Đà Nẵng cuối tuần

Bảo tồn và phát huy giá trị hai công trình phòng thủ triều Nguyễn

08:35, 24/09/2023 (GMT+7)

Trên dải đất dọc bờ vịnh Nam Chơn hiện còn tồn tại hai công trình được xây dựng từ đầu triều Nguyễn, có liên quan đến cuộc chiến chống xâm lược giai đoạn 1858-1860.

Một đoạn tường hào ở trạm Nam Chơn. Ảnh: BÌNH PHÚ
Một đoạn tường hào ở trạm Nam Chơn. Ảnh: BÌNH PHÚ

Dấu xưa, chuyện cũ

Ngày xưa, dọc theo đường cái quan, các nhà trạm, quán dịch được dựng lên để làm nơi nghỉ chân cho quan lại triều đình khi đi công cán, đây cũng là nơi vận chuyển văn thư của triều đình đến các phủ, huyện trong nước. Cứ khoảng 30 dặm đặt một trạm. Trạm Nam Chơn là một trong những trạm dừng chân từ Huế vào Đà Nẵng, đặt tại núi Sảng, đời Gia Long, đặt tên là trạm Chơn Sảng. Năm Minh Mạng thứ ba (1823), trạm đổi tên là trạm Nam Chơn.

Theo Đại Nam nhất thống chí: “Phía nam chân núi là núi Thông Sơn, tục gọi là Hòn Hành; phía tây có núi Sen, núi Sảng là chỗ dừng trạm (Nam Chơn) để đi qua… đường núi gập ghềnh, cây cối lẫn lộn, chân núi phía nam kề liền vùng biển, có ghềnh đá đứng sững ở bờ biển, cao thấp lô nhô như hình non bộ, sóng biển đập vào nước phun như mưa” (Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập II, NXB. Thuận Hóa, Huế 2006. tr. 404).

Đồn Chơn Sảng nằm bên bờ vịnh Nam Chơn, án ngữ con đường lên đèo Hải Vân, gần dịch trạm Nam Chơn giữ vai trò liên lạc giữa Đà Nẵng với Kinh đô Huế. Nơi đây đã chứng kiến những trận chiến đấu ác liệt trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Sáng ngày 18-11-1859, viên thiếu tướng Page điều động 3 tàu chiến và một tàu vận tải đến phía tây bắc vịnh Đà Nẵng, tấn công pháo đài Định Hải và đồn Chơn Sảng. Do hỏa lực mạnh, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, đồn Chơn Sảng bị hạ, tuy nhiên đại bác của ta đã bắn trúng tàu chỉ huy Némésis, làm viên thiếu tá công binh Déroulède cùng một số binh lính Pháp chết ngay tại trận. Quân Pháp chiếm đồn Chơn Sảng, án ngữ tuyến giao thông huyết mạch giữa Huế và Đà Nẵng.

Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng nước ta, nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra trong cả nước, ở Quảng Nam, phong trào Nghĩa Hội đã tổ chức nhiều trận đánh làm kẻ địch khiếp sợ. Đêm 28-2-1886, đội lính công binh Pháp do đại úy Besson chỉ huy đóng tại trạm Nam Chơn đã bị quân Nghĩa Hội tập kích tiêu diệt (Camille Paris, Du ký Trung kỳ theo đường cái quan. NXB Hồng Đức 2021. Tr. 71-73).

Thời gian qua, theo khảo sát của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng và Bảo tàng Đà Nẵng, nền móng công trình nằm ở phía tây nam của làng Vân có khả năng là trạm Nam Chơn, cách bờ biển khoảng 40m. Khu vực này có diện tích khoảng 10.000m2, công trình hình vuông, xây bằng đá xếp chồng lên nhau, không có vôi vữa liên kết. Công trình có hai vòng thành, thành trong có chiều cao 1,8m, thành bao cao 1,6m. Bên trong trạm Nam Chơn là khu đất trống, chưa tìm thấy dấu vết của nhà trạm, có lẽ đã bị cháy trong khánh chiến chống Pháp. Còn nền móng đồn Chơn Sảng nằm ở phía đông bắc của làng Vân, cách bờ biển khoảng 420m theo đường chim bay. Các đoạn thành cao trung bình khoảng 1,5m, được xếp bằng đá, không có vôi vữa liên kết, có diện tích khoảng 6.000m2. Đây là kiểu kiến trúc đa giác, người xưa tận dụng địa hình hiểm trở để xây dựng công trình phòng thủ. Tại một số góc thành có dấu vết của các ụ súng. Hiện nay, cả hai công trình trạm Nam Chơn và đồn Chơn Sảngđang bị che phủ bởi cây cối và đất đá, nhiều đoạn tường thành bị sập, tuy vậy vẫn còn khá rõ dấu vết kiến trúc.

“Bảo tồn tích cực”

Ngày nay trên thế giới, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm “bảo tồn tích cực”, có nghĩa là khai thác các giá trị của di sản vào phục vụ cuộc sống của nhân dân, từ đó tạo nguồn lực để bảo tồn di sản, tuy nhiên di sản văn hóa là tài sản quý giá của dân tộc, do đó cần giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch theo hướng bền vững với nguyên tắc công trình xây dựng sau phải tôn trọng di tích gốc.

Du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và những giá trị của di sản văn hóa. Du lịch càng thu hút được nhiều du khách đến với di sản thì các giá trị của di sản văn hóa càng được quảng bá rộng rãi. Qua tham quan du lịch, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng và hiểu biết về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến. Du lịch còn tham gia vào hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, nguồn kinh phí thu được từ du lịch sẽ được đầu tư một phần cho việc gìn giữ, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị của di sản văn hoá.

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…”.

Trạm Nam Chơn và đồn Chơn Sảng là hai công trình có liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1858-1860, đã được thảo luận tại tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858-1860)”, tổ chức vào ngày 30-8-2023 tại Bảo tàng Đà Nẵng, với giá trị và vị trí quan trọng trong lịch sử nước nhà, hai địa điểm này cần sớm được lập hồ sơ xếp hạng di tích và có kế hoạch tu bổ tôn tạo. Trước mắt, cần bảo tồn dấu tích hai công trình trạm Nam Chơn và đồn Chơn Sảng trong khu vực đã quy hoạch. Khảo sát, tu bổ, gia cố lại các tường thành đá bằng vật liệu tương tự; tiếp tục khảo sát và sưu tầm các di vật còn lại trong khu vực để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.

Khu vực trạm Nam Chơn khá rộng nên có thể tôn tạo thành công viên lịch sử, vừa có di tích gốc vừa có công trình tôn tạo, phụ trợ như trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc chiến 1858-1860 tại Đà Nẵng. Du khách đến khu du lịch làng Vân vừa được nghỉ ngơi trong môi trường trong lành, phong cảnh tuyệt đẹp của vùng vịnh Nam Chơn, vừa dạo chơi, tham quan di tích lịch sử ngay trong khu du lịch, đó là sự khác biệt so với nhiều khu du lịch trong vùng Trung Trung bộ; với sự khác biệt ở đây, Đà Nẵng sẽ có thêm khả năng thu hút du khách bằng loại hình du lịch lịch sử - truyền thống kết hợp thưởng lãm cảnh quan...

HỒ XUÂN TỊNH

.