Đà Nẵng cuối tuần

BÌNH YÊN VÙNG BIÊN

Dân vận dưới tán rừng

16:43, 18/05/2024 (GMT+7)

Rừng bây giờ, trong tâm thức cộng đồng ở vùng cao Đà Nẵng và nhiều nơi khác không đơn thuần là câu chuyện sinh kế, mà rộng hơn là trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên từ những sẻ chia ngay dưới tán rừng. Đó là kết quả từ công tác dân vận trong bảo vệ rừng, từ nỗ lực của địa phương và cơ quan chức năng suốt thời gian qua.

Người dân xã Hòa Phú tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: X.S
Người dân xã Hòa Phú tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: X.S

Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Trung (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) ngược núi về vùng tây thành phố để… trồng cây gỗ lớn. Trong ký ức ông già 74 tuổi, hồi đó, so với việc đốn cây lấy gỗ, khái niệm trồng rừng ở xã chưa được nhiều người quan tâm, hầu hết chỉ tập trung vào cây keo. Quả đồi ngày ấy bây giờ được ông Trung phủ xanh bằng 47 ha cây trồng. Trong đó, có 3 ha dùng để sản xuất, đào ao thả cá, chăn nuôi… Đây cũng là nơi sinh lợi cho gia đình mấy năm qua.

Sinh kế và trách nhiệm

Ông Trung tự hào kể chuyện gia đình đã chủ động tham gia hợp đồng giao khoán dịch vụ môi trường rừng với Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (thuộc Chi cục Kiểm lâm thành phố). Các con ông thu về số tiền đáng kể mỗi năm từ công tác này. Cùng với việc hưởng ứng trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết số 254/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố, ông nhấn mạnh: “Đó là những chủ trương ý nghĩa, thiết thực để vừa giữ rừng bền vững, vừa giúp người dân hưởng lợi từ chính những cánh rừng mà mình gắn bó”. Với ông Trung, khi rừng cho con người mọi thứ, thì con người càng phải có trách nhiệm gìn giữ màu xanh của rừng.

Người Hòa Phú nhìn ra đã thấy rừng. Đó là nhận định rõ ràng nhất về hiện trạng rừng ở xã miền núi này, nếu nhìn vào diện tích rừng chiếm hơn 8.000 ha trên tổng diện tích tự nhiên hơn 9.000 ha của toàn xã. Trong đó khoảng 2.200 ha là rừng đặc dụng thuộc tiểu khu 52, 53, 54. Nhìn về phía núi, ông Lê Văn Nghĩa, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc không nhớ hết số lần cùng lực lượng chức năng tham gia tuần tra, kiểm tra rừng. Với ông, trồng rừng gỗ lớn và quản lý, bảo vệ rừng là hai việc quan trọng với cộng đồng dân cư vùng núi, khi mà bà con lâu nay đều sống dựa vào rừng. Ở đó, nếu trồng rừng gỗ lớn giúp bà con hưởng lợi về cả mặt kinh tế và môi trường, thì việc phối hợp với lực lượng chức năng trong bảo vệ rừng là cách để bà con có trách nhiệm trong giữ gìn môi trường sống bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Gia đình ông Trung, ông Nghĩa là hai trong số 280 hộ dân tham gia hợp đồng giao khoán dịch vụ môi trường rừng với Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Cụ thể, có 140 hộ ở xã Hòa Bắc, 80 hộ tại các xã Hòa Phú và Hòa Ninh cùng 60 hộ tại xã Tư của huyện Đông Giang, chủ yếu là đồng bào Cơ tu sống dựa vào rừng, lớn lên cùng những cánh rừng bao quanh bản làng. Tham gia mô hình này, họ cam kết không vi phạm, không xâm hại đến rừng, đồng thời có trách nhiệm hỗ trợ theo dõi, báo cáo những tình huống bất thường trên địa bàn rừng với lực lượng chức năng, ngoài ra còn được hưởng lợi trên nhiều khía cạnh.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam, trên địa bàn xã có khoảng 6.500 ha rừng do xã quản lý, còn lại chừng mười mấy nghìn ha rừng thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Hằng năm, từ hai nguồn này, mỗi hộ dân tham gia ở thôn Tà Lang và thôn Giàn Bí được hỗ trợ 10-20 triệu.

Để đạt được những kết quả trên, trước hết phải từ công tác dân vận của các địa phương và lực lượng chức năng bảo vệ rừng. Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Hải Cường cho biết, những nội dung về bảo vệ và phát triển rừng nói chung, trong đó có chủ trương trồng cây gỗ lớn và dịch vụ môi trường rừng luôn được tuyên truyền thường xuyên tại nhà Gươl thôn Phú Túc và các khu dân cư để người dân nâng cao ý thức.

Tại các xã cũng đã hình thành tổ bảo vệ rừng tập trung, phối hợp lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra an ninh, phòng cháy, chữa cháy rừng… Ngoài ra còn có các nhóm, tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng ở khu dân cư.

Không đơn thuần chỉ giữ rừng

Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa có 7 trạm quản lý bảo vệ rừng trực thuộc, chủ yếu nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, giáp ranh. Trong đó, có thể kể tới Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tà Nô giáp hai huyện Nam Đông và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế và Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông vừa giáp huyện Nam Đông vừa giáp huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam).

“Nói vùng sâu, vùng xa, bởi các trạm cách khá xa trung tâm thành phố và khu dân cư, như trạm Cà Nhông cách trung tâm tới hơn 70km, để đến đó phải đi băng qua địa phận xã Tư của huyện Đông Giang rồi vòng xuống… Địa bàn xa, rừng rộng mà lực lượng ở các trạm thì có hạn. Nói rứa để thấy sự đồng hành của cộng đồng dân cư ven rừng đóng vai trò quan trọng, là cánh tay nối dài trong công tác bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Thành Tân, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa nhấn mạnh khi nhắc tới công tác dân vận dưới những tán rừng nơi cánh tây thành phố.

“Chúng tôi chủ trương giảm bớt những buổi hội họp tuyên truyền lý thuyết. Thay vào đó, lực lượng bảo vệ rừng cùng ăn, cùng ở, đi tuần tra, cùng làm việc với bà con dưới tán rừng; đồng thời hòa nhập, gần gũi với cuộc sống địa phương thông qua những hoạt động văn hóa - đời sống làng, xã. Thông qua đó, lực lượng chức năng lồng ghép các nội dung tuyên truyền trực tiếp, gần gũi về rừng, về đa dạng sinh học và lợi ích của quản lý rừng. Ví dụ loại thú nào cần được bảo vệ, loài cây nào được giữ gìn hay nguy cơ của việc đốt lửa lấy mật ong, đốt thực bì, tuyên truyền trồng cây dược liệu dưới tán rừng…”, ông Tân cho biết.

Nhiều năm nay, lực lượng công tác ở địa bàn Bà Nà - Núi Chúa không đơn thuần chỉ giữ rừng mà còn là một phần của cộng đồng dân cư. Ở đó, họ kết nối chặt chẽ với các già làng, trưởng bản, hội đoàn thể địa phương… trong vận động, tuyên truyền các chủ trương của Nhà nước về bảo vệ rừng với người dân, đặc biệt là lợi ích của quản lý rừng với đời sống bà con lâu dài. Đặc biệt, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng để tạo tin tưởng, đồng thuận từ người dân.

Đối với địa bàn xã Ba và xã Tư của huyện Đông Giang, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa chủ trương tạo quan hệ tốt, phối hợp trong công tác bảo vệ an ninh khu vực và tuyên truyền người dân vùng giáp ranh… Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Túc Lê Văn Nghĩa chia sẻ: “Tình hình vùng giáp ranh liền kề với các xã của huyện Đông Giang đã không phức tạp như xưa khi hai bên có sự phối hợp chặt chẽ, từ chính quyền, công an, kiểm lâm, người dân địa phương. Ở đó, tinh thần “anh bảo vệ tôi, tôi bảo vệ anh vì lợi ích chung” được nhấn mạnh, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng người dân”.

Rừng bây giờ, trong tâm thức cộng đồng đã không chỉ là câu chuyện sinh kế, mà rộng hơn là trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên, từ những sẻ chia ngay dưới tán rừng.

Theo Ban Chỉ đạo Chiến lược Phát triển lâm nghiệp thành phố giai đoạn 2021-2025, sau 3 năm thực hiện chiến lược này (2021-2023), Đà Nẵng thu dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 25,5 tỷ đồng, có 586 hộ nhận khoán theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng của thành phố. Giai đoạn này, diện tích trồng rừng sản xuất tập trung đạt 4.038,31 ha; trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đạt 423,1729 ha. Diện tích trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đạt 365,35 ha. Diện tích rừng tự nhiên được nuôi dưỡng, xúc tiến tái sinh đạt 346,837 ha. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 422.120 m3. Chất lượng rừng tự nhiên tăng, diện tích rừng giàu đạt 18.986,53 ha.

XUÂN SƠN

.