Đà Nẵng cuối tuần
Nhớ những mùa thu cũ
Bắt đầu mỗi mùa thu, mọi người đều rạo rực về ngày tựu trường. Ông bà, cha mẹ lo cho con cháu những bộ quần áo, sách vở, cặp, giày dép. Các em học sinh lại rạo rực hỏi tin tức bạn cũ năm nay có còn ngồi chung lớp, chung bàn với mình không, hay đã đổi đi trường nào? Cô A, thầy B có còn làm chủ nhiệm?… Mỗi thời, mỗi người đều có những câu chuyện của riêng họ về học hành khác nhau.
Còn tôi, thì sao? Tôi nhớ lại thời của tôi…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
1. Ở quê, tôi đi học trễ. Hình như đến 7 tuổi tôi mới theo các cô chú lớn tuổi đến một ngôi trường tranh tre ở cuối xóm do một ông thầy ở làng mở ra. Bàn ghế là những gốc tre ghép lại. Nền lớp học vẫn là nền đất, đắp cao hơn trên khoảnh đất trống bỏ hoang. Vài miếng gỗ ván ghép lại làm tấm bảng. Tôi nhớ, nhiều người đã lấy vỏ bao xi-măng làm vở để tập viết những mẫu tự a, b, c đầu đời. A bê xê dắt dê đi ở, a á ớ dắt vợ đi chơi…Tôi học thuộc những chữ cái như vậy ở lớp học đầu đời của thầy Châu, thầy Ngô Mai ở làng Thanh Quýt cùng với những người lớn hơn tôi. Đến 8 tuổi, cha tôi dắt xuống Tòa tỉnh ở Hội An để làm một tờ trích lục thay vì khai sinh vì lý do “hồ sơ đã bị hỏa hoạn trong chiến tranh”, có hai người làm chứng, và năm sinh phải khai lại nhỏ hơn hai tuổi, cho đúng tuổi thi vào trường tiểu học công lập mới xây dựng trong xã.
Chúng tôi được cha mẹ may cho bộ đồng phục quần soóc kaki xanh và chiếc áo ngắn tay màu nâu. Được sắm cho bình mực và cây viết lá tre để vào học lớp 5 (tức lớp 1 ngày nay).
Đã hơn 60 năm qua mà đến giờ tôi vẫn nhớ tên các thầy cô từ thầy hiệu trưởng Nguyễn Phượng đến các thầy cô dạy các lớp ở bậc tiểu học hồi ấy. Cô Dung người Đà Nẵng, cô Diễm Dương nói tiếng Huế, thầy Vỹ dạy lớp Ba người Điện Bàn, cô Minh nói tiếng Bắc nhà ở Sài Gòn, thầy Tuyền rất giỏi võ… Mỗi thầy cô đều để lại nhiều kỷ niệm khó phai. Lại nhớ những bạn học hồi đó, có đứa cao ngồng, cao hơn cô giáo cả cái đầu. Học hết tiểu học, chiến tranh đến, chúng nó đã vào du kích. Nhớ cả những buổi học về đánh lộn với đám chăn trâu. Nhớ những hôm đút vở bụi tre ra đồng tát cá hay lên sân đình hái trái chim chim, ra mả tiền hiền họ Nguyễn hái trái trâm, giành nhau la ỏm tỏi… Và nhớ nhất là những giờ học “hiệu đoàn” do cô Minh dạy múa hát quanh đống củi khô đốt lên làm lửa trại. Cô Minh cũng là người đọc giọng Bắc rất hay khi dạy bọn tôi bài “Tôi đi học” của nhà thơ Thanh Tịnh. Giọng cô đọc: “Mỗi năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rơi rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…” mà tôi thấy ấm áp và truyền cảm đến tận bây giờ.
Cả thời tiểu học của tôi trôi qua cho đến ngày chiến tranh lan đến làng tôi. Thời ấy, chúng tôi được dạy những câu ca dao, tục ngữ nói về các lễ nghi, phép tắc cần ứng xử ở gia đình, khi ra đường. Học “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trên nguồn chảy ra…”. Lại phải biết ngã mũ khi gặp một đám tang, đứng nghiêm lúc đi qua một nơi đang làm lễ chào cờ hay gặp một đoàn xe của Ủy hội kiểm soát đình chiến sau hiệp định Geneve…
Riêng tôi, cái thư khố (như thư viện bây giờ) với những tập sách hồng, truyện cổ tích, sách Quốc văn giáo khoa thư, vài tập sách của Tự lực văn đoàn… là món ăn tinh thần của những giờ nghỉ học. Chúng tôi được vào thư khố đọc sách hoặc được mượn về nhà. Có lẽ đó là những gì nuôi dưỡng giấc mơ văn chương từ thời nhỏ tuổi, mà mãi tôi chẳng thể nào quên…
2. Chiến tranh xảy đến ở quê nhà, cắt đứt những ngày tuổi thơ tươi đẹp, cùng lúc với việc kết thúc bậc tiểu học của tôi.
Lên Trung học, thi đậu vào Trường Trung học Phan Châu Trinh. Nhưng giáo sư dạy toán như thầy Bùi Tấn, thầy Đáo, thầy Thanh, thầy Kế… là những người thầy khả kính. Tôi không học quá giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, nhưng lại mê Văn, Sử, Địa và các môn vẽ, âm nhạc nên lại có những gắn bó với các thầy cô liên quan như cô Hồng Diệp, thầy Hoàng Bích Sơn, Trần Xuân Mai, Đỗ Viết Lê… Nhờ đó, giấc mơ văn chương cứ nung nấu mỗi ngày cho đến khi đậu tú tài và vào đại học…
Ngôi trường Phan Châu Trinh lại cho tôi nhiều bạn bè mà sau này cứ mãi gắn kết, có thể là không chung lớp, chung năm học nhưng tình cảm văn chương lại gắn kết. Các nhạc sĩ, họa sĩ ngày xưa là những chú bé, sau này thành danh như Lý Văn Chương (Thiên Chương), Trần Dục,
Trương Xuân Mẫn; các nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ Trần Ngọc Châu, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Nguyễn Nhật Ánh, Phạm Sỹ Sáu, Hoàng Ân, Trần Trung Sáng… đã tạo ra một lớp cựu học sinh Phan Châu Trinh khác kế tiếp nhau trên bầu trời văn nghệ cho đến ngày nay. Văn chương không chỉ là mối liên kết tình đồng môn mà cả với nhiều người thầy, dù có được học hay không, như các thầy Trần Đại Tăng, Trần Đình Quân, Đông Trình… mà tôi vẫn quý mến đến nay…
Tôi lên Trung học với bộ đồng phục quần xanh áo trắng, thứ Hai mặc quần trắng áo trắng; trên ngực áo có chiếc bảng tên Phan Châu Trinh luôn là niềm hãnh diện với các bạn học nữ ở nhiều trường tư thục khác. Nhưng có ai biết rằng, vì là học sinh nghèo ở quê ra nên áo bỏ vào quần khi chào cờ, lúc vô lớp, nhưng không hề có nịt. Đôi khi quần đứt nút, lại phải lấy dây thép cột lại, rất khó coi. Chỉ duy nhất một chiếc quần dài trắng mặc đầu tuần nên nó chuyển sang màu cháo lòng lúc nào chẳng hay. Thành ra, tôi rất ghét ngày thứ Hai. Ngày thứ Hai ấy, lúc tan trường tôi thường bỏ áo ngoài quần để… che dấu cái nghèo của mình...
Ngược lại, anh em bạn bè văn nghệ thời trung học và cái điểm hẹn Cà phê Việt ở ngã tư Thống Nhất - Lê Lợi ngày ấy luôn là một nét đẹp suốt hàng chục năm. Chúng tôi chuyền tay nhau những cuốn sách hay, những bài viết mới trên các tạp chí còn nóng hổi. Những người thầy sẵn sàng cho học trò mượn sách hay nên đọc và tận tụy hướng dẫn các đọc, cách viết… Sau 1975, quay về Đà Nẵng, cái địa chỉ Cà phê Việt ấy vẫn là nơi chúng tôi gặp nhau buổi sáng…
Là dân quê tản cư ra phố, ở một xóm lao động nghèo, con cái phần đông phải đi lính vì bỏ học nửa chừng, làm các nghề tay chân, nhưng lại học lên được đại học như tôi là trường hợp ít có. Nhiều năm sau này khi nghiệm lại, tôi hiểu ra rằng, nếu không có bạn bè cùng trường, cùng lớp động viên nhau học hành, chắc gì mình đã vợt qua được những cám dỗ của tuổi thiếu niên mới lớn đầy bồng bột!
3. Cuối năm 1985 khi tôi được ra Hà Nội dự Đại hội lần thứ 3 những người viết văn trẻ, lại vinh dự gặp nhà thơ Thanh Tịnh. Đêm nào, dù Hà Nội rét căm, ông cũng đến chỗ “bọn trẻ miền Nam” ở chơi rất khuya và nói đủ thứ chuyện.
Một hôm, sau khi nghe ông kể chuyện viết lách, tôi hứng chí đọc một lèo bài “Tôi đi học” của ông và nói rằng: “Chúng em thuộc lòng bài này từ năm 1960 rồi đó bác ạ! Đó là bài văn chúng em được dạy hồi tiểu học ở làng quê đó!”. Nhà văn Thanh Tịnh rơm rớm nước mắt, bắt tay chúng tôi rồi nói: “Hồi tớ sang chiến trường Campuchia cũng được một anh lính đọc cho nghe bài này. Anh ấy quê tận Hậu Giang hay Cà Mau gì đó! Đây là lần thứ hai tớ nghe lại. Ôi, ở trong đấy người ta chẳng phân biệt Nam - Bắc gì cả!”. Một bạn trong chúng tôi, hình như nhà thơ Nguyễn Trọng Tìn thì phải, nói: “Vâng, hễ văn chương mà hay, mà vào lòng người thì trong ấy đề dạy cả ạ!”… Lúc ấy, giọng đọc bài của cô Minh thời tiểu học lại trỗi lên trong lòng tôi!
Bây giờ, mùa thu năm 2023 đang về, ngày tựu trường của các cháu nội của tôi đã cận kề. Các con tôi rộn ràng lo cho bọn trẻ vào trường. Các cháu rộn ràng cho năm học mới. Có lẽ nhà nào cũng vậy, trên mọi miền đất nước…
Còn tôi? Tôi cũng đang rộn ràng với những kỷ niệm cũ đang tràn về của những tháng năm cắp sách, thầy cô, bạn bè cũ và những mái trường mình đã “mài mòn đũng quần” với mỗi mùa thi và giấc mơ văn chương của một cậu học trò chân quê. Và tôi đang trẻ lại!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG