Đà Nẵng cuối tuần

Về một bảo tàng cấm quay phim, chụp ảnh ở Nhật

14:28, 04/11/2023 (GMT+7)

Tọa lạc ở vùng ngoại ô phía tây Tokyo và được bao quanh bởi công viên Inokashira, bảo tàng Ghibli là không gian lưu trữ những hiện vật gắn liền với xưởng phim hoạt hình Studio Ghibli huyền thoại của Nhật, hãng phim vẫn thường được gọi là “Disney của Nhật Bản”.

Bảo tàng Ghibli nhìn từ bên ngoài.  Ảnh: Vanessa Miller/Boutique Japan
Bảo tàng Ghibli nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Vanessa Miller/Boutique Japan

“Bảo tàng mà tôi muốn làm”

Hãng phim Studio Ghibli ra đời vào tháng 6-1985 có trụ sở tại thành phố Koganei, Tokyo là nơi đã sản sinh ra một vài trong số những bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhất của Nhật và cũng là của thế giới như My Neighbor Totoro, Princess Mononoke, Spirited Away và Ponyo.

Theo trang Boutique Japan, cái tên “Ghibili” là một từ trong tiếng Ý có nghĩa “gió nóng sa mạc”. Khi chọn tên đó, đạo diễn Hayao Miyazaki, nhà đồng sáng lập hãng phim và cũng là giám đốc điều hành (CEO) của bảo tàng Ghibli hiện nay, kỳ vọng Studio Ghibli sẽ “thổi một làn gió mới vào ngành công nghiệp phim hoạt hình” của Nhật. Có lẽ cũng với tinh thần muốn “thổi một làn gió mới” trong lĩnh vực bảo tàng nên khi xây dựng bảo tàng Ghibli tại thành phố Mitaka phía tây Tokyo, đạo diễn Hayao Miyazaki đã theo đuổi “triết lý bảo tàng” của riêng ông, điều mà ông gọi đơn giản là “một bảo tàng mà tôi muốn làm”.

“Một bảo tàng thú vị, làm thư thái tâm hồn. Một bảo tàng có nhiều điều để khám phá. Một bảo tàng dựa trên triết lý rõ ràng và thống nhất. Một bảo tàng mà những người muốn tìm kiếm niềm vui sẽ thấy vui, những người muốn ngẫm ngợi sẽ được ngẫm ngợi, và những người muốn tìm cảm giác sẽ có được cảm giác ấy. Một bảo tàng khiến bạn khi rời đi sẽ cảm thấy mình giàu có hơn so với lúc mới bước vào…”. Đó là một phần trích trong nội dung tự giới thiệu về bảo tàng Ghibli của Giám đốc điều hành bảo tàng Hayao Miyazaki. Đọc những dòng ấy, dường như ai cũng đã cảm thấy ít nhiều về một “triết lý riêng về cách làm bảo tàng” của người Nhật Bản.

Lối trưng bày hiện vật của bảo tàng Ghibli cho thấy họ không chỉ hướng tới những người yêu thích các bộ phim hoạt hình do Studio Ghibli sản xuất. Họ không muốn du khách nhìn nhận đây là “một bảo tàng của quá khứ”, hay là nơi “trình diễn những bộ phim cũ của Ghibli”. Theo đó, ngoài trải nghiệm ngắm nhìn hiện vật và hiểu về tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ trong hãng phim, người xem cũng sẽ có thêm những hiểu biết sâu hơn về nghệ thuật làm phim hoạt hình, đặc biệt là hoạt hình Nhật Bản. Điểm thú vị là bảo tàng còn sản xuất những bộ phim ngắn chỉ để chiếu cho khách tham quan xem tại nơi này.

Những điều “chỉ có ở nơi này” rõ ràng là một chiến lược độc đáo của Ghibli khi mà ngay cả các gian hàng lưu niệm của bảo tàng cũng nỗ lực để bán những món đồ mà khách chỉ có thể mua được tại đây mà không phải bất cứ nơi nào khác.

Bảo tàng nói không với camera

Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động ngày 1-10-2001 đến nay, năm nào Bảo tàng Ghibli cũng thu hút rất đông du khách, bất chấp quy định mà có thể cho tới giờ vẫn còn là điều gây khó chịu với một số người: khách tham quan không được quay phim, chụp ảnh bên trong bảo tàng. Tại đây có một hệ thống camera tổng thể với những “đôi mắt” được lắp đặt toàn hệ thống để giám sát việc thực thi. Khi phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ cảnh báo cho nhân viên, và những người này sẽ can thiệp theo các mức độ từ nhẹ nhàng nhắc nhở cho tới nhẹ nhàng… dẫn giải người vi phạm ra ngoài ngay lập tức.

Tuy nhiên, với không ít du khách, việc cấm chụp ảnh bên trong bảo tàng không những không gây phiền hà mà còn làm tăng thêm sự phấn khích và bí ẩn cho nơi này. Thậm chí với những du khách như chị India Kushner, người vừa cùng chồng có chuyến thăm Bảo tàng Ghibli trong tuần trăng mật ở Nhật vừa qua, quy định đó còn là nguyên tắc quan trọng và hữu dụng nhất, nó khiến chị chỉ tập trung vào những cảm xúc của bản thân trong hành trình khám phá.

“Tôi rất tò mò, trong tư cách một khách du lịch, liệu quy định này có làm thay đổi trải nghiệm của mình không. Ở Mỹ, tôi đã quen với các bảo tàng có những quy định khá thoáng trong việc chụp hình hiện vật và quay video các khu trưng bày”, chị India Kushner viết trong bài chia sẻ trải nghiệm thăm Bảo tàng Ghibli đăng ngày 29-10 trên trang Insider.

Bảo tàng Ghibli đầy ắp những chi tiết nhỏ đặc biệt tinh tế. Ngay cả những tấm vé để xem phim ngắn tại đây cũng được in chăm chút với hình ảnh mô phỏng các đoạn phim âm bản của Ghibli. Các hiện vật trưng bày ở đây đều có các bậc nhỏ để giúp đứng lên cao hơn hay được trưng bày ở mức thấp hơn, vừa với độ cao của một đứa trẻ. Nó khiến người ta nhớ tới phần tự giới thiệu của bảo tàng cũng nói rằng Ghibli sẽ hoạt động theo cách những đứa trẻ cũng sẽ được tôn trọng không khác những người trưởng thành.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.