Đà Nẵng cuối tuần
Sức sống nghề truyền thống ở Thụy Sĩ
Trong khoảng 150-200 năm qua, thế giới đạt được nhiều bước tiến, từ những thành tựu công nghệ cho tới cuộc cách mạng số hóa. Dù vậy, nhân loại nhìn chung vẫn nhiệt thành với việc bảo tồn các nghề thủ công truyền thống vì những giá trị không thể thay thế của nó. Tại Thụy Sĩ - quốc gia giàu có và phát triển tại Bắc Âu - xu thế này cũng không ngoại lệ.
Một bộ thìa, nĩa bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo tại Bảo tàng chạm khắc gỗ Thụy Sĩ. Ảnh: Interlaken.ch |
Có một thực tế khó tin là hiện nay, xu hướng tự tay làm mọi thứ đang hồi sinh và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể quan sát điều này ở một số việc như làm đồ gốm, may vá, thêu thùa và đan móc. Ở Thụy Sĩ, tình yêu với nghề thủ công đặc biệt nồng nhiệt, một điều vẫn thường được lý giải có lẽ vì ảnh hưởng của lịch sử vùng đất cũng như những thách thức đặc thù của cuộc sống nơi có nhiều đồi núi. Khi nhìn vào kho báu các ngành nghề thủ công ở Thụy Sĩ, dễ thấy quốc gia này vẫn rất chú trọng bảo tồn các nghề như chạm khắc, gốm và nghề rèn.
Mỗi quốc gia đều có những đặc thù của mình, tùy vào lịch sử, vị trí địa lý và các điều kiện kinh tế nói chung, sẽ tác động tới sự ra đời và tồn tại của các ngành nghề thủ công của nơi đó. Trang sister-mag.com cho rằng, sức sống bền bỉ của những nghề thủ công ở Thụy Sĩ có một phần nguyên nhân từ đặc thù địa lý của một số vùng đất nơi đây.
Chẳng hạn, trong những ngày mùa đông giá buốt, những người sống ở các thung lũng xa xôi hẻo lánh với trập trùng đồi núi sẽ không dễ đi lại ra ngoài. Trong thời tiết ấy, những khoảng thời gian dư giả ngồi bên lò sưởi tránh rét trở thành điều kiện lý tưởng để người ta làm những việc như vẽ tranh, chạm khắc, làm gốm hay đan móc, thêu thùa, khâu vá.
Nếu tới thăm khu vực phía bắc của vùng đông Thụy Sĩ và phía nam của thành phố St. Gallen, bạn sẽ thấy những người dân ở vùng Appenzell và Toggenburg hiện tại vẫn còn vẽ tranh lên các đồ đạc trong nhà như cách họ đã làm kể từ thế kỷ XVI đến nay. Thường các bức tranh ấy được vẽ theo phong cách chất phác của những người nông dân xưa. Ngay cả hiện nay, dù là mô-tip cá nhân hay bức vẽ điển hình về những con bò hay các trang trại của vùng Appenzell, đồ đạc của người dân những vùng nói trên vẫn đang được trang trí giống hệt theo cách của những ngày xa xưa.
Còn nếu di chuyển về phía tây Thụy Sĩ, bạn sẽ bắt gặp những hồ nước xinh đẹp nổi tiếng ở Brienz và Thun. Nằm bên bờ phía đông của hồ Brienz ở Brienz là Bảo tàng chạm khắc gỗ Thụy Sĩ. Bảo tàng này do chính các nghệ nhân chạm khắc gỗ sinh sống tại đây lập ra từ đầu thế kỷ XIX. Ngôi trường đào tạo thợ khắc gỗ duy nhất ở Thụy Sĩ ra đời năm 1884 cũng tại Brienz, trở thành lò đào tạo ra các nghệ nhân chạm khắc gỗ cũng như các thợ tiện, những người đan giỏ và cả những người thợ đóng thùng.
Tiếp đó, sau 3/4 giờ lái xe trên đường A8, dọc theo hai cái hồ trên, người ta sẽ tới được bờ phía tây của hồ Thun. Vùng Thun-Heimberg-Langenau là trung tâm chuyên về đồ gốm thủ công của Thụy Sĩ. Các hộ gia đình nhỏ ở đây đã tạo nên các sản phẩm gốm độc đáo và nổi tiếng với những hoa văn được vẽ bằng một dung dịch hỗn hợp giữa nước và các chất khoáng.
Còn nếu bạn muốn ngắm nhìn những ngôi nhà vẫn giữ được những miếng gỗ ốp nguyên bản trên tường và mái lợp, hãy lái xe đi theo hướng tây nam từ vùng Thun tới chân các quả đồi thuộc dãy Alps ở Fribourg và Vaud, gần với hồ Geneva. Những người thợ lành nghề đã xẻ gỗ bách tùng ra thành những phiến gỗ ốp này, và các ngôi nhà dùng gỗ đó để ốp tường hay lợp mái đã tồn tại tới hơn 100 năm. Ở vùng này còn có những bức tranh tôn giáo Poya thường được vẽ với hai màu đen, trắng.
Ngoài ra, cũng phải nhắc tới nghệ thuật cắt giấy đã và vẫn còn rất phổ biến trên toàn Thụy Sĩ, nhất là ở các vùng Saanenland, Simmental (giữa Interlaken và hồ Geneva) và bang Fribourg; nghề làm ruy-băng lụa, dệt ruy-băng tại Basel, Aargau và Solothurn có từ thế kỷ XVI; và nghề dệt rơm ở Freiamt, phía nam Zurich, gần Lucerne được những người Ý mang tới Thụy Sĩ từ thế kỷ XVI.
Dấu ấn Geneva Nhắc tới Thụy Sĩ, không thể không nhắc tới các kỹ thuật chế tác đồng hồ bậc thầy của họ. Ở quận Saint-Gervais của Geneva có trung tâm Fabrique là nơi hội tụ của tất cả các chuyên gia trong các nghề làm đồng hồ, chế tác kim hoàn và đồ trang sức. Không chỉ đồng hồ, các kim loại quý cũng được chế tác thủ công vô cùng khéo léo tại đây. Các vật phẩm sang trọng và nổi tiếng thế giới như “Boules de Genève” (đồng hồ mặt dây chuyền) làm bằng vàng, hay “Émaux de Genève” (đồng hồ được chế tác bằng kỹ thuật Emanel - tráng men lên mặt kim loại) với những bức tranh và hoạt tiết đẹp tinh xảo đã làm mê hoặc mọi người. Cùng với đó, còn phải nhắc tới cái gọi là “Poinçon de Genève” (Geneva Seal - Dấu ấn Geneva), một chứng nhận được pháp luật bảo vệ về chất lượng cũng như nguồn gốc của những chiếc đồng hồ cơ được chế tạo và quản lý tại bang Geneva. Dấu ấn Geneva được in trên mặt số hoặc mặt sau của đồng hồ. Những chiếc đồng hồ được gắn dấu ấn này có nghĩa được phát triển, sản xuất và lắp ráp ngay tại Geneva, Thụy Sĩ theo đúng quy trình truyền thống của những nghệ nhân sở tại. |
TRẦN ĐẮC LUÂN