Đà Nẵng cuối tuần

Bình yên Hà Nội

16:43, 04/05/2024 (GMT+7)

Bình yên, nhẹ nhàng là cảm giác của người đọc khi đến với tập tản văn “Hà Nội chưa xa đã nhớ” của tác giả Vy Anh. Trong mỗi tản văn nhỏ xinh, tác giả luôn nhẹ nhàng lồng ghép những triết lý về nhân sinh, những chiêm nghiệm của chị về cuộc đời, những cái nhìn tích cực về ứng xử trong cuộc sống. Người đọc không chỉ thong thả dạo quanh Hà Nội cùng ngắm mây trời, hoa lá, cùng thưởng thức những món ngon mà còn nhận được ở đó những ứng xử đẹp trong cách sống, cách làm người.

Vy Anh tên thật là Cao Thị Lan Anh. Chị sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, hiện là phóng viên - biên tập viên Báo Kinh tế & Đô thị. Nhiều năm liền phụ trách chuyên mục “Văn hóa Thăng Long” nên dường như Hà Nội càng thêm đằm sâu trong trái tim chị. Đó là tâm hồn, trái tim của một người phụ nữ tha thiết yêu mảnh đất nơi mình được sinh ra. Trong tản văn “Hà Nội chưa xa đã nhớ” cũng là tên chị dùng để đặt cho cuốn sách của mình, Vy Anh nhẹ nhàng bày tỏ, Hà Nội luôn níu giữ trái tim chị một cách dịu dàng và sâu lắng. Nơi đó, có những điều thân thương khiến chị chưa kịp xa đã thấy nhớ vô vàn.

“Hà Nội chưa xa đã nhớ” được chia làm hai phần. Phần một là “Hà Nội bốn mùa thương” và phần hai có tên gọi “Món ngon Hà Thành”. Tựa như thể, du khách sau một vòng thưởng lãm cảnh sắc Thủ đô, không thể không nếm món ngon Hà Nội. Bằng một tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động cùng sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ, Vy Anh nhẹ nhàng đưa người đọc chu du qua các phố phường ngõ nhỏ của đất Hà Thành. Đó là một Hà Nội ngan ngát những sắc hương. Từ hương hoa sữa vấn vương, hương ngọc lan thẳm sâu, hương loa kèn lưu luyến, đến hương cốm đầu mùa dịu ngọt, hương thị chín dịu dàng… Tác giả gọi đó là “miền ký ức thấm đẫm hương hoa”. Cái miền ký ức ngọt ngào ấy khiến cho tâm hồn con người bỗng trở nên tĩnh lặng và bình yên vô hạn.

Đọc “Hà Nội chưa xa đã nhớ”, không chỉ khiến người đọc thêm yêu Hà Nội mà còn thêm trân quý mỗi khoảnh khắc được sống trong cuộc đời.

Cuộc sống ngoài kia với biết bao áp lực khi gánh nặng mưu sinh cứ đè ép trên vai. Mỗi ngày mở mắt ra là quay cuồng với công việc khiến cảm xúc của con người như khô cằn, chai sạn đi, khiến ta đã bỏ lỡ biết bao vẻ đẹp trong đời, cũng như đánh rơi sự an yên trong chính tâm hồn mình. Nhưng thật ra, chỉ cần đôi lúc chúng ta bước chậm một chút để lắng nghe tiếng chân mình vọng lại trong tiếng phố, lặng im nghe gió mơn man đùa tóc rối khi ngang qua phố nhỏ lao xao mùa lá rụng. Chậm một chút thôi để nghe tim mình vẫn còn nhịp nhàng rung lên bao cảm xúc giữa đời. Bao lâu rồi ta chưa dừng lại để thực sự lắng nghe một tiếng chim rơi giữa phố, hay thong dong thảnh thơi ngắm một cánh chim lẻ bạn vội vã bay giữa trời.

Trong cuốn sách viết về Hà Nội của mình, tác giả đã khắc họa một Hà Nội dịu dàng bình yên, một Hà Nội thơ mộng đầy xao xuyến. Mỗi một mùa xuân, hạ, thu, đông, Hà Nội lại khoác lên mình một vẻ đẹp rất riêng khiến bao người yêu Hà Nội phải thương nhớ. Ở đó cũng có những món ăn dân dã bình dị nhưng không kém phần thanh tao. Mỗi món ăn đều được tác giả miêu tả một cách sinh động đầy sắc hương. Đó là món canh chua thanh trà đầy ắp màu sắc, là dĩa bánh giò nóng hôi hổi, là tô bún ốc nguội thơm lừng, là món diếp cuốn bỗng rượu đầy lạ lẫm. Với tác giả, mỗi món ăn đều ẩn chứa bao kỷ niệm dấu yêu về thời bao cấp khốn khó, về sự tảo tần của mẹ trong căn bếp cũ xưa thuở khó nghèo. Và có lẽ, cái hương vị Tết ngày cũ là những ký ức đậm sâu và đẹp đẽ nhất mỗi khi tác giả nhớ về.

Đọc “Hà Nội chưa xa đã nhớ” người đọc dễ dàng nhận ra tác giả có đôi mắt tinh tế khi quan sát những cảnh vật xung quanh mình và có một trái tim dịu dàng để thấu cảm. Với chị, một giọt sương lung linh đậu trên bẹ hoa cau; làn gió mang hương thơm nhẹ nhàng từ chiếc quạt mo cau của mẹ; những ô cửa gỗ khép hờ nơi phố cổ tĩnh lặng; sương khói heo may lãng đãng trên từng hàng cây mái phố… đều khiến trái tim chị rung lên những cảm xúc ngọt ngào. Phải có tình yêu sâu nặng với phố, yêu đến cháy bỏng ruột gan, yêu đến tràn trề thì những xúc cảm về Hà Nội của Vy Anh mới chảy tràn trên từng câu chữ như thế.

“Hà Nội chưa xa đã nhớ”, người đọc còn thấy mình ở đó, trong những ký ức học trò đầy hoa mộng, cùng nhau rong chơi sau những giờ tan lớp; là những hoài niệm về một tuổi thơ vô ưu luôn lấp lánh màu cổ tích. Để rồi trên những bước trưởng thành, có những lúc xa nhà, lòng lại thấy da diết nhớ thương quê chảy tràn trong màu nắng dịu ngọt nơi xa xứ. Đọc tản văn của Vy Anh, đôi khi khiến ta giật mình, bởi “Có những cảm xúc đã lãng quên từ lâu bỗng được đánh thức, có những thương yêu tưởng đã thất lạc nay lại quay về”.

Nhà văn Ma Văn Kháng trong lời giới thiệu đầu sách đã nhận xét “Đọc tản văn Vy Anh là trôi theo dòng cảm xúc, là như được thoát ra khỏi cái ồn ào nhộn nhàng thường khi, lảnh ra một góc trời tĩnh lặng, êm đềm, đắm mình vào nỗi nhớ, xốn xang trong hoài niệm, lắng nghe tiếng nói thầm thì của tạo vật và trân trọng thêm, yêu quý thêm cuộc đời.”

Đọc “Hà Nội chưa xa đã nhớ”, không chỉ khiến người đọc thêm yêu Hà Nội mà còn thêm trân quý mỗi khoảnh khắc được sống trong cuộc đời.

“Hà Nội chưa xa đã nhớ” là tập tản văn in riêng đầu tiên của tác giả Vy Anh do NXB Quân đội nhân dân ấn hành đầu năm nay. Trước đó, Vy Anh  từng có các tác phẩm in chung như: “Miền mưa xanh” (NXB Hội Nhà văn, 2020), “Những đôi môi cười” (NXB Hội Nhà văn, 2021).

MINH DIỆP

.