Đà Nẵng cuối tuần
Chạm cốc với mùa lau
“Tình thơ dại ai ngờ sâu nặng thế/ Năm tháng đi tình yêu vẫn ở/ Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau” (Võ Quế). Tôi đọc được những vần thơ ấy trong một chiều đông giá lạnh. Cái lạnh thấu từng lớp da thịt, nó đủ sức len lỏi qua mấy lớp áo rồi khiến người ta rùng mình. Với tôi, trong bầu không khí của trời đông, tôi hay để cõi lòng nhung nhớ về miền sâu thẳm và rồi chính nó như thể là ngọn lửa ấm áp sưởi lấy lòng tôi, thôi thúc tôi vượt qua tất cả. Võ Quế khiến tôi nhớ mùa đông, nơi đấy có tình thơ dại, có những câu chuyện tuổi thơ đã trở thành trầm tích tháng năm, có những bờ lau phất phơ nơi chốn hoa mộng của mình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Có lẽ, ai sinh ra và lớn lên ở nông thôn đều gắn tuổi thơ mình với một hồn hoa lau. Từ miền biển, đến đồng bằng, trung du, và điệp trùng sơn thủy lau đều có thể mọc dậy, lớn lên rồi cứ thế men theo mùa mà trổ bông.Những ngày còn nhỏ trong những buổi chiều đông căm căm rét, tôi nhớ theo dấu chân cha mình lên rừng đốn củi. Vốn là đứa trẻ thích bay bổng, lãng mạn tôi mê mải đến nỗi đi lạc lối cha để hái những bông hoa rừng, và đặc biệt là bứt những cánh lau tim tím vừa nở bên những con suối và buộc thành bó. Sắc màu của những bông lau ấy tựa như những nét vẽ nhẹ nhàng, điểm xuyết làm nên cái dáng vẻ trầm mặc và hoang sơ của khu rừng. Nhất là trong khoảnh khắc chiều tàn, trời lạnh như lạnh hơn, hoàng hôn mùa đông vẫn nồng đượm, trong hiu hắt gió từ sau núi thổi về, lẫn trong muôn giọt âm thanh của tiếng chim, lau càng sống động. Nó đẹp một cách lạ lùng, bởi những toan nắng sót lại như soi rõ những bông hoa lau li ti. Quang cảnh ấy như đưa tôi vào chốn mộng của một chiều điển tích. Tôi cứ mê mẩn đến vậy cho tới khi nghe tiếng cha vọng dưới chân đồi mới hớt hải trở về.
Tôi sẽ cùng nỗi nhớ của mình để chạm mềm những ký ức đẹp đẽ cùng đám trẻ con trong cái xóm nhỏ ven đồi. Những chiều đông hanh khô, chúng tôi theo chân những đàn trâu lên rừng chăn thả. Miệng đứa nào đứa nấy cũng nhoen nhoẻn cười, để lộ hàm răng trắng muốt như hoa mận cái độ xuân về, và đôi môi thâm tím vì mùa rét. Lau lách đã bày binh bố trận, bởi cái nhẽ lau mọc dày từng dãy, từng bông trắng muốt, xác xơ bung nở, rồi chờn vờn trong gió thấp thoảng, rất khó để phát hiện đối phương. Chúng tôi chơi đánh trận giả, rồi bắt chước cờ lau tập trận như Đinh Bộ Lĩnh. Những bông lau giơ cao lên đầu, chờn vờn trong gió nắng mùa đông khiến cho đám trẻ có cảm giác thật oai hùng. Dẫu đó chỉ là trận giả, nhưng có thể như một cách vô tình những khát khao được vươn xa, được chiến thắng, được làm chủ cuộc đời mình sau này của đám trẻ chợt dậy. Những trò chơi vui đáo để, vui đến nỗi chúng quên đi hết thảy những vết xước mà lá lau khứa vào...
Hoa lau ấy thế mà đã trở thành một người bạn của mùa đông tôi, nó kết nối tôi với mùa đông. Để rồi khiến tôi nhận ra rằng, trong cái lạnh lẽo và hiu quạnh ấy của mùa đông có phải muôn vật đều cô liêu khép mình, mà chúng vẫn quá đỗi nồng nhiệt và hữu cảm, chúng vẫn đem đến cho tôi một niềm hạnh phúc thật đỗi con trẻ, bắt nguồn từ những điều quá đỗi bình dị.
Chạm vào hồn lau, tôi chạm vào nguồn sức sống mãnh liệt và kỳ diệu. Dẫu đi qua nắng mưa, bão tố, sương giá, bị phát quang đốt phá tàn nhẫn như thế nào thì hễ còn cội gốc, lau lại mọc rồi xanh lên, rồi đến mùa lại trổ rộ. Để rồi khi mùa đã giữa đông, lau cũng chẳng còn giữ cho mình sắc tím ấy nữa, lau bung bẩy trắng xóa đến tận cùng xác xơ, rồi chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua những bông lau ấy lại bay tỏa lan bất tận vào không gian như những đàn chim bay về phương Nam tránh rét. Cái cảnh tượng ấy dễ chạm vào lòng người tha hương, chạm vào nỗi nhớ quê xứ tha thiết, chạm vào nỗi người biền biệt, chạm vào ngắn ngủi tàn phai miên tựa như thân phận con người. Bởi vậy, mà phải chăng lau đã trở thành một nét điểm đầy biểu tượng trong rất nhiều tác phẩm thi ca lâu nay?
Và sau cùng, tôi cũng có một nỗi buồn sâu thẳm tự bao giờ đã gửi vào hồn cỏ lau. Cũng trong một buổi chiều, nhưng không phải là buổi chiều mà tôi và bao đứa trẻ kia vi vu, mà là một buổi chiều đầy tang tóc và chia ly. Chiều ấy cả gia đình, họ hàng, làng xóm men theo đường mòn lên núi, đi vào khu rừng mả, để đưa tiễn ông nội tôi về nơi sương khói. Lau như đã hòa lòng cùng đoàn người, chúng bay bổng vương vào những tà áo tang trắng, chúng bấn loạn trước gió chờn vờn như thể đang khóc thương cho một cuộc đời vừa rụng. Và phải, lau đã có hồn, một tâm hồn mỏng manh, nhạy cảm nhưng cũng có những chiều kích sâu xa.
Chiều nay ngang qua con đê vắng ở ngoại ô thành phố, thấy những bờ lau đã bung trổ những cờ hoa trắng xóa, chúng đung đưa, chúng bất tận trong bạt ngàn gió rét của mùa đông. Bao năm rồi kể từ mùa đông ấy, mọi thứ đã xa, xa xôi vào miền thăm thẳm của vùng ký ức nhưng cớ sao một đám lau gầy chiều nay lại ám ảnh tôi đến vậy. Mùa lau trổ, mùa của hanh heo, mùa của xào xạc, mùa của những xôn xao đã bắt đầu được nhen dậy. Năm tháng đã trôi về đến những khoảng đoạn cuối cùng, bởi vậy mà những gì lạnh lẽo nhất, xơ xác nhất và hiu hiu buồn nhất mùa đông chẳng còn dấu kín nữa, mùa đông để cho tất cả những thứ đó bộc lộ giữa trời đất. Trước mắt tôi là cả một khoảng trời xa xăm vụt dậy...
TRẦN VIỆT HOÀNG