Đà Nẵng cuối tuần
Bình yên vùng giáp ranh
Địa hình phức tạp, rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn ở khu vực giáp ranh đã tạo môi trường thuận lợi cho các loại hình tội phạm hoạt động. Thực tế này đòi hỏi lực lượng công an phải có chiến lược và phương pháp tiếp cận đặc biệt nhằm ngăn chặn, xử lý, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân địa phương.
Lực lượng công an xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang trên đường đi tuần tra, giám sát địa bàn nhằm bảo đảm an ninh trật tự vùng giáp ranh. Ảnh: T.Y |
Tạo liên kết chặt chẽ với người dân
Đều đặn lúc 20 giờ và 0 giờ 30 phút mỗi ngày, hai tổ tuần tra 8395 gồm lực lượng công an, dân phòng, dân quân thường trực… xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) rời khỏi trụ sở, bắt đầu chuyến tuần tra đêm. Những vòng xe máy chạy dọc các thôn Nam Yên, Tà Lang, Giàn Bí, Lộc Mỹ, Nam Mỹ, An Định rồi ngược về thôn Phò Nam - khu vực trung tâm xã. Cứ thế, theo sự phân công, hai tổ tuần tra sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra khép kín địa bàn. Việc tuần tra này được thực hiện hằng đêm, bất kể điều kiện thời tiết, nhằm ngăn chặn và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ tài sản và sự an toàn cho người dân.
Ông Trương Văn Nam, người dân thôn Nam Yên cho hay, những vòng xe máy của lực lượng tuần tra chạy qua địa bàn các thôn mỗi đêm đã trở thành hình ảnh quen thuộc, mang lại cảm giác an toàn cho người dân. Nhờ đó, bà con trong thôn cảm thấy yên tâm, không còn lo lắng nạn trộm cắp hay các vấn đề an ninh khác. “Công tác tuần tra không chỉ mang lại sự bình yên cho khu vực mà còn tạo mối liên kết chặt chẽ giữa lực lượng chức năng và cộng đồng, nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm của người dân chúng tôi trong bảo vệ an ninh chung”, ông Nam nói.
"Năm 2023, công an các địa phương vùng giáp ranh đã tích cực phối hợp nắm tình hình, trao đổi 32 lượt thông tin liên quan đến tội phạm. Riêng công an phường Hòa Hiệp Nam và xã Hòa Bắc đã tổ chức 730 lượt tuần tra với 4.380 lượt công an, bộ đội biên phòng, kiểm lâm, dân quân, bảo vệ dân phố, dân phòng tham gia tuần tra, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn giáp ranh. Chưa kể, lực lượng công an chính quy được bố trí về các xã vùng giáp ranh đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, thiết lập quan hệ phối hợp ngày càng đồng bộ, chuyên nghiệp, giúp bảo vệ vững chắc an ninh khu vực này” Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng |
Ngoài hoạt động tuần tra, công tác phối hợp giải quyết an ninh trật tự vùng giáp ranh giữa lực lượng công an xã Hòa Bắc và công an xã Hương Lộc (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) thời gian qua cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Trung tá Lê Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Bắc cho biết, xã có diện tích tự nhiên gần 34.000 ha, trong đó địa bàn rừng núi chiếm khoảng 2/3 diện tích, giáp ranh với quận Liên Chiểu và các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Theo Trung tá Lê Văn Tư, địa bàn giáp ranh hầu hết là khu vực rừng núi hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn, cách xa trung tâm xã, có nơi chưa phủ sóng điện thoại. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa hai lực lượng, các vấn đề an ninh trật tự, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng và nguồn nước đầu nguồn tại khu vực này được duy trì ổn định, góp phần tạo nên môi trường sống an toàn và bình yên cho người dân hai xã.
Không chỉ phức tạp về mặt an ninh trật tự, giải tỏa đền bù, khu vực giáp ranh giữa hai xã Hòa Bắc và Hương Lộc trải dài theo tỉnh lộ 14C hay cao tốc La Sơn - Túy Loan cũng đối mặt với những vấn đề phức tạp về tôn giáo. Thời gian qua, sự xuất hiện của tổ chức “Hội Thánh đức Chúa trời mẹ”, giáo phái Pháp luân công... đã tạo thêm thách thức cho lực lượng chức năng trong duy trì trật tự và ổn định khu vực. Trước thực tế này, lực lượng công an đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại các thôn giáp ranh, không tiếp tay cho đối tượng xấu.
“Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo công an viên tích cực trao đổi thông tin, nắm chắc địa bàn, đối tượng nhằm kịp thời phát hiện, tham mưu cho công an xã phối hợp xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, duy trì thường xuyên mô hình quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự như “Con em đồng bào dân tộc Cơ tu nói không với vi phạm pháp luật”, “Tờ rơi tuyên truyền phòng chống tội phạm”, cũng như tăng cường kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, ban nhân dân thôn, tổ phản ứng nhanh, tổ hòa giải cơ sở. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị tại địa bàn giáp ranh xã Hòa Bắc những năm qua được giữ vững, không để xảy ra điểm nóng”, Trưởng Công an xã Hòa Bắc khẳng định.
Tăng cường công tác dân vận
Đặc thù địa lý vùng giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế tạo ra thách thức lớn cho các hoạt động bảo vệ an ninh. Với những con đường mòn heo hút, các khe núi hẹp và rừng rậm dày đặc, khu vực này trở thành điểm nóng khi tội phạm sử dụng làm nơi lẩn trốn cũng như thực hiện các hoạt động phi pháp.
"Bảo vệ bình yên vùng giáp ranh vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức mà ở đó, sự nỗ lực không ngừng của các lực lượng chức năng cùng sự hỗ trợ của người dân địa phương đã và đang tạo nên một tấm lá chắn vững chắc, giúp bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân” Thượng tá Ngô Văn Công, Trưởng Công an quận Liên Chiểu |
Thượng tá Mai Chiến Thắng, Trưởng Công an huyện Hòa Vang cho biết, song song với công tác giữ gìn an ninh trật tự, lực lượng công an huyện tăng cường hoạt động dân vận nhằm tạo sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng chức năng và người dân trong khu vực. Trong đó, đáng chú ý là duy trì hoạt động 23 mô hình phòng chống tội phạm, 2 mô hình dân vận khéo và hằng năm tổ chức hơn 190 buổi tuyên truyền với hơn 39.290 lượt người nghe. Thông qua công tác tuyên truyền, trang bị thêm cho người dân những nội dung về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm. Đồng thời, công an 11 xã đã đăng tải hơn 1.500 bài viết tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và các kỹ năng đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên các trang mạng xã hội do đơn vị quản lý. Cũng theo Thượng tá Mai Chiến Thắng, qua công tác tuyên truyền, dân vận khéo, nhân dân và cán bộ trên địa bàn đã cung cấp cho lực lượng công an 165 nguồn tin có giá trị, chưa kể giao nộp 52 vũ khí gồm súng, đạn quân dụng, dao, kiếm…
Tương tự, lực lượng công an quận Liên Chiểu cũng xác định bảo vệ an toàn vùng giáp ranh là bảo vệ bình yên cho người dân thành phố nên tập trung bố trí đủ quân số, đủ chỉ huy theo định biên Bộ Công an. Qua đó, thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức lối sống gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, với mục tiêu bảo đảm rằng mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong thực thi nhiệm vụ và giữ vững tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Thượng tá Ngô Văn Công, Trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, trong bối cảnh tội phạm ngày càng tinh vi và phức tạp, đặc biệt tại các khu vực rừng giáp ranh, việc nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị của lực lượng công an là vô cùng quan trọng. Những khóa huấn luyện không chỉ tập trung vào kỹ năng nghiệp vụ cơ bản mà còn bao gồm cả các kỹ năng đặc thù như chiến thuật phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp và phương pháp tiếp cận hiện đại trong hoạt động điều tra. Thêm vào đó, công an vùng giáp ranh được trang bị thiết bị hiện đại như hệ thống camera giám sát, thiết bị theo dõi từ xa và phương tiện tuần tra chuyên dụng để tăng cường khả năng giám sát, phản ứng nhanh chóng khi có tình huống cần can thiệp.
Theo Trưởng Công an quận Liên Chiểu, qua các biện pháp trên, lực lượng công an quận và các đơn vị giáp ranh khẳng định cam kết bảo vệ an ninh và trật tự tại khu vực biên giới của thành phố, qua đó góp phần tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và bình yên cho người dân. Nói cách khác, bảo vệ bình yên vùng giáp ranh vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức mà ở đó, sự nỗ lực không ngừng của các lực lượng chức năng cùng sự hỗ trợ của người dân địa phương đã và đang tạo nên một tấm lá chắn vững chắc, giúp bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.
TIỂU YẾN