Đà Nẵng cuối tuần
Người trẻ kể chuyện văn hóa trong hẻm xưa
Hai nhóm du khách tham quan phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), bên Tây, bên “ta” không hẹn mà gặp, cùng dẫn nhau vào con hẻm 186 Trần Phú sau lưng chùa Cầu. Trước mặt họ, một xóm nhỏ đặc biệt được thành hình khoảng 1 năm nay, mang tên Xóm thủ công với “cư dân” là những người trẻ yêu nghề thủ công truyền thống.
Thợ chế tác đồ da tại xưởng da thuộc SaTế Leatherworkshop. Ảnh: L.V |
Những căn nhà sát kề trong con hẻm ở trung tâm phố cổ Hội An. Người nhà này dòm qua hỏi thăm nhà kia chỉ qua một lớp hàng rào ngắn hay qua ô cửa sổ nhuốm màu thời gian đặc trưng của phố Hội. Lối đi chung của xóm được bày biện chỉn chu với những quầy hàng đồ da, áo quần, hàng thủ công, lồng đèn… đủ sắc màu.
Ở đây, không khó để tìm thấy những cuốn sổ tự làm được bao bọc và trang trí đầy tinh tế bằng những họa tiết đa chủ đề hay những chiếc túi, chiếc ví, dây đồng hồ bằng da, những bức tranh mang sắc màu trầm mặc của một thương cảng Hội An sầm uất trong quá khứ… Những mặt hàng ở đây không chỉ bó hẹp trong không gian phố Hội hay Đà Nẵng mà đã theo chân du khách đến những miền xa hơn, mang theo một phần văn hóa xứ Quảng đến những vùng đất khác.
Không gian của người trẻ yêu thủ công
Ghé chơi ở xóm, du khách có thể “check in” những bức ảnh thơ mộng trong con hẻm xưa, trải nghiệm thắt tóc bím nghệ thuật, thưởng thức ly nước mát lành, xem những người thợ kiêm nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật thêu tay và móc len, được vẽ chân dung hay hòa mình vào một buổi du ca mộc mạc giữa lòng phố cổ. Không chỉ có không gian cho người lớn, trẻ em cũng được tham gia vào các lớp học vẽ tranh ngay tại xóm.
Tất cả những mặt hàng tại phiên chợ đều là sản phẩm từ sáng tạo của người trẻ. Mỗi đường kim, mũi chỉ hay họa tiết đều toát lên sự tỉ mỉ, chỉn chu trên từng sản phẩm. Chúng tôi hỏi về thị trường ngoài Hội An, chị Trương Mi Sa (SN 1991) cười, bảo: “Ở đâu cũng bán, Đà Nẵng hay mấy nơi khác đều có. Ai có nhu cầu mình cũng sẵn sàng”.
Từ lần tổ chức đầu tiên vào tháng 6-2023, đến nay phiên chợ nỗ lực duy trì đều đặn mỗi tháng để du khách có thêm điểm tham quan thú vị và được nghe, được hiểu câu chuyện về nghề thủ công. Mỗi phiên chợ là một chủ đề, tập trung vào những nghề truyền thống, những sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung hay sản phẩm thân thiện môi trường.
Bắt tay vào làm sản phẩm móc len thủ công với tên gọi Sun Handmade từ gần 1 năm nay, chị Trần Thị Thanh Thảo (SN 1998, Đà Nẵng) tìm đến loại hình đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo này rất tình cờ. “Có giai đoạn mình căng thẳng nên tìm đến việc móc len để giải tỏa, chữa lành tinh thần, rồi bắt đầu có sự hứng thú và tìm hiểu về nó nhiều hơn. Một phần vì thấy môn này phù hợp với tính cách và thỏa mãn được sự sáng tạo của bản thân”, Thảo cho biết.
Những sản phẩm đầu tay được Thảo chia sẻ trên fanpage SunHandmade và dần được sự đón nhận của đông đảo mọi người. Bản thân Thảo cũng cực thích đồ handmade và trân trọng những thứ được ai đó tự tay làm ra. Ngoài ra, Thảo cũng chú ý đến tính thân thiện môi trường của sản phẩm thông qua tích cực sử dụng sợi tái chế bên cạnh các loại len cũng như dùng bao bì túi giấy để đóng gói sản phẩm.
Ấp ủ dự định mở các workshop cho những người cùng sở thích về móc len và lan tỏa loại hình này với cộng đồng, Thảo tình cờ được bạn bè giới thiệu, kết nối với Xóm thủ công.
Xóm thủ công có tâm huyết, có định hướng rất lâu dài, rõ ràng và nhất quán trong việc lan tỏa giá trị của sản phẩm thủ công truyền thống chứ không đơn thuần là những phiên chợ ngắn hạn nên mình tin tưởng và muốn cộng tác lâu dài với mọi người ở đây”, Thảo chia sẻ.
Cũng đến từ Đà Nẵng và được kết nối với Xóm thủ công thông qua bạn bè giới thiệu, chị Phan Thy Châu (SN 1991), chủ thương hiệu Thy Kin Handmade theo đuổi loại hình làm macrame vốn còn khá mới mẻ. Bằng kỹ thuật đan thắt dây khéo léo, chị Châu tạo nên những chiếc túi xách, đế lót ly, mành, rèm treo trang trí… với kiểu dáng độc đáo mà không kém phần tinh tế.
“Thời điểm Covid-19 bùng phát, công việc văn phòng đình trệ nên mình ở nhà tập tành học cách đan macrame, tự học, tự tìm hiểu rồi làm ra được những sản phẩm nhỏ tặng bạn bè và người thân. Ban đầu không có ý định kinh doanh lâu dài nhưng nhận ra macrame như một cái duyên với bản thân”, chị Châu cho biết.
Ở Xóm thủ công, chị có dịp gặp gỡ những người cùng ý tưởng, cùng đam mê và tâm huyết với sản phẩm thủ công. Vốn có dịp tham gia những phiên chợ khác nhưng với chị Châu, phiên chợ ở Xóm thủ công trong lòng phố cổ Hội An có gì đó đặc biệt, một phần ở không gian cổ kính, một phần ở những sản phẩm được làm ra luôn mang đến điểm nhấn rất riêng.
Du khách nước ngoài tham quan Xóm thủ công. Ảnh: L.V |
Tâm huyết với bản sắc văn hóa quê hương
Ngược lại nửa năm trước, khi phiên chợ bán hàng thủ công “made in Hoi An” đầu tiên được khai trương, chị Trương Mi Sa nói mình đã manh nha trong đầu ý tưởng về một phiên chợ đặc biệt cho cộng đồng người làm nghề thủ công ở phố Hội cách đó 2 năm. Bởi ở nơi này, không ít người trẻ đang theo đuổi nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật, có may mặc, có làm đồ da, vẽ tranh, thêu tay… Rồi cũng tình cờ, chị biết được căn nhà của gia đình người bạn làm nghề may ở cuối hẻm 186 Trần Phú từng là xưởng da thuộc đầu tiên ở Hội An. “Sẵn” người chồng cũng đam mê theo nghề da thủ công, hai vợ chồng quyết định mở cửa hàng về da ngay tại đây với tên gọi SaTế Leatherworkshop. Sau một thời gian, họ kết nối được những người có cùng đam mê nghề thủ công tề tựu về hẻm 186 Trần Phú.
Tháng 10 vừa rồi, SaTế Leatherworkshop chính thức dời về 8/10 Nguyễn Thị Minh Khai, cũng ngay trung tâm phố cổ, ở đó hình thành thêm một khu trưng bày nho nhỏ với chủ đề “Nghề da Hội An - Một thế kỷ thăng trầm”. Tại đây, những lớp học làm da thuộc vẫn được duy trì từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, mỗi buổi từ 2 đến 4 giờ đồng hồ. Lớp học thu hút không ít những người trẻ tham gia học hỏi, tìm hiểu về một nghề xưa ở phố Hội. Ở đó không chỉ có những kiến thức cơ bản mà còn những câu chuyện được kể, được sẻ chia về dấu ấn văn hóa nghề xưa bên sông Hoài.
Những tháng cuối năm, phố Hội đón những đợt mưa to nhỏ đan xen, con nước sông Hoài lúc lên lúc xuống. Chợ phiên ở Xóm thủ công tạm ngưng một thời gian ngắn để tránh thời tiết bất thường và chuẩn bị cho dịp mở lại vào những ngày đầu năm mới. “Dự kiến tháng 1-2024, mình sẽ tổ chức chợ phiên mang chủ đề về Tết, nếu mọi yếu tố thuận lợi, đó sẽ là một mô hình theo kiểu chợ Tết truyền thống của Hội An xưa”, chị Sa chia sẻ.
Có dịp ghé thăm Xóm thủ công, anh Jack Daniels (quốc tịch Mỹ) tỏ ra thích thú với những sản phẩm thủ công độc đáo. Anh vừa chia sẻ vừa đặt câu hỏi: “Đó là điều đặc biệt ở một thành phố lâu đời như Hội An và có cảm tưởng, ở nơi này, ai cũng có thể là nghệ nhân. Những nơi như này có thể xuất hiện nhiều hơn ở Hội An không nhỉ?”.
Câu trả lời sẽ là có. Ngày 31-10 vừa qua, Hội An chính thức trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO năm 2023 trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An chia sẻ, trong 4 năm tới, thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác công - tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, huy động sự tham gia sáng tạo của mọi thành viên trong cộng đồng như người dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân...).
Trong đó, mở rộng hơn chương trình khởi nghiệp, khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo… Những người trẻ ở Xóm thủ công nói riêng, xứ Quảng nói chung sẽ có dịp góp thêm tâm huyết và tài năng cho bản sắc văn hóa của quê hương mình.
LÂM VIÊN