người. Nó không đòi hỏi phải có trách nhiệm, không cần thấu hiểu. Tuy nhiên, hình thức tri thức cao nhất là sự đồng cảm, vì nó đòi hỏi chúng ta phải tạm ngưng phần bản ngã của mình lại và sống trong thế giới của người khác. Mục đích cũng cao cả hơn nhiều so với việc tự nhận thức bản thân”, Bill Bullard.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Phải thế chăng? Đúng là so với ý kiến cá nhân, thì sự đồng cảm cao hơn rất nhiều, thậm chí, đó là sự tự nguyện - bắt buộc. Với cá nhân tôi là một người làm thơ, thì không đồng cảm sẽ không bao giờ có thơ, dĩ nhiên, là thơ hay. Từ nhỏ tới giờ, đã hơn bảy mươi năm, tôi luôn sống trong sự đồng cảm. Nhiều khi tôi lo việc người khác nhiều hơn lo việc cho mình. Và tôi thấy rất ổn. Người ta có thể gọi đó là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, thì đã sao? Và tôi nhận thấy, có nhiều người cũng sống như thế. Họ tự nguyện sống như thế, không đòi hỏi bất cứ sự công nhận hay hàm ơn nào. Dù những việc họ làm thường có ích cho người khác. Nếu J.P. Sartre nói “Địa ngục chính là người khác”, thì phải chăng, có thể nói ngược lại “Thiên đường cũng chính là người khác”. Trong đời tôi, đã có quá nhiều lần tôi tìm thấy thiên đường từ người khác. Địa ngục, quả là có những kẻ như vậy, nhưng cách tốt nhất, mình không nên bước vào đó. Từ chối địa ngục - người khác, chính là mở lòng đón thiên đường - người khác.

Nhà thơ, phải biết tu trong ngôi - chùa - ngôn - ngữ của mình. Nhưng nhiều lúc, cũng phải biết thoát ra khỏi ngôi chùa của mình để “tu nhờ” trong những ngôi chùa khác. Chỉ duy nhất một ngôi chùa tôi từ chối tu ở đó. Nhưng chẳng sao. Không ai tu được trong tất cả các ngôi chùa của đời sống. Chỉ cần biết nghĩ cho người khác, là ta đã có chùa tốt để tu rồi.

Biết nghĩ cho người khác, không phải là chuyện lý thuyết, lý luận, triết lý gì cả. Nó là chuyện đời thường, chuyện hằng ngày, và được cư xử bằng chính sự hồn nhiên của con người. Lòng tốt, có thể rèn luyện, nhưng nó phải xuất phát tự thân. Nó bẩm sinh. Trong chiến tranh, tôi đã gặp những người nông dân rất ít học, thậm chí không học, nhưng họ tốt hồn nhiên, tốt cực kỳ. Nếu không có một nhân dân tốt như vậy, chúng ta làm sao chiến thắng.

Nhưng lòng biết ơn chính là một phẩm chất đứng vào hàng cao quý nhất của con người. Anh biết ơn, thì anh được. Được cho anh, chứ không được cho ai. Suốt đời tôi luôn giữ lòng biết ơn, giữ cho mình khi biết ơn người khác. Tôi biết ơn, nghĩa là tôi tồn tại.

Cứ mỗi lần tới một nghĩa trang liệt sĩ và thành kính thắp nén nhang ở đó, tôi chỉ muốn thổ lộ lòng biết ơn của mình với những người lính đã hy sinh cho Tổ quốc, cũng là hy sinh cho cuộc sống của một người bình thường là tôi. Lòng biết ơn ấy thật bình dị, nhưng nó giúp ta “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” (nhạc Trịnh Công Sơn), giúp ta sống tử tế hơn, bớt tham sân si hơn. Những cái ta được từ lòng biết ơn của mình, rồi từ từ ta mới biết, sẽ biết. Dù ta không được ban thưởng bất cứ cái gì cả, nhưng ta tự thấy thanh thản. Vậy cũng là đủ cho đời ta rồi.

Tôi biết ơn, nghĩa là tôi tồn tại như một con người có diễm phúc.  

THANH THẢO

.