Đà Nẵng cuối tuần
"Cho đi là còn mãi"
Xuất phát từ sự đồng cảm với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, anh thợ cắt tóc quê Đồng Nai có quyết định khiến nhiều người cảm động.
Anh Hoài Thanh thuê căn nhà rộng rãi, trang bị đầy đủ nội thất cơ bản để đón các sinh viên tại Đà Nẵng vào ở miễn phí. Ảnh: N.H |
Hỗ trợ nơi ở cho sinh viên khó khăn
“Nhà ở miễn phí cho sinh viên Đà Nẵng chính thức hoạt động nhằm hỗ trợ sinh viên từ khi nhập học đến khi ra trường. Hy vọng sẽ giúp đỡ được nhiều nam sinh đến học tập tại thành phố Đà Nẵng. Yêu cầu, đang là sinh viên, có hoàn cảnh khó khăn, chăm chỉ học tập…". Đây là một phần nội dung bài chia sẻ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng những ngày qua. Bài đăng do anh Nguyễn Hoài Thanh, nhà sáng lập kiêm điều hành chuỗi tiệm cắt tóc nam Đông Tây Barbershop chia sẻ, thu hút hơn 25.000 lượt tương tác trên mạng xã hội.
Anh Thanh sinh ra và lớn lên ở một xã miền núi nghèo thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Anh mồ côi cha, sống cùng mẹ. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên khi lên 9 tuổi, anh Thanh đã phải rời nhà lên Thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh. Tại thành phố mang tên Bác, chàng trai mồ côi cha từng làm đủ các nghề như chạy xe ôm, bán vé số, đánh giày, làm công nhân may, thợ cắt tóc… để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Hơn ai hết, anh thấu hiểu nỗi khó khăn, nhọc nhằn của những người đi ở trọ để đi học, đi làm.
Anh tâm sự: “Tôi vốn xuất thân nghèo khó, hồi nhỏ phải làm đủ nghề mới có tiền đi học. Những ngày đầu chân ướt chân ráo lên Thành phố Hồ Chí Minh, tôi sống trong khu nhà trọ ổ chuột để tiết kiệm chi phí. Tháng nào cũng lo lắng khi đến ngày trả tiền trọ mà chưa “xoay” kịp. Vì thế, tôi thấu hiểu sinh viên khó khăn họ cần gì nên cố gắng làm việc chăm chỉ, tiết kiệm tiền để giúp họ có chỗ ở miễn phí”.
Từ anh thợ cắt tóc nghèo, Thanh trở thành nhà sáng lập kiêm điều hành thương hiệu Đông Tây Barbershop, chuỗi tiệm cắt tóc nam với nhiều chi nhánh trên toàn quốc. Năm 2021, sau chuyến khảo sát mở chi nhánh tại Đà Nẵng, anh quyết định thuê lại căn nhà có địa chỉ K87/9 đường Mẹ Nhu, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) làm nhà ở miễn phí cho sinh viên.
“Trong thời gian đi cắt tóc miễn phí cho sinh viên các trường đại học, tôi biết thêm nhiều trường hợp rất khó khăn. Các bạn đã đi làm thêm nhưng vẫn không đủ tiền đóng tiền trọ, trang trải sinh hoạt phí. Do đó, tôi tìm thuê một căn nhà nhỏ có phòng khách, phòng ngủ, bếp nấu ăn, toilet và chuẩn bị thêm 3 giường tầng, các nội thất cơ bản, lắp đặt mạng Internet. Nhà thuê trong thời gian 5 năm, dự kiến đón từ 6-8 bạn nam sinh vào ở miễn phí. Mong rằng đây sẽ là chỗ ở ổn định để các em yên tâm học tập, không phải vất vả lo gánh nặng tiền nhà hằng tháng”, anh Thanh chia sẻ về kế hoạch của mình.
Được chủ nhà tạo điều kiện ở miễn phí, Nguyễn Văn Hùng (quê huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Duy Tân cho biết bản thân rất vui và cảm thấy may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của anh Thanh. "Là sinh viên sống xa nhà, gia đình lại đang gặp khó khăn nên sự giúp đỡ của anh Thanh giúp em có điều kiện trang trải việc học, đỡ đần bố mẹ. Em sẽ cố giắng học tập để sau này có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như em bây giờ”, Hùng chia sẻ.
Tấm lòng anh thợ cắt tóc
Ít ai biết rằng, đằng sau nghĩa cử cao đẹp này, anh thợ cắt tóc mồ côi cha cũng là thành viên quen thuộc trong cộng đồng thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từng trải qua khó khăn, thiếu thốn bủa vây, anh quyết tâm giúp đỡ nhiều hơn những người đồng cảnh ngộ. Trước khi thuê nhà cho sinh viên tại thành phố Đà Nẵng ở miễn phí, anh Thanh đã thực hiện rất nhiều chương trình nhân văn dành cho sinh viên. Đơn cử, năm 2018, anh mở tiệm cắt tóc miễn phí dành cho tài xế công nghệ. Mô hình thiện nguyện đã được nhân rộng ra nhiều chi nhánh trên toàn quốc. Anh Thanh cũng phát triển thêm các xe cắt tóc lưu động và tiệm tóc trong khoảng 30 trường học, với mức giá cắt tóc chỉ 2.000 đồng/người.
Chưa kể, 4 năm trước, sau 20 năm lao động cật lực ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Thanh mua được căn nhà 30m2 đầu tiên nhưng không ở mà quyết định nhường căn nhà nhỏ này cho công nhân, người lao động và sinh viên nghèo ở miễn phí. Quyết định này của anh khiến nhiều người cảm phục. Suốt những năm qua, anh liên tục tổ chức các chương trình thiện nguyện, trao tặng học bổng cho học sinh và sinh viên các tỉnh miền núi. Anh tâm niệm “cho đi là còn mãi”.
"Khi ta tự nguyện cho đi, ta sẽ nhận lại nhiều hơn những gì bản thân mong đợi, biến niềm vui của người khác trở thành niềm hạnh phúc của mình. Đây cũng là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn trong công việc của mình", anh Thanh nói.
NGÂN HÀ