Đà Nẵng cuối tuần

Vai trò của thông ngôn Trần Văn Quế trong 'thảm kịch Nam Chơn'

14:30, 04/11/2023 (GMT+7)

Người Pháp đương thời gọi vụ việc quân Nghĩa hội Quảng Nam tấn công, tiêu diệt 7 sĩ quan và binh lính Pháp tại trạm Nam Chơn đêm 28-2 rạng sáng 1-3-1886 là “thảm kịch Nam Chơn” (Le Drame de Nam-Chon). Trong đó, họ cho rằng chính Trần Văn Quế, người thông ngôn của đại úy Besson, đã mật báo tin chính xác cho “quân nổi loạn”, nhưng không thể xử lý người này do không có chứng cứ thuyết phục. 

Bức ảnh có chú thích “Viên quan của ông bạn Besson” trong cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” của bác sĩ Hocquard, được dịch giả Thanh Thư cho rằng “Có thể là Trần Văn Quế”.  Ảnh: A.Q (chụp lại)
Bức ảnh có chú thích “Viên quan của ông bạn Besson” trong cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” của bác sĩ Hocquard, được dịch giả Thanh Thư cho rằng “Có thể là Trần Văn Quế”. Ảnh: A.Q (chụp lại)

Viên quan nhỏ của triều đình Huế?

Trong cuốn du ký “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (NXB Đà Nẵng và Omega+, 2020), bác sĩ Charles-Édouard Hocquard - thiếu tá quân y Pháp, cho biết: Đầu năm 1886, trên hành trình từ Đà Nẵng ra Huế bằng đường bộ, đoàn của Hocquard gặp đại úy Besson tại Lăng Cô. “Vừa ghé vào trạm, chúng tôi đã ngạc nhiên một cách vui mừng khi thấy đại úy công binh Besson tới. Ông đã ở Lăng Cô được ba hôm để nghiên cứu làm một con đường mới nối Đà Nẵng với Huế theo chỉ thị của tướng (Prudhomme)… Đại úy từng đồn trú ở Huế nên hiểu biết sâu sắc về vùng đất mà chúng tôi sắp sửa khám phá, ông đã cho chúng tôi rất nhiều thông tin hữu ích để tiếp tục cuộc hành trình”.

Tại đây, Charles-Édouard Hocquard cũng ghi lại thông tin về một viên quan của triều đình Huế: “Buổi tối ông dẫn chúng tôi đi ăn ở nhà một viên quan nhỏ, người này vẻ mặt láu cá, mắt sáng rực dưới cặp kính tròn. Quan tổng đốc tỉnh Huế phái người này làm trung gian đỡ đần cho Besson trong việc tiếp xúc với các chức sắc làng xã, nhưng tôi có cảm giác hắn được cài vào để do thám sĩ quan Pháp và thông tin cho triều đình về mọi hoạt động và hành vi của Besson. Hắn ta không rời khỏi đồng đội của tôi dù chỉ một bước chân, hắn luôn tìm cách khéo léo để Besson không có phút nào một mình; chúng tôi đã cố gắng làm hắn say với một chai sâm-panh để dành, nhưng hắn quá tinh quái để có thể mắc bẫy và chúng tôi chẳng khai thác được gì”.

Theo chú giải từ dịch giả Thanh Thư của cuốn sách trên, thì viên quan nhỏ này “Có thể là Trần Văn Quế”.

Về Trần Văn Quế, các tư liệu đều cho biết đó là người phiên dịch của đại úy Besson trong quá trình khảo sát, mở đường mới nối Huế và Đà Nẵng, qua Hải Vân. Người Pháp nghi ngờ chính Trần Văn Quế cung cấp thông tin chính xác để quân Nghĩa hội Quảng Nam của Nguyễn Duy Hiệu do Lãnh binh Hồ Học trực tiếp chỉ huy, tấn công, tiêu diệt tại chỗ 7 sĩ quan và binh lính Pháp trú tại trạm Nam Chơn đêm 28-2 rạng sáng ngày 1-3-1886.

Cả hai anh em cùng phục vụ quân khởi nghĩa?

Về nghi vấn người thông ngôn Trần Văn Quế cung cấp tin cho Nghĩa hội tấn công quân Pháp, Camille Paris - chỉ huy làm đường dây điện tín nối Huế và Đà Nẵng, cũng là một trong những người Pháp đến hiện trường vụ thảm sát Nam Chơn đầu tiên, trong cuốn “Du ký Trung kỳ theo đường cái quan” (NXB Hồng Đức và Thư Books, 2021) cho biết: “Người ta gặp tay thông ngôn của Besson hai ngày sau đó, đang thong dong trở về Huế trên một chiếc cáng. Người ta trách Besson đã không cảnh giác nhưng trước vụ thảm sát, người ta đã nói nhiều lần rằng con đường này tuyệt đối an toàn và cho đến tận lúc này, tôi vẫn từ chối mọi đoàn hộ tống khi đi làm nhiệm vụ ở đây. Và thêm nữa, đại úy Besson cũng có những lý do giống tôi để không thể cảnh giác trong khi xây dựng công trình. Đó chính là lính của anh ta đã quá mệt mỏi vì trông coi cu-li ban ngày nên đêm đến không còn sức lực để canh gác.”

Còn trong bài viết “Thảm kịch Nam Chơn (28-2 - 1-3-1886) - Một số chi tiết bổ sung” đăng trong tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (B.A.V.H) năm 1925, Henry Cosserat nhắc lại thông tin trong bài “Đường cái quan từ Đà Nẵng đến Huế” (đăng trong B.A.V.H năm 1920): “…theo Tướng Prudhomme, thông dịch viên của đại úy Besson, Trần-Văn-Que (Quế) đã hành xử một cách đáng ngờ nhất trong thảm kịch Nam Chơn và rằng những giả định đạo đức mạnh mẽ cho phép chúng tôi tin rằng chính anh ta là người đã cảnh báo những người nổi dậy về hành động cần thực hiện; nhưng do thiếu bằng chứng vật chất để thuyết phục anh ta về tội lỗi của mình nên anh ta không lo lắng và chỉ bị cho thôi việc”. Henry Cosserat cho rằng, “Có lẽ chính tấm gương khoan dung khó hiểu này của chúng ta đã đẩy anh trai anh ấy phản bội chúng tôi gần hai năm sau đó.”

Trong cuốn “Ký ức An Nam và Bắc Kỳ”, đại úy J. Masson cho biết thêm: Trong các cuộc hành quân dẫn đến việc loại bỏ vị trí kiên cố Makao (Mã Cao), sau khi chiếm được Ba Đình (Thanh Hóa) tháng 1-1887, quân Pháp đã liên tục bị phản bội, ngay cả bởi những người họ tin tưởng nhất. Vì vậy, trong cuộc tấn công này, quân Pháp buộc phải bắt và xét xử học giả Trần Văn Vinh thuộc Bộ Tổng tham mưu, người đã lợi dụng hoàn cảnh của mình để phục vụ cả hai bên. Theo đó, Trần Văn Vinh bị cáo buộc đã gửi lại cho Đinh Công Tráng - thủ lĩnh khởi nghĩa Ba Đình, những nội dung “gây tổn hại nhất trong thư từ” mà quân Pháp tìm thấy ở Ba Đình và giao cho ông ta dịch. Học giả này đã làm việc với người Pháp từ năm 1885 tại Phái bộ Quân sự An Nam. Và đại úy J. Masson tiết lộ: “Cũng phải nói rằng ông ta chính là anh trai của thông dịch viên Trần Văn Quế”...

Qua những ghi chép và nhận định của người Pháp, phải chăng, Trần Văn Quế cũng như anh trai mình - Trần Văn Vinh, là những người được cài cắm vào hàng ngũ quân Pháp, không phải để cung cấp “thông tin cho triều đình” Huế như phỏng đoán của thiếu tá quân y Charles-Édouard Hocquard, mà là cho các phong trào yêu nước chống Pháp lúc bấy giờ, như Nghĩa hội Quảng Nam hay khởi nghĩa Ba Đình?

Như vậy, vai trò của Trần Văn Quế trong cuộc tấn công tiêu diệt đại úy công binh Besson và đoàn tùy tùng năm 1886 cần phải được tìm hiểu thêm và khẳng định rõ; bởi thông tin về thời gian, địa điểm và quân số mà ông ta cung cấp có giá trị lớn, để quân Nghĩa hội Quảng Nam làm nên một trận tấn công lịch sử, ghi dấu ấn đậm nét trong phong trào yêu nước chống quân xâm lược Pháp trên đất Quảng anh hùng. 

ANH QUÂN

.