Đà Nẵng cuối tuần

BIẾT ƠN THẦY CÔ

Một đời nhả kén ươm tơ

08:49, 19/11/2023 (GMT+7)

Thầy giáo, cô giáo được ví như người nhả kén ươm tơ, hết lòng với nghề, lặng lẽ tỏa hương và trao đi những giọt mật vàng óng ánh. Cứ như thế, họ uốn nắn học trò từng con chữ, nhỏ to cách làm người, chỉ mong từng hạt bụi phấn trắng rơi xuống thì thêm nhiều trí tuệ, sức lực đóng góp cho đời.

Cô giáo Lê Thị Huệ trao quà cho học sinh tại Hệ thống giáo dục Sky-Line Đà Nẵng. Ảnh: H.T.V
Cô giáo Lê Thị Huệ trao quà cho học sinh tại Hệ thống giáo dục Sky-Line Đà Nẵng. Ảnh: H.T.V

Thời gian dần trôi, nhà giáo ưu tú Đặng Công Lý, nguyên Trưởng ban phụ trách Cơ sở Đại học (ĐH) Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng (nay là Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) và cô giáo Lê Thị Huệ, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Khuyến, nay mái tóc đã ngả màu, vết chân chim hiện rõ nhưng họ vẫn đầy lòng nhiệt huyết trong sự nghiệp trồng người và nhìn về nghề đầy sự tự hào.

Ra đi để trở về

Tôi gặp nhà giáo ưu tú Đặng Công Lý vào một ngày nắng đan xen những cơn mưa rào lập đông. Tuổi cao nhưng thầy Lý vẫn minh mẫn, nhớ rõ từng mốc thời gian, kỷ niệm của hơn 50 mươi năm với nghề. Câu nói “Ra đi để trở về” được thầy Lý nhắc đi nhắc lại suốt buổi trò chuyện cùng tôi. Bởi nó là ranh giới nửa cuộc đời của nhà giáo Lý giữa hai miền đất nước trong thời kỳ bom rơi đạn lạc.

Nhà giáo ưu tú Đặng Công Lý (SN 1936) sinh trưởng trong gia đình trí thức có 9 chị em tại xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Thuở nhỏ cậu bé Lý học rất giỏi, có năng khiếu bộ môn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp và sớm nuôi ước mơ trở thành thầy giáo.

Thầy Lý học tiểu học tại Trường Pháp - Việt Tourane (nay là trường Tiểu học Phù Đổng) rồi học trung học tại Trường Thiếu sinh quân và học phổ thông tại Trường Trung học Lê Khiết (nay là Trường THPT chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi). Sau khi thi đỗ tú tài (bằng tốt nghiệp THPT hiện nay), năm 1954, thầy được chọn đi tập kết ra Bắc phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Tại đây, thầy học 2 năm ngành Sư phạm tiếng Nga, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và tiếp tục đi du học tiếng Nga tại Liên Xô thêm 2 năm. Hoàn thành việc học và trở về nước năm 1959, thầy Lý đảm nhận giảng dạy bộ môn tiếng Nga kiêm chủ nhiệm ngành Ngôn ngữ (gồm tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Bên cạnh đó thầy còn giảng dạy cho học sinh nước ngoài học tiếng Việt và dịch sách từ nhiều thứ tiếng.

Theo dòng suy tưởng, nhà giáo ưu tú Đặng Công Lý kể, thời kỳ giảng dạy tại miền Bắc khá gian khổ bởi liên tục chạy giặc trong vòng từ 5-6 năm, ở mỗi nơi khác nhau. Lúc đó, cả thầy lẫn trò cùng đi sơ tán ở các tỉnh như Tân Cương (Thái Nguyên), vùng Hà Bắc (Thanh Hóa)… Còn nhớ, mỗi ngày nhà giáo Lý phải lội sông, đi bộ qua những quãng đường dài hay đêm xuống, bên cây đèn dầu dẫu muỗi đốt bỏng hai chân nhưng vẫn say mê nghiên cứu chuyên môn và dịch sách, dồn tâm huyết vào từng trang giáo án.

“Tôi có vô vàn kỷ niệm cũng như sự tự hào, niềm vui trong sự nghiệp trồng người khi còn ở miền Bắc cùng sinh viên. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn có nỗi niềm và đau đáu bởi sự thôi thúc quay về với gia đình, quê hương. Tôi xa quê từ khi chỉ còn là cậu bé nên tình cảm đối với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng là rất lớn, tôi thương người mẹ vẫn đợi các con và nhớ tuổi thơ bên lũy tre làng, có dòng sông Túy Loan xinh đẹp chảy ngang. Vì vậy, sau ngày đất nước giải phóng năm 1975, tôi cùng vợ con quay về quê nhà. Bởi thế, tôi luôn nhắc rằng, thuở nhỏ ra đi để khi lớn trở về, về để xây dựng sự nghiệp trồng người nhằm đóng góp cho sự phát triển giáo dục tại quê hương”, nhà giáo Lý trầm ngâm nói.

Trở về quê nhà, nhà giáo Lý tiếp tục hành trình gieo chữ cho nhiều thế hệ học trò học ngôn ngữ tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng rồi phụ trách Phó trưởng ban và Trưởng ban Cơ sở ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng đến khi về hưu năm 1997. Năm 1992, với thành tích giảng dạy tốt, cán bộ quản lý đạt chất lượng, hiệu quả, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền… nhà giáo Lý vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đồng thời, sau khi về hưu, nhà giáo Lý giữ chức vụ Chủ tịch Hội cựu giáo chức Trường ĐH Ngoại ngữ đến năm 2022 nhằm giúp đỡ, hỗ trợ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện cho ngành giáo dục.

Hơn 50 năm gắn với sự nghiệp trồng người, nhà giáo ưu tú Đặng Công Lý đồng hành trên chặng đường trưởng thành của hàng trăm thế hệ sinh viên từ miền Bắc cho đến miền Trung. Nhà giáo Lý không chỉ dạy con chữ mà dạy nhân cách, đối nhân xử thế cho sinh viên bởi điều đó sẽ giúp học trò luôn có một trái tim ấm áp đi cùng một trí tuệ sáng mở. Đến nay, nhiều thế hệ sinh viên nhà giáo Lý giảng dạy có những người đóng góp rất lớn cho sự phát triển giáo dục nói chung và thành phố nói riêng.

“Tôi cảm nhận tình cảm thầy và trò thật đẹp, là điều vô cùng đáng quý, thiêng liêng và không gì sánh bằng. Cả cuộc đời gắn với con chữ, tôi không hối tiếc điều gì, chỉ tiếc thời gian trôi quá nhanh, bây giờ tuổi cao không thể đồng hành với học trò. Tôi mong rằng, thế hệ nhà giáo sau này tiếp tục nẻo đường gieo chữ dẫu chuyến đò đôi khi gặp bão tố, chướng ngại cũng phải vượt sông để đưa trí tuệ cập bờ thành công”, thầy Lý bày tỏ.

Nếu chọn lại vẫn theo nghề giáo

Đối với cô giáo Lê Thị Huệ nếu chọn lại vẫn sẽ theo nghề bởi nó là cơ duyên, là niềm yêu thích và là truyền thống gia đình. Cô giáo Lệ Thị Huệ (sinh năm 1955), sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thái Nguyên. Cô Huệ học ngành Sư phạm Toán - Lý tại Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc (nay là ĐH Sư phạm Thái Nguyên). Năm 1976, cô Huệ tốt nghiệp và trở về quê cha Quảng Nam - Đà Nẵng dạy môn Toán tại trường THCS Trưng Vương. Năm 1977, cô Huệ chuyển công tác về trường cấp 1, 2 Bình Hiên. Sau đó, cô Huệ tiếp tục đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường cấp 1, 2 Hoàng Văn Thụ (1978); Hiệu trưởng trường Thanh Bình 1 (1980) và Hiệu Trưởng THCS Nguyễn Huệ (1986); Hiệu Trưởng Trường THCS Trưng Vương (1990) và Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Khuyến (2004). Với sự nỗ lực không mệt mỏi qua từng vị trí và luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phẩm chất, cô Huệ được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp, phòng, sở, ban, ngành, thành phố cho đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, năm 2008, cô vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận công lao đóng góp to lớn trong sự nghiệp trồng người tại địa phương.

Năm 2010, cô Huệ chính thức nghỉ hưu nhưng sự dẻo dai, tinh thần nhiệt huyết vẫn chưa dừng lại. Cô Huệ dành quãng thời gian nghỉ hưu để gắn bó sự nghiệp quản lý giáo dục rồi Chủ tịch hội đồng giáo dục và Chủ tịch hội đồng tư vấn Hệ thống giáo dục Sky-Line Đà Nẵng. Trò chuyện cùng cô Huệ, tôi cảm nhận ở tuổi 68 nhưng cô còn sức trẻ bền bỉ, đầy năng lượng, giọng nói trầm ấm, dáng người khỏe khoắn và có trí nhớ tuyệt vời. Theo lời nhiều thế hệ học sinh từng được cô giảng dạy, họ chia sẻ, cô Huệ có khả năng nhớ rõ tính cách, năng lực, “công” lẫn “tội” của từng học sinh để nhẹ nhàng chỉ bảo. Chính vì thế, cô Huệ được nhiều thế hệ học trò yêu quý, những lời chỉ dạy, quan tâm của cô Huệ luôn đồng hành trên hành trình khôn lớn và trưởng thành của họ.

Theo cô Huệ, có 3 năm đứng trên bục giảng và 45 năm là cán bộ quản lý giáo dục, quá trình gắn bó cùng nghề giáo gần 50 năm, trải qua nhiều khó khăn nhưng nhờ tình cô trò thấm đậm cũng như những kỷ niệm đã giúp cô Huệ vượt qua giai đoạn gập ghềnh và cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục.

“Tôi nghĩ rằng, nghề giáo dù ở bất cứ thời đại nào cũng cần có một bầu trời nhiệt huyết, một trái tim yêu nghề và kiến thức chuyên môn nhất định. Song song, thầy giáo, cô giáo cần trái tim của một người cha để đủ kiên nhẫn, thừa bao dung và tâm hồn của người mẹ luôn chan chứa yêu thương đối với đàn con thơ. Bởi nếu thiếu kiên nhẫn, thầy cô chẳng thể nào chờ đợi sự tiến bộ và không bao dung thì không thể vị tha trước lỗi lầm, nghịch dại của học trò. Nhân ngày 20-11, tôi mong thầy cô giáo tại thành phố nói riêng và cả nước nói chung sẽ nhiệt huyết lửa nghề, gieo mầm cho đời nhiều trái ngọt hoa thơm”, cô Huệ bộc bạch.

 “Nghề giáo dù ở bất cứ thời đại nào cũng cần có một bầu nhiệt huyết, một trái tim yêu nghề. Thầy giáo, cô giáo cần tấm lòng của một người cha để đủ kiên nhẫn, bao dung và tâm hồn của người mẹ luôn chan chứa yêu thương đối với đàn con thơ. Bởi nếu thiếu kiên nhẫn, thầy cô chẳng thể nào chờ đợi sự tiến bộ và không bao dung thì không thể vị tha trước lỗi lầm, nghịch dại của học trò”, cô giáo Lê Thị Huệ.

HUỲNH TƯỜNG VY

.