Đà Nẵng cuối tuần

"Bên trong vỏ kén vàng": Sự chiêm nghiệm về đời người

16:17, 21/10/2023 (GMT+7)

Ngày 16-10, “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng giải Phim quốc tế hay nhất tại Liên hoan phim Bình Dao (Trung Quốc) - sân chơi dành cho các nhà làm phim độc lập toàn thế giới. Đây cũng là phim Việt Nam đầu tiên đạt giải Camera d'Or - giải thưởng dành cho phim đầu tay của đạo diễn mới xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng giải “Camera vàng” tại LHP Cannes, ở Pháp hồi tháng 5.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng giải “Camera vàng” tại LHP Cannes, ở Pháp hồi tháng 5.

Tác phẩm chinh phục các liên hoan phim bởi ngôn ngữ điện ảnh tối giản, tự nhiên nhưng tinh tế và đậm dấu ấn cá nhân của Phạm Thiên Ân: những cú máy dài miên man gợi nhiều ẩn ý, camera chuyển động chậm hoặc tĩnh, chú trọng đặc tả cảm giác. Mặc dù được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao, bộ phim dài 3 giờ kén người xem bởi thể loại thể loại slow cinema (phim chậm), triệt tiêu kịch tính, mang tính chiêm nghiệm và tính biểu tượng cao.

“Bên trong vỏ kén vàng” (tựa tiếng Anh: “Inside The Yellow Cocoon Shell”) được phát triển từ phim ngắn “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” - từng giành giải Phim ngắn xuất sắc nhất tại hạng mục Directors’ Fort night, thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2019 - của Phạm Thiên Ân.

Bộ phim dài 14 phút gây ấn tượng với một cú máy duy nhất, khắc họa rõ nét bức tranh xã hội hiện thực qua cuộc nói chuyện của ba gã thanh niên trẻ ưa triết lý tại một quán nhậu vỉa hè ở Sài Gòn. Cũng như “Bên trong vỏ kén vàng”, phim ngắn “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” kết mở đầy suy tư với tiếng va chạm của một tai nạn xe máy xảy ra gần đó.

Thiện (Lê Phong Vũ đóng) - kẻ bình thản ngồi lại bàn nhậu, thờ ơ với vụ việc trong “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” - là nhân vật chính của “Bên trong vỏ kén vàng”. Và nạn nhân của tai nạn kia không ai khác chính là Hạnh - người chị dâu đã ly thân với anh ruột của Thiện. Nhưng mãi sau này, khi đang vui vẻ trong một tiệm mát-xa, Thiện mới hay tin chị dâu chết, đứa cháu trai bị thương đang điều trị ở bệnh viện. Cũng từ đây, Thiện từ một gã trai chán chường với cuộc sống trở thành một người chú gánh trách nhiệm chăm sóc cháu và đưa thi thể chị dâu về quê an táng. Và cũng từ đây, hành trình tìm lại bản ngã của Thiện bắt đầu, bằng những câu hỏi ngô nghê của đứa cháu 5 tuổi, bằng lời chiêm nghiệm của người già, bằng sự kết nối quá khứ qua các cuộc gặp gỡ với người quen cũ…

Hành trình ấy đầy mộng ảo qua cách kể chuyện chân thật mà duy mỹ, tối giản mà tinh tế, hiện thực mà siêu thực của người đạo diễn sinh năm 1989. Cuộc khám phá đầy mê hoặc của niềm tin, số phận, tinh thần hay cuộc đấu tranh nội tâm của một người trẻ vô định trước dòng đời hiện lên đầy thú vị bằng ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc, riêng biệt. Đó là những cảnh quay dài miên man nhưng đa dạng với góc máy độc đáo và dàn cảnh khéo léo, là sự tận dụng triệt để âm thanh tự nhiên, từ tiếng gà gáy sáng, tiếng cá quẫy nước, tiếng nước rơi róc rách… êm đềm của vùng núi Bảo Lộc đến sự ồn ã, xô bồ của thị thành.

Sự kiên nhẫn chờ đợi thời tiết thiên nhiên của đoàn làm phim, để “mô tả” đúng và đầy con đường bóng và ướt nước mưa trong khoảnh khắc bình minh nhập nhoạng giữa sương mù dày đặc. Việc dẫn dắt người xem vào thế giới nội tâm đầy phức tạp của nhân vật bằng những tình tiết mang tính ước lệ tượng trưng…

Có thể nói, bộ phim là chiêm nghiệm của Phạm Thiên Ân về đời người qua ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc. Ở đó, có sự sống và cái chết; có gặp gỡ và chia ly; có hạnh phúc và khổ đau… Ba tiếng từ tốn với nhịp phim ít tình tiết, chẳng cao trào lại khéo léo dẫn dắt người xem từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, chậm lại và chiêm nghiệm cùng nhân vật. Khi nhân vật không ngừng tự vấn về đức tin cũng như ý nghĩa về sự tồn tại của bản thân, hẳn mỗi người cũng đang tự hỏi: “Mục đích sống của mình là gì?”.

Như tờ Screen Daily từng nhận xét về bộ phim: “Sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại đem đến nhiều câu hỏi và tạo ra những khoảnh khắc mà trong đó người xem phải suy ngẫm về những gì họ vừa được thấy”. Tuy nhiên, cái kết đầy gợi mở của phim gửi gắm thông điệp: không có câu trả lời dễ dàng cho những thắc mắc về sự tồn tại. Nhưng hành trình đi tìm đáp án sẽ luôn được nuôi dưỡng bởi niềm tin!

Phạm Thiên Ân học ngành công nghệ thông tin, từng theo nghề quay, dựng video đám cưới. Năm 2018, bộ phim ngắn đầu tay “Câm lặng” (The Mute) của đạo diễn quê Bảo Lộc (Lâm Đồng) ra mắt tại Liên hoan phim ngắn Quốc tế Palm Spring, được chọn tranh giải ở gần 15 Liên hoan phim Quốc tế, như: Winterthur, Tampere, Hong Kong, Encounters, Aspen… Sau Cannes, “Bên trong vỏ kén vàng” được chiếu tại hơn 40 liên hoan phim quốc tế, như: Busan (Hàn Quốc), Locarno (Thụy Sĩ), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Milano (Italy), Vancouver (Canada)…

MAI TRANG

.