Đà Nẵng cuối tuần
Nan giải giúp con học ngoại ngữ
Đứng trước “rừng” thông tin về phương pháp đào tạo, chất lượng, kinh nghiệm giảng dạy của hệ thống giáo dục, bằng cấp của giáo viên, giáo trình học… cũng như sự bùng nổ của các chương trình học trực tuyến, không ít phụ huynh bày tỏ sự lo lắng trong việc lựa chọn phương pháp học ngoại ngữ phù hợp cho con mình.
Phần đông phụ huynh lựa chọn việc học ngoại ngữ trực tiếp ở các trung tâm, cơ sở giáo dục để giúp con vừa có kiến thức, vừa tăng khả năng giao tiếp xã hội. Ảnh: KHÁNH HÒA |
“Đãi cát tìm vàng”
Năm nay, con trai chị Nguyễn Thị Hồng (đường Tiểu La, quận Hải Châu) đang học lớp 1. Chưa dứt niềm vui vì thành tích học tập ở trường của con đạt nhiều tiến bộ, gia đình chị Hồng lại “đau đầu” trong việc lựa chọn hình thức học thêm ngoại ngữ cho con. Cứ tưởng với sự nở rộ của các phương pháp giáo dục ngoại ngữ như hiện nay (học tại trung tâm, cơ sở đào tạo; thuê giáo viên dạy kèm; học trực tuyến…) việc học ngoại ngữ trở nên đơn giản hơn nhưng thực tế, không ít phụ huynh lại rơi vào tình thế bối rối như trường hợp gia đình chị Hồng, bởi lựa chọn nào cũng có tính hai mặt, trong khi con chị còn quá bé. “Qua tìm hiểu từ thực tế, bản thân mình muốn đăng ký cho con chương trình trọn gói tại Trung tâm ngoại ngữ ILA (đường Nguyễn Văn Linh) vì đây là trung tâm uy tín, bên cạnh giáo viên đứng lớp là người nước ngoài, có bằng cấp hẳn hoi chứ không phải “tây balo” như một số trung tâm nghiệp dư khác, còn có trợ giảng là người Việt nên không quá lo con sẽ bỡ ngỡ hay theo không kịp chương trình. Nhưng khổ nổi, ông xã lại muốn thuê giáo viên về nhà dạy học kiểu “một kèm một” để thuận tiện hơn trong việc quản lý, giám sát việc học của cô - trò. Hai vợ chồng cứ tranh cãi mãi vẫn chưa thống nhất được phương án dù tụi mình định hướng cho con đi du học sớm nên phải đầu tư ngoại ngữ ngay từ bây giờ”, chị Nguyễn Thị Hồng bộc bạch. Trước đó, để giúp con làm quen với ngoại ngữ, chị Hồng lên mạng tìm những video, clip hướng dẫn học tiếng Anh cho lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 nhưng cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” vì không có thầy cô hướng dẫn trực tiếp, cháu học không hiệu quả.
Có con ở lứa tuổi dậy thì (lớp 7), gia đình chị Lê Thu Hoàng Hà (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà) chọn phương án cho con học tại nhà cô giáo với lợi thế là số lượng mỗi suất học chỉ 10 học sinh, nội dung dạy bám sát chương trình học ở trường. Để giúp con yêu thích và tiến bộ nhanh hơn, chị Hà còn dành thời gian săn lùng tài liệu tham khảo ở các nhà sách Fahasa, Bạch Đằng, Phương Nam… rồi mua về để mẹ con cùng học. Bằng cách đồng hành cùng con trong việc lựa chọn chương trình, tài liệu ngoại ngữ phù hợp, đến nay, Minh Hoàng - con trai chị Lê Thu Hoàng Hà luôn đứng tốp đầu lớp môn tiếng Anh. “Mình thường xuyên theo dõi tin tức trên mạng thấy có những trường hợp bố mẹ bỏ một khoản tiền lớn để con theo học ngoại ngữ ở các trung tâm lớn, uy tín nhưng vì không quan tâm, kiểm soát nên kết quả thu lại không được như mong đợi. Cũng có trường hợp, phụ huynh cho con học ngoại ngữ quá sớm với thời lượng chiếm đa số trong thời lượng học văn hóa, kết quả là cháu nói ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) rất sành sỏi nhưng học văn hóa lại kém, cũng có trường hợp các cháu học ngoại ngữ từ sớm nhưng vì bố mẹ có suy nghĩ sính ngoại nên con phát triển lệch lạc khi phát âm tiếng Anh, tiếng Nhật thì “tròn vành rõ chữ” nhưng khi nói và sử dụng tiếng Việt lại lóng ngóng”, chị Hà chia sẻ.
Chất lượng cuộc sống cải thiện, nhu cầu đầu tư giáo dục và ngoại ngữ cho con trẻ cũng ngày càng gia tăng. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều trung tâm Anh ngữ, các trường học song ngữ được mở ra với đa dạng các chương trình đào tạo, mức học phí và đối tượng giảng dạy; cùng với đó là “ma trận” các chương trình giáo dục trực tuyến; phong phú các tài liệu tham khảo ở các nhà sách. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì khi có quá nhiều sự lựa chọn lại khiến không ít phụ huynh bối rối vì không biết môi trường học nào sẽ phù hợp cho con. Nhiều phụ huynh bỏ không ít công sức để tham khảo trên các diễn đàn, trang web, tìm hiểu xu hướng học từ các nhà sách (với hàng chục đầu sách), đến tận các trung tâm ngoại ngữ để cân nhắc. Và những tiêu chí được đưa ra để lựa chọn, đó là ưu tiên học ở những trung tâm, cơ sở dạy có phương pháp đào tạo sát với chương trình học ở trường, giảng viên có bằng cấp chính quy có thâm niên giảng dạy, thiết bị học tập hiện đại...
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”
Với hơn 15 năm giảng dạy bộ môn tiếng Anh ở một trường cấp 2, cô giáo Huỳnh Thảo Khuê Ngọc (đường Núi Thành, quận Hải Châu) cho rằng, 90% học tiếng Anh thành công là nhờ nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng, chọn lớp học chất lượng và phù hợp, nhằm giúp trẻ gắn bó lâu dài và nhanh chóng tiến bộ. Không phủ nhận vai trò của các chương trình dạy ngoại ngữ trực tuyến, nhưng theo cô giáo Huỳnh Thảo Khuê Ngọc thì việc giáo dạy và học ngoại ngữ hiện nay đã có những thay đổi lớn so với thời gian trước. Đó là tăng cường vai trò chủ động tiếp cận giao tiếp giữa học sinh với thầy cô; giúp học sinh mạnh dạn tương tác, xử lý linh hoạt các tình huống giao tiếp xã hội mà thầy cô đưa ra; đi đúng hướng trong suốt quá trình học để đạt kết quả cao nhất. Đây là những ưu thế của phương pháp học ngoại ngữ ở các trung tâm, cơ sở giảng dạy so với học thông qua hình thức trực tuyến. Đồng quan điểm, chị Bùi Anh Nga phụ trách Trường Mầm non SLC (118 đường Hải Phòng) cho biết, không ít phụ huynh khi đến tìm hiểu để gửi con đã đề cập đến nhu cầu được học ngoại ngữ ở lứa tuổi mẫu giáo. Hiện nhà trường không có chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ nhưng hướng dẫn phụ huynh cài đặt phần mềm Kid English (theo đúng chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra) để hướng dẫn con làm quen với những bài học tiếng Anh đơn giản.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, hiện nay, mạng lưới giáo dục và phương tiện hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ trên địa bàn thành phố phát triển khá mạnh. Các trung tâm giáo dục uy tín đều coi trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm hỗ trợ tối đa việc dạy và học. Các trung tâm đều xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với điều kiện của người học và sự phát triển của từng địa phương, không trái với các quy định của Bộ GD&ĐT. Các trung tâm đã xây dựng các chương trình phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu người học như các chương trình ngoại ngữ tiếng Anh, Đức, Nhật, Hàn, Trung, Pháp, tiếng Thái (cơ bản)... dành cho mọi lứa tuổi, theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam, khung tham chiếu châu Âu (CEFR), theo kỹ năng, chuyên ngành, các chương trình luyện thi TOEFL, IELTS, TOEIC, Cambridge, SAT, GMAT… Giáo trình, tài liệu giảng dạy thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Các trung tâm đã sử dụng tài liệu gốc của các nhà xuất bản nước ngoài và trong nước và tự biên tập chương trình đào tạo riêng, phù hợp với đối tượng, nhu cầu đào tạo. Ông Linh cũng đưa ra lời khuyến cáo với các bậc phụ huynh: “Để chắc chắn trẻ được học tập trong môi trường tốt nhất, phụ huynh nên trực tiếp tới tham quan lớp và gặp gỡ thầy cô. Không nên chủ quan tin tưởng và giao phó hoàn toàn việc học ngoại ngữ của con bằng các hình thức giáo dục trực tuyến mà không có sự kiểm soát hay thẩm định của ngành chức năng”.
Thống kê từ Sở GD&ĐT cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 252 trung tâm ngoại ngữ, tin học, trong đó có 217 trung tâm ngoại ngữ do tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư, 15 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên có chức năng đào tạo ngoại ngữ, tin học. Trong đó, có 30 trung tâm đào tạo tiếng Nhật, 13 trung tâm đào tạo tiếng Trung, 5 trung tâm đào tạo tiếng Đức, 1 trung tâm đào tạo tiếng Pháp, 7 trung tâm đào tạo tiếng Hàn, 15 Trung tâm đào tạo nhiều thứ tiếng, 169 trung tâm đào tạo tiếng Anh. Lực lượng giáo viên đang giảng dạy tại các trung tâm bảo đảm theo quy định của Bộ GDĐT, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. |
KHÁNH HÒA