Đà Nẵng cuối tuần
Bên hàng tò he
Dáng dấp làng quê và tuổi thơ ngô nghê bỗng hiện về, khi tôi bắt gặp hình ảnh người nắn tò he giữa ngã tư đèn đỏ.
Người ta hay bảo: “Xanh xanh đỏ đỏ, trẻ nhỏ nó ghiền”. Chính vì thế mà hồi còn ê a tập đánh vần, tôi hay bị mê hoặc bởi những thứ bột màu trong hàng tò he. Những gam màu bắt mắt “hợp đồng” với nhau tạo thành nhiều hình thù độc đáo khiến tôi càng thêm thích thú.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nhìn hàng tò he trên phố ngập ánh đèn, tôi chợt nhớ lại người đã bán tò he cho ký ức của mình. Tôi chẳng biết người ấy là ai, cũng không rõ người ấy đã đi mấy vòng xuân, hạ, thu, đông. Lục lọi tìm kiếm trong kho ký ức đầy bụi bặm của mình, tôi chỉ nhớ mang máng bóng dáng một người đàn ông trung niên đạp chiếc xe đòn giông, sau ba-ga là một chiếc thùng mút găm những que tre, làm chỗ đứng cho những con tò he. Mỗi lần ông ta đi ngang qua, tôi cứ ngỡ người ấy vừa đi qua cơn mưa và chở theo những chiếc cầu vồng.
Hồi xưa, bột được nấu từ nếp. Nếu muốn có màu đỏ thì luộc củ dền, màu đen thì dùng than tre, màu xanh thì dùng lá cây… rồi nhuộm bột theo màu mà người nghệ nhân mong muốn. Tôi chỉ biết vậy. Vì là công thức làm ra chén cơm manh áo, nên chẳng mấy ai muốn tiết lộ ra ngoài. Còn “đồ nghề” thì chỉ có một chiếc lược con, những que tre như que xiên nướng, và một con dao nhỏ.
Hồi ấy, muốn mua tò he cứ lại cổng trường học là chắc cú. Cũng vì đó mà tôi đã mấy phen đi học sớm mà vào lớp muộn, tan học đúng giờ mà về nhà trưa trật. Bàn tay người nghệ nhân như có ma thuật, tôi bị thôi miên. Những ngón tay nhanh nhảu ngắt bột, rồi khéo léo vo tròn, ép mỏng, nắn nắn, xoay xoay. Một chốc thôi mà chẳng biết là bao nhiêu nhân vật từ trong truyện tranh bước ra chào mời. Nào là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới rồi con rồng, con ngựa, con chó, con trâu, con cọp… với muôn màu muôn vẻ khác nhau. Mà nhân vật nào cũng thật lộng lẫy, thật nghệ thuật và đầy sáng tạo.
Có những ngày tôi đã phải đắn đorồi quyết định không ăn sáng để lấy tiền đi mua tò he. Cái thời vật giá chưa leo thang, mỗi con tò he chỉ có giá năm ngàn.
Nhưng tôi lại phải loay hoay, mắt liếc qua liếc lại như quả lắc đồng hồ, tôi chẳng biết phải chọn hình nào cho thỏa. Vì nhìn con tò he nào tôi cũng thấy ưng bụng. Cuối cùng, để thoát khỏi vòng lẩn quẩn, tôi yêu cầu người nắn tò he tạo hình cho tôi một món đồ chơi theo ý mình. Rồi cứ thế, tôi sướng rơn như những lần mẹ đi chợ về cho cái bánh bò, bánh ít. Cầm con tò he trên tay, lòng mình rộn ràng như một sớm mai đầy tiếng chim ríu rít trên cành. Tôi đạp xe trên con đường làng quanh co giữa trưa hè nắng bỏng mà không còn để ý đến cái thấm mệt những lần ngược gió về nhà. Niềm vui tuổi thơ đơn sơ, mộc mạc như những loài hoa dại ven đê.
Nhiều năm trở lại đây, người bán tò he không còn nhiều như xưa. Tôi cũng lớn dần lên, niềm vui nhỏ nhoi của một thời tuổi thơ đi vào quên lãng. Mải miết bắt nhịp cùng cuộc sống, tôi cũng khóa chặt cánh cửa ký ức, và cũng chẳng có dịp mở ra để nhìn ngắm lại một thuở hồn nhiên. Người nắn tò he giữa ngã tư đã gõ cửa để ký ức ngày xưa chặm vào mắt tôi, để đứa trẻ trong tôi sống lại.Thấp thoáng con đường làng nắng trải buổi ban trưa, chiếc võng đưa, ru tôi những tháng ngày đã hóa thành dĩ vãng…
NGUYỄN NHẬT THANH