Đà Nẵng cuối tuần

Đậm đà bún sông Cu Đê

15:30, 20/04/2024 (GMT+7)

Sông Cu Đê không chỉ là dòng sông nổi tiếng trong lịch sử với những trận nội chiến thời Chúa Nguyễn mà còn nổi danh với nhiều món ăn đặc sản được chế biến từ cá đối, các loại tôm, rong biển… và đặc biệt là món ăn từ một loại thủy sản có tên gọi là bún sông.

Loài thủy sinh dưới đáy sông Cu Đê có thể chế biến thành món gỏi ngọt lành. Ảnh: M.K
Loài thủy sinh dưới đáy sông Cu Đê có thể chế biến thành món gỏi ngọt lành. Ảnh: M.K

Chiều cuối tuần, một người bạn gọi điện cù rủ "Chiều lên Nam Ô ăn bún sông hỉ". Tôi hỏi "bún sông" là chi? Bạn bảo đi rồi sẽ biết.

Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng theo hướng quốc lộ 1 ra Huế, qua khỏi cầu Nam Ô đến đường Nguyễn Phúc Chu, chúng tôi rẽ tay phải về phía biển vòng xuống quán Hải Lâm Chân Cầu Quán nằm dưới chân cầu đường sắt, ngay cửa sông Cu Đê. Quán đơn sơ nhưng rộng rãi, không khí trong lành, yên tĩnh khác xa cái ngột ngạt xô bồ của phố thị. Ở đây, bạn có thể vừa ngắm dòng Cu Đê mềm mại chảy từ dãy Trường Định đổ ra biển, vừa ngắm núi Xuân Dương, ghềnh Nam Ô, lại thấy được thành phố xa xa qua màn hơi nước mờ ảo, vừa ngắm những chuyến tàu hỏa Bắc Nam xập xình chạy qua, thỉnh thoảng lại ngạc nhiên trước những pha trình diễn của đàn cá đối tung mình lên khỏi mặt nước khoe sắc bạc lấp lánh trong ánh nắng chiều..., vừa thưởng thức món bún sông Cu Đê.

Anh N.R. năm nay ngoài 60, người đã gắn bó quãng thời niên thiếu của mình với cửa sông này. Trong lao xao của sóng và gió biển, anh giới thiệu cho chúng tôi món ẩm thực mà người dân nơi đây gọi là bún sông: “Nhiều người tưởng đây là loài thực vật, nhưng không phải, nó là động vật. Tôi cũng không biết tên gọi khoa học của nó là gì? Chỉ biết khi chúng tôi còn nhỏ, mỗi lần lặn xuống sông Cu Đê, sẽ thấy nó là một chùm gồm nhiều tua nhập lại giống những sợi bún, di chuyển như sứa biển trong lòng sông. Nơi sinh trưởng của nó phải là vùng nước trong, sạch. Mỗi năm nó chỉ có một mùa, khoảng hơn một tháng thì hết. Năm nay loài này đã xuất hiện trên cửa sông Cu Đê từ đầu tháng ba đến nay. Nếu ai đã từng thưởng thức những đặc sản ẩm thực của Nam Ô như cua đá, gỏi cá, cá đối cồi, tôm đất, mứt biển, nước mắm... mà chưa một lần thưởng thức món bún sông Cu Đê là điều đáng tiếc!”.

Anh còn cho biết, loại bún này trộn gỏi là ngon nhất. Chỉ cần một ít bún rửa sạch để cho ráo nước, một ít tôm đất, thịt ba chỉ xắt hình hạt lựu, ít đường, nước mắm, ớt tỏi, tiêu xay, đậu phộng, rau thơm thì trở thành món ăn hấp dẫn nhiều thực khách khi đến đây.

Bí quyết làm bún sông ngon nằm ở khâu trộn. Sau khi tao thịt và tôm để làm nhưn xong phải để cho nước nhưn nguội mới tiến hành trộn. Nếu trộn khi nhưn đang nóng thì sẽ làm mất đi màu xanh của sợi bún và bún bị mềm quá, mất ngon... Trong cái nắng nóng gay gắt đầu hè, gắp một đũa bún sông đưa lên miệng, chút hương vị mát dịu từ từ lan vào khứu giác kích thích dạ dày, sự mềm mại của sợi bún cộng thêm cảm giác giòn ngọt, mát lạnh ngay trên đầu lưỡi... của loại bún sông thật khác lạ so với các loại rong nho. Trong vị mềm, mát dịu khi đưa vào miệng còn có cảm giác mặn mòi của hương vị biển. Cái lạ của món ẩm thực này có lẽ bởi khúc sông Cu Đê nằm gần cửa biển, dòng nước giao hòa, là điều kiện thuận lợi cho loài bún sông này sinh sôi nảy nở, làm nên hương vị món ăn tuyệt vời này.

Thưởng thức món bún sông xong, chúng tôi ngược dòng Cu Đê lên phía thượng nguồn sông phía Cu Đê, nơi có loài bún sông sinh trưởng nhiều để tìm hiểu. Khúc sông này khi xưa chảy qua làng Thủy Tú. Chúng tôi may mắn gặp một người dân làng Thủy Tú là bà Nguyễn Thị Tia, năm nay gần 70 tuổi, người đã gắn bó với dòng sông này từ thời thơ ấu đến giờ, bà cho biết: “Loại bún sông này chỉ sinh trưởng mùa xuân, độ từ đầu tháng Hai đến cuối tháng Ba âm lịch.

Tùy theo thời tiết của năm nên năm có, năm không. Mẹ của những loài bún này dạng như con sứa và hung dữ lắm, nằm dưới đáy sông. Người dân làm nghề sông nước sẽ lặn xuống đáy xúc, hoặc sử dụng lờ thả xuống đáy vớt lên. Sau khi vớt lên thì dùng rổ rửa sạch nhằm lọc bỏ tạp chất bám trong bún, rồi đem về ngâm qua đêm để bớt vị mặn trong bún. Trước khi trộn bún, ta cần nấu nồi nước sôi để trụng bún, khi trụng phải nhanh tay chứ chậm sẽ làm sợi bún mất màu và mất vị giòn.

Sau đó tiến hành trộn bún với những nguyên liệu khác. Đối với người dân vùng Thủy Tú tự bao đời qua, thì đây làm món chống đói, từ xa xưa, người dân đã biết lặn xúc bún về trộn với đậu phụng ăn qua bữa. Ngày nay, loại bún này được người dân chế biến thành nhiều món trộn với các nguyên liệu hấp dẫn như tôm, thịt cùng rau húng, đậu phộng rang... Tất cả các nguyên liệu tươi ngon nâng đỡ, hòa lẫn với nhau tạo thành món ăn gây nhung nhớ cho du khách khi có dịp nếm thử”.

Chiều về trên sông Cu Đê, dòng nước xanh thẳm với những bóng người thoắt ẩn hiện ngụp lặn dưới đáy sông mang về loài thủy sinh để chế biến thành món gỏi ngọt lành "bún sông".

MINH KHUÊ

.