Đà Nẵng cuối tuần
Về từ 'kẽm' trong 'Hòn Kẽm Đá Dừng'
* Hè rồi có dịp ra thăm đầm Vân Long, tỉnh Ninh Bình, tôi thấy có hai dãy núi tên là Kẽm Trăm nằm cuối hành trình trên mặt đầm. Xin cho biết, “Kẽm Trăm” ở đây có gì giống nhau, khác nhau so với “Hòn Kẽm Đá Dừng” ở Quảng Nam? (Châu Nguyễn, Sơn Trà, Đà Nẵng).
Những vách núi đá như bức trường thành soi bóng xuống dòng nước ở Kẽm Trăm, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: V.T.L |
- Đầm Vân Long nằm trên địa bàn huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ, không phải cảnh đẹp tự nhiên. Vào khoảng năm 1960, một tuyến đê dài hơn 30km được đắp bên phía tả ngạn để trị thủy sông Đáy, đã biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng đến 3.500 ha. Đất đồng thành đầm, núi đá thành các hòn đảo trùng điệp ăn thông nhau bởi lối đi quanh co hay các hang động ngập nước. Nơi đây có vịnh Kẽm Trăm, một khoảng nước rộng được bao bọc bởi hai vách đá sừng sững thẳng đứng như một cánh cổng.
Theo mô tả của Báo Thanh Niên qua bài “Ninh Bình: Vân Long điểm du lịch sinh thái”, Kẽm Trăm có hai dãy núi dựng đứng như chiếc phi tiêu song song cắm giữa trời và nước. Khi thuyền vào vịnh, gió và sóng xô làm chông chênh cả tay lái của người chèo thuyền. Ngàn năm qua, sóng vỗ, gió thổi, khoét vào sườn núi tạo thành những hang, những mái đá sâu đến chục mét, ánh nắng phản chiếu vào vách đá, vào nước tạo nên những sắc màu lạ mắt.
Ở ranh giới giữa hai huyện Nông Sơn và Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, cũng có một vùng sơn thủy hữu tình nổi tiếng tên là Hòn Kẽm Đá Dừng. Núi mang tên “Hòn Kẽm” để chỉ địa hình nơi đây “hai bên là vách núi dựng đứng, ở giữa là dòng sông”. “Kẽm” được Giáo sư Lê Ngọc Trụ giảng trong “Việt ngữ chánh tả từ vị” của ông: “Kẽm là khe, lối hẹp, hai bên có núi”. (Cuốn sách này do NXB Thanh Tân in lần đầu ở Sài Gòn năm 1959 và đoạt giải thưởng văn chương bộ môn biên khảo).
Trang web tìm kiếm du lịch (Phiên bản Start Up) tiếng Việt (vi.alongwalker.co) đưa ra một so sánh về Hòn Kẽm Đá Dừng trong tổng thể các điểm du lịch cùng thể loại ở Quảng Nam. Theo đó, so về mặt độ cao với các hòn núi khác trong tỉnh như núi Bà Nà (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), Hòn Tàu (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), Hòn Bà (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), thì Hòn Kẽm thuộc loại đàn em, nhưng lại được người ta biết nhiều, thường được báo chí nhắc đến, bởi hai lý do.
Thứ nhất, do vị trí và thế đứng kỳ vĩ của những vách núi đá như bức trường thành soi bóng xuống dòng sông lớn Thu Bồn với vẻ đẹp riêng hiếm có, ai đã một lần đi thuyền ngang qua cũng khó mà quên được. Ở miệt trung du, con sông chảy giữa hai bên đồi núi là hình ảnh phổ biến, quen thuộc; nhưng từ xa xưa nguồn nước con sông nơi thượng nguồn đổ về Hòn Kẽm đã chọc thủng qua dãy núi, mở một đường thoát về xuôi. Đi thuyền qua đây (không có đường bộ) khách có cảm giác như mình bị khép chặt giữa hai bên vách đá cao dựng đứng trên một đoạn sông dài nhiều km.
Thứ hai, không biết tự bao giờ, hình ảnh Hòn Kẽm được khắc họa trong câu ca dao trữ tình được xếp vào loại những câu ca dao hay nhất của xứ Quảng mà nhiều người đã thuộc nằm lòng: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!”.
Đi thuyền qua Kẽm Trăm hay Hòn Kẽm Đá Dừng, du khách đều được chiêm ngưỡng cảnh núi non trùng trùng điệp điệp cùng sắc xanh mơn mởn của những chồi lá đua nhau khoe sắc, nhất là khi xuân về. Vì thế, những người ưa đi đây đi đó đã ví von Hòn Kẽm Đá Dừng như một “Ninh Bình thu nhỏ”.
ĐNCT