Đà Nẵng cuối tuần
Di sản của quá khứ
Đô thị đâu chỉ là những tòa nhà chọc trời. Đô thị còn ẩn chứa trong đó tâm hồn, văn hóa, lịch sử của cư dân ở đó. Tất cả tiềm tàng trong những công trình kiến trúc, không gian sống và cả những đặc trưng văn hóa khác.
Nhà ga chợ Hàn chỉ còn trong ký ức người già. Ảnh: T.Đ.T |
1. Tôi ngồi cà phê với bạn và nhắc đến hai chiếc phà từng qua lại sông Hàn Đà Nẵng hàng mấy chục năm cho đến năm 2000 mới ngưng hoạt động khi chiếc cầu qua sông vừa hoàn tất. Qua lại những chuyến phà ấy là công nhân, nông dân, học sinh, người dân từ quận Ba (quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ngày nay). Xem phóng sự truyền hình của nhà văn Hồ Trung Tú về chuyến phà cuối cùng năm 2000, ai cũng xúc cảm với hình ảnh những nữ sinh áo dài trắng và mái tóc lất phất bay trong gió sông Hàn hay những bà mẹ nghèo quang gánh trở về sau buổi chợ chiều. Dạo trước đó, qua lại trên phà, tôi từng chứng kiến một trung niên mù cầm đàn guitar hát những bài bolero não lòng để cầu mong một món tiền độ nhật, những chị hàng rổi kĩu kịt gánh cá biển chen chúc cho kịp phiên chợ…
Người dân hai bên bờ sông Hàn và cả khách nhàn du chắc chắn đã có nhiều kỷ niệm! Thế rồi khi có một chiếc cầu, nhiều chiếc cầu bắc qua sông… người ta đã quên mất những chuyến phà thân thuộc ấy.
Một anh bạn nói khi nâng cốc cà phê đã kể rằng, doanh nghiệp X đã mua một trong hai chuyến phà ấy, cải tạo thành tàu du lịch vài năm. Không biết bây giờ đã chuyển đi đâu! Một chị bạn là bác sĩ người “quận Ba” nói: Chỉ cần xây một cầu tàu nhỏ, tìm lại chiếc phà cũ, phục hồi nó và neo ở đó. Sẽ có khối người - trong đó có nhiều Việt kiều hay những du khách từng có kỷ niệm với Đà Nẵng đến đó chụp ảnh và có thể trả một khoản tiền… sẽ ý nghĩa biết bao! Họ sẽ nhớ lại một thời Đà Nẵng và cả họ nghèo khó, bươn chải với cuộc sống như thế nào. Họ sẽ yêu thêm dòng sông, yêu thêm con phà và yêu thành phố họ đã sống biết bao…
Những đứa trẻ lớn lên, đến thăm chiếc phà “di tích” ấy, chắc sẽ hiểu và yêu thương hơn thành phố này!
Một dạo tôi thăm nước Úc. Khi ghé bảo tàng hàng hải trên bến cảng Darling, tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi phải trả 12 Aud (đô Úc) để vào thăm khu trưng bày những tàu đánh cá Đông Nam Á; trong đó có một chiếc tàu mang biển số DNa của Đà Nẵng! Thì ra chiếc tàu này họ lặn lội tìm mua lại của những thuyền nhân và trưng bày tại đây! Còn ta? Ta có vô vàn những ký ức chung quanh hai chiếc phà qua sông Hàn, sao lại bỏ đi!
Viết đến đây, tôi liên tưởng đến những chiếc ghe đò đưa khách vượt hạ lưu sông Thu Bồn qua Cẩm Kim, Duy Nghĩa… Khi những chiếc cầu hiện đại đã bắc qua Thu Bồn, Trường Giang. Những chiếc thuyền gỗ đưa khách thời cơ cực ấy nếu được giữ lại cho một bảo tàng, bên cạnh những thúng chai, những tấm lưới của nghề câu, nghề đánh cá ven sông thay vì phải phục chế như chiếc ghe bầu xứ Quảng trên sông Hoài, thì ý nghĩa biết mấy! Đó sẽ là bài học trực quan sinh động, đầy ý nghĩa giáo dục cho bao thế hệ tương lai của chúng ta, thay vì phải ngồi xem phim tư liệu!
2. Lại nói về sông Hàn.
Cái đất mang tên Hiện Cảng ngày xưa trở thành phố Hàn, phố Tourane tất nhiên là hệ quả hiển nhiên khi cửa Thu Bồn ra biển của cảng thị Hội An bị bồi lấp. Tourane thời Toàn quyền Paul Doumer mới qua chỉ có 12 ngôi nhà gạch do người Pháp xây dựng dọc con đường ngày nay là Bạch Đằng còn là đường đất! Paul Doumer xây dựng cảng Đà Nẵng, mở đường sắt xuyên Việt và sau đó dưới thời vị toàn quyền kế tiếp đã cho phép xây thêm một đường xe lửa nối Đà Nẵng vào năm 1905 (trên nền con đường Đà Nẵng - Hội An ngày nay). “Đường rầy xe lửa” này chạy hết 1 giờ từ Hội An ra Đà Nẵng, qua hai ga Tiên Sa và ga Hội An bây giờ…
24 năm rồi, người Đà Nẵng cũng như du khách muôn phương không còn trông thấy các chuyến phà qua sông nữa. Ảnh: T.Đ.T |
Một nhánh đường xe lửa khác xây dựng sau đó chạy qua ga chợ Hàn nằm ngoài mép sông cạnh cầu cảng số 7, để sang Tiên Sa bằng cây cầu De Latte từ năm 1951. Chính nhà ga và chợ Hàn này đã tạo nên một khu phố cổ và nhiều nhà kho chung quanh trục Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Phạm Phú Thứ, Trần Phú ngày nay. Ở đó, ngoài các thương nhân người Hoa còn có các thương hiệu kinh doanh sắt thép, nông sản, vận tải lớn như Ninh Thái, Lý Thế Hoành, Dũ Thái, Trương Công Huynh Đệ và cả hiệu sách Việt Quảng, hiệu vàng Kim Thành… nổi tiếng một thời trong những ngôi nhà theo mẫu kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX…
Như vậy, cảng Sông Hàn, tuyến xe lửa ấy đã góp phần tạo ra một chợ Hàn và một khu thương mại phồn thịnh bậc nhất của Tourane được hình thành, kéo dài từ sau năm 1915... Sau bao biến thiên, khu thương mại và nhà ga chợ Hàn vẫn tồn tại cho đến cuối năm 2000. Nhà ga cũ cũng bị phá đi khi mở rộng đường Bạch Đằng sau đó…
Tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng đã mang lại cho thành phố một diện mạo mới nhưng tiếc thay những cảnh quan và các kiến trúc đã góp phần tạo ra diện mạo đô thị đầu tiên dọc bờ sông đó đã không còn. Đà Nẵng vô tình đã làm mất đi những di tích vật thể đã tồn tại cả 100 năm trước đó!
Theo KTS Hoàng Sừ, năm 1996 ông từng nêu vấn đề với Hội đồng Kiến trúc-quy hoạch Quảng Nam - Đà Nẵng là cần giữ lại các đặc trưng kiến trúc Bạch Đằng - Trần Phú mang dấu ấn Pháp, còn mở rộng và hiện đại thì nên chuyển về bờ Đông… Đô thị đâu chỉ là những tòa nhà chọc trời. Đô thị còn ẩn chứa trong đó tâm hồn, văn hóa, lịch sử của cư dân ở đó. Tất cả tiềm tàng trong những công trình kiến trúc, không gian sống và cả những đặc trưng văn hóa khác.
Phát triển đô thị có quy luật riêng của nó. Nhà kiến trúc nổi tiếng Pháp là Marcel Poete từng tham gia quá trình quy hoạch Đông Dương từng cảnh báo: “Quy hoạch đô thị theo cách của người vẽ bản đồ, đem số phận của các thành phố vào trong các khái niệm tuyến tính thuần túy. Đó là một hạn chế!” và “Quy hoạch đô thị không đơn giản như thế. Đó là một sinh vật luôn tồn tại mà chúng ta phải nghiên cứu trong lịch sử và hiện tại của nó, để có thể phân biệt mức độ tiến hóa của nó, một sinh vật sống trên mặt đất và nhờ vào đất. Có nghĩa là ta cần phải nối các dữ liệu địa lý, địa chất với kinh tế và lịch sử của nó” (Quy hoạch Đô thị và kiến trúc ở Đông Dương, trang 30)
Xin hãy đừng lãng quên những di sản của quá khứ!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG