Đà Nẵng cuối tuần
Tư liệu mới về chí sĩ Thái Phiên
Thái Phiên sinh năm Nhâm Ngọ (1882) tại làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam; nay là làng Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Các nguồn tư liệu mới cho thấy một số thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của ông có khác so với trước đây.
Chí sĩ Thái Phiên (1882-1916) và nhà thờ ông tại làng Nghi An, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
1. Nội tổ của Thái Phiên vốn gốc là người Bình Định ra lập nghiệp tại làng Nghi An. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn trong cuốn Khởi nghĩa Duy Tân, Thái Phiên - Trần Cao Vân qua các tư liệu mới (NXB Thanh Niên, 2018) dẫn Phổ chí dòng họ Thái, cho biết ông tổ thứ tư là Thái Văn Triết và bà Lê Thị Tân (Sách tư liệu sử trước đây ghi tên bà là Lê Thị Tý hoặc Lê Thị Lý) sinh hạ 3 trai, 4 gái, trong đó Thái Văn Soạn (tức Thái Phiên) là trưởng nam. Điều này khẳng định rằng, Thái Phiên không phải là con trai duy nhất của ông Thái Văn Triết (Thái Duy Tân) và bà Lê Thị Tân như lâu nay các nhà viết sử đã phổ biến.
Thái Phiên thuở nhỏ học chữ Hán, sau theo Tây học, ông thông minh, sáng dạ, có chí khí và lý tưởng yêu nước từ rất sớm. Thái Phiên kết hôn với bà Trịnh Thị Nhuận (bà mất năm 1908, ở tuổi 27), có với nhau một con gái. Chi tiết này được thể hiện rõ qua lời khai của Thái Phiên ở cuộc hỏi cung sau này khi ông bị giặc bắt: “Tôi tên là Thái Phiên, 34 tuổi, sinh tại làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, trú tại Đà Nẵng. Cha tôi đã mất, mẹ còn sống, vợ mất, tôi có một con gái…”.
2. Đêm 27-4-1916 diễn ra cuộc họp cuối cùng để quyết định những vấn đề quan trọng cho cuộc khởi nghĩa Duy Tân tại nhà ông Đỗ Tự ở Miếu Bông (nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), sau đó là cuộc họp suốt đêm của “Bộ Tham mưu khởi nghĩa” tại nhà Thái Phiên, phổ biến chiếu chỉ của nhà vua kêu gọi tổng khởi nghĩa vào đêm ngày 3 rạng sáng 4-5-1916. Cuộc họp cũng đưa ra quyết định soạn thảo một bản tuyên ngôn gửi cho quốc dân khi cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra.
Các tài liệu trước đây chỉ nói chung chung về bản tuyên ngôn này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn trong sách của ông, đã dẫn chi tiết bản Tuyên ngôn của Hội đồng quân sự Việt Nam do Thái Phiên phụ trách soạn thảo và được Mai Dị tu chỉnh. Tuyên ngôn có đoạn nêu lên trách nhiệm công dân đối với dân tộc, đồng thời vạch rõ tội ác của thực dân Pháp như sau: “Công ơn mở nước và giữ nước của cha ông đang ghi sâu trong tâm khảm mỗi người. Đó không chỉ là những dòng lịch sử khô khan mà chính là đạo lý dân tộc, là nghĩa vụ của mỗi công dân phải được thực hiện ngay trong tình thế hiện nay: Những cuộc nổi dậy chống lại ách nô dịch của nước Pháp - những kẻ cai trị quen giọng điệu hiểm sâu. Bọn bảo hộ người Pháp rất ngang ngược, bề ngoài thì họ giả dạng người bảo hộ, nhưng bên trong là nọc rắn độc, lòng lang dạ sói. Chúng có đầy tham vọng độc ác, xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ nước ta, đối xử tàn bạo với dân chúng, áp đặt đủ các loại thuế khóa để chúng chiếm đoạt hết tài nguyên, của cải của dân ta… Chúng không khai sáng trí óc người bản xứ. Tự do ngôn luận và sinh hoạt cộng đồng bị cấm đoán. Điều quan trọng là chúng khinh rẻ Hoàng gia, bạc đãi những người trung thành với nhà vua. Thượng Hoàng bị trút ngôi mà không hề có lỗi (vua Thành Thái bị phế truất). Mộ của Vua Tự Đức bị đào xới mà không có lý do…”.
Tuyên ngôn kêu gọi, thúc giục mọi công dân đứng lên tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà: “Đây chính là lúc tràn đầy hy vọng để chúng ta khôi phục lại quyền lực Nhà nước của mình và cởi bỏ gông xiềng nô lệ! Cờ Tổ quốc sẽ bay cao và ta sẽ thấy rạng ngời non sông Hồng Lạc! Nòi giống da vàng sẽ phồn vinh tươi sáng và người ta sẽ thấy rạng rỡ hình ảnh con Rồng cháu Tiên!
Hỡi tất cả công dân! Cơ hội có một không hai đã đến! Trên đầu chúng ta là Trời xanh bao la và Mặt trời đang sáng soi chứng giám!”.
3. Các tài liệu trước đây cho rằng Thượng thư Hồ Đắc Trung là người phụ trách thảo tờ trình về cái án của vua Duy Tân theo lệnh Tòa Khâm. Tuy nhiên, sau đó trong danh sách Hội đồng xét xử An Nam xử Thái Thiên và Trần Cao Vân không thấy tên vị quan Cơ mật đại thần này. Đại diện bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp đã trực tiếp đàn áp, điều tra, hỏi cung những người yêu nước, sau đó mới giao việc nghị án cho chính quyền Nam triều. Các nhà cách mạng bị gán tội xúi giục vua, xúi giục dân gây nên chính biến.
Các tác giả Lưu Anh Rô - Nguyễn Trương Đàn trong cuốn Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ (NXB Đà Nẵng, 2023) có trích đoạn Bản án của Hội đồng xét xử An Nam soạn thảo (được cho là ra ngày 16-5-1916) như sau: “Xét thấy: Các tên Trần Cao Vân, Thái Phiên và đồng bọn đã can dự vào cuộc nổi loạn. Trần Cao Vân trước đây đã bị can án đi đày, sau đó được ân xá nhưng không chịu cải tà quy chính. Nhân nhà vua còn trẻ tuổi, Trần Cao Vân đã cùng với Thái Phiên liên lạc với các nhóm cầm đầu đang lẩn trốn ở nước ngoài, để tổ chức cuộc nổi loạn, đã đi lại nhiều lần ở Kinh thành, liên lạc với Đội Siêu và Tôn Thất Đề nhằm tiếp cận nhà vua, xin được chiếu chỉ của nhà vua. Chiếu chỉ đã bổ nhiệm các chức danh. Đã chuẩn bị mời nhà vua tham gia, tháp tùng nhà vua lúc xuất cung, xúi giục dân chúng nổi loạn. (…)
Kết luận:
Các tên: Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề đều đáng bị mức án xử trảm bêu đầu. Tuy nhiên chúng tôi xem xét giảm án: chỉ xử trảm, không bêu đầu nhằm phù hợp với luật pháp”.
Trong văn bản Phủ phụ chính trình Khâm sứ Trung Kỳ bản án đối với những kẻ cầm đầu mưu loạn, đưa vua xuất cung cũng có nội dung án tương tự như Bản án của Hội đồng xét xử An Nam.
VĂN THÀNH LÊ - HÀ THÚC QUANG