Đà Nẵng cuối tuần

Cái khác người của thơ Lưu Trọng Lư

14:59, 15/10/2023 (GMT+7)

Lưu Trọng Lư (1912-1991) xuất thân trong một gia đình nhà nho ở Cao Lao Hạ (Hạ Trạch), thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Đang học dở năm thứ ba ở trường Quốc học Huế, cậu học trò Lưu Trọng Lư đã dám bỏ ngang để ra Hà Nội làm thơ, viết văn, viết báo… Thời Thơ Mới vừa manh nha, thi sĩ viết thư ủng hộ Phan Khôi, tranh luận với Tản Đà, đăng đàn diễn thuyết đả phá thơ cũ, hì hục làm thơ mới gửi in khắp nơi với các bút danh khác nhau.

Chân dung nhà thơ Lưu Trọng Lư (ảnh trái) và tập thơ đầu tay “Tiếng thu”.  Ảnh: Sưu tầm
Chân dung nhà thơ Lưu Trọng Lư (ảnh trái) và tập thơ đầu tay “Tiếng thu”. Ảnh: Sưu tầm

Ngay từ khi mới chập chững bước vào làng thơ, Lưu Trong Lư đã sớm hình thành phong cách riêng, hết sức độc đáo. Điều đó được bộc lộ qua tập thơ đầu tay “Tiếng thu” (Xuất bản năm 1939). Trong bài “Tình điên”, thi sĩ dõng dạc tuyên bố: “Ta viết dăm câu vô nghĩa lý/ Người điên xem đến hiểu lòng ta”. Ai lại đi “viết dăm câu vô nghĩa lý” lại để cho “người điên” xem và hiểu bao giờ! Tất nhiên, đó chỉ là một cách nói.

Người điên chính là người tri âm tri kỷ với thi sĩ. Và đối với người tri âm tri kỷ thì dù có viết dăm câu hay mười câu vô nghĩa lý đi chăng nữa họ cũng vẫn hiểu nhau. Ở hai câu kết trong bài “Giang hồ” còn lạ lùng hơn: “Đêm nay họa có mình ta/ Đốt hương trầm cũ chờ ma dạo đàn”. Chờ dạo đàn với ma, quả là chỉ có thi sĩ họ Lưu. Khóc cười của thi sĩ cũng rất khác người: “Ngày một, ngày hai cách biệt nhau/ Chẳng được cùng em kê gối sầu/ Khóc chuyện thế gian cười ngặt nghẽo/ Cùng cười những chuyện thế gian đau” (Một mùa đông).

Bài thơ thể hiện rõ nhất cái chất khác người của Lưu Trọng Lư chính là bài “Thú đau thương”. Ngay cái tiêu đề “Thú đau thương” đã khác người rồi! Đau thương mà lại “thú”? Người ta thường nói thú đọc sách, thú ăn chơi… Chẳng ai cho đau thương là một cái thú như Lưu Trọng Lư cả. Không những thế, thi sĩ còn khuyên người yêu: “Xin để gối nằm im chỗ cũ/ Hãy lịm người trong thú đau thương!”. Có nghĩa là hãy buông thả tất cả để đắm chìm trong đau thương, để thưởng thức mùi vị, cảm giác của đau thương. Khoa học đã chứng minh một số người có những sở thích rất khác thường, thi sĩ nằm trong số đó chăng?

Với Lưu Trọng Lư, không chỉ có “đau thương” mà “buồn” cũng là một cái “thú”. Trong bài “Một mùa đông”, thi sĩ viết: “Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm”. Có lẽ, chưa từng có ai nói “buồn say đắm” bao giờ. Người ta thường nói yêu say đắm, say đắm người đẹp…  Say đắm là trạng thái say mê, đắm đuối quá mức. Lưu Trọng Lư say đắm với nỗi buồn như là say đắm người đẹp, say đắm tình yêu.

Và cũng chính vì xem “buồn” là một cái “thú” nên mới có chuyện rất lạ đời: “Những điệu huyền bay, lạc khắp thôn/ Từng nhà, đây đó hẹn nhau buồn” (Điệu huyền). Người ta hẹn nhau đi chơi xuân, đi xem phim, tắm biển… chưa từng có ai hẹn nhau “buồn” cả. Hẹn nhau “buồn” cho dù chỉ là một cách nói nhưng nó cũng xuất phát từ quan niệm khác người của thi sĩ. Vì xem “buồn” là một cái “thú” nên Lưu Trọng Lư cứ muốn “say đắm” mãi với nỗi buồn: “Hãy như chiếc sao băng băng mãi/ Để lòng buồn, buồn mãi không thôi” (Một mùa đông).

Có lẽ trên đời này chỉ có thi sĩ Lưu Trọng Lư mới có cái ý muốn lạ lùng như thế. Cũng vì vậy mà thi sĩ rất nhạy cảm với cái buồn. Bài “Thơ sầu rụng”, thi sĩ viết tặng Hoài Thanh (người bạn đầu tiên đã đưa lại cho thi sĩ cái hương vị say nồng của cuộc đời và của văn chương), thể hiện đầy đủ nhất sự nhạy cảm đó: “Vầng trăng từ độ lên ngôi/ Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ/ Để tóc vướng vần thơ sầu rụng/ Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo”.

Thi sĩ rất sợ nỗi buồn tan biến: “Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay/ Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông/ Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng/ Thời gian lặng rót một dòng buồn tênh”. Nhìn thấy được thời gian qua mái tóc đã là sự lạ rồi. Lại còn thấy thời gian đang “rót một dòng buồn tênh” thì càng lạ hơn nữa.

Không chỉ “buồn”, “đau thương” mà “sầu” cũng là một cái “thú” của thi sĩ họ Lưu. Nhà thơ cho rằng: “Thuyền yêu không ghé bến sầu/ Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng” (Một mùa đông). Tình yêu mà không có sầu thì mất đi vẻ đẹp, mất đi sự thi vị. Vì thế, cái gối mà hai người yêu nhau vẫn thường kê, thi sĩ gọi là “gối sầu”: “Ngày một, ngày hai cách biệt nhau/ Chẳng được cùng em kê gối sầu”. Thi sĩ cũng rất nhạy cảm với cái sầu: “Chửa biết tên nàng, biết tuổi nàng/ Mà sầu trong dạ đã mang mang” (Một chút tình). Thi sĩ gọi người yêu là “người em sầu mộng”: “Em chỉ là người em gái thôi/ Người em sầu mộng của muôn đời”. Với Lưu Trọng Lư màu sắc của sầu khá đẹp: “Vài chàng trai trẻ sầu biêng biếc…”. Thi sĩ tin rằng cái vẻ đẹp sầu mộng ấy sẽ tồn tại vĩnh viễn với thời gian: “Tình em như tuyết giăng đầu núi/ Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời (Một mùa đông)”.     

Có lẽ vì xem “buồn”, “đau”, “sầu” là một cái “thú” nên khi phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lưu, chúng ta thấy thi sĩ buồn mà không bi lụy, đau mà không rên xiết, sầu mà không ảo não. Nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét rất tinh rằng: “Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy”. Suy cho cùng, Lưu Trọng Lư cũng có cái lý của mình khi xem “buồn”, “đau”, “sầu” là một cái “thú”. Phải chăng nhờ những giây phút “lịm người trong thú đau thương” ấy mà thi sĩ đã viết được những vần thơ tuyệt diệu làm xúc động triệu triệu trái tim qua bao thế hệ? “Tuyệt vời là khúc thương tâm/ Biết bao tiếng nấc thành ngâm muôn đời” (Muy- xê). Điều đó góp phần làm nên cái khác lạ, không giống ai của thơ Lưu Trọng Lư.

MAI VĂN HOAN

.