Đà Nẵng cuối tuần
Một 'Thanh không' bay bổng những tiếng lòng
Với nhà thơ Trang Thanh “những khoảng trống cuộc đời/ là con chữ biết hát/ trên đóa hoa thời gian”, để rồi tập thơ mới nhất của chị như một lý lẽ sống động để minh chứng cho điều đó. Tập thơ “Thanh không” thực sự là một thế giới tinh thần để người đọc tìm đến, vén mành ngữ nghĩa để khám phá và rồi ám ảnh, say sưa trong những con chữ, trong tiếng lòng của tác giả.
Thể hiện rõ quan điểm và ý thức sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ văn chương đích thực, với nhà thơ Trang Thanh, “cứ mài mòn nội tâm để viết/ chữ là máu chảy lên/ đốt trang đời vô nghĩa”, “cứ viết, viết, viết/ chữ yêu đang cháy”. Là nhà thơ nữ thuộc thế hệ 7X, ngay từ khi xuất hiện chị đã đánh dấu tên tuổi của mình với giải thưởng Lá Trầu năm 2008 cho thi tập đầu tay “Bay lặng im”. Đến nay, chị cho ra đời 3 tập thơ, một tập truyện ngắn, 3 tập truyện thiếu nhi. Gần đây nhất, Trang Thanh đoạt giải Ba trong cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2021-2022, giải thưởng thơ viết về lực lượng cảnh vệ công an nhân dân 2023 và Thơ Nhịp điệu mới 2023.
“Thanh không” chính là sự tiếp nối hành trình viết của tác giả được NXB Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 8-2023. Tập thơ là một dòng chảy, một câu chuyện tâm hồn nối tiếp nhau. Tri cảm về hình thức của trường thơ người đọc không thể kiếm tìm được một câu thơ nào viết hoa đầu dòng, kể cả nhan đề bài thơ cũng vậy, và tác giả cũng không dùng đến một dấu chấm nào để báo hiệu sự kết thúc của một bài thơ. Chính vì vậy mà 55 bài thơ trong “Thanh không” chính là một cung nhịp nối liền nhau, những đợt sóng lòng miên mải. Cả ba phần “trong cơn khát của mùa thu”, “chữ chữ gọi mùa”, và “bài thơ khóc nhà thơ” đã chứng thực cho lời bạt ở đầu tập thơ của tác giả “viết để dâng/ nỗi đêm huyết lệ/ những mùa trăng suy tàn”. Nhà thơ không diễn giải lời mở đầu, mà chỉ cô đọng trong ba câu thơ đầy ám gợi và biểu tượng, và chính người đọc sẽ tự mình thấu cảm, trải nghiệm trên từng câu chữ, để rồi tự mở và hiểu ra được thế giới tâm trạng phía sau đó. Viết như một sự tự nguyện cao cả của một người thơ, sống từ khổ đau, viết lên trên khổ đau và rồi tự mình vượt qua khổ đau của số phận.
Dòng cảm xúc xuyên suốt tập thơ cứ như một chuyến đi đặc biệt, xuôi về những miền ký ức xa thẳm, nơi những yêu thương, nơi những kỷ niệm bên khu vườn của mẹ, bên người cha, người em và biết bao cảnh vật gần gũi khác: “tôi yêu em/ tuổi thơ lấm láp/ bay trên thung mơ chúng mình lớn lên” (thung mơ). Để rồi khi trở lại thực tế là cả một bầu trời mặc cảm về tình yêu, đầy rẫy những âu lo, trăn trở, toát lên một bức họa cảm xúc về thân phận của người phụ nữ. Đó là điều không mới trong thơ nữ viết về đề tài gia đình và tình yêu xưa nay nhưng với Trang Thanh đó là một sắc màu, một vẻ đẹp rất đỗi “Thanh không” đầy nhức nhối, ám ảnh và gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc thông qua những hình ảnh đầy tính sáng tạo, mang ý nghĩa ẩn tượng của nhà thơ: “ngày yêu trắng đá phong rêu người đàn bà khóc/ son phấn gãy ngang gò má/ chiếu vàng lên tranh ngói xám gân xanh số phận” (cõi yêu). Càng trăn trở, dự cảm, người thơ ấy càng lấy hết lòng mình để hát lên những khúc hát đầy dâng hiến: “em đã nguyện sẽ cùng anh đến chết/ nếu anh còn chưa tin/ thì thượng đế nhìn ta yêu nhau người sẽ biết” (lời nguyện). Và rồi, nhà thơ đâu có phép thần thông để đi ra khỏi thế giới thực tại, để lẩn tránh được sự thật về khổ đau, mất mát, tuyệt vọng đến với mình, làm đau chính mình, khi chính người đồng hành nhà thơ trong cuộc đời đã rời xa vĩnh viễn cuộc đời này: “có cách gì giữ anh lại được không/ có cách gì để hố đất kia chối bỏ người cha của con này bé bỏng” (hát trên tuyệt vọng).
Một chiều sâu xúc cảm nữa để làm nên vẻ đẹp của “Thanh không” chính là hai bài thơ viết về người lính, về hậu chiến của tác giả. Rằng chiến tranh đã lùi rất xa nhưng những nỗi đau, mất mát thì vẫn còn đó, vẫn nhói lên liên hồi ở đó trong sâu thẳm lòng người ở lại. Những cuộc kiếm tìm vẫn chưa bao giờ đi vào hồi kết nơi những cánh đồng, dòng sông trên đất nước mình. Qua một tứ thơ, một câu chuyện rất lạ, trong “nếu đi hết sông này”: “ở đây không có ngọn núi/ ta tựa mạn đò trăng lênh đênh / nếu đi hết sông này ta có gặp/ người lính cầm trăng ngồi khóc da thịt mình”.
Một “Thanh không” rỏ những giọt lòng, giọt lòng ấy lại mở ra bao điều cho người đọc khi nhẩn nha từng câu, từng chữ của tập thơ. Thanh không lặng im, nhưng đó là một sự lặng im bay bổng như cách nói của nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ về thi tập này. Iđẹp về mọi nhẽ, vẻ đẹp ấy toát lên từ một chiều cảm xúc rất sâu, và rất có vấn đề. Hình thức thể hiện của tập thơ cũng có nhiều sáng tạo mới lạ. Từ cách dụng ngữ, sử dụng và sáng tạo hệ thống những thi liệu ấn tượng, độc đáo, giàu khả năng ẩn dụ, biểu tượng. Lối thơ tự do khiến cho mạch cảm xúc cứ tuôn trào. Cách nhà thơ biến chuyển các chủ thể trữ tình như anh, em, nàng, chúng ta một cách linh hoạt càng làm hiện rõ những chiều biến chuyển trong cảm xúc, ý nghĩ và hành động...
“bài thơ khóc nhà thơ”, tập thơ khóc nhà thơ, phải vậy mà thơ ca đã hoàn thiện vai trò của mình trong việc đồng hành cùng nhà thơ, bầu bạn và thấu hiểu với nhà thơ. Nhà thơ đã khóc để viết nên thi tập. “Thanh không” một đóa hoa chữ nghĩa gửi vào thời gian, gửi tới độc giả mới nhất của nhà thơ Trang Thanh đáng để tìm đến, cảm nhận, và rồi đồng điệu. Từ đó nâng niu, trân trọng hơn, yêu quý hơn cuộc đời này, kể cả những khổ đau, mất mát!
TRẦN VIỆT HOÀNG