Đà Nẵng cuối tuần

"Vẽ nên bức tranh của đời mình"

09:35, 19/11/2023 (GMT+7)

Không đơn thuần là câu chuyện khởi nghiệp “nuôi con gì, trồng cây gì” hay “rời phố về rừng”, Đặng Thái Tuấn (SN 2001) chọn lối đi riêng là chăn nuôi nhân đạo trên tinh thần hướng về cộng đồng và bảo vệ môi trường dù biết hành trình của mình lắm gian nan.

Đặng Thái Tuấn tại nông trại của mình ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: P.V
Đặng Thái Tuấn tại nông trại của mình ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: P.V

Cách Đà Nẵng chừng 2 giờ chạy xe, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Mộc An Farm là một nông trại bao gồm khu vực chăn nuôi rộng khoảng 7.000m2, được Tuấn đặt tại thôn Hoa, thuộc thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).

Tại đây, chàng cử nhân ngành Công nghệ sinh học, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) liên kết cùng người dân bản địa chăn nuôi heo, gà theo hướng xanh, sạch và tự nhiên với nguồn nguyên liệu phù hợp. Gia súc, gia cầm ở đây được nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên như cây, cỏ, bã đậu nành, cùng với đó là phụ phẩm công nghiệp, đặc biệt là ấu trùng ruồi lính đen - loại thức ăn lý tưởng cho chăn nuôi.

Chia sẻ chuyện khởi nghiệp, Tuấn cho biết bản thân may mắn có cơ hội học hỏi, trải nghiệm hoạt động chăn nuôi, trồng trọt và bảo vệ môi trường trong thời gian tham gia CLB ENV Đà Nẵng như hỗ trợ ươm cây giống cho bà con vùng lũ Quảng Trị; học hỏi kinh nghiệm tổ chức và sản xuất nông sản sạch ở Tâm An Farm (Đà Nẵng); hỗ trợ người dân vùng cao Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) phát triển sinh kế trồng cây ba kích dưới rừng nguyên sinh mà không ảnh hưởng đến rừng...

Đặc biệt, trong thời gian làm việc cho một công ty lĩnh vực nông nghiệp, Tuấn có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu, nghiên cứu việc nuôi ấu trùng ruồi lính đen và khai thác phụ phẩm từ các siêu thị, công ty sản xuất thực phẩm như bột làm bánh dư, bã bia… theo hướng phúc lợi xã hội.

Những điều học được, Tuấn mang về áp dụng cho nông trại của mình. Những phụ phẩm nói trên thay vì trở thành rác thải sẽ được thu gom làm thức ăn chăn nuôi. Điều này giúp xử lý một lượng lớn rác hữu cơ thải ra môi trường. Bên cạnh đó, gia cầm ăn ấu trùng ruồi lính đen sinh trưởng khá tốt và bổ sung lượng đạm quan trọng thay thế cho đạm cá ngoài chất xơ có trong bắp hay lúa. Đặc biệt, gia cầm được anh nuôi thả tự nhiên và trứng từ nông trại sẽ cung cấp ngược lại cho đơn vị hỗ trợ phụ phẩm để họ sản xuất.

Theo Tuấn, tiêu chí của nông trại là “bảo tồn - chăn nuôi - giáo dục - chuỗi liên kết”. Trong đó tập trung bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực, tinh thần và đặc trưng của đồng bào vùng cao; chăn nuôi sạch, nâng cao giá trị chăn nuôi địa phương, thay thế sản phẩm phụ thuộc vào rừng và thiên nhiên; hướng đến sự bền vững của địa phương và cuối cùng là liên kết người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững.

Sau thời gia tập trung phát triển chăn nuôi, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của Mộc An Farm được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực. “Hiện sản phẩm chủ yếu được bán lẻ chứ chưa đủ điều kiện cung ứng theo số lượng lớn. Trước mắt hướng đi của nông trại là tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn, giải quyết sinh kế cho bà con vùng cao cũng như góp phần bảo vệ môi trường từ hoạt động chăn nuôi”, Tuấn chia sẻ.

Bản thân có nhiều cơ hội tìm được công việc tốt nhưng Tuấn lại chọn con đường không mấy bằng phẳng ở tuổi 22, đó là ở lại nơi núi rừng, làm bạn với người dân địa phương cùng những con gà, con heo được nuôi thả tự nhiên. Thời gian này, anh tất bật chuẩn bị khai trương một tiệm cháo dinh dưỡng tại Đà Nẵng với thực đơn là những món cháo có thành phần từ heo, gà, lươn, cua đồng… Tất cả đều là sản phẩm tự nhiên do bà con ở huyện Nam Giang nuôi và bắt được.

Được biết, tiệm cháo dinh dưỡng từ thực phẩm sạch, lành chỉ là hướng đi tiếp theo trên hành trình khởi nghiệp của Tuấn, một hành trình mà anh thừa nhận còn nhiều khó khăn. Đó có thể là câu chuyện di chuyển thường xuyên hàng chục cây số từ nhà lên nông trại để làm việc hay vận chuyển hàng hóa hay những trăn trở về đầu ra sản phẩm, nhân sự...

Tuy nhiên, bản thân chàng trai sinh năm 2001 tâm niệm vừa làm vừa học, như cách Tuấn viết trên facebook cá nhân “22 tuổi, vẽ nên bức tranh của đời mình” và bức tranh đó đã, đang được Tuấn vẽ bằng những gam màu xanh của một người trẻ đang chập chững bước đi trên hành trình cuộc đời.

LÂM VIÊN

.