Đà Nẵng cuối tuần

SỨC SỐNG MỸ THUẬT

Lần theo dấu tranh quý

15:52, 30/12/2023 (GMT+7)

Bộ sưu tập tranh, tác phẩm nghệ thuật có giá trị tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng dày thêm nhờ nguồn tranh sưu tầm, hiến tặng. Người trong ngành bảo tàng nói vui rằng, chuyện đi “xin tranh”, hoặc xin được mua “giá hữu nghị” là những thương vụ phi lợi nhuận, với quyết tâm mang lại không gian thưởng lãm mỹ thuật chất lượng cho người dân thành phố.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mở niêm phong nguồn tranh Lê Bá Đảng do vợ chồng nhà phê bình mỹ thuật Thụy Khuê hiến tặng. Ảnh: ANH ĐÀO
Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mở niêm phong nguồn tranh Lê Bá Đảng do vợ chồng nhà phê bình mỹ thuật Thụy Khuê hiến tặng. Ảnh: ANH ĐÀO

Ấm lòng lá thư từ nước Pháp

Buổi chiều đầu tháng 6 năm 2022, tại thủ đô Paris, nước Pháp, vợ chồng ông bà Lê Tất Luyện và Thụy Khuê, cùng ngồi lại bàn bạc, thống nhất trước khi thảo bức thư điện tử gửi Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Trong thư, ông bà viết: “Lê Bá Đảng là họa sĩ lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX, tác phẩm của ông bao trùm nhiều lĩnh vực sáng tác, đề tài, tư tưởng và tất nhiên có chỗ đứng xứng đáng trong lòng người Việt. Vì thế, bên cạnh việc đưa bộ sưu tập Lê Bá Đảng đến Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi quyết định trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hơn 40 tác phẩm của họa sĩ. Các tác phẩm này, ngoài giá trị nghệ thuật, còn có giá trị giáo khoa cho học sinh hội họa, bởi nó phô bày không những kỹ thuật sáng tác mà cả con đường tư tưởng của họa sĩ, từ những bước đầu, năm 1960…”.

Lá thư gửi từ nước Pháp xa xôi mang đến niềm vui cho người làm bảo tàng Đà Nẵng. Nhưng có lẽ, người hạnh phúc nhất là chị Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật khi nỗ lực kết nối của chị, sau gần 5 năm đã nhận về quả ngọt. Chị kể, thông qua PSG.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, chị có cơ hội kết nối vợ chồng nhà phê bình mỹ thuật Thụy Khê, Lê Tất Luyện (đang định cư tại Pháp) - hiện đang lưu giữ nhiều bộ sưu tập tranh quý hiếm của các họa sĩ nổi tiếng thuộc giai đoạn đầu mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Sống xa quê hương, nhưng ông bà Lê Tất Luyện, Thụy Khuê luôn mong mỏi có dịp “đưa tranh quý về nước”. Nhận thấy đây là cơ hội bổ sung nguồn tranh có giá trị cho bảo tàng, chị Trinh đã nhờ PGS.TS Lâm Nhân mở lời và được ông bà Thụy Khuê đồng ý hiến tặng số lượng ban đầu khoảng 43 bức tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng.

Để tiếp nhận nguồn tranh, theo đề nghị của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, UBND thành phố đã cử đoàn công tác sang Pháp gặp ông bà Thụy Khuê. Đó là chuyến đi mang đến nhiều niềm vui bất ngờ cho người làm công tác bảo tàng. Bởi lẽ, theo chị Trinh, sau khi tiếp xúc, trò chuyện cùng đoàn công tác, ông bà Thụy Khuê đã quyết định tặng 253 tranh, hiện vật Lê Bá Đảng, bao gồm 131 tác phẩm nghệ thuật, 16 bản tạo hình trên đá, 19 bản kẽm in, 71 khuôn tạo hình và 16 dụng cụ chế tác. Bên cạnh đó, món quà từ nước Pháp còn có thêm 14 tài liệu khoa học và 20 hình ảnh hoạt động nghệ thuật của người họa sĩ tài ba.

Theo đánh giá của ông Hà Thanh Vân, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, đây là bộ sưu tập bao quát các giai đoạn sáng tác của họa sĩ Lê Bá Đảng, trong đó có những tác phẩm được ông vẽ trên nhiều chất liệu, kỹ thuật, thể loại và chủ đề khác nhau. Có thể nói, ngoài hàng chục bức tranh có giá trị, 19 bản kẽm in trong bộ sưu tập là những hiện vật độc đáo bởi theo ông bà Thụy Khuê, họa sĩ Lê Bá Đảng có thói quen hủy bản kẽm in sau khi bán 100-200 bức tranh cùng loại. Do đó, việc ông bà còn giữ được các bản kẽm in này rất quý và có giá trị tư liệu cao.

Được biết, Lê Bá Đảng là danh họa, nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp gốc Việt, từng theo học tại Trường Mỹ thuật Ecole des Beaux-Arts ở Toulouse. Tài năng hội họa của ông được thế giới biết đến qua những giải thưởng văn học, nghệ thuật do Mỹ, Anh, Pháp và Việt Nam trao tặng… Bà Thụy Khuê nói, gia đình quyết định hiến tặng bộ sưu tập Lê Bá Đảng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng với mong muốn đưa nguồn tranh quý của họa sĩ về nước. Cùng với đó, gia đình bà mong muốn bảo tàng, với tâm huyết, trách nhiệm và chuyên môn của mình, sẽ là nơi phù hợp giữ gìn, phát huy tốt giá trị di sản mỹ thuật và phục vụ công chúng yêu hội họa thành phố.

Dày thêm bộ sưu tập

Bước qua cánh cổng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, du khách “gặp” ngay tác phẩm điêu khắc “Thiếu nữ” của nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành. Theo kỹ thuật tạo hình rất riêng của người họa sĩ tài hoa này, phần đầu và cổ của bức tượng được tách rời, trước khi gắn với phần mình qua một trục kín, có thể quay được nhiều hướng tạo sự linh hoạt, sinh động cho tác phẩm.

“Thiếu nữ” chỉ là 1 trong 44 tác phẩm điêu khắc, tranh sơn dầu tiêu biểu của nhà điêu khắc Lê Công Thành được gia đình đồng ý chuyển nhượng cho bảo tàng với mức giá hữu nghị. Được giới mỹ thuật đánh giá là “cây đại thụ” điêu khắc Việt Nam thế kỷ XX, bộ sưu tập Lê Công Thành mang đậm ngôn ngữ tạo hình, thể hiện rõ qua màu sắc, bố cục hướng đến sự tối giản nhưng có chiều sâu. Dòng tranh sơn mài không sử dụng quá nhiều màu sắc, đi cùng những nét vẽ mạnh mẽ, chắc chắn. Trong khi đó, các tác phẩm điêu khắc của ông là sự tổng hòa kỹ thuật điêu khắc hiện đại và điêu khắc truyền thống, ở tượng tròn kết hợp với hình khối khái quát, đơn giản, biểu đạt sự uyển chuyển và tạo hình mang tính ước lệ, biểu tượng cao. Theo đánh giá của ông Vân, đây là bộ sưu tập có giá trị, bởi đến nay, chưa có bảo tàng hay nhà sưu tập nào có được số lượng tác phẩm này.

Cùng với đó, giới trẻ tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tỏ ra khá bất ngờ với hàng chục trang gốc truyện tranh vẽ bằng bút sắt, màu nước và bút chì do vợ chồng họa sĩ gốc Đà Nẵng Vĩnh Khoa (bút danh Vink, định cư tại Vương quốc Bỉ) trao tặng cách đây 2 năm. Được biết, ông là tác giả bộ truyện tranh “Cổ tích Việt Nam Derrière la haie de bambous” (Sau lũy tre xanh) trên báo Tintin - tờ báo thiếu nhi nổi tiếng tại Bỉ. Giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, ông được Hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney (Mỹ) mời hợp tác trong bộ phim Mộc Lan và hỗ trợ NXB Dargaud (Pháp) ra mắt một số truyện tranh dành cho thiếu nhi.

Là họa sĩ người Đà Nẵng thành công ở châu Âu, Vink được giới phê bình mỹ thuật chú ý nhiều hơn khi ra mắt truyện tranh “Lịch sử 1.000 năm thành phố Liège” và giải thưởng truyện tranh lớn nhất Bỉ với bộ truyện “Le Moine Fou” (Nhà sư điên) năm 1985. Vink là họa sĩ truyện tranh hiếm hoi sử dụng màu nước, bút sắt vẽ trực tiếp trên giấy. Mỗi trang tranh của ông thường mất gần một tuần mới hoàn thiện. Năm 2021, từ Bỉ, ông kết nối liên lạc với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, chia sẻ nguyện vọng hiến tặng bộ sưu tập 61 tranh gốc truyện tranh, hơn 20 tài liệu phụ và 14 cuốn truyện tranh xuất bản tại Bỉ, Thái Lan. “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhã ý của mình được bảo tàng trân trọng đón nhận và trưng bày, giới thiệu cho người xem. Trong sự nghiệp của mình, tôi vẽ chừng 600-700 bản tranh gốc nhưng từ chối bán số lượng lớn cho các nhà sưu tầm dù nhận rất nhiều đề nghị”, họa sĩ Vink nói.

Nhờ nỗ lực vận động, kết nối, đến nay đã có gần 1.650 tác phẩm mỹ thuật được họa sĩ, nhà sưu tầm hiến tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Trong đó đáng chú ý là tác phẩm của các tác giả Lê Công Thành, Lê Bá Đảng, Hà Xuân Phong, Duy Ninh, Vĩnh Phối, Vĩnh Khoa và bộ sưu tập tranh dân gian do nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa hiến tặng… Có thể nói, hoạt động sưu tầm, tiếp nhận nguồn hiện vật hiến tặng giúp bảo tàng dày thêm bộ sưu tập mỹ thuật có giá trị. Nói cách khác, đó chính là sợi dây liên kết đưa bảo tàng đến gần công chúng, qua những tác phẩm tâm huyết mà mỗi tác giả yêu thương dành tặng cho không gian trưng bày này.

TIỂU YẾN

.