Đà Nẵng cuối tuần
Niên khóa và hội khóa
* Tôi thấy hè này một số cuộc gặp mặt của cựu học sinh nhân kỷ niệm khoảng thời gian mình vào trường và ra trường được ghi là “niên khóa” (ví dụ 1983-1988 chẳng hạn). Cách ghi này, xin hỏi có chính xác không? (
Lan Chi , xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).Cuộc hội ngộ cựu học sinh sau mấy chục năm chung trường, chung lớp được gọi là hội khóa. Ảnh: ST |
- Từ “niên khóa” đã được các từ điển giải thích một cách rõ ràng. Như cuốn tiếng Việt thông dụng (NXB Trẻ, 1997) của Cử nhân giáo khoa Triết học Nguyễn Văn Xô, được tác giả giới thiệu là “cố gắng có đủ những từ ngữ thông thường trong đời sống hằng ngày”. Từ “niên khóa” ở trang 32, được giảng: “(dt) khóa học dài một năm hay khóa thi của một năm”. Từ điển tiếng Việt (tra trực tuyến tại informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/) giảng: “Thời gian học hết một lớp: Niên khóa bắt đầu từ tháng Chín và kết thúc vào tháng Sáu năm sau”.
Bài viết “Niên khóa là gì: Định nghĩa và ý nghĩa trong hệ thống giáo dục” đăng trên trang hoi.edu.vn (Hỏi đáp - Giải đáp các vấn đề giáo dục) giảng nghĩa một cách cụ thể hơn. Theo đó, niên khóa là một khái niệm dùng để xác định khoảng thời gian học tập của một học sinh hoặc một lớp học. Thông thường, niên khóa được tính dựa trên năm học, bắt đầu từ thời điểm một khóa học bắt đầu và kết thúc vào thời điểm khóa học tiếp theo bắt đầu. Ví dụ, niên khóa 2022-2023 bắt đầu từ tháng Chín năm 2022 và kết thúc vào tháng Tám năm 2023.
Vậy, làm thế nào để xác định niên khóa trong các trường học? Bài đã dẫn cho biết, trong các trường học, niên khóa thường được xác định dựa trên năm học và cấp học. Xác định niên khóa của một học sinh thường dựa trên năm học mà học sinh đó bắt đầu học. Thông thường, học sinh bắt đầu học vào đầu năm học mới, ví dụ như tháng Chín hoặc tháng Tám. Niên khóa của học sinh sẽ bắt đầu từ năm học đó và kéo dài cho đến khi năm học tiếp theo bắt đầu. Ví dụ, nếu một học sinh bắt đầu học vào năm học 2021-2022, niên khóa của học sinh đó sẽ là niên khóa 2021-2022.
Cách ghi “Niên khóa 1983-1988” là không chuẩn.
Trường hợp tổ chức họp mặt cựu học sinh nhân kỷ niệm thời gian mình vào trường và ra trường thì người ta dùng từ “hội khóa”. Trong bài viết “Văn hóa hội khóa là như thế nào?” đăng trên Báo Thể thao & Văn hóa ngày 30-7-2017, nhà báo Vũ Lâm, cựu học sinh Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) kể lại một câu chuyện từng đọc cũng trên tờ báo này và sực nhớ lại khi đến dự Hội khóa Trường THPT Sơn Tây khóa 1992-1995 nhân kỷ niệm 22 năm ra trường (1995-2017). Câu chuyện chỉ hơn 200 chữ làm duyên mở bài, vấn đề quan trọng là trong suốt bài báo gần 2.400 chữ của mình, tác giả dùng đến 14 lần từ “hội khóa” (không hề có từ “niên khóa”).
Trở lại với câu hỏi trên. Từ chính xác ở đây là “hội khóa”. Cựu học sinh Trường THPT Đức Hợp, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, tổ chức: “Hội khóa 20 năm (Khóa 1999-2002) - Xúc động ngày trở về, Lưu luyến bước chân đi”.
Cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tổ chức “Hội khóa 1998-2001 nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra trường”. Thư mời dự sự kiện này có đoạn: “Nhằm đáp ứng nguyện vọng của các bạn cựu học sinh khóa 1998-2001 và nối tiếp truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, Ban tổ chức hội khóa sẽ cố gắng xây dựng một ngày hội khóa thật ý nghĩa. Và để đạt được điều này, sự đồng lòng, chung tay góp sức và hỗ trợ tích cực từ phía các bạn là điều rất tiên quyết thành công của hội khóa sau 20 năm ra trường của chúng mình”.
ĐNCT