.

Đà Nẵng cuối tuần

Thơm hương bếp củi

08:45, 24/12/2023 (GMT+7)

Bếp củi cay xè mắt tại sao lại khiến không ít người da diết nhớ thương?!

1. Đà Nẵng se lạnh, tôi nhắn cho em gái đang phương xa dòng tin báo. Con nhỏ mê mẩn tiết trời này nên tức anh ách, hờn dỗi trả lời: “Ác. Thèm”. Hai chữ cụt ngủn nhưng tôi biết chắc giờ này nó đang quay quắt dữ lắm. Bởi cách đây vài tháng, tôi cũng từng là người xa xứ, bổi hổi bồi hồi nhớ quê. Quê thì lúc nào chẳng miên man thương, nhưng cứ độ tầm này, cái nỗi nhớ nhung ấy lại càng cào xước da diết. Chẳng biết vì cái lạnh xao xác dễ khiến người ta yếu lòng hay càng gần giao mùa, hồn người cứ hay nôn nao trở về sum vầy. Hoặc cũng có khi, khoảng thời gian này thường gieo nhiều hồi ức hơn chăng?!

Bếp củi mộc mạc vẫn luôn thơm hương trong ký ức của nhiều người.    Ảnh: L.K
Bếp củi mộc mạc vẫn luôn thơm hương trong ký ức của nhiều người. Ảnh: L.K

Những ngày còn bé, cứ độ thời tiết se se, tôi lại xoắn xít bên bếp củi. Dì bán than, củi nên bếp lò rực đỏ cả năm nhưng phải đến khi mùa sang đông, chái bếp nhỏ mới xôn xao. Tầm chiều, quanh ánh lửa tí tách, tôi cùng các dì, cậu, anh/chị lại rôm rả nấu món này, thức kia. Nào là bánh xèo, bánh chuối chiên, bắp nướng, khô nướng, cá nục cuốn bánh tráng…

Hồi đó, thấy chúng tôi tụm ba tụm bảy sau nhà, thể nào ông ngoại cũng đi xuống đi lên rầy: “Chớ răng nhà trên bàn ghế đàng hoàng không ngồi ăn mà ngồi xổm, ngồi xấp rứa bây?”. Mấy cái đứa nít nhí nhố, chẳng hẹn mà đồng loạt: “Vui lắm ôn”. Thường thì, ngoại sẽ lắc đầu chịu thua, quày quả bỏ đi trong tiếng cười rổn rảng của sấp nhỏ. Cứ thế, bếp củi vun bồi bao nhiêu niềm thương, trở thành kỷ niệm đẹp theo gia đình tôi qua mùa, qua năm.

Tôi xa xứ đi học, mỗi bận nhớ nhà, đều rưng rức mơ về gian bếp củi. Rứa mà một bữa trở về, đứng giữa nhà khóc tức tưởi khi chẳng còn nhìn thấy lò bếp nghi ngút khói. Nhà sửa, ngoại cũng ráng giữ lại không gian ăm ắp tiếng cười ấy, chắc là cho mấy đứa cháu có nơi tụ tập mỗi lần về nhưng rồi cũng nhường bước trước sự thuyết phục của các con. Thấy tôi khóc, ngoại len lén quay đi, thở dài. Tôi thấy mắt ngoại hoe hoe đỏ, ấm áp như bếp lửa tôi thương.

2. Từ ngày đó, thảng hoặc, tôi mới bắt gặp chiếc bếp thân quen ấy ở chỗ này, chỗ kia và lần nào cũng xúc động. Nhưng càng ngày, số lần càng thưa thớt rồi vắng bặt.

Phải chừng mấy năm rồi, gần đây, tôi mới có dịp hít hà mùi khói thơm nồng tại một quán bán bánh bèo trên đường Cồn Dầu 6 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Đường tối om, nhà cửa thưa thớt, cái quán đơn sơ chẳng biển hiệu leo lét ánh đèn mà khách đông kín nên tôi và bạn ghé vào “chữa cháy” cái bụng đang đói meo. Để rồi, cả hai đứa cứ đứng ngẩn ngơ trước ánh lửa bập bùng trong làn khói bếp bảng lảng vừa quen vừa lạ. Chủ quán dường như đã quen với hình ảnh này nên lặng yên để khách miên man trong niềm riêng.

Sau này, hỏi thăm mới hay, lò bánh này đã trở thành điểm đến dịu dàng hơn 11 năm qua của không ít người dân Đà Nẵng. Anh Huỳnh Bin (SN 1992), chủ quán chia sẻ: “Tôi không biết ngoại bắt đầu với bánh bèo lò củi được bao nhiêu năm, nhưng từ thời mẹ tôi rồi đến tôi đã là 11 năm. Trước đây, chúng tôi bán tạm ở vỉa hè nhưng vì khách đông, thường lấn đường nên chỉ dám nhận khách từ mười giờ đêm đến bốn giờ sáng để ít người qua lại, không cản trở giao thông. Nhiều khách năn nỉ mở sớm để trẻ con được đi ăn nên chúng tôi thu xếp mặt bằng mãi và mới mở cửa từ chiều cỡ một năm nay”.

Khách chấp nhận đến vào đêm để thưởng thức chỉ vì lỡ say mê vị bánh thơm hương bếp củi. Có bữa đông, quán sử dụng bếp gas để kịp phục vụ nhưng không ít khách kiên quyết chờ để ăn mẻ bánh bếp củi. Nghe chúng tôi trò chuyện, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1979, ngụ quận Thanh Khê), thực khách, góp lời: “Bánh hấp bằng bếp củi cảm giác bột mềm dẻo hơn, ăn thích hơn nhiều. Nhà chị ở xa lắc mà có bữa mưa gió mà thèm quá vẫn ráng lặn lội ghé. Vừa ăn vừa nhớ bếp nhà ngày xưa. Chừ hiện đại rồi, dễ chi kiếm được chút xưa như ri”. Cũng bởi thịnh tình của khách, lụt kiểu gì, quán cũng không dám đóng, sợ khách đi xa rồi hiu hắt trở về. “Mới hồi tháng mười năm ni chớ mô, quán ngập nước do thấp hơn mặt đường nhưng tôi vẫn tìm cách kê ván, chụm lửa phía trên để bếp đỏ, người vui”, anh Bin cười rổn rảng.

Tôi đem câu chuyện về lò bánh nhiều cảm xúc kể với người này, người kia rồi được giới thiệu thêm quán bún lò củi (đường Phan Huy Chú, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Mới 7 giờ sáng, quán đông nghịt khách, đợi mãi chị Nguyễn Thị Minh Tám, bếp chính - mẹ chủ quán, mới nhín được chút thời gian trò chuyện. Chị bảo, nhiều người khuyên chuyển sang bếp điện cho khỏe và tiện nhưng gia đình đắn đo thời gian dài rồi quyết định cố gắng duy trì bếp củi vì sợ hương vị bún không bảo đảm độ ngon. “Cách nấu truyền thống bằng bếp củi cực hơn bếp điện nhiều. Nếu nấu bằng điện, tôi có thể dậy từ lúc 4 giờ, cắm điện rồi đi ngủ tiếp được vì không cần coi trước ngó sau. Còn nấu bằng bếp củi, tôi phải dậy từ 1 giờ sáng, căn chỉnh từng độ sôi: khi cần rực rỡ thì thêm củi, khi cần riu riu thì dụi bớt củi. Nhưng bù lại, nước lèo hầm củi sẽ ngon hơn do vị ngọt từ xương được ninh từ từ”, chị Tám chia sẻ.

Và để duy trì bếp củi luôn đỏ lửa, quán không chỉ mua mà còn tìm cách dự trữ để củi luôn đủ đầy và bảo đảm chất lượng cả mùa nắng lẫn mùa mưa; rồi xây dựng hệ thống hút khói để không gian quán không quá cay nồng… Vừa tính toán, chị vừa bật cười khanh khách: “Tính ra nấu củi không chỉ tốn công mà cũng tốn chi phí tương đương hoặc có khi hơn bếp điện rồi”.

Câu chuyện đương chừng thì bị phá vỡ bởi tiếng hò reo của một cậu nhóc 8 tuổi: “Cái chi lạ ri mẹ?”. Sau khi được người mẹ giải thích, cậu bé vẫn không ngừng đặt câu hỏi: “Răng không giống bếp nhà mình ạ?”, “Rứa làm răng để tạo ra lửa ạ?”, “Răng nhà mình không xài bếp củi như ri cho vui mẹ?”, “Rứa là bếp có nhiều loại hả mẹ?”. Chẳng ai hẹn ai, thanh âm quán đang xôn xao bất chợt tĩnh lại vài nhịp.

Dường như mỗi người đều thích thú lắng nghe sự hoan ca trong mẩu chuyện cũng như dõi theo đứa trẻ hào hứng ngắm nghía chiếc bếp xám tro. Trong đốm lửa bập bùng cháy, ánh mắt đứa trẻ vui tươi, ánh mắt người mẹ lấp lánh, ánh mắt thực khách xao xuyến còn ánh mắt người bán thì long lanh.

Những nụ cười, ánh mắt nhiều xúc cảm ấy cũng là động lực lớn lao nhất khiến người phụ nữ 54 tuổi chấp nhận sớm khuya tảo tần hơn 25 năm qua với niềm thương về một nét bình dị của quê hương. Chị thích nhìn những vị khách đứng tuổi bình lặng ngắm gian bếp reo tí tách. Chị vui lúc mấy đứa nhỏ ngạc nhiên lần đầu thấy bếp củi. Chị khoái khách hồ hởi vừa ăn vừa xoa đôi mắt cay xè khói bếp…

Khách đến quán bún lò củi (đường Phan Huy Chú, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) không chỉ để ăn mà còn để … nhớ. Ảnh: L.K
Khách đến quán bún lò củi (đường Phan Huy Chú, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) không chỉ để ăn mà còn để … nhớ. Ảnh: L.K

3. Hạnh phúc của người bán bình dị và giản đơn như thế. Còn hạnh phúc của người mua lại đầy niềm ngổn ngang, như lời tâm sự của chị Lê Thị Thu Quỳnh (SN 1982, ngụ quận Cẩm Lệ): “Thảng hoặc nhớ bóng dáng cặm cụi của mẹ cha trong căn bếp cũ một thời để nuôi mình lớn, có cái bếp củi nghi ngút để ngắm cũng phần nào vơi bớt thổn thức”. Âu, đó cũng là lý do cả hai quán nấu bằng bếp củi mà tôi ghé đến đều tấp nập khách. Người ta đến không chỉ vì một thức ngon, mà còn bởi một thức đẹp!

Cuộc sống ngày càng phát triển, những bếp gas, bếp điện tiện nghi, sạch sẽ thay thế dần bếp củi lem luốc. Nhưng vẫn còn rất nhiều người hoài thương nhớ bếp củi, như tôi, như những vị thực khách kia, như vợ chồng chị Vương Mai (41 tuổi, ngụ thành phố Hà Nội). Nỗi nhớ khắc khoải đã khiến chị Vương thuyết phục chồng cải tạo nhà kho trên tầng gác mái của căn nhà 5 tầng giữa lòng thủ đô thành căn bếp củi. Những hình ảnh về căn bếp mang màu hoài niệm khi được chủ nhân chia sẻ trên một diễn đàn mạng vào năm 2021 đã khiến bao người bồi hồi xao xuyến nhớ tuổi thơ.

Chị Mai từng tâm sự: “Tôi là con gái nông thôn nên ký ức về những món ăn từ bếp củi rất thương nhớ. Mùi khói bếp ám vào tay, vào tóc, vào thức ăn sao mà thân thương đến vậy, món ăn cũng ngon hơn lạ thường. Xa quê hơn 20 năm nhưng những hình ảnh thân thuộc của miền quê nghèo vẫn in rõ trong tâm trí. Tôi nhớ cháy bỏng cái cảm giác ngày ấy, khi trời xây xẩm tối, bếp củi đỏ lửa, khói bếp lan tỏa cay cay mắt, mọi người quây quần cùng nhau thổi cơm, chuyện trò rôm rả. Chiếc bếp mới giúp tôi được sống lại năm tháng tuổi thơ tươi đẹp”. Từ ngày có bếp củi, gia đình chị rộn rã hơn trước. Bạn bè, người thân mỗi cuối tuần đều thích tụ họp ở nhà chị để cùng nhau nấu nướng, trải nghiệm và thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị xưa được nấu bằng bếp củi.

Tôi vẫn tin rằng, dù thời gian trôi bao lâu, bếp củi mộc mạc vẫn luôn thơm hương trong ký ức của nhiều người, như lời thơ “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt:

“Giờ cháu đã đi xa.
Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

LAM KHUÊ

.