Đà Nẵng cuối tuần
Bất ngờ Tôn Thất Lập
Trong nhóm “Những người bạn”, Tôn Thất Lập cao tuổi chỉ sau Trịnh Công Sơn nên anh em bạn bè và đồng nghiệp hay gọi anh theo cách gọi miền Nam là “Anh Ba Lập”. Thân thiết với anh từ lâu nhưng tôi vẫn chỉ biết anh là thủ lĩnh phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ngày ấy và có đi tuyên truyền cho hòa bình, thống nhất Việt Nam ở nước ngoài trước ngày 30-4-1975. Ba Lập là người kiệm lời, ít thổ lộ về thân phận, ngoài nụ cười hiền nên chỉ đến khi anh rời xa cõi trần ở tuổi 82, được yêu cầu của gia đình và Hội Nhạc sĩ Việt Nam chấp bút điếu văn, tôi mới thực sự tiếp xúc với lý lịch anh do con trai anh trao cho. Lúc này tôi mới thực sự bất ngờ về thân phận anh, một thân phận có gì như một nhân vật tiểu thuyết.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập lúc sinh thời. Ảnh tư liệu |
Ba Lập thuộc dòng dõi hoàng tộc của triều đình Huế nhưng lại sinh tại Đà Nẵng. Đương nhiên là anh lại có một tuổi thơ, một thuở học trò ở Huế. Sau đó cũng như Trịnh Công Sơn, anh vào học sư phạm Quy Nhơn. Đến khi tốt nghiệp thì đi dạy ở Phan Thiết năm 1967. Rồi từ Phan Thiết lại vào dạy ở Long An. Năm 1968 Mậu Thân đầy biến động thì Tôn Thất Lập lại về Sài Gòn học Đại học Văn Khoa. Thời cuộc lúc ấy có tác động rất nhiều đến học sinh, sinh viên miền Nam. Lòng yêu nước và chống xâm lược đã bùng cháy trong nhiều con tim thanh xuân.
Ngay từ đầu năm 1969, Ba Lập đã tham gia công tác trong Ban cán sự học sinh, sinh viên Sài Gòn. Sẵn có trình độ âm nhạc ở Huế, Ba Lập được giao trách nhiệm chỉ đạo văn nghệ thuộc ban cán sự phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Sự thôi thúc trong lòng khiến Ba Lập tạm rời xa những lãng mạn ẩm ương mà dồn trí lực thét lên những tiếng căm giận của thế hệ trẻ miền Nam với xâm lược Mỹ. Bài hát “Hát cho dân tôi nghe” của Tôn Thất Lập như một lời hiệu triệu lương tri của bao học sinh, sinh viên. Phong trào cứ thế lan ra không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở các đô thị miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Những đêm không ngủ hừng hực giai điệu hào sảng đã khiến chính quyền không thể làm ngơ. Ba Lập 2 lần bị bắt giam cùng anh em vào giữa năm 1970.
Lần thì ở Tổng nha cảnh sát, lần thì ở công an quận 1 cùng 170 đồng đội. Nhưng tù ngục không làm nhụt chí “Khí yêu nước”. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” càng lúc càng dân cao khắp nơi nơi. Phong trào lớn dần cùng những biến chuyển thời cuộc. Thủ lĩnh văn nghệ Tôn Thất Lập đã đứng vào hàng ngũ của Đảng ngày 9-5-1971.
Ba Lập được bí mật theo học những lớp bồi dưỡng chính trị. Ngoạn mục nhất là được đưa ra Hà Nội cùng Trần Long Ẩn vừa học chính trị, vừa học âm nhạc theo giáo trình của Trường Âm nhạc Việt Nam mà thầy Chu Minh trực tiếp lên lớp cùng hai trò ở một địa điểm tại Hà Đông. Sau đó, Ba Lập cùng cây guitar thân thuộc bắt đầu hành trình ra thế giới tuyên truyền về hòa bình thống nhất ở miền Nam tại các diễn đàn ở Pháp, Bỉ, Canada. Thời gian ở Hà Nội không dài, nhưng hào quang của “một anh hùng thời đại” đã đủ cho Ba Lập có một bóng hồng gửi vào đấy dào dạt tình yêu thương. Ba Lập đã hát những “Bài ca xuống đường”, “Phố Ca”, “Những cánh chim từ vùng lửa đỏ”… bằng cảm xúc từ nỗi nhớ nhung với người yêu phương xa.
Sau ngày thống nhất, Tôn Thất Lập trở về Sài Gòn và trở thành một trong những người lãnh đạo Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là một trong những nhạc sĩ chủ lực viết ra những giai điệu dành cho thời đại mới của thành phố. Mùa xuân năm 1976, song hành với niềm vui hân hoan trong giai điệu tưng bừng “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng, người nghe được lắng lòng với “Tình ca mùa xuân” của Tôn Thất Lập “Nửa đêm nghe mùa xuân về - Nghe đời lên rất trẻ…” một điều gì thơ thới, một điều gì dung dị mà trước đây không có, không cảm nhận được bỗng hồn nhiên hiển hiện trong không khí thanh bình lạ thường.
Một thời đại mới với cách nghĩ mới, cách cảm mới, cách trăn trở mới đã dần hình thành. Nó nằm trong sự biến chuyển từ trong tâm thức một cách chân thành. Nhờ thế mà khi xảy ra chiến tranh biên giới, Tôn Thất Lập mới có bài hát ngắn “Tình ca tuổi trẻ” để đi vào lòng người, nhất là lớp trẻ đến vậy. Cũng với sự ngẫm nghĩ đó, Tôn Thất Lập chất ngất ngợi ca công cuộc dựng xây của đất nước qua một âm hưởng nhạc trẻ là “Trị An - âm vang mùa xuân”. Ở nhạc phẩm này, Tôn Thất Lập đã đạt tới đỉnh cao của sự biểu hiện mới trong thời đại mới. Phẩm chất cách tân này không phải ai cũng có được.
Vừa tự biến đổi mình, Ba Lập còn trải lòng nhận ra sự biến đổi của nhiều đồng nghiệp khác. Cùng lúc với sự trở lại Sài Gòn của Trịnh Công Sơn từ Huế, trung tâm của anh cũng đón chào sự hiện diện của Trần Tiến từ Hà Nội vào. Và nhanh chóng Sài Gòn có thêm “Em còn nhớ hay em đã quên” của Trịnh Công Sơn và “Thành phố trẻ” của Trần Tiến. Chính điều này rất cần thiết cho thời mở cửa đổi mới mà không phải ai cũng có thể hồn nhiên hòa nhập.
Vừa tham gia nhóm “Những người bạn” để tạo ra những giai điệu của thời đại này, Tôn Thất Lập còn tham gia vào ban lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam bước vào nhiệm kỳ chuyển mình. Anh như trẻ ra với những “Cô bé dễ thương” oẳn tù tì… và hướng tới một đỉnh cao mới là “Tình yêu mãi mãi”. Anh ấy sống cứ lặng lẽ đóng góp bằng những sáng tạo riêng mình, bằng những dâng hiến cho sự nghiệp chung của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Ở đời, có những người khi đang sống, do truyền thông, cuộc đời đã hiểu tường tận về họ. Nhưng cũng có người chỉ khi đập ván thiên lúc rời xa cõi tạm, cuộc đời mới bất ngờ biết thêm về họ. Tôn Thất Lập là một bất ngờ như thế.
Tôn Thất Lập có giai điệu “Mưa thì thầm” rất độc đáo: “Mưa thì thầm là mưa rất xa… Em thì thầm là em rất gần”. Nhưng đến hôm nay, điều đó đã vượt quá giới hạn. Dù chị Ba Lập có thì thầm bên anh gần đến mấy thì sự xa cách người chồng thân yêu của mình vẫn là sự thật phải chấp nhận. Biết làm sao? Đời là thế. Dù biết anh bệnh đã lâu, nhưng sự “Tạ mùa đi” của anh vẫn làm bất ngờ nhiều anh em đồng nghiệp và cả chính tôi.
NGUYỄN THỤY KHA