Đà Nẵng cuối tuần

Cô là hoa Tường Vy

14:59, 25/05/2024 (GMT+7)

Trong những ngày nắng vàng như mật rọi khắp con đường, NSND Tường Vy (tên thật Trương Tường Vy), người có giọng hát ví như chim họa mi đã đi xa, để lại sự tiếc thương cũng như vô vàn ký ức cho người ở lại. Bởi tiếng hát ấy có đôi lúc như là dòng suối mát chữa lành bao tâm hồn nhưng cũng có khi hừng hực lửa dội, khí thế hiên ngang đánh tan quân thù.

NSND Tường Vy nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: ST
NSND Tường Vy nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: ST

Cô y tá đam mê ca hát

Ít ai biết rằng, trước khi trở thành ca sĩ trong làng âm nhạc cách mạng, NSND Tường Vy là cô y tá tại Bệnh viện quân y 108. Nhạc sĩ Trần Hùng con trai NSND Tường Vy tâm sự về thời thanh xuân khi bà còn là cô y tá với vóc dáng bé nhỏ cho đến nhân duyên gắn bó ca hát. Sinh ra tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ngay từ nhỏ, bà sớm bộc lộ niềm đam mê âm nhạc dẫu trong gia đình không có ai theo hướng nghệ thuật. Năm 1954, cú sốc tâm lý bà ngoại mất, bà quyết định nhập ngũ và trở thành y tá. Nhờ có chất giọng cao vút, ngọt ngào, thời gian này giọng hát của bà đã chữa lành bao tâm hồn chiến sĩ khi họ đang cận kề giây phút sinh tử. Niềm đam mê âm nhạc quá lớn, năm 1956, bà chuyển sang đoàn ca múa Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và bắt đầu học thanh nhạc.

Đúng sở trường, NSND Tường Vy dành cả tuổi xuân rèn dũa với âm nhạc và đảm đương tất cả thể loại nhạc dân ca cho đến nhạc cách mạng. Đến năm 1962, bà thi đậu khoa thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và tốt nghiệp năm 1967. Bà là một giọng ca nữ khá hiếm bởi sở hữu giọng lirico coloratura soprano (giọng nữ cao trữ tình màu sắc), có âm vực rộng, tinh tế, trong sáng, linh hoạt. Ở âm vực cao, âm sắc nữ cao nghe giống tiếng sáo thoai thoải vang xa và hệt tiếng chim họa mi hót lảnh lót nơi khu rừng già.

Dẫu biết sinh ly tử biệt là quy luật đời người nhưng sự ra đi của NSND Tường Vy là sự mất mát cho nghệ thuật âm nhạc cách mạng. NSND Tường Vy về cõi mây phiêu diêu xa xôi nhưng tiếng hát bà mãi ở lại trong ký ức của hàng vạn khán giả xa gần. 

Minh chứng rõ nhất là các tác phẩm của NSND Tường Vy trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam hay trên các chiến trường từ Nam ra Bắc đã động viện, cổ vũ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân, quân đội ta như: Tiếng đàn Ta Lư (Huy Thục), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp), Người con gái sông La (Doãn Nho), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Người lái đò trên sông Pô Cô (Cẩm Phong), Suối Lê-nin (Hà Té, Hoàng Đạm)… Có thể nói, bài hát “Cô gái vót chông” “Tiếng đàn Ta Lư” qua giọng hát của bà đã đạt trình độ cao, để lại tiếng vang lớn trong sự nghiệp. Khó có ca sĩ nào thoát khỏi cái bóng của NSND Tường Vy khi thể hiện hai ca khúc bất hủ đi cùng năm tháng này. Trong đó, ca khúc “Cô gái vót chông”, bà hát thêm một đoạn staccato (cách hát bậc âm thanh) nảy thành tiếng chim hót líu lo. Về sau, các ca sĩ phải hát thêm đoạn tiếng chim hót như buộc phải có giúp bài hát bay bổng hơn. Với cách hát sáng tạo này, bà được biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng như tham gia biểu diễn khắp các nước Âu, Á, Mỹ…

Nhiều người trong giới văn nghệ sĩ biết đến NSND Tường Vy không chỉ qua kỹ năng đỉnh cao trong cách hát mà họ còn biết đến bà là một nhạc sĩ trong lĩnh vực sáng tác những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước như: Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả… hay những ca khúc thiếu nhi: "Đời cho em những nốt nhạc vui", "Ước mơ của bé là hòa bình"... Với sự điêu luyện trong ca hát lẫn sáng tác, bà đoạt nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng Liên hoan giọng hát hay toàn quốc (1962), Huy chương Vàng tại liên hoan ca nhạc quốc tế Xô-phi-a (1968), Giải Nhì toàn quốc bài Phi đội ta xuất kích; Giải Ba toàn quốc bài Quê hương anh là biển cả (1964)… Đến năm 1974, bà tiếp tục đào tạo sâu chuyên ngành âm nhạc tại cái nôi nền âm nhạc thế kỷ trước, Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Về sau, bà giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đào tạo nhiều nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. 

Vun đắp tài năng cho thế hệ trẻ

NSND Tường Vy dành cả cuộc đời cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng, những ca khúc bà thể hiện đã đi cùng năm tháng. Ảnh: ST
NSND Tường Vy dành cả cuộc đời cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng, những ca khúc bà thể hiện đã đi cùng năm tháng. Ảnh: ST

Ít ai biết rằng, tại ngôi nhà nhỏ của NSND Tường Vy ở phố Mai Dịch (thành phố Hà Nội), nhiều nghệ sĩ như Thanh Lam, Đồng Quang Vinh, Giáng Son, Khánh Thi, Thái Thùy Linh... miệt mài theo học và đã thành công trong sự nghiệp. Theo nhạc sĩ Trần Hùng, sau khi về hưu, bà vẫn tiếp tục dành thời gian cống hiến, vun đắp tài năng cho thế hệ trẻ là các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thiên hướng yêu thích nghệ thuật. Năm 1992, sau khi gặp các em nhỏ mồ côi, khuyết tật tại trại trẻ mồ côi, có năng khiếu về âm nhạc, bà quyết định thành lập CLB Nghệ thuật tình thương dưới sự bảo trợ của Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Bà tận tình, cần mẫn, chỉ dạy cho các em học hát, học đàn gần 5 năm. Bất kể đi đến đâu miễn có đàn, có các em thì nơi đó như là sân khấu để bà thỏa sức dạy các em học. Đến năm 1997, để hoạt động bài bản, giúp các em có cái nôi vững chắc, bà sáng lập Trung tâm Nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Quảng Nam và Đà Nẵng. Mỗi một trung tâm NSND Tường Vy xây dựng một sân khấu nhỏ để các em thể hiện tiết mục nghệ thuật hay các chương trình bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật. Đồng thời, bà ra sức mời gọi ca sĩ, nhạc sĩ, những người cùng chí hướng đến giảng dạy, đào tạo cho các em từ khi gieo hạt đến khi nảy mầm. Bởi bà biết rằng, các em thiếu may mắn từ lúc sinh ra, việc bồi đắp nghệ thuật ở khía cạnh tinh thần sẽ phần nào giúp các em nhận ra khả năng âm nhạc và vẽ sắc màu cho tương lai. Qua nhiều năm tháng, NSND Tường Vy vui khi có nhiều lứa học trò đã trưởng thành và có những thành công nhất định trong nghề. “Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật nước nhà là điều bà rất đỗi tự hào bởi trong từng hơi thở, mạch máu, âm nhạc trong bà vẫn không ngừng chảy mãi cho đến lúc ra đi. NSND Tường Vy mong muốn trong tương lai, các trung tâm nghệ thuật sẽ tiếp tục sự nghiệp nhân đạo nhỏ bé của mình để không ngừng tìm cách hỗ trợ bồi dưỡng tài năng cho các em.

Đồng thời, chỉnh trang, tu bổ, xây dựng những sân khấu ngày càng đẹp hơn, góp phần tích cực vào việc duy trì và phát triển các trung tâm hoạt động hiệu quả. Tình cảm của bà dành cho các em thật ấm áp, nhất là em có năng khiếu nghệ thuật nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn, bà luôn dành thời gian, công sức để ủng hộ, giúp đỡ thành công như miền Trung có ca sĩ Hà Chương, Bích Diễm, miền Bắc có Linh Nga, Hoàng Mạnh Cường, Sơn Lâm...”, anh Hùng bày tỏ.  

Ký ức người ở lại

Học trò tiêu biểu của bà là nghệ sĩ, nhạc sĩ Hà Chương (SN 1982), chàng trai khiếm thị quê Quảng Ngãi được bà dìu dắt, giúp đỡ từ khi 12 tuổi cho đến khi tốt nghiệp thủ khoa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trong ký ức anh Hà Chương, NSND Tường Vy là người mẹ thứ hai trong cuộc đời. Hà Chương cho biết, năm 1994, anh được nghe bà hát tại Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, và được lên sân khấu hát và đánh đàn bầu cho NSND Tường Vy thưởng thức. Đó là ca khúc “Chỉ có một trên đời” sáng tác nhạc sĩ Trương Quang Lục, NSND Tường Vy ngân nga theo anh hát và từ đó phát hiện ra tài năng của anh nên dành sự quan tâm đặc biệt. Năm 1995, Hà Chương tham gia cuộc thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ” tại thành phố và xuất sắc đoạt giải Nhất. Sau này có dịp về thăm trường, NSND Tường Vy chỉ dạy anh nhiều điều trong cuộc sống lẫn kỹ thuật thanh nhạc, cách xử lý tác phẩm như thế nào để khi hát truyền tải lắng đọng đến người nghe.

Anh là nguồn cảm hứng để bà sáng tác dành tặng ca khúc “Em lắng nghe tiếng đời” viết về những người khiếm thị, tuy không thể nhìn nhưng họ có thể nghe những con sóng, nghe vọng tiếng yêu thương của cuộc đời này. Với ca khúc này khi tham dự tại các cuộc thi, Hà Chương giành Huy chương Vàng hát đơn ca và Huy chương Vàng độc tấu đàn bầu và được nhận bằng khen của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và được biểu diễn trước Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Với anh, NSND Tường Vy là người thầy có sức ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp, những sáng tác của anh luôn hướng đến sự bao dung, tình yêu thương, mở ra điều tươi sáng, có lối thoát chứ không bi lụy, sầu ải. “Bà là người nghệ sĩ tài năng có quãng giọng hiếm, hài hước, vui vẻ, nấu ăn ngon. Trái lại, bà rất kỹ tính từ cách hát cho đến cách biểu diễn hay trang phục trước khi lên sân khấu. Xuyên suốt những tác phẩm của tôi, sự sâu sắc trong cách thể hiện, xử lý tác phẩm, cảm xúc đều được bà chia sẻ, chỉ dạy, đặt viên gạch vững chải đầu tiên khi tôi 12 tuổi”, anh Chương tâm sự.

NSND Trịnh Mạnh Hùng, Quyền Giám đốc Trung tâm nghệ thuật tình thương Đà Nẵng bày tỏ, năm 1997, được bà Tường Vy ngỏ ý và chia sẻ những dự định, ước mơ cho các em nhỏ tại trung tâm. Ông tham gia giảng dạy miễn phí bộ môn thổi sáo kiêm phụ trách công tác đào tạo biểu diễn và luôn dành tình yêu thương để bù đắp cho các em. Sự ra đi của NSND Tường Vy để lại trong ông vô vàn kỷ niệm, nuối tiếc. Bởi bà là không chỉ là đồng nghiệp, đồng đội mà còn là người chị mà ông luôn dành sự kính trọng mỗi khi nhắc đến.

Gần 30 năm qua, các trung tâm nghệ thuật tình thương của NSND Tường Vy đã vun đắp tài năng như đàn, hát, thổi sáo… cho hàng nghìn em nhỏ khuyến tật, mồ côi yêu nghệ thuật. Hơn hết, bà là nguồn động lực, niềm cảm hứng, xoa dịu nỗi đau giúp các em khẳng định tài năng, vẽ tiếp ước mơ trên chặng đường tương lai.

HUỲNH TƯỜNG VY

.